Nhớ những ngày Thu tháng Tám
(Baonghean) Những ngày Thu này của 67 năm về trước, dưới ngọn cờ lãnh đạo tài tình của Đảng mà đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả dân tộc ta đã cùng "rũ bùn đứng dậy chói loà" làm nên cuộc Cách mạng tháng Tám long trời lở đất. Ở tuổi đôi mươi, với lòng yêu nước và ý thức trách nhiệm trước vận mệnh của dân tộc, hàng ngàn thanh niên xứ Nghệ đã đem hết tài năng, sức lực và trí tuệ đưa lịch sử sang trang...
Trong căn nhà cấp 4 ở xóm 24, xã Nghi Phú (TP. Vinh), chiếc đài bán dẫn vang lên lời bài ca cách mạng “Mười Chín tháng Tám”, người cán bộ tiền khởi nghĩa, vị đại tá già Nguyễn Đồng lại rạo rực nhớ về ngày thu tháng Tám năm 1945 - khi ông cùng nhân dân làng Dương Liễu, tổng Nam Kim, huyện Nam Đàn (nay là xã Nam Trung, Nam Đàn) rầm rập kéo nhau đi cướp chính quyền ở huyện. Ông nhớ lại: “Thời kỳ đó, 30 thanh niên trong xã dưới sự lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Trọng Trường hoạt động dưới mô hình như đội tự vệ đỏ của phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930. Do yêu cầu của tổ chức nên đội hoạt động hết sức bí mật, chủ yếu sinh hoạt vào ban đêm. Mọi người trong đội tự trang bị vũ khí, chủ yếu là dao găm, giáo mác. Lúc đó, Nguyễn Đồng được phân công làm cán bộ trung đội trưởng, vào Đoàn Thanh niên cứu quốc rồi làm bí thư đoàn và tham gia Ban chấp hành Việt Minh của làng.
Sau Cách mạng tháng Tám, ông được phân công tham gia giảng dạy lớp bình dân học vụ. Năm 1947, ông vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng và được phân công đi học quân sự của huyện. Năm 1950, ông được cử đi học lớp chính trị viên đại đội rồi gia nhập quân đội, tham gia Chiến dịch Hòa Bình (1951), Chiến dịch Thượng Lào, Điện Biên Phủ. Kết thúc kháng chiến chống Pháp, ông có 10 năm làm việc ở Tổng cục chính trị trước khi tham gia chiến trường B. Thống nhất đất nước, ông về địa phương đảm nhận nhiều chức vụ trong quân đội.
Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, giàu truyền thống yêu nước ở xã Thanh Hưng, Thanh Chương, đại tá Nguyễn Cảnh Thìn sớm giác ngộ cách mạng. Bố ông là đội trưởng đội tự vệ đỏ thời kỳ Xô viết Nghệ Tĩnh 1930-1931, bị địch sát hại khi ông mới lên 4. Mẹ mất sau đó ít năm, mồ côi cả cha lẫn mẹ, cậu bé Thìn phải đi ở đợ cho người làng.
Dù không biết chữ, không được học hành nhưng may mắn được làm công cho người làng vốn là đảng viên 1930-1931 nên ông sớm giác ngộ cách mạng. Năm 1944, Nguyễn Cảnh Thìn gia nhập Đội thanh niên cứu quốc của xã. “Lúc đó, khái niệm về Việt Minh, về cách mạng còn rất mơ hồ, chỉ biết rằng đó là tổ chức của những người yêu nước, làm cách mạng là phải đánh đuổi thằng Tây, lật đổ chính quyền phong kiến, tự giải phóng mình khỏi cái đói, cái nghèo, khỏi xiềng xích áp bức... nên tôi theo”, ông kể.
Với suy nghĩ đó, khi khẩu hiệu “Nhật-Pháp đánh nhau và hành động của chúng ta” được tuyên truyền rộng rãi trong quần chúng nhân dân, ông được giao nhiệm vụ là đội trưởng đội tự vệ thế đội 2 chỉ huy hàng trăm người hậu thuẫn cho thế đội 1 cướp chính quyền ở huyện. Tháng 5/1950, ông vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Tháng 6/1950, ông nhập ngũ tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, Chiến dịch Thượng Lào, sau đó công tác tại Trường Nghiệp vụ chính trị của Tổng cục Chính trị cho đến lúc về hưu.
Còn với đại tá Cao Tiến Tá, những ngày toàn dân làng Đông Phái, xã Diễn Hoa (Diễn Châu) tập hợp lực lượng kéo nhau cướp chính quyền xã, huyện năm 1945 mãi là ký ức không thể phai mờ. “Năm 1945, ông tròn 20 tuổi, tham gia cách mạng tròn 2 năm, lại được sự dẫn dắt của anh trai Cao Danh Giá (một trong những người đầu tiên tham gia thành lập tổ chức Việt Minh làng Đông Phái) nên Cao Tiến Tá hoạt động rất tích cực. “Đêm đó, nhận được lệnh, tôi cùng đồng chí Trần Nẫm (đảng viên 1930-1931) chạy bộ hàng ki-lô-mét để truyền lệnh khởi nghĩa cướp chính quyền cho các xã trong tổng; tập hợp anh em trong đội tự vệ chuẩn bị vũ khí (giáo mác, gậy gộc); tập hợp nhân dân biểu tình, thị uy. Cả làng kéo nhau ra đình, tiếng chân người rầm rập, tiếng mõ, tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng người hô to khẩu hiệu vang dậy cả làng quê. Lý trưởng, hương kiểm hoảng loạn chạy lên phủ để thoát thân bị dân làng giữ lại, bắt giao nộp con dấu, sổ sách... Cờ đỏ sao vàng được cắm trên ngọn đa đầu làng, Đông Phái trở thành “nơi đi đầu dậy trước” để các làng lân cận như Phượng Lịch, Trung Hậu, Trường Khê, Hậu Lộc nhất tề đứng lên. Trước khí thế ào ạt của toàn dân, tri huyện bàn giao con dấu, đội bảo an giơ tay xin hàng giao nộp toàn bộ vũ khí; bang Huân, bang Trân, những kẻ phạm tội đàn áp người dân trong phong trào Xô viết Nghệ - Tĩnh bị đem ra xử bắn. Chính quyền mới được tuyên bố thành lập và ra mắt toàn dân...”, đại tá Cao Tiến Tá bồi hồi nhớ lại.
Dấn thân vào những ngày bão táp cách mạng đó, có hàng ngàn thanh niên xứ Nghệ từ nông thôn tới thành thị, từ miền ngược tới miền xuôi với trái tim hừng hực nhiệt huyết đã giữ vai trò nòng cốt từ trong các đoàn thể quần chúng đến lực lượng vũ trang. Trong số họ, có người là đảng viên, có người đang là quần chúng; có người xuất thân từ gia đình quan lại, tư sản, có người xuất thân thợ thuyền, bần nông; có người là học sinh sinh viên và cũng có người chưa biết chữ... nhưng với lòng yêu nước và ý thức trách nhiệm trước vận mệnh của dân tộc, hàng ngàn thanh niên xứ Nghệ đã góp công rất lớn vào việc giành chính quyền về tay nhân dân.
Thanh Phúc