Nhớ những thầy, cô giáo xứ Nghệ

Nhà văn Sương Nguyệt Minh

Theo dõi Báo Nghệ An trên Google News
(Baonghean.vn) - Tôi là người hay sống bằng ký ức. Ký ức lúc u hoài âm thầm xa lắc, lúc xốn xang tươi rói như vừa mới hôm qua. có một thời đi học, có những cái Tết mãi mãi không quên thỉnh thoảng xôn xao trở lại. Trong cái ngổn ngang mà êm đềm xưa cũ ấy, lòng tôi vẫn ám ảnh, nhớ nhung những thầy, cô dạy tôi nên người quê ở xứ Nghệ rất xa xôi.

Xứ Nghệ bây giờ rất gần gũi với đất Ninh Bình quê tôi. Gần đến mức từ Ninh Bình vượt qua đất Thanh vài tiếng đồng hồ chạy ô tô là tới. Gần tới mức đường sá từ nhà tôi vào Quỳnh Lưu quê thầy Bích, chủ nhiệm lớp dạy Toán năm xưa cũng chỉ ngang bằng với từ nhà tôi ra Hà Nội. Vậy mà, cái thời tôi đi học phổ thông hơn 40 năm về trước thì cứ nói đến xứ Nghệ là thấy xa xôi ngàn trùng. Cái tên thành phố Vinh, huyện Nam Đàn quê Bác, rồi Quỳnh Lưu, Diễn Châu... cứ xa ngái, huống hồ là các huyện Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong ở miền Tây Nghệ An vời vợi. 

Tôi gặp những người xứ Nghệ đầu tiên ấy là đoàn sinh viên Trường Đại học Sư phạm Vinh về trường thực tập. Có dễ nửa thế kỷ đã đi qua rồi. Dạo ấy, lũ học sinh khối 8 chúng tôi gánh những gánh đất đầu tiên đổ nền lớp học ở bãi đất Tiên Nông - Yên Mạc. Trường mới thành lập cái gì cũng thiếu. Một bãi cỏ hoang. Một cây sồi cổ thụ xanh lá. Lớp học làm bằng tranh tre, nứa lá. Mỗi học sinh góp 30 cái tranh lợp mái; gỗ làm cột, kèo và luồng thì hình như của huyện cấp. Thầy trò chúng tôi đào đất đắp nền rộng ra lại được thêm cái ao; cái ao này càng ngày càng to, bởi học sinh các khóa sau tiếp tục đào và vượt nền. Bọn học trò đều xuất xứ nhà nông - bố đi cày, mẹ đi cấy, anh đi đánh dậm, chị đi móc cua; tiếng là con nhà lực điền nhưng đứa nào cũng: Gầy. Yếu. Lẻo khoẻo. Mặt xanh rớt như lá mùng tơi. Cả làng đói. Cả xã đói. Dạo ấy, cả miền Bắc cũng đói. Gánh đất san nền lớp học mà có đứa đói quá mặt tái nhợt ngất xỉu, sảo đất đổ ụp lên chân, lên bụng.

Một lớp học trong thời chiến. Ảnh minh họa: Tư liệu
Một lớp học trong thời chiến. Ảnh minh họa: Tư liệu

Một buổi sáng thứ Hai chào cờ đầu tuần, tôi đi học muộn. Đi học muộn là bởi ra Giêng, trời se se lạnh, dọc đường mải ngắm đất trời, nhìn sông núi. Đầu óc thơ thới nhìn những cành đào phai vườn nhà tôi nở muộn mới bung cánh hồng phơn phớt. Nhìn cây nêu nhà ai Tết vãn chưa kịp hạ vẫn đung đưa lá bùa trước gió, chuông đất nung đuổi tà ma treo trên ngọn vẫn kêu cung... cuông. Chợ huyện vắng vẻ, đìu hiu, sạp ghế bàn trơ trỏng. Mới trước Tết, ở cổng chợ, dưới gốc bàng lá đỏ, người ta bày ra bán tranh Đông Hồ in trên giấy điệp; rồi nào ông bán tò he ngủ gật, chị bán kem thỉnh thoảng lại bóp còi tí e... Trong chợ san sát các hàng gạo nếp, đậu xanh, mộc nhĩ, nấm hương và cả hàng lá dong, ống giang bán cho người ta gói bánh chưng... Vậy mà, ra Giêng rét mướt, người dân quê tôi đổ ra đồng làm ruộng, chợ phiên chưa đến, quạnh hiu quá. Trong lòng cậu bé học trò là tôi cứ thấy nhớ nhung, thấy bâng khuâng tiếc nuối cái Tết vừa mới đi qua.

Giật mình, biết muộn giờ chào cờ, tôi co cẳng chạy đến lớp thì sân trường đã nghìn nghịt học sinh ngồi xếp hàng ngay ngắn. Tôi hớt hải, lủi vào hàng ngồi cuối. Trấn tĩnh, ngước nhìn lên mới thấy bên phải cột cờ là mấy hàng ghế các thầy, cô quen thuộc của trường mình đang ngồi, còn bên trái là hơn ba chục anh, chị trẻ măng, lạ hoắc. Và một anh cũng lạ hoắc dong dỏng cao đang hát, hát bằng giọng xứ Nghệ: “Tiếng ai hò trên quê ta đó nhặt khoan/ Ấy tiếng dân quân luyện tập giữ làng/ Giữ trời Xô viết Nghệ An/ Ôi dòng nước sông Lam chảy từ trên ngàn/ Qua những Anh Sơn, Thanh Chương, Nam Đàn/ Còn nghe, còn nghe tiếng hò ngày xưa vọng vang/ Ơ chứ nước sông Lam biết khi mô cho cạn/ Cũng như tinh thần cách mạng của dân ta/ Dù cho bão nổi mưa sa/ Nghệ An Xô viết vẫn là Nghệ An...”. Anh ấy hát vo. Giọng cao vút. Rất đắm say. Lũ học trò trẻ trung chúng tôi ngồi ở dưới há hốc miệng ra nghe. Về sau, tôi mới biết đấy là bài hát “Tiếng hò trên đất Nghệ An” của nhạc sĩ Tân Huyền. 

Sinh viên Trường ĐHSP Vinh tự làm dụng cụ để tham gia sản xuất với nhân dân. Ảnh: ĐHV
Sinh viên Trường ĐHSP Vinh tự làm dụng cụ để tham gia sản xuất với nhân dân. Ảnh: ĐHV

Anh thanh niên hát vo giọng xứ Nghệ ấy chính là 1 trong hơn 30 nam sinh, nữ sinh Trường Đại học Sư phạm Vinh về Trường cấp 3 Yên Mô của tôi thực tập. Sau buổi chào cờ hôm ấy, chúng tôi cũng gọi các anh, chị sinh viên thực tập là... thầy, cô. Các thầy, cô trẻ trung, sôi nổi như làn gió mới thổi đến cái trường huyện đơn sơ, nghèo khó và bình dị. Các thầy, cô thay giáo viên cũ tập làm chủ nhiệm lớp, rồi dự giờ giảng. Lúc đầu, ngồi dưới lớp, ngồi hàng ghế cùng nghe các thầy, cô cũ giảng bài; sau đó các thầy, cô mới tập giảng. Bọn học sinh chúng tôi chăm đi học hơn, đến lớp đúng giờ hơn, bởi không khí lớp học sôi nổi, xốn xang, tươi mới.

Chủ nhiệm lớp tôi là một nữ sinh Văn khoa. Gương mặt cô tươi tắn, xinh duyên dáng. Hàm răng ngọc ngà, và đôi mắt như biết nói, cô thân mật, gần gũi như chị gái. Giờ giải lao, các thầy, cô thường tổ chức những hình thức vui chơi phụ trợ. Nghỉ 15 phút giữa hai tiết học bài “Hịch tướng sĩ” của Trần Hưng Đạo, cô bảo: Lúc nãy, các em đã nghe cô nói nhiều về chiến tranh, giặc giã,... Bây giờ, Tết vừa qua, mùa Xuân đã tới, em nào thuộc bài thơ nào về mùa Xuân, hay Tết thì đọc cho cô và các bạn nghe để thay đổi không khí nào? Vài cánh tay ngập ngừng định giơ lên rồi lại hạ xuống. Có lẽ chẳng ai thuộc bài nào, hoặc thuộc mà e dè vốn là tính học trò nhà quê ngại ngùng không dám đọc. Cô lên “dây cót tinh thần” rằng, các em phải mạnh dạn lên, rằng các em phải tự tin thì sau này ra ngoài đời mới làm chủ được cuộc sống, rồi cô bảo, cô đọc tặng các em bài thơ Chợ Tết của nhà thơ Đoàn Văn Cừ: “...Người các ấp tưng bừng ra chợ Tết/ Họ vui vẻ kéo hàng trên cỏ biếc/ Những thằng cu áo đỏ chạy lon xon/ Vài cụ già chống gậy bước lom khom/ Cô yếm thắm che môi cười lặng lẽ/ Thằng em bé nép đầu bên yếm mẹ/ Hai người thôn gánh lợn chạy đi đầu/ Con bò vàng ngộ nghĩnh đuổi theo sau...”. Giọng xứ Nghệ âm vang. Lúc lên bổng, khi xuống trầm. Thật diễn cảm. Tôi học khá môn Văn, thuộc nhiều truyện và thơ, thường hay đọc thơ trên lớp trong giờ văn nghệ. Nhưng cũng là bài Chợ Tết, tôi đọc thì cứ trơn tuột, chẳng cảm xúc; còn cô đọc sao mà xúc động, da diết, bâng khuâng thế. Cô đọc đến đâu là các hình ảnh thằng bé chạy lon xon, cô yếm thắm, bà cụ bên miếu cổ, thời gian gội tóc, cụ đồ nho, rồi con bò vàng, con gà mào tiết thâm, mép đồi tranh, con trâu già vờ lim dim ngủ... cứ hiện lên ấm cúng, gần gũi đến lạ lùng...

Hết một tháng thực tập, đoàn sinh viên Trường Đại học Sư phạm Vinh lại ra đi. Cứ như đàn chim ríu rít ùa đến rồi đi. Chúng tôi đi bộ tiễn chân đến chợ Bút để xe ô tô đưa các thầy, cô ra Ga Gành lên tàu hỏa về Vinh. Lớp học hôm đó buồn thiu. Đứa nào cũng lặng lẽ, lòng bâng khuâng, nhớ nhung đến một cái gì đó vừa trôi qua rất nhanh mà không nắm bắt được. 

Vào đầu năm học lớp 9 đang yên lành thì Mỹ tuyên bố mở rộng chiến tranh ra miền Bắc. Chúng tôi đội mũ rơm đi học đường dài. Trăm ngàn nỗi lo, lo đi trâu không ăn lúa hợp tác, lo tát nước múc thêm con cua, con cá để đến bữa ăn gánh đỡ phần cơm độn khoai, độn sắn, lo học bài để thầy, cô không quở phạt; nhưng nỗi ám ảnh rợn người nhất là lúc qua cầu Bút, chỉ sợ bom Mỹ thả. Dưới nhà hầm trú ẩn nửa chìm, nửa nổi, ánh sáng lòa nhòa, chúng tôi vẫn say sưa học tập. Ngày ấy, nhiều thầy, cô giáo còn rất trẻ chưa xây dựng gia đình, ở một dãy nhà tập thể, phòng nọ sát vách phòng kia, trước cửa phòng thầy, cô nào cũng trồng đám rau muống, vài cụm mùi, thì là, húng...; tự nấu ăn. Học trò nhiều đứa hơn hai mươi tuổi, lớn tướng thỉnh thoảng hay ghé lại phòng các thầy, cô thì thụt nấu nướng. Tôi vẫn nhớ thầy Bích dạy Toán kiêm chủ nhiệm lớp tôi, quê ở Quỳnh Lưu (Nghệ An), mặt hơi rỗ hoa nhưng rất có duyên, rất đàn ông. Thầy viết chữ theo kiểu phăng te ri cứng cáp, phóng khoáng. Tính thầy hòa nhã, gần gũi học sinh; bọn học trò nữ rất mến thầy.

Ngoài dạy chữ, thầy giáo còn dạy học trò đan mũ rơm. Ảnh minh họa: Tư liệu
Ngoài dạy chữ, thầy giáo còn dạy học trò đan mũ rơm. Ảnh minh họa: Tư liệu

Cô Ý dạy Hóa, người xứ Nghệ, nhỏ nhắn, xinh xắn, nước da trắng như trứng gà bóc, rất hay cười và lành hiền. Thầy Châu dạy Trung văn cũng người xứ Nghệ thì cao, mặt vuông chữ điền. Thầy Châu về trường một thời gian thì thầy và cô Ý yêu nhau lúc nào chẳng biết. Tôi vẫn nhớ như in, cuối tiết Hóa học buổi sáng, cô ngập ngừng rào trước đón sau, rồi bảo: “Ba ngày nữa là cô đi lấy chồng. Chồng cô cũng là thầy dạy các em. Mời các em đến dự ngày cưới của cô, các em sẽ biết chồng cô là ai”. Cô cười e thẹn. Gương mặt ửng đỏ. Cả lớp tôi như ong vỡ tổ. “Thầy Châu!”; “Chúng em biết rồi”; “Thầy Châu”; “Cô Ý - Thầy Châu”; “Thầy Châu - Cô Ý”. Cô dúi tập thiếp mời vào tay lớp trưởng bảo chuyển giúp cho các bạn rồi nhoẻn cười, bước vội ra ngoài.

Còn thầy Thục cũng người xứ Nghệ thì dạy Lý. Thầy có nụ cười rất tươi, nước da trắng. Thầy Thục còn là thầy dạy chị thứ tư, chị thứ năm của tôi. Thầy lấy vợ là cô giáo Hải từ dạo cô dạy tôi hồi cấp hai. Ngày cưới thầy cô, chị tôi đạp xe chở tôi đi dự. Cưới và buổi tối ở hội trường. Trong cái đầu non nớt của tôi là những hình ảnh lạ lẫm: Phông chính có cắt chữ song hỉ và hai chữ cái T và H lồng vào nhau quấn quýt. Bên phải có câu khẩu hiệu “Vui duyên mới, thi đua dạy tốt, học tốt”. Bên trái là câu: “Hạnh phúc ngọt ngào, vì học sinh thân yêu”. Trên các bàn có bát hoa hồng ngắt ở vườn nhà trường cắm lẫn với hoa dại đồng nội. Một đĩa kẹo và bao thuốc lá Tam Đảo. Nước chè xanh rót ra từ ấm tích. Cô dâu mặc áo trắng quần lụa đen. Chú rể mặc quần phăng, áo sơ mi cũng màu trắng thắt cravat. Một đám cưới giáo viên trường huyện đơn sơ, bình dị mà ấm áp, hạnh phúc biết bao.

Chiến tranh. Giặc giã. Bom đạn liên miên rồi cũng đến hồi ngớt. 27 tháng 1 năm 1973, Hiệp định Paris về việc chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam. Miền Bắc im tiếng bom rơi, thầy trò chúng tôi lại lục tục trở về trường cũ học nốt kỳ hai đang dở dang... Miền Bắc im tiếng súng, nhưng miền Nam chiến tranh vẫn chưa hết hồi ác liệt. Cuối năm 1973 và đầu năm 1974, lớp 10B chúng tôi tiếp tục trống nhiều chỗ ngồi. Thầy Văn - Hiệu trưởng nhiều lần tổ chức các cuộc tiễn đưa học trò lên đường nhập ngũ. Chia tay bạn ra trận mà không nghĩ đến ngày bạn về; cứ động viên hẹn nhau đất nước thống nhất sẽ trở lại trường học nốt những bài dang dở.

Một tiết học thực hành với các dụng cụ đơn sơ. Ảnh minh họa: Tư liệu
Một tiết học thực hành với các dụng cụ đơn sơ. Ảnh minh họa: Tư liệu

Chúng tôi thường đứng chơi hoặc quần xe đạp quanh gốc cây sồi và nao nao buồn khi ngày chia tay chấm hết đời học sinh phổ thông. Tôi đã cần mẫn cầm dao nhíp khắc vào thân cây sồi: Chia tay tuổi học trò, ngày 31 tháng 5... Cây ứa trào nhựa ra như khóc. Trong phút giây bâng khuâng buồn, thầy giáo Bích chủ nhiệm đi ngang qua chợt thấy; thầy vỗ nhẹ vai tôi bảo: “Thầy chia sẻ nỗi buồn xa trường của em. Nhưng em hãy nghĩ, nếu như ai cũng khắc vào gốc cây sồi hàng trăm, hàng vạn con số chữ viết như em, thì cây sồi đau lắm”. Tôi cảm thấy mình có lỗi, lỗi đúng ngày cuối cùng xa trường. Bây giờ, vết khắc của tôi không còn nữa, gốc cây u sần đổ mồ hôi ra nhiều rồi.

Sau nhiều năm xa nhà, lo chuyện mưu sinh cơm áo, gạo tiền, chúng tôi mới tìm về trường cũ. Trường đây rồi, mà thầy xưa, bạn cũ ở đâu? Chắp nối, tìm kiếm mãi rồi chúng tôi cũng mời được thầy, cô đã từng dạy ngày xưa. Thầy Bích dạy Toán, cô Ý dạy Hóa, thầy Châu dạy Trung văn từ xứ Nghệ xa xôi cũng về trường cũ. Thời gian trôi nhanh như bóng câu qua cửa sổ. Mới ngày nào tóc trò còn xanh, tóc thầy cũng xanh mà bây giờ đã điểm bạc, đã bạc. Thầy Bích vẫn nhận ra tôi. Thầy còn nhớ cái dạo ra Giêng tôi nhập ngũ thầy đến tận nhà tôi chia tay. Thầy về quê ăn Tết thì nhận được tin tôi đi bộ đội. Thầy đi tàu hỏa từ Ga Cầu Giát đến Ga Gành quê tôi, rồi đạp xe đạp ngược chiều gió mùa Đông thổi về trường sớm chỉ để kịp gặp học trò trong ngày tòng quân, như thể không gặp thì mãi mãi chia tay. Thầy dúi vào tay tôi một cái bánh chưng lá đã héo khô gói từ trước Tết, nhưng vẫn thơm, mềm. Nước mắt tôi ứa ra bởi ân tình của người thầy xứ Nghệ. Thầy bảo: “Em đi chín về mười, rồi lại về trường đọc thơ cho thầy, cho bạn nghe nhé”. Bây giờ gặp lại, thầy vui vì chúng tôi đứa nào cũng trưởng thành.

Cô Ý vẫn nụ cười tươi như mấy chục năm về trước. Thầy cô nghỉ hưu về Vinh sống. Cô vẫn thường nghe đọc truyện đêm khuya và chương trình văn nghệ các buổi tối của Đài Tiếng nói Việt Nam. Cô bảo: Cô gọi điện cho thầy Văn, hỏi rằng, trường mình ngày xưa có học trò nào tên là Sương Nguyệt Minh viết về trường, về thầy cô, về bạn ngày xưa, nghe đài đọc mà thật như hiện ra trước mắt ấy? Cô bảo: Cứ nghe những bài ký của em về quê hương, về trường cũ trên đài là cô lại rưng rưng. Cô nhớ Tết đến, trước khi về quê kịp đón Giao thừa, các thầy, cô làm bữa tất niên sớm. Cô đi chợ Bút sắm Tết, cô mua bột nếp tươi đã xay và mật mía về làm bánh ngào. Bánh ngào Nghệ An quê cô giống như bánh mật quê tôi. Cô hẹn vào Vinh, cô sẽ làm bánh ngào cho các em ăn.

Quả thật, tôi không cắt nghĩa được vì sao các thầy, cô từ xứ Nghệ xa xôi mà cả đời dạy học lại dành cho Ninh Bình quê tôi, rồi nghỉ hưu mới về quê sống nốt phần đời còn lại? Ôi các thầy, cô xứ Nghệ kính yêu quá của tôi!.

tin mới

Nghệ An: Thông tin nổi bật ngày 26/3

Nghệ An: Thông tin nổi bật ngày 26/3

(Baonghean.vn) - Thường trực Tỉnh ủy chúc mừng Tỉnh đoàn Nghệ An nhân kỷ niệm ngày truyền thống; UBND tỉnh họp thường kỳ tháng 3; Nghệ An sẽ tổ chức tri ân các anh hùng, liệt sĩ, chiến sĩ Điện Biên; Công bố Chỉ số cải cách hành chính năm 2023… là những nội dung đăng tải trong ngày.

Chủ tịch UBND tỉnh: Tập trung hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm, thực hiện các dự án trọng điểm

Chủ tịch UBND tỉnh: Tập trung hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm, thực hiện các dự án trọng điểm

(Baonghean.vn) - Tại phiên họp UBND tỉnh thường kỳ tháng 3, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm; tháo gỡ khó khăn, tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm trên địa bàn.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thông chúc mừng Tỉnh đoàn Nghệ An nhân kỷ niệm 93 năm ngày truyền thống

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thông chúc mừng Tỉnh đoàn Nghệ An nhân kỷ niệm 93 năm ngày truyền thống

(Baonghean.vn) - Sáng 26/3, nhân kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2024), đồng chí Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy làm trưởng đoàn công tác của tỉnh đến thăm, chúc mừng Tỉnh đoàn Nghệ An.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Xây dựng, hoàn thiện pháp luật để phát huy tối đa mọi nguồn lực phát triển đất nước

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Xây dựng, hoàn thiện pháp luật để phát huy tối đa mọi nguồn lực phát triển đất nước

(Baonghean.vn) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các thành viên Chính phủ không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng pháp luật gắn với nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Nghệ An: Thông tin nổi bật ngày 25/3

Nghệ An: Thông tin nổi bật ngày 25/3

(Baonghean.vn) - Bí thư Tỉnh ủy kiểm tra công trình đường dây 500kV mạch 3; Khai mạc Hội khỏe Phù Đổng tỉnh Nghệ An lần thứ XX; Chung cư nội đô ở thành phố Vinh tăng giá mạnh… là những thông tin nổi bật trong ngày 25/3.

Nghệ An: Thông tin nổi bật ngày 24/3

Nghệ An: Thông tin nổi bật ngày 24/3

(Baonghean.vn) - Lễ hội Đền Chín Gian năm 2024; Vướng mắc trong giải phóng mặt bằng Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 7; Giao dịch vàng sôi động trở lại… là những thông tin nổi bật ngày 24/3.

Nghệ An: Thông tin nổi bật ngày 23/3

Nghệ An: Thông tin nổi bật ngày 23/3

(Baonghean.vn) - Xã Thanh Tiên đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; Thành lập Đoàn kiểm tra hoạt động chống khai thác hải sản bất hợp pháp; Hai cán bộ đoàn Nghệ An đạt giải thưởng Lý Tự Trọng cấp Trung ương… là những nội dung đáng chú ý đăng trên baonghean.vn ngày 23/3.

Nghệ An: Thông tin nổi bật ngày 22/3

Nghệ An: Thông tin nổi bật ngày 22/3

(Baonghean.vn) - Ngày 22/3 trên baonghean.vn có một số nội dung đáng chú ý: Khánh thành Dự án khôi phục, nâng cấp hệ thống Thủy lợi Bắc Nghệ An; Cảnh báo chiêu trò của tội phạm sử dụng công nghệ cao; TP. Vinh đề xuất thu phí dừng, đỗ xe trên trên một số tuyến đường chính...

Nghệ An tham dự Hội nghị 'Gặp gỡ Indonesia 2024'

Nghệ An tham dự Hội nghị 'Gặp gỡ Indonesia 2024'

(Baonghean.vn) - Ngày 22/3, tại thành phố Nha Trang, Bộ Ngoại giao phối hợp với Đại sứ quán Indonesia tại Việt Nam và Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa tổ chức Hội nghị "Gặp gỡ Indonesia năm 2024". Hội nghị là hoạt động hướng tới kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Indonesia.

Tìm giải pháp để du lịch cộng đồng, du lịch miền Tây Nghệ An phát triển toàn diện, nhanh và bền vững

Tìm giải pháp để du lịch cộng đồng, du lịch miền Tây Nghệ An phát triển toàn diện, nhanh và bền vững

(Baonghean.vn) - Vấn đề trọng tâm được đặt ra tại hội nghị liên quan đến các giải pháp dựa vào cộng đồng để làm du lịch; huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng du lịch; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, di sản; đẩy mạnh quảng bá du lịch; đào tạo nguồn nhân lực...

Xã Thanh Liên giữ vững lá cờ đầu ở huyện Thanh Chương

Xã Thanh Liên giữ vững lá cờ đầu ở huyện Thanh Chương

(Baonghean.vn) - Tròn 70 năm, kể từ ngày có tên gọi Thanh Liên, mỗi giai đoạn là một dấu mốc nỗ lực, sáng tạo, vượt khó vươn lên của Đảng bộ và Nhân dân nơi đây. Đặc biệt 10 năm gần đây, địa phương luôn giữ vững “lá cờ” đầu trong các phong trào của huyện Thanh Chương.

Nghệ An: Thông tin nổi bật ngày 21/3

Nghệ An: Thông tin nổi bật ngày 21/3

(Baonghean.vn) - Lãnh đạo tỉnh khảo sát các mô hình du lịch cộng đồng tại 4 huyện miền Tây Nghệ An; Chi tiết phương án tuyển sinh lớp 10 vào Trường THPT chuyên Phan Bội Châu; Công an huyện Tương Dương thông báo truy tìm chủ sở hữu phương tiện vi phạm hành chính...