Nhớ Tết năm xưa được gặp Bác Hồ

Nhà văn Bảo Ninh 10/02/2024 09:01

(Baonghean.vn) - Những năm trước đó, thời bình, khi tiếp các đoàn khách thiếu nhi Bác dành ra nhiều giờ, nhưng lần ấy chúng tôi được ở bên Bác chỉ chừng hơn nửa tiếng. Bác dặn dò khuyên bảo chung chúng tôi, Bác chia kẹo cho từng đứa, rồi thì do công việc khẩn cấp, Bác nói lời tạm biệt.

Tết ấy, Ất Tỵ, tôi đang học trò lớp 6, niên khóa 1964 -1965, Trường Cấp 2 Lý Thường Kiệt. Hà Nội Xuân đó rét đậm, chỉ 10, 11 độ và sương muối, nên tuần nghỉ Tết được kéo ra, tới ngày 8 tháng 2 ( âm lịch là mồng 7 tháng Giêng), nắng ấm trở lại mới tựu trường. Nhưng ngày trước đó, mùng 7 tháng 2 năm 1965, đế quốc Mỹ ồ ạt ném bom Vinh, Vĩnh Linh, Đồng Hới, bắt đầu tổng lực cuộc chiến tranh phá hoại, thành thử sau lễ tựu trường chúng tôi không vào học mà bắt tay tu sửa các tăng-xê phòng không đã được đào trên sân trường từ sau ngày 5 tháng 8 năm 1964.

Hôm sau, các thầy cô và học sinh khối lớp 7 vẫn tiếp tục công việc đào hào đắp ụ, còn chúng tôi, học trò các lớp 5 và 6, cũng đến trường nhưng là để được lên xe ca, vào Phủ Chủ tịch.

Hồi đó, những năm trước chiến tranh, thiếu nhi Hà Nội vẫn thường được Thành đoàn tổ chức cho vào thăm nhà Bác Hồ, song đều vào dịp tháng 5, mùa Hạ, bế giảng năm học. Còn như chúng tôi lần ấy, đầu Xuân giữa niên khóa, thì chưa từng. Và cũng bởi đột xuất, nhà trường không bình xét phân loại, nên cả lớp chúng tôi, không cứ là xuất sắc tiên tiến, đều được hưởng niềm hạnh phúc bất ngờ. Ăn bận cũng cứ hàng ngày đến lớp thế nào thì cứ y thế, chứ không có phải sửa soạn bày vẽ cảnh vẻ gì…

nhan-dip-tet-nguyen-dan-dau-tien-sau-hoa-binh-cac-chau-thieu-nhi-thu-do-den-chuc-tet-bac-ho-tai-phu-chu-tich-3513.jpg
Nhân dịp Tết Nguyên đán đầu tiên sau hòa bình, các cháu thiếu nhi Thủ đô đến chúc Tết Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch ngày 9/2/1955. Ảnh: Tư liệu

Trời Xuân nắng ấm. Hoa hồng tươi thắm bừng nở dọc hai bên các lối đi. Sướng vui ngây ngất, cả trăm đứa trẻ mười một, mười hai tuổi chúng tôi tỏa ra trong khắp vườn cây rộng lớn. Không gian tĩnh mịch của Phủ Chủ tịch khuấy động hẳn lên bởi tiếng ồn của đám đông học trò được thả sức chạy nhảy, cười nói, nô đùa và cả ca hát. Cửa dinh trên thềm cao cũng mở ra cho bọn trẻ ùa lên hơn hai chục bậc tam cấp ào vào chơi bên trong tiền sảnh lát cẩm thạch rộng thênh thang.

Xế trưa thì chúng tôi được tập hợp lại, xếp hàng đôi đi tới nhà sàn. Ngày đó, mọi người chưa được phép lên cầu thang nhà sàn vào thăm thư phòng của Bác như thời nay. Chúng tôi ngồi trên những ghế đá dành cho trẻ nhỏ bao quanh sân, háo hức ngóng được đón Bác đi xuống. Chừng hơn mười phút thì Bác đến. Nhưng không phải là Bác từ cao trên nhà sàn đi xuống. Bác từ bên Trung ương Đảng trở về. Đi bên Bác là ông Thủ tướng Liên Xô. Không thấy có bảo vệ và phiên dịch, chỉ Bác và vị khách giữa đám đông trẻ nhỏ reo mừng ùa tới xúm xít.

Tôi nhớ, khi tiếng ồn của lũ trẻ chúng tôi đã lắng, Bác nói, xin lỗi các cháu, vì cuộc họp phải thêm thời gian nên về trễ làm các cháu phải đợi. Bác giới thiệu với chúng tôi ông Thủ tướng. Người nói, mặc dù thì giờ rất gấp, đồng chí Aleksey Nikolaievich Côsưgin vẫn muốn cùng Bác về Phủ Chủ tịch để gặp gỡ các cháu. Người nhường lời cho vị khách. Ông Thủ tướng nói chậm rãi và đầy vẻ xúc cảm nhưng không dài dòng. Tôi nhớ rằng lúc ấy không phải người phiên dịch, mà là Bác đã trực tiếp dịch cho chúng tôi nghe những lời chân tình, thân thiết của vị khách Xô-viết phát biểu với thiếu nhi Việt Nam vào cái thời khắc gần như là đầu tiên của cuộc toàn quốc kháng chiến chống Mỹ.

chu-tich-ho-chi-minh-noi-chuyen-voi-cac-chau-thieu-nhi-trong-dip-nguoi-ve-tham-va-chuc-tet-dong-bao-tinh-ha-bac-3981.jpg
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với các cháu thiếu nhi trong dịp Người về thăm và chúc Tết đồng bào tỉnh Hà Bắc (Bắc Giang, Bắc Ninh ngày nay), Xuân Đinh Mùi, 9/2/1967. Ảnh: Tư liệu

Những năm trước đó, thời bình, khi tiếp các đoàn khách thiếu nhi Bác dành ra nhiều giờ, nhưng lần ấy chúng tôi được ở bên Bác chỉ chừng hơn nửa tiếng. Bác dặn dò khuyên bảo chung chúng tôi, Bác chia kẹo cho từng đứa, rồi thì do công việc khẩn cấp, Bác nói lời tạm biệt. Dẫu gấp gáp như thế, Bác vẫn kịp lưu ý tới một người trong số đông chúng tôi đang xúm xít quanh Người. Ấy là Nguyễn Kim Thái, người bạn học vẫn hàng ngày ngồi cùng một bàn với tôi.

Thái mồ côi cha và mẹ làm nghề đồng nát, nhà rất nghèo, thiếu ăn, thiếu mặc. Vì thế mà Thái rất nhỏ con, thấp bé, gầy còm, đen đúa, ăn mặc thì tuềnh toàng phong phanh, chân đi đôi dép cao su đã mòn vẹt. Nhưng có lẽ chính bởi “nổi bật” lên như thế, nên sáng hôm đó mặc dù bị chìm đi trong đám đông chúng bạn, Thái vẫn được Bác nhận thấy. Chào tạm biệt mọi người, mà Bác dừng bước, ân cần hỏi chuyện với riêng Thái thêm một lúc nữa...

Sau buổi sáng ngày 9 tháng 2 năm 1965 không bao giờ quên ấy, lũ học trò chúng tôi từ giã ngôi trường Lý Thường Kiệt, từ giã Hà Nội và từ giã nhau, mỗi đứa mỗi ngả, sơ tán về các miền quê. Nhiều năm sau, khi cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất (1965 - 1969) kết thúc, chúng tôi mới có dịp gặp lại.

Đám trẻ học trò thuở nào từng bất ngờ hưởng niềm hạnh phúc được gặp Bác Hồ vào đúng ngày hòa bình cuối cùng, sau 4 năm đều đã là những chàng trai mạnh mẽ và quả cảm, cùng một quyết tâm sắt thép, đồng lòng lên đường ra trận. Tôi và Nguyễn Kim Thái lại bên nhau, cùng tiểu đoàn tân binh, cùng đại đội, cùng trung đội. Một đêm cùng nhau trong phiên gác, Thái nói cho tôi hay rằng, hồi đó, chỉ hai ngày sau hôm cả lớp chúng tôi vào thăm Phủ Chủ tịch, Thái đã được nhận quà của Bác. Đó là một áo bông, một áo len, một tấm khăn phu-la, một đôi giày bát-kết. Thư ký riêng của Bác đưa quà tới tận nhà Thái, trong sâu ngõ hẻm phố nghèo Kim Mã.

bac-ho-den-tham-chuc-tet-va-chia-keo-cho-con-em-gia-dinh-cong-nhan-o-quang-ninh-nhan-dip-tet-nguyen-dan-1965-6089.jpg
Bác Hồ đến thăm, chúc Tết và chia kẹo cho con em gia đình công nhân ở Quảng Ninh, nhân dịp Tết Nguyên đán 1965.

Sau 4 tháng huấn luyện tân binh ở Bãi Nai, chúng tôi biên chế vào các đơn vị khác nhau. Thái, hẳn là vì rất giỏi Toán, được điều vào binh chủng tên lửa, chiến đấu ở chiến trường A.

Bạn tôi, Nguyễn Kim Thái, hy sinh tháng 12 năm 1972, ở Hà Nội, trong chiến dịch 12 ngày đêm Mỹ đánh phá bằng B52. Ấy là thế hệ chúng tôi. Thế hệ chiến binh tháng 9 năm 1969.

Khi nhớ về năm 1969, tâm trí tôi luôn thấy hiện lên một màn mưa trắng trời, một triền sông Hồng ngầu đỏ, mênh mông cuộn xiết, nặng nề lao chảy như sắp cuốn phăng đi cả đôi bờ. Mùa Thu gian nan, triền miên mưa bão. Năm nào cũng thế, nhưng chừng như càng vào sâu trong cuộc chiến thì lũ sông Hồng mỗi năm càng lớn thêm lên. Trước Rằm tháng Bảy đã rất nguy cấp, sau Rằm còn nguy cấp hơn. Đến giữa tháng Tám thì thanh niên nam nữ cả phố tôi được tổng huy động đi hộ đê. Tới ngày Quốc khánh mực nước đã xuống nhiều nhưng chúng tôi vẫn dốc sức tiếp tục tôn cao và đắp dày thêm đoạn đê xung yếu ở ngã ba sông Đuống đụng sông Hồng. Cho tới tận tảng sáng ngày mùng Ba tháng Chín mới thay phiên. Tám đứa chúng tôi đang ngủ trong lán thì được lay dậy, lên ô tô trở về phố. Lên xe lại ngủ tiếp…

chu-tich-ho-chi-minh-va-can-bo-co-quan-van-phong-chu-tich-phu-va-dai-tieng-noi-viet-nam-sau-buoi-ghi-am-doc-thu-chuc-tet-xuan-dinh-dau-1969-8199.jpg
Chủ tịch Hồ Chí Minh và cán bộ cơ quan Văn phòng Chủ tịch phủ và Đài Tiếng nói Việt Nam sau buổi ghi âm đọc thư chúc Tết Xuân Đinh Dậu 1969.

Khi đó chừng 6 giờ sáng xe chúng tôi đang trên cầu Long Biên. Cả hai chiều của cây cầu độc đạo qua sông Hồng đều đông nghịt, chen chúc người và xe, chuyển động chầm chậm từng bước chân, từng vòng bánh. Nhưng không tiếng còi xe hơi, không tiếng chuông xe đạp, không một tiếng nói, tiếng cười, chừng như không cả những tiếng chân bước mặc dù dòng người vẫn đang không ngừng chuyển động. Mặt ướt nước mưa và đang mắt nhắm mắt mở, nhưng chỉ trong chốc lát tôi đã nhận ra rằng, mọi người, tất cả, hàng ngàn con người, trên suốt dọc chiều dài hơn hai cây số của cây cầu ngang qua luồng nước xiết đều đang vừa đi vừa khóc, đúng hơn là lặng khóc, khóc không thành tiếng. Bởi vì im ắng vô cùng. Người đi bộ dọc hai bên lan can cầu, đi tay không hoặc đang gồng gánh, những người đang dắt xe, những người đang đứng trên các thùng xe tải, người ngồi trong các xe chở khách. Những anh bộ đội. Những người dân phố. Những người dân quê. Bước đi và khóc, trong mưa.

Mấy đứa chúng tôi trên thùng xe và cả anh tài xế trong ca bin đều là những kẻ từ trên trời rơi xuống. Cả tuần liền bám trụ đê, lội bùn đội đất, ngơi tay là lăn ra ngủ, chúng tôi bị mưa lũ cô lập với đài báo và thế gian. Vậy nhưng, chỉ giây lát thôi, nhìn nỗi thương đau nhất loạt cùng lúc của hai dòng người đông nghịt đang nghẹn ngào bước đi trong mưa, chúng tôi hiểu ngay ra sự thể.

"Bác Hồ...". Một ai đó trong chúng tôi thảng thốt thì thào, ngập ngừng. Không dám chắc chắn điều mình nghĩ, nhưng chúng tôi đều đã cảm nhận chắc chắn điều đó. Bởi vì đối với chúng tôi, ngay cả trong thời kỳ rất nhiều đau thương ấy, một nỗi đau lớn lao nặng nề, sâu thẳm và muôn người như một đến nhường ấy chỉ có thể là do một duyên cớ duy nhất ở trên đời mà thôi. Đúng lúc đó, một đầu tàu xe lửa không kéo theo toa, một mình chạy không tải qua cầu, từ Hà Nội sang Gia Lâm, khi ngang qua chỗ chúng tôi đã bất thần rúc còi. Có thể nói là cái đầu tàu ấy cất tiếng than. Không phải về sau mường tượng lại mà tôi nói thế, mà thật sự là như thế, đấy là tiếng than, như của con người. Lập tức, một chiếc tàu kéo neo đậu đâu đó ở mạn Phà Đen cũng cất lên tiếng còi. Rồi từ phía Ga Gia Lâm, nhiều đầu máy xe lửa khác đồng loạt cất tiếng. Những tiếng còi tàu đớn đau khản đặc vang vọng trong màn mưa…

Hồ Chủ tịch qua đời, mất mát lớn lao đó đã khiến toàn dân sát cánh bên nhau hơn bao giờ hết, biến nỗi đau thương thành sức mạnh. Nghe những lời đó, ngày nay người ta có thể cho là văn vẻ và đại ngôn. Song với những ai đã sống trong lòng Hà Nội vào mùa Thu năm 1969, thì khi nghe nhắc lại những lời tưởng như là khẩu hiệu ấy sẽ nhìn thấy lại rõ ràng tâm trạng, ý chí, nghị lực, bản lĩnh của chính bản thân mình, gia đình mình, bạn bè, hàng xóm của mình ngày đó.

Tháng 9 năm 1969 ngày tập trung tân binh lẽ ra là mồng 7, đã phải lùi tới ngày 15. Một là vì nguyện vọng của anh em chúng tôi muốn được lưu lại Hà Nội trong tuần Quốc tang để được xếp hàng cùng mọi người vào hội trường Ba Đình viếng Bác; hai là vì số lượng thanh niên tình nguyện nhập ngũ nhiều lên vô kể trong những ngày ấy. Tình nguyện một cách quyết liệt, mong mỏi được lên đường ngay, không chấp nhận nán chờ đến đợt sau. Tất nhiên, không riêng Hà Nội mà cả nước, địa phương nào cũng thế.

le-xuat-phat-cua-doan-thanh-nien-xung-phong-ha-noi-len-duong-chong-my-cuu-nuoc-to-chuc-o-nha-hat-lon-ha-noi-ngay-11-7-1969-7343.jpg
Lễ xuất phát của đoàn thanh niên xung phong Hà Nội lên đường chống Mỹ, cứu nước, tổ chức ở Nhà hát Lớn Hà Nội, ngày 11/7/1969. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Đợt tân binh mùa Thu năm ấy, được gọi là đợt 969. Đây là một đợt mà trong đó rất nhiều người là con trai cuối cùng hoặc là con trai độc nhất của các bà mẹ, nghĩa là những người vốn không thuộc vào diện được gọi tòng quân nhưng vẫn nhất quyết dứt áo ra đi lên đường chiến đấu. Trong tiểu đoàn tân binh chúng tôi hồi đó có cả một số bạn học đã có giấy gọi vào đại học trong nước và cả nước ngoài. Có người đã trên tàu liên vận tới biên giới Việt - Trung rồi, nghe tin Bác mất, liền xuống tàu, quay trở về nhập ngũ...

Với những người ở lứa tuổi chúng tôi, sinh ra trong những năm 1950, 1951, 1952 nhập ngũ từ khoảng năm 1968 trở về sau, nếu được hỏi năm nào là năm ác liệt nhất trong đời bộ đội đều nói là năm 1972, tuy nhiên, gian khổ, nguy nan nhất thì đều xác định là năm 1969 - 1970. Đây là thời sau Mậu Thân, mà cũng nhiều người gọi là "thời kỳ sau ngày Bác mất".

Cho đến tận bây giờ mà tôi vẫn thường tự hỏi: Làm thế nào, nhờ vào đâu nhỉ, đất nước mình, đồng bào mình, đồng đội mình và chính bản thân mình có thể chịu đựng được, trụ vững được trong những ngày tháng vượt quá xa sức chịu đựng của con người như vậy để rồi vượt qua, gồng mình lên vươn dậy, để rồi cuối cùng tiến được tới ngày Toàn Thắng, Ba Mươi tháng Tư?

***

Sáng 30/4/2023, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng gặp mặt thân mật đoàn Cựu chiến binh Mặt trận B3 Quân đoàn 3 tại Phủ Chủ tịch, nhờ vậy mà lần thứ hai trong đời tôi được vào thăm nhà Bác Hồ. Những lần trước viếng Lăng tôi không vào sâu khuôn viên Phủ Chủ tịch, cho nên lần này thế là đã sau 58 năm, tôi lại cùng bạn hữu bước trên 21 bậc tam cấp đi lên thềm cao và qua cửa dinh rộng mở được vào một trong những tòa nhà thiêng liêng tôn quý nhất của đất nước.

ngay-tet-la-dip-moi-nguoi-dan-viet-nam-nho-ve-bac-nhieu-hon-3153.jpg
Ngày Tết là dịp mỗi người dân Việt Nam nhớ về Bác nhiều hơn. Ảnh: Tư liệu

21 bậc đá hoa, 58 năm trời. Thuở nào còn là những đội viên thiếu niên cổ quàng khăn đỏ tươi vui náo nức ùa chạy lên thềm, giờ đây, chúng tôi đã là những người lính già đầu bạc, với xiết bao xúc cảm trong lòng, trầm mặc, thong thả bên nhau bước lên. Từng bậc đá hoa, từng bước chân, là những năm tháng, những chặng đời.

Trời Xuân, mây cao và thưa nhẹ nhàng lướt trôi. Trong khu vườn rộng lớn của Phủ Chủ tịch gió khi thì lặng đi lúc lại dấy lên như cao trào của một bản nhạc. Năm tháng trôi qua, bãi bể nương dâu, vật đổi sao dời, song ở nơi đây, đất trời và lòng người vĩnh hằng thời đại Hồ Chí Minh. Chúng tôi bên nhau lặng nghe trong tâm khảm mình lời Bác năm xưa, vào cái ngày Xuân Tết Ất Tỵ giông tố bão bùng đang tràn tới ấy, khuyên nhủ dặn dò đàn cháu nhỏ. Giọng nói của Bác, miền Trung quê hương tôi, mãi vang vọng trong cuộc đời thế hệ chúng tôi, thế hệ “trùng trùng đoàn quân tiến theo con đường của Bác”.

Nhớ Tết năm xưa được gặp Bác Hồ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO