Ấn tượng từ Hội thi 'Hòa giải viên cơ sở giỏi'

An Quỳnh 12/09/2023 20:12

(Baonghean.vn) - Hội thi "Hòa giải viên giỏi" các cấp được tổ chức trong thời gian hơn 30 ngày, với 3 vòng thi, đã thu hút được 21 đội thi đến từ các huyện, thành, thị trên địa bàn tỉnh về tranh tài. Qua đó, tạo hiệu ứng tích cực và lan tỏa tầm quan trọng của công tác hòa giải ở mỗi địa phương.

100% huyện, thành, thị hưởng ứng

Hiện nay, toàn tỉnh có 3.876 tổ hòa giải, với 26.402 hòa giải viên. Trung bình mỗi năm, tiếp nhận hòa giải hơn 4.000 vụ việc, trong đó, hòa giải thành công 3.000 vụ việc (chiếm tỷ lệ hơn 80%). Điều này minh chứng công tác hòa giải ở cơ sở ngày càng có vai trò ý nghĩa quan trọng trong đời sống xã hội.

Nhằm góp phần thực hiện hiệu quả Luật Hòa giải cơ sở, cũng như nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò và ý nghĩa của công tác này, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 387/KH-UBND về tổ chức Hội thi "Hòa giải viên giỏi" trên địa bàn tỉnh lần thứ V. Ngay sau khi Ban Tổ chức Hội thi ban hành kế hoạch, chỉ trong vòng tháng 7/2023, 21 huyện, thành, thị trên địa bàn tỉnh đã triển khai Hội thi "Hòa giải viên giỏi" trên phạm vi địa phương. Trong đó, có 4/21 đơn vị tổ chức hội thi từ cấp cụm xã; 4/21 đơn vị tổ chức cụm thi cấp huyện và 13/21 đội thi tổ chức thi chung cho các đơn vị cấp xã tại cấp huyện. Việc tổ chức thi ở cơ sở đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ và thu hút đông đảo người dân tham gia, góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền pháp luật trên địa bàn.

Ảnh 2_Phần thi tiểu phẩm của huyện Kỳ Sơn được lấy từ tình trạng chung ở tại địa phương.jpg
Đội tuyển Kỳ Sơn tham dự hội thi. Ảnh: An Quỳnh

Là một trong những địa phương có địa hình khó khăn, từ đầu tháng 8/2023, huyện Kỳ Sơn đã chọn phương án tổ chức thi chung các đơn vị cấp xã tại huyện, với sự tham gia của 13 đội thi, đại diện cho 191 tổ hòa giải và 1.066 hòa giải viên trên địa bàn.

Chị Vi Thị Duyên - hòa giải viên của đội Kỳ Sơn cho biết: “Để chuẩn bị cho cuộc thi, chúng tôi đã bắt đầu luyện tập và lên lịch thi cấp huyện từ cuối tháng 7. Từ đó, chọn 1 đội xuất sắc nhất để tham gia thi vòng sơ khảo cấp tỉnh. Nhiều thành viên của đội thi là bà con dân tộc Mông, sống ở cách trung tâm huyện gần 30 km nhưng vẫn cố gắng đi xe xuống từ sớm để cùng tập với đội thi hàng tuần”. Nhờ tinh thần đó mà huyện Kỳ Sơn trở thành 1 trong 3 đơn vị xuất sắc nhất khu vực 3 về tham dự chung kết cấp tỉnh.

Huyện Thanh Chương lại phát động cuộc thi từ cấp xã, sau đó, chọn 38 đội thi xuất sắc nhất, với 152 hòa giải viên đại diện cho 234 tổ, 1.719 hòa giải viên trên địa bàn cùng tham gia hội thi cấp huyện. Hội thi đã trở thành sân chơi nghiệp vụ ý nghĩa để các hòa giải viên học hỏi kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng hòa giải ở cơ sở…

Đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và đồng chí Hoàng Thị Thu Trang - Giám đốc Sở Tư pháp tặng hoa cho 12 đội thi tham gia Hội thi. Ảnh: An Quỳnh.
Đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và đồng chí Hoàng Thị Thu Trang - Giám đốc Sở Tư pháp tặng hoa cho 12 đội thi tham gia Hội thi. Ảnh: An Quỳnh

Sau khi các hội thi cấp huyện kết thúc, trong khoảng thời gian 1 tuần, Ban Tổ chức Hội thi "Hòa giải viên giỏi" cấp tỉnh đã tổ chức Vòng thi sơ khảo tại 3 khu vực: Thành phố Vinh, huyện Đô Lương và thị xã Thái Hòa, với sự tham gia của 21 đội thi xuất sắc nhất đến từ toàn tỉnh. Qua đó, chọn ra 12 đội thi ưu tú về dự vòng chung khảo.

Bà Nguyễn Thị Lan - Phó Giám đốc Sở Tư pháp, Trưởng ban Giám khảo hội thi cho biết: Lần thứ V tổ chức Hội thi "Hòa giải viên giỏi" cấp tỉnh đã thu hút 100% huyện, thành, thị tham gia. Đặc biệt, nhiều đơn vị tổ chức thi từ cấp xã để lựa chọn đội thi xuất sắc nhất tham gia thi cấp huyện. Điều đó chứng tỏ công tác hòa giải đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm và đông đảo bà con đón nhận.

Nhiều nội dung sáng tạo, gần gũi

Hội thi "Hòa giải viên giỏi" lần thứ V được kỳ vọng là dịp để các hòa giải viên ở cơ sở gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm và nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải và qua đó, trau dồi thêm khả năng xử lý tình huống trong thực tiễn. Do vậy, các phần thi đều được linh hoạt thay đổi và ứng dụng công nghệ thông tin một cách triệt để, từ đó, đảm bảo tính khách quan và hỗ trợ tối đa cho ban giám khảo trong công tác chấm thi từ vòng sơ khảo đến chung khảo.

Phần thi kiến thức pháp luật được ứng dụng công nghệ thông tin đảm bảo tính khách quan,công bằng cho các đội thi. Ảnh: An Quỳnh.
Phần thi kiến thức pháp luật được ứng dụng công nghệ thông tin, đảm bảo tính khách quan, công bằng cho các đội thi. Ảnh: An Quỳnh

Các đội thi phải trải qua 4 phần thi (giới thiệu, kiến thức pháp luật, xử lý tình huống và thi tiểu phẩm). Ở phần thi giới thiệu, các đội thi đã mang đến những màu sắc đặc trưng của từng địa phương, thể hiện được bản sắc vùng, miền, đặc thù và tình hình công tác hòa giải ở cơ sở, ẩn sau đó là tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào và tinh thần trách nhiệm đối với công việc mà mình đang đảm nhiệm.

Mỗi đội thi trải qua 4 phần thi. Ảnh: An Quỳnh.
Phần giới thiệu của đội thi TP. Vinh. Ảnh: An Quỳnh

Ở phần thi kiến thức pháp luật, các đội thi thể hiện được sự am hiểu pháp luật, các quy định liên quan đến công tác hòa giải ở cơ sở qua 10 câu hỏi mà Ban Tổ chức đưa ra. Các câu hỏi được trình bày dưới dạng trắc nghiệm trên ứng dụng Kahoot, yêu cầu mỗi đội thi phải vừa trả lời đúng, nhưng cũng phải thật nhanh, thì mới có thể giành điểm cao tại phần thi này.

Đối với phần thi xử lý tình huống buộc các đội thi phải bám sát quy định của pháp luật với vốn sống và hiểu biết xã hội phong phú, nhất là những giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc; kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa cái lý và cái tình để đưa ra phương án hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp một cách hợp lý, hợp tình, giúp các bên nhận thức đúng - sai, thấy được quyền và nghĩa vụ của mình, từ đó, tự nguyện lựa chọn những biện pháp ứng xử phù hợp, nhân văn và trách nhiệm.

Phần thi tiểu phẩm của đội Kỳ Sơn được lấy trên tình huống có thật ở cuộc sống bà con vùng cao. Ảnh: An Quỳnh.
Phần thi tiểu phẩm của đội Kỳ Sơn dựa trên tình huống có thật từ cuộc sống của bà con vùng cao. Ảnh: An Quỳnh

Sôi nổi nhất của hội thi chính là ở phần thi tiểu phẩm. Các đội thi đã lồng ghép những câu chuyện, những tranh chấp thường xảy ra ở địa phương, như hôn nhân gia đình, tranh chấp đất đai, tài sản… thành tiểu phẩm hấp dẫn, hài hước, gần gũi với đời sống.

Là diễn viên nhỏ tuổi nhất tham gia Hội thi, cháu Vừ Pà Ri (SN2009), trú bản Huồi Giang 1, xã Tây Sơn (Kỳ Sơn) đã thể hiện xuất sắc nhân vật chính trong phần thi tiểu phẩm “Lấy chồng thôi, Páo ơi” của Đội tuyển Kỳ Sơn, giúp người xem hình dung được tình cảnh bi hài của cô bé Páo mới 14 tuổi đã bị bố mẹ bắt nghỉ học để gả cho anh trong họ.

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng phòng Tư pháp huyện Kỳ Sơn cho biết: “Tiểu phẩm được xây dựng dựa trên thực trạng có thật ở địa bàn, như hủ tục tảo hôn, hôn nhân cận huyết, trọng nam, khinh nữ... qua đây, chúng tôi muốn gửi đến thông điệp về xây dựng nếp sống văn minh, bài trừ hủ tục còn tồn tại trong cộng đồng dân cư”.

Giải nhất thuộc về đội thi đến từ Thị xã Thái Hòa. Ảnh: An Quỳnh.
Giải Nhất thuộc về đội thi đến từ thị xã Thái Hòa. Ảnh: An Quỳnh

Là đội đạt giải Nhất vòng thi chung khảo toàn tỉnh, Đội tuyển Thái Hòa đã trải qua nhiều ngày luyện tập vất vả tại nhiều xã khác nhau và vận động người dân tại địa phương đến xem và góp ý. Qua đó, vừa giúp đội bổ sung được những điểm còn thiếu, yếu để hoàn thành tốt các phần thi, vừa là dịp để người dân địa phương hiểu và nâng cao được kiến thức pháp luật và tầm quan trọng của công tác hòa giải.

Theo đánh giá của Ban Tổ chức, tiểu phẩm của các đội thi đều có chủ đề, thông điệp rõ ràng, thiết thực, gắn với cuộc sống. Các diễn viên tuy không chuyên nhưng đã cố gắng thể hiện tình huống một cách hài hước, hóa thân thành nhiều mảnh đời khác nhau, vô cùng gần gũi với cuộc sống.

Phát biểu tại vòng chung khảo Hội thi "Hòa giải viên giỏi" tỉnh Nghệ An lần thứ V, năm 2023, đồng chí Lê Hồng Vinh – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh: Hội thi không chỉ là dịp để phát hiện, biểu dương, tôn vinh các hòa giải viên xuất sắc; tạo cơ hội cho các hòa giải viên học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, tích lũy kiến thức pháp luật, mà còn là cầu nối để góp phần nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò của công tác hòa giải cơ sở, đưa hòa giải gắn với cuộc sống của mỗi người dân.

Đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh phát biểu khai mạc Hội thi. Ảnh: An Quỳnh.
Đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh phát biểu tại Hội thi. Ảnh: An Quỳnh

Sự thành công của hội thi một lần nữa khẳng định ý nghĩa xã hội, nhân văn sâu sắc của công tác hòa giải trong cuộc sống hiện nay. Hội thi đã thực sự đem lại những cảm xúc, ấn tượng tốt đẹp về con người và tình người trong việc hóa giải mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh từ thực tế cuộc sống hàng ngày, xây đắp tình làng, nghĩa xóm thêm bền chặt; phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng dân cư. Đồng thời, góp phần phổ biến pháp luật đến với mọi tầng lớp nhân dân, phòng ngừa và hạn chế vi phạm pháp luật, ổn định trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Mới nhất

x
Ấn tượng từ Hội thi 'Hòa giải viên cơ sở giỏi'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO