Như chúng ta đã lớn lên sau không ít lần hành động bản năng

Hồi tôi 10 tuổi, lớp 4, tôi được tuyển về học trường năng khiếu của huyện. Trường cách nhà chừng 11 km, phải đi đường quốc lộ, rồi rẽ vào đường làng, qua mấy cây cầu. Tôi phải ở nội trú. Thứ 2 hàng tuần tôi được bố chở xe đạp đến trường kèm gạo và tiền đóng cho các cô cấp dưỡng nấu ăn cho. Mỗi chiều thứ 7 bố lại đến đón về.

Nhưng tôi có tới cả chục lần tự đi bộ về nhà qua hàng chục km đó. Lý do, bố bận công việc hay đến muộn, còn tôi thì nóng lòng muốn về nhà sau 1 tuần ở trường, nên cứ thấy bạn được bố mẹ đón về hết mà bố mình chưa tới là tôi đeo cặp lên vai, cuốc bộ về nhà. Lần đầu tiên đến trường không thấy tôi, bố đã đi tìm loạn xạ. Bố tìm tôi suốt con đường hàng chục km, gặp ai cũng hỏi thăm. Rồi khi bố hớt hải về nhà thì tôi đã yên vị ngồi xem mẹ nấu cơm. Bố vừa mừng vừa bực. Bố mắng tôi và dặn dò lần sau không được thế. Nhưng nhiều lần sau tôi vẫn thế, vì tôi không chịu ngồi sân trường một mình đợi bố. Bố thì cố gắng bao nhiêu vẫn có ngày không thể xong việc sớm hơn để đón tôi. Cực chẳng đã bố thỏa thuận, nếu tôi không đợi bố thì khi đi bộ nhớ đi chậm, để mắt người đi xe đạp, thấy bố phải gọi thật to lên. Bố cũng hứa là trên đường đi sẽ chú ý những người đi bộ xem có thấy tôi không. Nhưng rốt cục, trừ những ngày bố đến sớm thì tôi trọn vẹn ngồi sau xe bố về, còn những ngày bố đến muộn thì bố con tôi đều “lệch pha”, không gặp nhau giữa đường buổi nào. Nhiều hôm bố nhễ nhại mồ hôi đạp xe về đến nhà, thì tôi cũng đi bộ gần về đến nhà. Quãng đường hơn 10 cây số đó bố đi xe đạp 2 lượt hết 2h đồng hồ thì tôi đi bộ 1 lượt cũng hết chừng đó thời gian. Giờ kể lại cả nhà cứ cười lăn. Con không ngoan đã đành, bố hình như cũng “không ngoan” thì phải.

Chuyện đi bộ hàng chục cây số trong tuổi thơ nhiều người, hay chí ít là tôi, chả có gì khó khăn hay ngạc nhiên cả. Đạp xe mấy chục cây số cũng không là cái đinh gì với bọn học sinh lớp 4, lớp 5 chúng tôi. Nhiều lần tôi và các bạn tự đạp xe ra tận biển Thịnh Long cách trường 25 km, tắm xong lại đạp xe về. Rồi những đêm trốn bố mẹ đi xem đoàn cải lương diễn ngoài trời ở cái nhà hát tồi tàn cách nhà 8 cây số. Cứ theo đoàn người mà đi. Lúc về, đến xã mình chả còn ai, một mình đi xuyên qua đêm tối, sợ tê tái, 11-12h đêm mới về đến cổng nhà gọi bố mẹ ầm ĩ. Mẹ mắng cho 1 trận, rồi lần sau vẫn chứng nào tật ấy.

Ông anh trai tôi còn kinh khủng hơn. Có một cái xác trôi sông người ta phát hiện ra ở khu vực xã tôi. Nhưng cán bộ xã không chịu cho vớt người ta lên đi chôn, nên thuê một người chèo thuyền buộc dây kéo cái xác đó sang địa phận xã khác. Xã khác lại cũng thuê thuyền khác kéo cái xác sang xã khác nữa. Và cuối cùng cái xác trôi ra đến biển. Cái xác đi đến đâu trẻ con người lớn túa ra xem 2 bên bờ sông đến đó. Anh tôi đi theo đoàn người mải miết từ trưa, băng qua nhiều xã, dọc theo con sông, đến lúc nhìn thấy biển thì trời cũng vừa chập tối, và đoàn người hiếu kỳ cũng đâu hết cả rồi. Anh tôi bắt đầu sợ, quay đầu chạy về nhà. Đường về nhà xa tít tắp. Cảm giác con ma trôi sông bám đuổi theo càng kinh khủng. Anh tôi vừa chạy vừa khóc trong đêm tối, không biết bao lâu đường đất, bao lâu thời gian, bao nhiêu lần vồ ếch thì về đến nhà, hoảng loạn. Đêm ấy anh tôi mê sảng, và mẹ tôi cứ chốc chốc lại phải ôm “thằng bé hư” vào lòng: “Khổ thân con tôi, ai bảo không nghe lời mẹ”.

Khi bạn là một đứa trẻ, những lời dạy của bố mẹ thấm vào bạn cách nào? Bạn học các kỹ năng ra sao? Câu hỏi đó ai trả lời giúp tôi chứ tôi không biết trả lời thế nào cho rành rọt. Tôi chỉ biết rõ là tôi đã lớn lên bằng những trải nghiệm chứ không phải bằng lời dạy suông. Bây giờ có nhiều chuyện ngẫm lại, tôi hiểu ra nếu tôi nghe lời cha mẹ từ xưa thì con đường tôi đi đỡ gặp thất bại hơn, tôi ít bị vết thương hơn. Nhiều người chắc cũng có chung ý nghĩ như vậy. Nhưng tôi cũng lại biết rằng trải nghiệm là tài sản của mọi người. Giống như ta đi du lịch vậy đó, nhiều cung đường cực kỳ hiểm trở mà ta vẫn quyết đến, vì ta khát khao được trải nghiệm.

Trong mọi nền tảng để giúp ai đó trưởng thành trong cuộc đời, nhất là trưởng thành về mặt tư duy, về mặt tinh thần thì không thể vắng mặt sự trải nghiệm. Nghĩa là người ta phải dấn thân vào từng sự kiện cuộc sống, phải cùng với nó, ở trong nó để khám phá, nếm mùi vị thực sự của những cảm giác, cảm xúc. Phải tự mình chịu đựng khó khăn hay hưởng thụ vui mừng, sung sướng, người ta mới cảm nghiệm và đúc rút ra các khái niệm cuộc sống mang dấu ấn cá nhân mình. “Dấu ấn cá nhân mình” chứ không phải là được người khác bảo cho là như vậy.

Giống như khi mẹ tôi bảo, con hãy đi đường này, thành công sẽ ở đó, và tôi đi như một sự nghe lời, thì thành công kia nếu có, hình như nó là thành công của mẹ tôi thì đúng hơn. Một người có ý thức cá nhân mạnh mẽ, họ sẽ đi đến điểm nào đó theo cách họ muốn, họ lựa chọn. Và cho dù với một sự lựa chọn đầy hạn hẹp vì thiếu kiến thức hay hiểu biết đi nữa, và họ thất bại hoàn toàn đi nữa, thì thất bại đó cũng không tệ. Nó là nền tảng của thành công sau đó, chắc chắn vậy.

Nên tôi rất biết ơn cách giáo dục của mẹ tôi với anh tôi, vào cái đêm anh tôi chạy theo đoàn người xem cái xác chết trên sông quay về nhà trong hoảng loạn, sợ hãi. Mẹ đã không đánh mắng, mà chỉ ôm anh tôi vào lòng khi anh tôi mê sảng. Bài học mà mẹ dạy anh em chúng tôi rằng không được tự ý đi đâu quá xa khi chưa được cha mẹ cho phép đã được trải nghiệm để chúng tôi nhận biết được lời mẹ cha dạy là đúng. Tất nhiên có nhiều cách để học bài học này, mà không cần phải theo cách của ông anh trai tôi. Cả làng chỉ có một cậu bé như anh tôi là chọn cách học nguy hiểm đó, kể cũng chẳng phải cách hay. Có thể có những cách khác dễ dàng hơn, nhưng “ông anh hư” của tôi lại không chịu chọn lựa. Chúng tôi hồi đó được cha mẹ dạy rất nhiều, nhưng lúc nghe thì răm rắp mà lúc hành động thì gần như đứa nào cũng đuổi theo cảm xúc của mình. Phải chăng những lời răn dạy cần thiết nhưng mà luôn là chưa đủ? Phải chăng mọi sự kiện của cuộc sống hiện diện là để cho mỗi người tìm đến, cảm nghiệm và nhận diện nó theo cách của riêng mình? Phải chăng để thực sự trưởng thành, mỗi chúng ta không thể nào chỉ đơn thuần là biết lắng nghe, mà người ta còn phải biết cả sai lầm nữa?

Và trong trường hợp cậu bé đạp xe hơn 100 cây số đi thăm em vừa rồi thì thế nào đây? Chúng ta nghĩ về em thế nào cho thỏa đáng? Liệu những ai đang bày tỏ lòng yêu quý em là họ đang cổ xúy cho cái sự không ngoan, sự thiếu kỹ năng sống của em chăng? Liệu việc chúng ta khen ngợi em như vậy sẽ có hàng ngàn trẻ em sẽ bắt chước làm những việc nguy hiểm chăng? Liệu rằng chúng ta đang quá cảm tính chăng?

Vâng, các bậc phụ huynh lo lắng là có cơ sở, và cũng không thừa. Tai nạn xe cộ, bị bọn buôn người bắt cóc, bị lả vì đói… là bao nhiêu nguy cơ cho một đứa trẻ khi nó đi đường xa như vậy. Lạnh gáy quá đi chứ. Nhưng ngẫm kỹ hơn chút đi, bạn có thấy là không một đứa trẻ nào lớn lên mà không từng phải đối mặt với rủi ro, nguy hiểm, một cách chủ quan hay khách quan. Rủi ro khắp nơi, không chỉ ở ngoài đường. Bạn nhốt bọn trẻ ở nhà, dặn con không được mở cửa cho người lạ rồi bạn đi. Đứa trẻ rất ngoan, nó không mở cửa cho người lạ, và thậm chí cả ngày nó không đi ra phía cửa. Nó chỉ ngồi im một chỗ. Vì nó đang bận đang lang thang trong thế giới của game online, của YouTube. Thực ra là nó đang cần mẫn mở cửa cho những người lạ khác bước vào tâm hồn nó, những Khá “bảnh”, những Lệ Rơi, búp bê ma kumathon, và nhiều nhân vật khác nữa. Con bạn đi gặp người lạ mỗi ngày mà bạn đâu có hay.

Rồi bạn đưa con tới trường và bạn nghĩ nó an toàn. Nhưng thực phẩm bẩn, xâm hại thân thể, xâm hại tình dục, bạo lực học đường vẫn liên tiếp xảy ra.

Dù chủ quan hay khách quan, thì nguy hiểm luôn có, rình nấp xung quanh 1 đứa trẻ, dù cho bạn bọc con bạn kỹ đến mức nào. Tất nhiên rồi, để chống lại những rủi ro đó, chúng ta phải rèn kỹ năng cho các con. Chưa bao giờ giáo dục quan tâm đến kỹ năng sống nhiều như hiện nay. Không ít bố mẹ quan niệm, việc rèn kỹ năng cho con còn quan trọng hơn cả việc học tri thức, là bởi vì thực tế có quá nhiều điều bất an xung quanh bọn trẻ.

Nhưng nếu chỉ vì như vậy mà bạn không cho phép người ta xúc động về câu chuyện cậu bé một mình đạp xe vượt quãng đường hàng trăm cây số đi thăm em sao? Tôi tin những người cảm phục, thương mến cậu bé, không ai định khuyến khích trẻ con làm việc đó. Hàng ngàn người xúc động về câu chuyện của cậu bé, là bởi họ cảm nhận sâu sắc “động cơ tâm hồn” của em. Thật khó diễn tả, cái mà tôi gọi là “động cơ tâm hồn” đó. Nó vô hình quá đi, nhưng nó cũng rất thật và nó có khả năng làm chấn động trái tim người khác. Tôi ngẫm về cái “động cơ tâm hồn” của cậu bé đó và thực sự muốn trò chuyện với các con tôi nhiều hơn về tình anh chị em, tình gia đình. Bên cạnh những kỹ năng “cứng” được học từ sách vở, nhà trường hay cha mẹ, con còn phải trân trọng các kỹ năng “mềm” khác. Kỹ năng đó xuất phát từ tâm hồn con, hãy lắng nghe và cảm nhận. Khi con thấy một người bị thương, hãy quên kỹ năng giữ sạch quần áo của mình đi để có thể sẵn sàng cởi chiếc áo của con băng bó cho họ. Khi con yêu thương ai đó, đừng ngần ngại hành động, đó cũng là kỹ năng đấy. Khi con thấy người khác đang buồn, hãy chia sẻ và lo lắng, hãy gần gũi họ, hãy tìm lời mà nói để họ đừng bị tổn thương hơn nữa, cũng là kỹ năng đấy. Đó là những kỹ năng tinh tế vô cùng, kỹ năng của trái tim, của tâm hồn. Những kỹ năng chống lại sự vô cảm, lạnh lùng…

Chúng ta hãy ngừng so sánh, tranh luận về một cậu bé. Hãy yêu thương cậu bé và dừng lại ở đó. Hãy chấp nhận chuyến đi vừa rồi là một thử thách lớn đầu tiên trong đời của cậu. Có lẽ cậu bé đã học được rất nhiều kỹ năng từ chuyến đi này, và nó thực sự quan trọng trong việc kiến tạo nên tương lai của cậu. Hãy để cậu lớn lên như bao cậu bé khác, bên gia đình của mình. Như chúng ta đã lớn lên sau không ít lần hành động bản năng, thậm chí chết hụt, chỉ vì không nghe lời cha mẹ hay thậm chí chống lại lời cha mẹ của mình. Mọi kỹ năng rồi sẽ hoàn thiện cùng với giáo dục và trải nghiệm cá nhân. Nhưng cũng đừng quên rằng mọi kỹ năng không thay thế được tiếng nói của tâm hồn, của trái tim, sâu thẳm bên trong mỗi người. Kỹ năng của chúng ta khó mà hoàn hảo bằng kỹ năng của một con rô-bốt. Nhưng vĩnh viễn rô-bốt không thay thế được con người, vì nó không mang theo một trái tim với ngàn vạn xung năng của cảm xúc. Và ngay cả khi có một trái tim đi nữa, thì trái tim của rô-bốt cũng không thể yêu thương như một con-người-thực-sự.