Thời điểm này, các cung ruộng bậc thang ở các xã như Na Ngoi, Nậm Cắn, Keng Đu… của huyện Kỳ Sơn đã bắt đầu đổ nước. Đây cũng là lúc người dân tranh thủ thời gian xuống đồng cày cấy. Ảnh: Đào Thọ Tại xã Nậm Cắn (Kỳ Sơn), từ nhiều năm nay để hạn chế việc đốt rừng làm rẫy, chính quyền và người dân đã tổ chức khai hoang nhiều diện tích lúa nước để canh tác. Hiện tại, toàn xã có hơn 47 ha lúa nước được trồng ở các khu ruộng bậc thang bên các sườn đồi hoặc các thung lũng. Ảnh: Đào Thọ Để giảm bớt sức lao động, các địa phương người Thái, Mông, Khơ Mú của huyện Kỳ Sơn từ lâu đã đưa máy móc vào để sản xuất lúa nước. Đây là một bước đi lớn làm thay đổi cuộc sống của người dân vùng biên. Ảnh: Đào Thọ Ông Hờ Bá Pó - Chủ tịch Hội Nông dân xã Nậm Cắn cho biết, nguồn nước chủ yếu được lấy từ khe, suối và đổ từ ruộng cao xuống ruộng thấp nên nước trong các ruộng bậc thang luôn được điều hòa đảm bảo gieo trồng lúa đúng thời vụ. Ảnh: Đào Thọ Những ruộng mạ ở bản Noọng Dẻ (xã Nậm Cắn) đã lên xanh tốt, người dân tranh thủ xúc mạ để đưa vào ruộng. Ảnh: Đào Thọ Bản Noọng Dẻ là nơi có diện tích ruộng nước lớn nhất của xã Nậm Cắn với 32,5 ha. “Từ mấy ngày nay, chúng tôi tranh thủ lúc tiết trời mát mẻ để xuống đồng gieo cấy cho kịp thời vụ. Nhờ có diện tích lúa nước này mà gia đình không còn phải lo cái ăn nữa. Phải cố gắng thôi” - bà Kha Mẹ May Thén ở bản Noọng Dẻ chia sẻ. Ảnh: Đào Thọ Ở bản Noọng Dẻ, người dân tập trung tại ruộng của một gia đình để cấy, sau đó chuyển sang ruộng gia đình khác như một cách giúp đỡ nhau trong công việc. Ảnh: Đào Thọ Những người đàn ông vùng biên ngoài việc cày, bừa cũng rất thành thạo trong việc cấy hái. Ảnh: Đào Thọ Những thửa ruộng bậc thang đã được gieo cấy xong bên cạnh ngôi nhà sàn nhỏ người dân dựng lên để nghỉ ngơi sau mỗi buổi làm việc. Ảnh: Đào Thọ
POWERED BY
ONE CMS - A PRODUCT OF
NEKO