Nhớ lời Bác dạy: Dân vận phải khéo

15/10/2017 07:20

(Baonghean.vn) - Trong quá trình tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc, giành độc lập tự do cho nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến công tác dân vận. Bác đã chỉ rõ rằng quần chúng nhân dân là chủ thể của cuộc cách mạng, là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của sự nghiệp cách mạng Việt Nam.

Thực chất của công tác dân vận là xây dựng mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân. Dân là nguồn gốc của sức mạnh, là lực lượng vô địch của Đảng để vượt qua mọi khó khăn, để chiến thắng mọi kẻ thù và hoàn thành sự nghiệp cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Trong bài báo “Dân vận” năm 1949, Bác Hồ đã chỉ rõ Dân vận là gì? “Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân, không để sót người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và đoàn thể giao cho”.

Bác Hồ luôn coi trọng công tác dân vận. Ảnh tư liệu
Bác Hồ luôn coi trọng công tác dân vận. Ảnh tư liệu

Dân vận là phát huy truyền thống anh hùng cách mạng của dân tộc, là phát huy trí tuệ của toàn dân, nghe dân nói, bàn bạc với dân, tôn trọng dân, học hỏi kinh nghiệm cùng với nhân dân xây dựng kế hoạch từng việc sao cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của từng địa phương, cơ sở đạt kết quả thiết thực.

Bác Hồ yêu cầu: Tất cả cán bộ, đảng viên trong mọi tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân từ Trung ương đến địa phương, cơ sở đều phải làm công tác Dân vận theo nhiệm vụ chuyên môn của mình.

Học tập và làm theo những điều Bác Hồ dạy trong suốt quá trình cách mạng, Đảng ta đã làm tốt công tác dân vận, đưa đất nước ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách giành từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Thực tế cho thấy, ở đâu và lúc nào làm tốt công tác dân vận thì tập hợp được quần chúng nhân dân, tích cực tham gia và đạt kết quả toàn diện, vững chắc. Ngược lại, nơi nào xem nhẹ công tác dân vận, cán bộ xa rời quần chúng nhân dân, quan liêu, cửa quyền, thiếu trách nhiệm, thiếu đạo đức, không lắng nghe, tôn trọng và không quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng, lợi ích của quần chúng nhân dân… thì nơi ấy sẽ rất khó thực hiện đúng và đưa ra chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước đến với người dân, sẽ không thể nào có kết quả cao.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm hỏi nông dân Hợp tác xã Hùng Sơn (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) đang gặt lúa, năm 1954.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm hỏi nông dân Hợp tác xã Hùng Sơn (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) đang gặt lúa, năm 1954. Ảnh tư liệu

Trong chúng ta có ai đó dù có học thuộc lòng từng câu, từng chữ về chủ trương, chính sách, nghị quyết của Đảng, nhưng không biết cách tiếp cận quần chúng nhân dân, không làm tốt công tác giải thích, tuyên truyền vận động nhân dân, không có việc làm thực tế vì cuộc sống thiết thân của nhân dân và không làm cho dân tin, dân hiểu thì người đó vẫn còn xa lạ với tư tưởng, quan điểm dân vận mà Bác Hồ đã dạy.

Bác Hồ và Đảng ta luôn nhắc chúng ta: Nước lấy dân làm gốc, dân lấy cuộc sống làm đầu, chế độ ta là chế độ của dân, do dân. Dân theo Đảng đứng lên đánh đuổi kẻ thù giành lấy chính quyền mà có được. Các cấp chính quyền và đoàn thể từ Trung ương đến địa phương, cơ sở là do dân bầu, dân cử ra. Do vậy, mỗi cán bộ phải vì dân, hết lòng phục vụ mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.

Bà con làng Sen, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn (Nghệ An) đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm lại quê nhà năm 1957.
Bà con làng Sen, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn (Nghệ An) đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm lại quê nhà năm 1957. Ảnh tư liệu

Đảng ta đã có nghị quyết về công tác dân vận, đề ra phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Nếu làm tốt phương châm này thì đó chính là thiết thực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh. Những điều Bác dạy trong bài báo “Dân vận” tháng 10/1949 là khẳng định bản chất của chế độ ta. Thực hiện đúng lời dạy của Bác là đem lại hạnh phúc cho nhân dân. Đó là tiêu chuẩn trung thành với chế độ, với Đảng, với Bác, với Tổ quốc và dân tộc.

Để mỗi cán bộ, đảng viên thật sự xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân, thiết nghĩ tự mỗi người cần thường xuyên học tập và làm theo lời dạy của Bác Hồ: Dân vận kém thì việc gì cũng kém, dân vận khéo thì việc gì cũng thành công. Những quan điểm đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh thực sự là nền tảng tư tưởng, lý luận đã được Đảng ta tiếp thu và vận dụng trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng và là phương hướng phấn đấu của Đảng ta trong giai đoạn hiện nay.

Thái Bình

(Tổng hợp)

TIN LIÊN QUAN

Nhớ lời Bác dạy: Dân vận phải khéo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO