Nhớ lần nhạc sỹ Nguyễn Ánh 9 về thành Vinh

(Baonghean.vn)- Xin gửi đến ông một tình yêu và niềm thương mến. Mong ông vượt qua cơn bạo bệnh, để còn nghe những người yêu ông còn hát trên môi: “Tình yêu đến trong giã từ”.

 Thành phố Vinh đã thôi mưa, kể từ khi Nguyễn Ánh 9 đáp xuống phi trường Vinh. Tôi không sử dụng cụm từ “sân bay”, mà dùng lại cụm từ “phi trường” của chính Nguyễn Ánh 9, khi ông tâm sự với mọi người trong phòng trà Sonata, trong đêm nhạc có chủ đề “Tình khúc chiều mưa”, vào mùa thu năm ngoái.

Chỉ cần hai từ ấy thôi, đã cho thấy Nguyễn Ánh 9 là người đàn ông khác nhiều lắm với đa số chúng ta, những thị dân của TP Vinh – Ông là một nghệ sĩ, một trí thức và một nhân cách sinh ra, lớn lên và thành danh ở miền Nam, từ trong chế độ cũ…

Đêm nhạc Nguyễn Ánh tại Vinh tháng 10 năm 2015
Đêm nhạc Nguyễn Ánh tại Vinh tháng 10/ 2015.

Đấy là người đàn ông nhỏ bé, gầy, khiêm nhường và tài hoa. Lần đầu tiên ông đến và chơi đàn ở một vùng đất vừa kỉ niệm 85 năm Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Khán giả đến nghe ông đàn, nghe các ca sĩ trong ê-kíp của ông đến từ thủ đô Hà Nội hát những tình khúc tuyệt vời của ông, hầu hết là con, cháu, chắt, chiu của những nông dân cách đây 85 năm vùng lên đấu tranh đòi quyền sống, đòi: “Bãi bỏ thuế thân”, “Chia lại ruộng đất”, “Thả tù chính trị”, “Đả đảo đế quốc, phong kiến”… Có lẽ chính vì thế, mà ông nói rằng, ông rất hồi hộp, bối rối khi được khán giả giành cho ông nhiều tràng vỗ tay đến vậy…

Nhạc sỹ Nguyễn Ánh 9 tại đêm nhạc
Nhạc sỹ Nguyễn Ánh 9 tại đêm nhạc. Ảnh: Sách Nguyễn.

Những thị dân Thành phố Đỏ anh hùng đã đặt trước mặt ông một cây đàn piano điện, mà mãi đến giữa buổi, ông mới dè dặt nói rằng “Nếu hôm nay không phải là cây đàn điện, mà là một cây dương cầm thực thụ, thì tôi chơi đàn còn thăng hoa rất nhiều”. Ông nói điều này rất nhỏ, dường như ông sợ làm tổn thương mọi người đang chăm chú nghe ông…

Nhưng, dù là với cây đàn piano điện đơn sơ, ông đã cống hiến cho khách phòng trà những dòng suối âm thanh dào dạt, trữ tình, mỹ mãn. Tôi không thể ngờ rằng, cây đàn piano điện lại có thể có được những âm thanh tuyệt đến như vậy… Trong ống kính máy ảnh của tôi, Nguyễn Ánh 9 rụt rè thu mình ở góc trái sân khấu, và nữ ca sĩ Ngọc Châm váy đỏ nồng nàn, dường như biết rõ điều đó, cô thường tiến gần nơi ông đang đệm đàn, để hát…

Ca sỹ Ngọc Châm hát trong tiếng đệm đàn của nhạc sỹ Nguyễn Ánh 9 tại T.P Vinh
Ca sỹ Ngọc Châm hát trong tiếng đệm đàn của nhạc sỹ Nguyễn Ánh 9 tại T.P Vinh. Ảnh: Sách Nguyễn.

Vậy là, cái sân khấu chật chội chứa toàn nhạc cụ, bỗng dưng như thừa thãi và rộng rênh, chỉ trừ cái góc trái nơi có Nguyễn Ánh 9 cùng cây đàn điện, cùng một bó hoa tươi… Nam ca sĩ Tuấn Hiệp cũng thế và cô Thương hát nghiệp dư cũng thế, giống như Ngọc Châm, đều hướng về người đàn ông mà họ gọi là “Bố”… Giọng hát của cả 3 người được tiếng đàn của Nguyễn Ánh 9 bù đắp lại tất cả.

Bản đàn độc tấu duy nhất, “Không”, Nguyễn Ánh 9 trình diễn, chắc có lẽ, đó là một trong những lần trong đời, ông chơi nó một cách xuất thần, mê say đến vậy. Âm nhạc tuôn chảy, tưởng như có thể xuyên qua được những dầm, trần bê tông sơn màu đen tuyền, và các cánh cửa kính sáng boong; và có thể thấm sâu vào trong từng thổn thức của những trái tim đã từng yêu và đau khổ. Không, tôi không còn yêu em nữa! Tình mình có nghĩa gì đâu. Tình mình đã lắm thương đau. Tình mình gian dối cho nhau. Thôi đành hẹn lại kiếp sau…

ảnh ca sỹ
Nhạc sỹ Nguyễn Ánh Chín nồng nàn với đêm thành Vinh cách đây 1 năm, Ảnh: Sách Nguyễn

Giờ đây, nhạc sỹ Nguyễn Ánh 9 phải nhập viện cấp cứu, bác sỹ nói rằng cần phải có một cuộc phẫu thuật. Bao nhiêu năm đàn hát mang cho người niềm vui nỗi buồn, chia sớt yêu thương. Nhưng rồi, người đàn ông tài hoa lịch lãm đã kiệt sức bởi chứng nghẹt phổi... Nhưng ông vẫn còn trái tim đầy ắp yêu thương nồng nàn với cuộc đời này, trong các bài ca bất hủ của mình...

Thị dân thành phố Đỏ anh hùng của chúng ta, dù có thể ai đó đã thôi không hồi ức nữa về những năm tháng của mỗi người, đã qua đi, nhưng vẫn còn nhớ hoài câu hát của ông:  “Em hỡi xin hãy quên hết cay đắng tình đời… Theo với năm tháng cuộc tình cũng sẽ phai đi...”. Xin gửi đến ông một tình yêu và niềm thương mến. Mong ông vượt qua cơn bạo bệnh, để còn nghe những người yêu ông còn hát trên môi: “Tình yêu đến trong giã từ”.

        Hoài Quân

tin mới

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

(Baonghean.vn) - Quốc Lộ 48A như dải lụa mềm vắt qua thị trấn Tân Lạc, huyện miền núi Quỳ Châu có hai con dốc khá nổi tiếng là Kẻ Lè và Bù Bài. Để tạo mỹ quan cho cửa ngõ thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu từ đầu năm nay đã tổ chức thành công đường hoa trên dốc Kẻ Lè.

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

(Baonghean.vn) - Lễ hội Môn Sơn - Lục Dạ là một trong những lễ hội độc đáo và mang đậm bản sắc văn hóa của người dân tộc Thái ở huyện Con Cuông. Bên cạnh cảnh đẹp thiên nhiên, Môn Sơn còn níu chân du khách bởi bản sắc văn hóa độc đáo của người dân nơi đây.

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

(Baonghean.vn) - Cứ mỗi độ tháng 4 về, những bông cúc biển lại tỏa sắc rực rỡ. Vẻ đẹp riêng của loại hoa được xem là biểu tượng du lịch Cửa Lò khiến cho các thiếu nữ không thể bỏ lỡ với mong muốn lưu lại những tấm hình làm kỷ niệm.

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

(Baonghean.vn) - Ngày 15/4, tại thành phố Hạ Long, Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phối hợp với tỉnh Quảng Ninh khai mạc lớp bồi dưỡng “Văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam: Vai trò của sáng tạo, lý luận, phê bình và quảng bá”.

Bệnh tan máu bẩm sinh

Sàng lọc, phòng ngừa bệnh tan máu bẩm sinh

(Baonghean.vn) - Bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) là bệnh di truyền và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của người bệnh và cả chất lượng dân số. Tại Nghệ An, dù đã được tuyên truyền thường xuyên nhưng số người mắc bệnh vẫn còn khá cao, nhất là ở các huyện miền núi.