Nhộn nhịp mùa hoa đào

(Baonghean) - Càng gần đến sát Tết, những người trồng hoa đào lại càng thấp thỏm mong chờ “mưa thuận gió hòa” để có thể có một mùa hoa “bội thu”… Đây cũng là thời điểm “vào mùa” của những người buôn đào, dù không phải năm nào cũng thuận lợi, dễ dàng.

Thấp thỏm lo thời tiết

Chưa năm nào gia đình ông Chu Văn Mạnh ở xóm Hồng Liên, xã Kim Thành, huyện Yên Thành lại mong ngóng trời mưa như năm nay. Đến nhà ông vào những ngày cuối cùng của năm, nhìn những cây đào phai cao hơn một mét đang bắt đầu nở rộ, ông không khỏi lo lắng. Nhẩm tính còn hơn một tuần nữa là đến Tết, ông cho biết: Nếu từ nay đến Tết, trời cứ mưa lai rai thì rất tốt cho đào. Nhưng cứ mưa rét vài ba bữa rồi trời lại hửng nắng thì đào phát triển nhanh lắm. Lúc ấy, dù có hãm kiểu gì đào cũng nở. 

Giống đào phai bản địa dù đã có từ lâu nhưng mới phát triển gần 10 năm trở lại đây. Với đặc trưng: Hoa đơn, màu sắc không thắm đỏ như đào Nhật Tân nhưng lại có nhiều hoa, mùi hương đặc biệt xen lẫn nhiều lộc non nên đào phai Kim Thành rất hấp dẫn khách hàng trong và ngoài tỉnh. Để thu hoạch được đào tết, người trồng đào mất gần một năm chuẩn bị.

Vườn đào của một gia đình ở xã Kim Thành (Yên Thành).
Vườn đào của một gia đình ở xã Kim Thành (Yên Thành).

Trong đó, thời điểm từ trung tuần tháng 10 cho đến Tết Nguyên đán là quan trọng nhất vì đây là lúc cần phải  làm cỏ, cắt cành, tỉa lá để đào nở đúng dịp Tết. Tuy nhiên, không phải trồng đào khi nào cũng có thể may mắn bởi còn phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết.

Nếu mưa thuận gió hòa, thuận lợi thì mỗi năm người trồng đào cũng có thể thu được vài trăm triệu đồng. Nhưng gặp năm đào nở sớm hoặc quá muộn thì “tay trắng” cũng là chuyện thường. Với 1.000 gốc đào, nhiều gấp đôi so với năm ngoái, ông Mạnh nói rằng: Trồng đào lợi nhuận gấp 10, 15 so với cây lúa. Nếu năm nay bán hết, gia đình chúng tôi  chắc chắn sẽ có một cái Tết sung túc. 

Với điều kiện địa hình, khí hậu thuận lợi nên dù chỉ mới phát triển nhưng toàn xã Kim Thành đã có đến hơn 300 hộ dân trồng đào. Hiện tại, mỗi năm, số lượng gia đình trồng đào ngày một tăng, việc tiêu thụ vẫn khá dễ dàng. Thời điểm giáp Tết, các hộ trồng đào phấn khởi khi rất nhiều lái buôn đã đến đặt mua cả vườn với giá cao hơn so với năm trước. Cây đào cũng thực sự là cây “xóa đói giảm nghèo” của vùng bởi từ đó rất nhiều hộ dân đã xóa được nghèo, nhiều hộ vươn lên làm giàu. 

Nếu mấy ngày nữa trời có nắng đào sẽ nở rộ kịp đón tết. Ảnh: Thanh Nga - Khánh Ly.
Nếu mấy ngày nữa trời có nắng đào sẽ nở rộ kịp đón tết. Ảnh: Thanh Nga - Khánh Ly.

Ở xã Nam Anh, huyện Nam Đàn, cây đào cũng đang là nguồn thu nhập chính của nhiều gia đình. Vườn đào của ông Hồ Viết Lý – xóm 9 tuy chỉ hơn 50 gốc nhưng cây nào cũng phát triển đều, có búp và chồi non xanh. Để những gốc đào của gia đình có thể nở đúng dịp Tết Nguyên đán, hơn hai tuần nay, ngày nào ông Hồ Viết Lý cũng ra vườn đào, tất bật chăm sóc, theo dõi sát sao cây đào.

“Thời điểm này năm ngoái, do thời tiết nắng ấm nên nhiều gốc đào của gia đình đã bung nở sớm hơn một tuần làm giảm nguồn thu nhập của gia đình. Năm nay thời tiết thuận lợi hơn nên hứa hẹn đào sẽ nở đẹp đúng dịp Tết Nguyên đán. Trung bình mỗi cành đào phai bán dịp Tết có giá từ 200.000 - 300.000 đồng, nếu những gốc đào đẹp sẽ có giá từ 1 - 3 triệu đồng. Thường thì gần đến Tết, những người buôn đào đến vườn để chọn mua. Nhưng với những gốc đào đẹp, rất nhiều cá nhân đến đặt mua ở vườn trước cả tháng.  

Nam Anh là xã bán sơn địa, kinh tế của người dân chủ yếu dựa vào trồng cây hoa màu, nhưng với lợi thế vùng đất đồi ở hai xóm 8 và 9 nằm sát dưới chân núi Đại Tuệ, thổ nhưỡng hợp với cây đào phai nên nhiều hộ dân đã trồng đào cung ứng cho dịp Tết từ nhiều năm nay. Trong đó, nhà nào trồng ít thì 5 - 7 gốc trong vườn, nhiều gia đình có diện tích đất đồi lớn thì trồng 30 - 80 gốc. Hiện nay, toàn xã Nam Anh có khoảng gần 200 hộ trồng đào phai với diện tích gần 40 ha. 

Cay đào xã Kim Thành - Yên Thành. Ảnh: Mỹ Hà.
Cay đào xã Kim Thành - Yên Thành. Ảnh: Mỹ Hà.

Ông Nguyễn Thúc Quang - Phó Chủ tịch UBND xã Nam Anh cho biết: “Đào phai xã Nam Anh được biết đến là loại đào đẹp và được người dân rất ưa chuộng trong dịp Tết từ nhiều năm nay. Bởi vậy, các hộ dân trồng đào không lo ở đầu ra mà chỉ lo lắng liệu thời tiết ở từng năm có thuận lợi cho đào phai nở đúng dịp Tết Nguyên đán hay không.

Mặc dù đây không phải là cây trồng chính nhưng hiệu quả kinh tế từ cây đào phai mang lại cho người dân xã Nam Anh là rất lớn, nhiều hộ thu nhập từ 40 - 60 triệu đồng/vườn/năm. Thời gian tới, chính quyền xã Nam Anh sẽ tiếp tục chỉ đạo các hộ dân mở rộng diện tích cây đào phai, đồng thời tích cực triển khai việc quảng bá, xây dựng thương hiệu đào phai Nam Anh để góp phần tăng thêm thu nhập kinh tế cho người dân địa phương”.

Mang mùa xuân đến với mọi nhà

Từ khoảng 20 tháng Chạp, thị trấn Mường Xén (Kỳ Sơn) đã ngập trong hoa đào với hàng trăm cây đào được đưa từ các xã Mường Lống, Mỹ Lý, Huồi Tụ và được “nhập” về từ Lào.  Trong đó cây đào Kỳ Sơn nổi tiếng với loại đào mốc  hay còn gọi là đào phai, đào đá. Ngoài  hoa to, đẹp, đào Kỳ Sơn “hút khách” bởi sự rêu mốc, xù xì mang đặc trưng của vùng miền núi.

Trước đây, đào Kỳ Sơn khá kén người chơi. Nhưng những năm gần đây không chỉ người dân trong tỉnh mà các tỉnh thành khác rất ưa thích. Đáp ứng nhu cầu đó, nên thời điểm giáp Tết, ngoài săn đào ở những xã trong vùng, người buôn đào còn đến các tỉnh Noọng Hét, Xiêng Khoảng (Lào) để “săn” đào tết đem về.

Kể về những chuyến vượt biên giới để buôn đào, anh Hương một người buôn đào lâu năm tâm sự: Trước đây chúng tôi thường phải vào từng hộ dân, chọn từng cây đào rồi thuê xe đem về Kỳ Sơn. Nhưng gần đây, người dân Lào đã biết đến thú chơi đào của người dân Việt Nam nên cứ sát Tết là họ đã chặt sẵn đào và bày bán khắp đường. Chúng tôi chỉ cần sang đó chọn, miễn là thuận mua vừa bán.

Đào sau khi được tập kết ở Mường Xén sẽ được các chủ buôn ở Vinh và các tỉnh phía Bắc thu mua về để bán cho người dân thành thị chơi Tết. Mỗi một cành đào đá đẹp, thường có giá từ 1 – 3 triệu đồng. Tuy nhiên, có những cây to, nguyên gốc có khi lên đến hàng chục triệu đồng. Dịp giáp Tết, mỗi một ngày có hàng chục chuyến xe chở đào từ miền ngược về.

Bên cạnh đó, rất nhiều người tranh thủ những chuyến công tác cũng cố gắng cất công mua một cành đào về chưng Tết. Tại TP. Vinh, tìm một cành đào đá cũng không quá khó. Tuy nhiên, giá thường đắt hơn từ một đến vài triệu đồng, thậm chí lên đến hàng chục triệu đồng. Ngoài buôn đào đá, một số người buôn đào ở vùng Nghi Ân, Nghi Đức còn ra tận Sapa, Hòa Bình để mua đào.

Khách tìm mua hầu hết cũng là khách quen. Có khi, hàng mới về nhưng đã có người đặt sẵn từ một, hai tháng trước. Năm nay, đào Nhật Tân (Hà Nội) với đủ loại hình dáng, mức giá khác nhau cũng được các thương lái đem về khá nhiều. Những ngày này, tại các chợ hoa trên khắp mọi miền quê đã tràn ngập các loại hoa đào, giúp cho người tiêu dùng có rất nhiều lựa chọn cho Tết Nguyên đán Bính Thân năm 2017.

Mỹ Hà

tin mới

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

(Baonghean.vn) - Quốc Lộ 48A như dải lụa mềm vắt qua thị trấn Tân Lạc, huyện miền núi Quỳ Châu có hai con dốc khá nổi tiếng là Kẻ Lè và Bù Bài. Để tạo mỹ quan cho cửa ngõ thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu từ đầu năm nay đã tổ chức thành công đường hoa trên dốc Kẻ Lè.

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

(Baonghean.vn) - Lễ hội Môn Sơn - Lục Dạ là một trong những lễ hội độc đáo và mang đậm bản sắc văn hóa của người dân tộc Thái ở huyện Con Cuông. Bên cạnh cảnh đẹp thiên nhiên, Môn Sơn còn níu chân du khách bởi bản sắc văn hóa độc đáo của người dân nơi đây.

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

(Baonghean.vn) - Cứ mỗi độ tháng 4 về, những bông cúc biển lại tỏa sắc rực rỡ. Vẻ đẹp riêng của loại hoa được xem là biểu tượng du lịch Cửa Lò khiến cho các thiếu nữ không thể bỏ lỡ với mong muốn lưu lại những tấm hình làm kỷ niệm.

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

(Baonghean.vn) - Ngày 15/4, tại thành phố Hạ Long, Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phối hợp với tỉnh Quảng Ninh khai mạc lớp bồi dưỡng “Văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam: Vai trò của sáng tạo, lý luận, phê bình và quảng bá”.

Bệnh tan máu bẩm sinh

Sàng lọc, phòng ngừa bệnh tan máu bẩm sinh

(Baonghean.vn) - Bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) là bệnh di truyền và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của người bệnh và cả chất lượng dân số. Tại Nghệ An, dù đã được tuyên truyền thường xuyên nhưng số người mắc bệnh vẫn còn khá cao, nhất là ở các huyện miền núi.

[Infographics] Những điểm nhấn Lễ hội du lịch Cửa Lò 2024

[Infographics] Những điểm nhấn Lễ hội du lịch Cửa Lò 2024

(Baonghean.vn) - Năm 2024, lễ hội du lịch Cửa Lò hướng đến quảng bá các giá trị văn hóa, vẻ đẹp của vùng đất và con người Cửa Lò đến du khách trong nước và quốc tế. Theo đó, Cửa Lò sẽ tổ chức chuỗi hoạt động thiết thực tạo điểm nhấn chào mừng kỷ niệm 30 năm thành lập Thị xã Cửa Lò.