Nhọc nhằn mưu sinh
(Baonghean.vn) - Khi thành phố lên đèn, lúc nhà nhà quây quần bên mâm cơm tối, thì những người bán hàng rong, những bác tài chạy xe ôm đêm lại bắt đầu bươn bả mưu sinh đầy nhọc nhằn, vất vả và chứa đựng cả những hiểm nguy...
Những phận cò ăn đêm
Đêm đông. Mưa phùn và gió thổi từng hồi. Cái lạnh như đông cứng lại mười đầu ngón tay. Quãng 22h giờ đêm, đường vắng. Nhiều nhà đã đóng cửa, cài then vùi mình trong chăn ấm. Chừng lúc đó, tiếng rao đêm cất lên "Ai bánh mì nóng. Bánh mì nóng nào..."; "Ai ngô luộc", "Ai bánh bao", "Ai xôi...", "Ai bánh khúc"... khắp các ngõ, hẻm đã góp phần làm nên bức tranh cuộc sống của thành Vinh lúc lên đèn.
Chị Trịnh Xuân Ba, quê ở Diễn Châu, vào Vinh mưu sinh đã gần 5 năm. Ban ngày, chị đi mua đồng nát, ban đêm, chị sắm thùng xốp, lấy bánh mì bán rao. Cùng chiếc xe đạp cũ kỹ, chị rong ruổi khắp các ngõ, hẻm ở khu vực các trường ĐH Vinh, ĐHSP KT Vinh, CĐ Nghề Việt-Đức... bán bánh mì cho sinh viên ôn thi khuya. Trung bình mỗi đêm chị bán được khoảng 50-70 chiếc bánh mì, lãi khoảng 30.000 - 50.000 đồng. "Những đêm tạnh ráo còn đỡ, mưa rét khổ lắm. Nhưng mưa rét, người ta hay ăn đêm hơn, bán được nhiều hơn. Cực một chút nhưng kiếm được nhiều hơn..."
Chồng mất sớm, một mình nuôi hai con học đại học, lam lũ ngoài đồng ruộng, nai lưng làm lụng nhưng không đủ lo chi phí cho con học hành, chị Nguyễn Thị Liễu (Thanh Giang, Thanh Chương) theo con xuống thành phố kiếm kế sinh nhai. Ba mẹ con thuê phòng trọ nhỏ, mỗi tháng cả tiền điện, tiền nước ngót nghét 700.000 đồng, tiền ăn, học và sinh hoạt phí gần 2 triệu đồng/tháng.
Tất cả chi phí ấy đều trông vào nồi chè khoai và bánh trôi của chị. Chị bán cả ngày lẫn đêm. Đôi quang gánh kĩu kịt, một đầu là nồi chè, nồi bánh, đầu kia đựng đầy bát, đĩa. Dù ngày hè nóng bức hay đêm đông buốt giá, đôi quang gánh oằn trên đôi vai gầy yếu của chị, đi hết ngõ, lối, dãy trọ ở Bến Thủy, Trung Đô. Tiếng rao khàn, tiếng ho húng hắng mỗi đêm của chị đã trở nên quen thuộc với mỗi nhà nơi chị đi qua... Dù vất vả, nhưng nét mặt chị luôn hiện rõ sự vui vẻ, hạnh phúc. Bởi chị tin vào tương lai của những đứa con, gánh chè của chị đang nuôi lớn những ước mơ đó...
Hằng đêm, trên những đường phố tấp nập, ồn ào hay những ngõ, hẻm vắng người qua lại, dù hè oi bức hay đêm đông buốt giá thì tiếng rao đêm vẫn khắc khoải vọng về. Những người bán hàng rong đêm, hầu hết ở những làng quê nghèo vào thành phố kiếm sống. Mỗi người một chất giọng khác nhau, vùng quê khác nhau và hoàn cảnh khác nhau, nhưng tiếng rao của họ, vang xa và đầy ám ảnh.
Cơ cực, vất vả, nhọc nhằn mưu sinh, nhưng những "thân cò đi ăn đêm" ấy gặp không ít hiểm nguy. 5 năm làm nghề bán rong bánh mỳ đêm, chị Ba không nhớ nổi mấy lần bị bọn thanh niên choai choai "cướp không" cả chục cái bánh. "Chúng gọi mình dừng lại, hỏi mua, lấy bánh xong, chúng cười nham nhở "chúng con nợ, mẹ nhé" và thản nhiên ôm bọc bánh đi. Đành ngậm ngùi chấp nhận chứ gây sự với chúng, biết đâu mất cả thùng bánh." Chị Ba chia sẻ.
Hay như trường hợp của chị Minh, người bán bánh bao nóng đêm. Hôm đó, trời mưa to, chị đang cố hết sức rướn bàn đạp, vừa đi vừa rao thì chiếc xe máy phân khối lớn, đi từ trong ngõ ra, va vào xe chị làm đổ cả người lẫn bánh, lò than đỏ đè lên chân làm chị bỏng nặng, phải nằm viện cả tháng trời...
Đồng tiền sương gió
2h sáng tại ga Vinh, khi chuyến tàu SE5 Sài Gòn-Hà Nội dừng, chưa kịp xuống tàu, đã nghe thấy tiếng của những bác tài xe ôm: "Về mô cháu, để chú chở?" Và họ nhanh nhẹn xách hành lý, quăng quật chạy lấy mũ bảo hiểm, lấy xe để phục vụ "thượng đế". Họ là những bác tài xe ôm đêm, cái nghề mưu sinh đầy nhọc nhằn, vất vả...
Quê ở Đô Lương, sau khi trắng tay vì buôn bán thua lỗ, vợ chồng bác Nguyễn Văn Đình xuống Vinh kiếm kế mưu sinh. Vợ bán nước chè ở cổng trường đại học, bác chạy xe ôm. Nghề của bác chỉ cần có chiếc xe, tấm bằng lái và hai chiếc mũ bảo hiểm là hành nghề. Ban ngày, ít khách, chẳng kiếm được là bao nên phải tranh thủ làm đêm. "Vất vả lắm. Chạy xe ôm đêm để kiếm tiền không chỉ đơn thuần lao lực mà luôn phải ứng phó với nhiều hiểm nguy trên từng cây số như: đường xấu, cướp giật, tai nạn giao thông... Nhưng vì cuộc sống, phải "liều mình" để đổi lấy bát cơm, manh áo rồi tiền trọ, tiền học hành cho con cái...". Bác chia sẻ, trên khuôn mặt dãi dầu sương gió hằn lên những vết chân chim khắc khổ.
Chuyện những người xe ôm bị bọn cướp sát hại để đoạt lấy chiếc xe máy hay những đồng tiền ít ỏi mà họ kiếm được không phải là ít. Anh Nguyễn Phú Tài, chạy xe ôm ở chân cầu Bến Thủy cho hay: "Chạy xe vào ban đêm, nhất là đêm khuya rất hay gặp "sự cố". Có lần, tầm 3h sáng, khi chuyến xe Bắc-Nam dừng ở cầu Bến Thủy, một nam thanh niên yêu cầu chở đến đầm tôm Hưng Hòa, nhìn thấy hắn ăn mặc "bụi bặm" đã định từ chối, nhưng từ tối đến giờ, chưa đi được "cuốc" nào nên đành liều gật đầu chở. Dọc đường, để trấn an mình, tôi "khịa" ra đủ thứ để hỏi chuyện, nhưng hắn chỉ ậm ờ. Bán tín, bán nghi, đi được một quãng, đến chỗ có ánh sáng đèn, tôi vờ bảo xe hỏng. Hắn chửi tục rồi bắt tôi "bồi thường" 50.000 đồng. Để được an toàn, tôi vét túi đưa số tiền hắn yêu cầu và luôn miệng xin lỗi, thông cảm. Hú vía, may mà thoát thân... Từ lần đó, không dám chạy liều nữa, phải chọn khách rồi mới đi."
Và cũng không ít lần, những tài xế xe ôm bị "thượng đế" quỵt tiền xe. Anh Lâm Nghĩa, hành nghề xe ôm tại bến xe chợ Vinh cho biết: "Có bữa, nhận lời chở khách về chân núi Quyết với giá 20.000 đồng. Vào ngõ vắng, khách yêu cầu dừng xe để "giải quyết", dừng xe, tắt đèn thì khách đã "cao chạy, xa bay". Rảo mấy vòng nhưng ngõ vắng, đành "ngậm bồ hòn làm ngọt"..."
Đối mặt với nhiều nguy hiểm, những người chạy xe ôm đêm cũng tích lũy được kinh nghiệm nhìn người. Họ vẫn thường chia sẻ cho nhau cách nhận biết người tốt người xấu khi nhận lời đưa khách. Đôi khi, thấy nghi ngờ về vị khách đối diện nhưng vì món tiền công, họ vẫn phải liều mình. Trong cuộc sống mưu sinh nhọc nhằn ban đêm, họ đâu dám lãng phí một phần thu nhập chỉ vì những linh cảm thoáng qua...
Thanh Phúc