Hướng tới Kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2020)

'Như cánh chim không mỏi, bay giữa trời Việt Nam'

(Baonghean.vn) - Trong lịch sử thế giới và nhân loại, Hồ Chí Minh là một trong những lãnh tụ được người dân kính phục, yêu mến, nhắc nhớ và tôn vinh nhiều nhất!

Hơn 93 triệu dân đất Việt và bạn bè khắp năm châu trên thế giới yêu quý, tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ Người là một nhà cách mạng lỗi lạc trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, mà còn cảm phục Người bởi đức tính giản dị, khiêm nhường, thương yêu nhân loại không kể màu da, sắc tộc, tôn giáo, thành phần. Trong suốt hành trình Người đi tìm đường cứu nước đến khi đi vào cõi vĩnh hằng, Người chỉ có một khát vọng duy nhất “Cơm áo cho nhân dân, hòa bình cho thế giới, tình yêu thương cho đồng bào, đồng chí và nhân loại”

Tình cảm Bác đối với đồng bào, dân tộc

Gắn liền với hành trình khát vọng suốt cuộc đời đi tìm đường cứu nước và xây dựng xã hội chủ nghĩa của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tình yêu thương con người. Nửa thế kỷ qua kể từ ngày Bác đi vào cõi vĩnh hằng, không thể kể hết được hàng ngàn bài ca, hàng trăm bản nhạc hát, viết về Bác; song hàng ngàn bài ca, hàng trăm bản nhạc ấy đều có một mẫu số chung, là ca ngợi tình thương yêu bao la của Bác đối với dân tộc, con người và nhân loại; và ngược lại, tình cảm của đồng bào, chiến sĩ cả nước cùng bầu bạn quốc tế đối với Bác.

Thiếu nhi Thủ đô Hà Nội thể hiện bài hát “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu nhi đồng” trong giao lưu nghệ thuật “Khắc sâu lời Bác dạy”
Thiếu nhi Thủ đô Hà Nội thể hiện bài hát “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng” trong giao lưu nghệ thuật “Khắc sâu lời Bác dạy”.
Trong hàng ngàn bài hát ngợi ca tình yêu bao la của Bác đối với đồng bào, dân tộc, có một bài ca cho đến bây giờ vẫn sống mãi và xúc động mỗi lần nghe, đó là bài hát “Bác Hồ một tình yêu bao la” của nhạc sĩ Thuận Yến.
Khó có thể nói hết công lao to lớn của Bác được cả ngàn nhạc sĩ viết riêng cho Bác, song những ca từ mà Thuận Yến đưa ra để tạo thành bài hát “Bác Hồ một tình yêu bao la” vô cùng độc đáo, trữ tình. Thanh cao mà giản dị, sang trọng mà gần gũi, triết lý nhưng rất đời thường. Những câu từ chỉ nghe thôi cũng đủ xúc động chứa chan: Bác Hồ, Người là tình yêu thiết tha nhất/Trong lòng dân và trong trái tim nhân loại/Cả cuộc đời Bác chăm lo cho hạnh phúc nhân dân/Cả cuộc đời Bác hy sinh cho dân tộc Việt Nam….
Cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự hy sinh tận hiến vì dân tộc. Tình cảm của Người đối với dân tộc và nhân dân có những cung bậc cảm xúc khác nhau. Giữa thập niên 40 của thế kỷ 20, cuộc chiến tranh vệ quốc của dân tộc ta ở giai đoạn quyết liệt. Giữa đêm đông giá lạnh nơi chiến trường Tây Bắc, Bác trằn trọc với vận nước, không ngủ được vì thương bộ đội. Nhà thơ Minh Huệ đã viết: “Anh đội viên thức dậy, thấy trời khuya lắm rồi, mà sao Bác vẫn ngồi, đêm nay Bác không ngủ. Lặng yên bên bếp lửa, vẻ mặt Bác trầm ngâm, ngoài trời mưa lâm thâm, mái lều tranh xơ xác, anh đội viên nhìn Bác, càng nhìn lại càng thương, người Cha mái tóc bạc, đốt lửa cho anh nằm”.
Nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền cùng nhóm múa thể hiện ca khúc “Bác Hồ một tình yêu bao la” trong chương trình giao lưu nghệ thuật “Khắc sâu lời Bác dạy”
Nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền cùng nhóm múa thể hiện ca khúc “Bác Hồ một tình yêu bao la” trong chương trình giao lưu nghệ thuật “Khắc sâu lời Bác dạy”.
Tình yêu thương bao la của Bác không phân biệt đẳng cấp, tướng- quân. Giữa rừng sâu núi thẳm trên chiến trường biên giới, chỉ có tình đồng chí, đồng đội cao hơn hết thảy và tình người sâu nặng nghĩa tình mà nhà thơ Minh Huệ một lần nữa đã thay lời khắc họa: “Rồi Bác đi dém chăn, từng người từng người một, sợ cháu mình giật thột, Bác nhón chân nhẹ nhàng”. Những vần thơ của Minh Huệ đầy cảm xúc ấy, sau này được nhạc sĩ Thuận Yến chuyển thể thành bài hát “Bác Hồ một tình yêu bao la” ngợi ca tình yêu của Bác đối với bộ đội, dân công trong Chiến dịch Thu Đông 1947: “Bác thương đoàn dân công đêm nay ngủ ngoài rừng, Bác thương người chiến sĩ đứng gác ngoài biên cương, Bác viết thư thăm hỏi, gửi muôn vàn tình thương”.
Nguyện thực hiện Di chúc của Người
Nửa đầu thế kỷ XX, dân tộc Việt Nam chìm trong đêm trường nô lệ. Xã hội Việt Nam bắt đầu bước sang một trang mới từ ngày 3/2/1930 - ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngày 2/9/1945, Việt Nam bước lên vũ đài chính trị công bố với thế giới về quyền độc lập, tự quyết và quyền giải phóng dân tộc của một đất nước có chủ quyền, mà người đứng đầu và khai sinh nước Việt là Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ngay sau khi Đảng ta thành lập, để ghi nhớ ngày “khai sinh”của Đảng và công lao của Bác, nhạc sĩ Huy Du cho ra đời ca khúc “Việt Nam ơi mùa xuân đến rồi”. Những ca từ giản dị tràn đầy “ánh sáng trí tuệ” của một Đảng non trẻ sau nhiều năm vẫn nguyên giá trị về sự khát vọng hòa bình của dân tộc: “Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, ánh sáng soi đường đưa ta về chiến thắng. Tổ quốc độc lập tự do muôn năm. Đất nước không quên chân lý mang theo tên Người. Việt Nam! Ta tiến vào kỷ nguyên ánh sáng...”

Viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh
Viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nửa thế kỷ trước, ngày 2/9/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời cõi nhân gian. Dẫu vẫn hiểu “sinh, lão, bệnh, tử” và sự “đi vào lòng đất” là quy luật tất yếu của mỗi đời người, song Người ra đi, cả dân tộc nhói đau. Để bày tỏ tình cảm của dân tộc và bầu bạn quốc tế đối với công lao của Bác, nhạc sĩ Chu Minh đã sáng tác ca khúc “Người là niềm tin tất thắng”. Sau 50 năm “Người là niềm tin tất thắng” vẫn là ca khúc thể hiện tình cảm sâu sắc nhất của dân tộc Việt Nam đối với Người: “Đất nước nghiêng mình đời đời nhớ ơn/Tên Người sống mãi với non sông Việt Nam/Lời thề sắt son, theo tiếng gọi Bác gọi/Bốn ngàn năm dồn lại hôm nay”… Không ít bạn bè quốc tế rơi nước mắt khi nghe những ca từ: “Thế giới nghiêng mình loài người tiếc thương/Đây người chiến sĩ, đấu tranh cho tự do/Người là ước mơ, của các dân tộc/Tiếng Người vang vọng đến mai sau nguyện ước theo con đường Bác đi…”
Dưới mái nhà tranh quê nội, du khách xúc động khi nghe thuyết minh viên kể về thời niên thiếu của Bác Hồ ở làng Sen. Ảnh tư liệu: Huy Thư
Dưới mái nhà tranh quê nội, du khách xúc động khi nghe thuyết minh viên kể về thời niên thiếu của Bác Hồ ở làng Sen. Ảnh tư liệu: Huy Thư
Có một điều khác lạ không giống như những lãnh tụ dân tộc khác, tất cả người dân đất Việt thời đất nước còn chiến tranh vệ quốc đến thời bình lặng im tiếng súng hôm nay, vẫn mãi mãi yêu quý Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hàng triệu bài thơ, hàng ngàn bài hát ngợi ca Bác không chỉ Bác là lãnh tụ giả dị khiêm nhường, gần gũi nhân dân; mà còn tôn kính Bác bởi tình thương yêu bao la Người giành cho dân tộc.
Ngược lại cả dân tộc Việt Nam, không phân biệt già, trẻ, gái trai, thanh niên, bộ đội, tôn giáo đều tôn kính Bác. Những ca khúc thể hiện tình cảm của thiếu nhi Việt Nam đối với Người như: “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng” của nhạc sĩ Phong Nhã, “Bác Hồ người cho em tất cả”. Những ca khúc thể hiện tình cảm của bộ đội đối với Bác như “Bác đang cùng chúng cháu hành quân”, “Đêm Trường Sơn nhớ Bác”…
Dưới mái nhà tranh quê nội, du khách xúc động khi nghe thuyết minh viên kể về thời niên thiếu của Bác Hồ ở làng Sen. Ảnh tư liệu: Huy Thư
Dưới mái nhà tranh quê nội, du khách xúc động khi nghe thuyết minh viên kể về thời niên thiếu của Bác Hồ ở làng Sen. Ảnh tư liệu: Huy Thư
Không thể kể hết những ca khúc đặc sắc ngợi ca tình cảm bao la của Bác đối với dân tộc Việt Nam, và dân tộc Việt Nam đối với Người. Chỉ biết hơn 50 năm qua kể từ ngày Bác vĩnh biệt chúng ta, hình ảnh Người vẫn trong triệu triệu trái tim người dân đất Việt và bầu bạn quốc tế. Và mỗi năm đến ngày sinh của Người, những ca khúc hát về Người vẫn vang vọng khắp năm châu. Đó là bài ca mang hồn dân tộc, kết nối triệu tấm lòng yêu nước nguyện mãi mãi thực hiện di chúc thiêng liêng của Người./.

tin mới

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

(Baonghean.vn) - Quốc Lộ 48A như dải lụa mềm vắt qua thị trấn Tân Lạc, huyện miền núi Quỳ Châu có hai con dốc khá nổi tiếng là Kẻ Lè và Bù Bài. Để tạo mỹ quan cho cửa ngõ thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu từ đầu năm nay đã tổ chức thành công đường hoa trên dốc Kẻ Lè.

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

(Baonghean.vn) - Lễ hội Môn Sơn - Lục Dạ là một trong những lễ hội độc đáo và mang đậm bản sắc văn hóa của người dân tộc Thái ở huyện Con Cuông. Bên cạnh cảnh đẹp thiên nhiên, Môn Sơn còn níu chân du khách bởi bản sắc văn hóa độc đáo của người dân nơi đây.

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

(Baonghean.vn) - Cứ mỗi độ tháng 4 về, những bông cúc biển lại tỏa sắc rực rỡ. Vẻ đẹp riêng của loại hoa được xem là biểu tượng du lịch Cửa Lò khiến cho các thiếu nữ không thể bỏ lỡ với mong muốn lưu lại những tấm hình làm kỷ niệm.

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

(Baonghean.vn) - Ngày 15/4, tại thành phố Hạ Long, Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phối hợp với tỉnh Quảng Ninh khai mạc lớp bồi dưỡng “Văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam: Vai trò của sáng tạo, lý luận, phê bình và quảng bá”.

Bệnh tan máu bẩm sinh

Sàng lọc, phòng ngừa bệnh tan máu bẩm sinh

(Baonghean.vn) - Bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) là bệnh di truyền và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của người bệnh và cả chất lượng dân số. Tại Nghệ An, dù đã được tuyên truyền thường xuyên nhưng số người mắc bệnh vẫn còn khá cao, nhất là ở các huyện miền núi.