Nhớp

NHỚP

Đôi khi dưới cái gầm trời chang chang này có những thứ thật mà cứ ngỡ như là đùa, lại có những thứ đùa mà cứ y như là thật. Chuyện rằng, ngày xửa ngày xưa, trợ lý tổng giám đốc nọ trước khi về hưu bỗng nhiên làm đơn đòi bằng được phụ cấp độc hại cho vị kế nhiệm. Tuyên bố đầy trượng phu của ông là: “Mình hy sinh nhiều rồi, không để thế hệ sau thiệt thòi”. Trước bao băn khoăn dồn nén, giữa cuộc họp công đoàn, vị trợ lý gạo cội nọ mới ung dung thả lỏng lưỡi phát biểu: “Thưa mọi người, ngày mai tôi nghỉ hưu rồi, tôi kêu gọi quyền lợi không phải cho tôi mà cho thằng em kế nhiệm. Xin mọi người bình tĩnh cho kẻ tận số cố làm này được giãi bày sự thiệt thòi mà bao năm nay không biết tỏ cùng ai: Đúng là làm trợ lý tổng giám đốc ăn trắng mặc trơn, suốt ngày phòng lạnh, một bước ô tô hai bước ô tô, tuy nhiên tôi đề nghị cậu ấy được hưởng phụ cấp độc hại không vu vơ như cái lu cái lon mà có lý do của nó. Ai cũng biết đã là trợ lý thì lúc nào cũng kè kè bên thủ trưởng, mà thủ trưởng của chúng ta thì tôi nói thật là… nhớp vô cùng!”.

Chẳng biết cuộc họp sau đó kết thúc thế nào và cũng chả biết câu chuyện trên có bao nhiêu phần trăm là hư cấu. Chỉ có điều từ đó trở đi, ở một cơ quan nọ, có vị “tổng đốc” nọ, ngoài cái tên cha sinh mẹ đẻ ban cho thì bà con lại gán thêm vào phía sau một cái đuôi có 4 chữ cái – “Nhớp”. Giai thoại còn đồn rằng, sau này, khi đã về làm người tử tế, cựu tổng đốc ấy bỏ ra rất nhiều tiền để thuê người “xóa” chữ Nhớp nhưng thất bại vẫn hoàn thất bại, thậm chí càng xóa thì cái chữ Nhớp lại càng bay cao và vang xa hơn. Thế mới biết trên đời này không phải cái gì cũng mua được bằng tiền, mặc dù mọi thứ đều có cái giá của nó. Giá đắt!

Nhớp không phải là từ thuần Nghệ, nhưng thường được người Nghệ vừa dùng để nhấn mạnh sự bẩn thỉu, vừa để chì chiết sự bẩn thỉu. Các vùng miền khác thường láy đôi kiểu “nhớp nhúa” chứ ít khi để riêng chữ nhớp dưới dạng “mồ côi” như dân Nghệ nhà ta. Nhớp làm gì nhỉ? Nhớp làm người ta rùng mình và khinh bỉ. Nhớp tất nhiên là sự bẩn thỉu, nhưng không chỉ là sự bẩn thỉu thông thường mà hôi hám hơn, ướt sượt hơn, nhầy nhụa hơn. Trong một số trường hợp thì nhớp là sự bẩn thỉu ngụy trang trong chính sự bẩn thỉu. Nhớp không đơn thuần dùng để chỉ hiện vật như cái lò giết mổ hay cái cống thoát bồn cầu mà nó còn được hiểu dưới dạng “phi vật thể” khi chỉ tính cách, hành vi của con người. Nói đến nhớp là gợi về hình ảnh một kẻ bẩn tính nhưng  không đơn thuần chỉ kẻ bẩn tính thông thường mà phải là kẻ bẩn tính điển hình và kinh niên.

Nhớp là hội tụ của tổ hợp các hành vi bẩn thỉu, bỉ ổi, đểu giả, hiểm ác, mất dạy, táng tận, thâm nho và đặc điểm nổi bật của nhớp là siêu tiểu nhân. Sống cạnh một gã bẩn thỉu đúng là vô cùng thảm họa, luôn luôn phải đặt mình trong tình trạng cảnh giác phòng ngừa, nhưng sống cạnh một thằng nhớp đáng sợ hơn vạn lần vì muốn phòng ngừa cũng không phòng ngừa được, muốn cảnh giác cũng không cảnh giác xong. Biết người ta chơi nhớp mà vẫn phải bấm bụng chịu mới cay, mới kinh. Nhớp là kẻ không có lấy một chút đàng hoàng quân tử nhưng lại vô vàn mưu mô thủ đoạn, ngang nhiên, trâng tráo, vô liêm sỉ. Cái duy nhất không thể phân biệt giữa kẻ nhớp và người đàng hoàng chính là ngoại hình. Vâng, kẻ nhớp in đúc như người bình thường từ ngoại thất cho đến tận cùng nội tạng. Chưa sống với kẻ nhớp thì không bao giờ nhận ra kẻ nhớp, nhưng sống với kẻ nhớp cũng chưa chắc đã nhận ra kẻ nhớp. Sự nguy hiểm của kẻ nhớp là sự nguy hiểm khó lường nhất trong mọi sự nguy hiểm.

Khoa học ngày càng phát triển, thành tựu về đo đạc của con người đã làm kinh ngạc chính con người. Không chỉ biết được khoảng cách giữa các vì sao hàng tỷ năm ánh sáng mà chiều ngược lại, người ta có thể đo được đến tận (thậm chí vượt qua) phần ngàn của mi cờ rô mét. Tuy nhiên không biết đến bao giờ, một ngàn hay một tỷ năm nữa khoa học mới thành công trong việc tạo ra một cái thước đo lòng người. “Kích thước” lòng người không đơn thuần đo bằng sự nông sâu, mà hóc búa làm bó tay khoa học chính là sự lắt léo, trở quẻ thiên biến vạn hóa khôn lường trong đó.

Ở đời thật khó cho chúng ta tránh bị chơi đểu, chơi xấu, chơi ác… dẫu cuối cùng rồi chúng ta cũng sẽ vượt qua. Mỗi lần như thế chúng ta mất mát, tổn thương rất nhiều nhưng bù lại chúng ta sẽ nhận được những bài học vô cùng quý giá. Tuy nhiên khi bị chơi nhớp lại là chuyện khác, không loại trừ khả năng chúng ta phải chấp nhận tổn thương mất mát trong đau đớn!

Nói đến chữ nhớp lại rùng mình nghĩ về những cái xác súc vật lững lờ phân hủy đầu nguồn sông Đào mà người ta vừa chiếu trên VTV1. Bao năm qua bà con vẫn dùng cái thứ nước giàu “dinh dưỡng hữu cơ” ấy, không chỉ trong sinh hoạt thông thường mà cả cúng đơm. Tuy nhiên, bà con cũng chỉ dùng chữ ô nhiễm thôi, không thấy ai dùng chữ nhớp. Chỉ khi dừng hút nước sông Đào vài ngày, nguồn sông Lam bất ngờ bị lũ tấn công, bị đường đột… cúp nước thì khách hàng mới cứng lưỡi đánh vần chữ nhớp!