Những bác sĩ - nhà khoa học Việt Nam rạng danh trên thế giới

Hoa Lê 27/02/2018 09:33

(Baonghean.vn) - Việt Nam là một nước nhỏ còn nhiều thiếu thốn, khó khăn trong việc nâng cao dịch vụ, chất lượng sống của người dân, nhưng chính những khó khăn đó mà dòng dõi con Rồng cháu Lạc lại càng tự hào khi có những người con làm rạng danh đất nước trên trường quốc tế bằng chính tài năng của mình.

Phẫu thuật “Dr Lương” chinh phục thế giới

Khi nhắc đến phẫu thuật “Dr Lương”, những người làm ngành Y trong nước và trên thế giới hẳn không thể quên phương pháp phẫu thuật nội soi tuyến giáp của PGS.TS Trần Ngọc Lương, Giám đốc BV Nội tiết Trung ương.

PGS.TS Trần Ngọc Lương, Giám đốc BV Nội tiết Trung ương.
PGS.TS Trần Ngọc Lương, Giám đốc BV Nội tiết Trung ương. Ảnh: Internet

Với phương pháp hiệu quả mà đơn giản, phương pháp phẫu thuật “Dr Lương” của bác sĩ Lương đang được nhiều nước đăng ký được chuyển giao kỹ thuật. Phương pháp này còn được coi trọng trên thế giới khi có những người Việt sang Singapore để mổ tuyến giáp những lại được bác sĩ tư vấn ngược lại trở về Việt Nam gặp bác sĩ Lương để chữa trị.

Sở dĩ phẫu thuật “Dr Lương” thuyết phục bạn bè quốc tế bởi hơn 3.500 người bệnh đã được chữa khỏi và không để lại sẹo xấu với chi phí chỉ khoảng 400 USD so với thế giới từ 7.000 – 10.000 USD.

“Bàn tay vàng” nâng tầm thụ tinh ống nghiệm

Được bệnh nhân phong tặng bác sĩ có “bàn tay vàng” khi GS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương rất “mát tay” trong chữa hiếm muộn.

GS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế.
GS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế. Ảnh: Internet

Không chỉ thế, tại Bệnh viện Phụ sản TW, thường có nhiều đồng nghiệp nước ngoài sang học hỏi kinh nghiệm bởi có nhiều kỹ thuật Việt Nam làm được nhưng các nước khác chưa thực hiện được như kỹ thuật phôi thoát màng, kỹ thuật nuôi phôi dài ngày, kỹ thuật sinh thiết để chẩn đoán phôi trước khi làm tổ (phát hiện phôi tốt hay phôi có gen bệnh lý)…

Không chỉ có thế mà nhiều kỹ thuật điều trị vô sinh khác như phẫu thuật nối vòi tử cung, phẫu thuật tạo hình tử cung đều được thực hiện rất hiệu quả tại BV Phụ sản TƯ. Đặc biệt tỉ lệ thành công ngày càng tăng, 50 – 60%, cao hơn Singapore, Thái Lan (khoảng 40%) trong khi chi phí lại chỉ bằng 1/10 so với các nước.

Sản xuất thành công vacxin ngừa tiêu chảy vi rút tại Việt Nam

Nhắc đến vacxin phòng bệnh, người Việt Nam không khỏi tự hào khi công trình “Chế tạo hệ thống chủng giống virus vacxinRota và sản xuất vacxin Rotavin-M1 tại Việt Nam” của cố PGS.TS Lê Thị Luân, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung thành công.

Cố PGS.TS Lê Thị Luân, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung thành công.
Cố PGS.TS Lê Thị Luân, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung thành công. Ảnh: Internet

Với mong muốn những trẻ nhỏ Việt Nam được sử dụng các loại vacxin được sản xuất trong nước với công nghệ tương đương với các nước quốc tế và có chi phí hợp lý là niềm vui lớn nhất của bà. Chính vì thế, Việt Nam là một trong 4 quốc gia đầu tiên trên thế giới sau Mỹ, Bỉ và Trung Quốc sản xuất thành công vacxin Rotavin-M1 góp phần cho công tác phòng các dịch bệnh nguy hiểm trên thế giới.

Sản xuất thành công tế bào gốc từ màng cuống rốn

PGS TS Phan Toàn Thắng - một bác sĩ người Việt Nam công tác tại Đại học Quốc gia Singapore, cha đẻ của công trình nghiên cứu về tế bào gốc từ màng dây rốn.

PGS TS Phan Toàn Thắng
PGS TS Phan Toàn Thắng. Ảnh: Internet

Tiến sĩ Phạm Toàn Thắng đã khiến cả thế giới ngưỡng mộ và nể phục khi sản xuất thành công tế bào gốc từ màng cuống rốn. Phương pháp tách tế bào da từ mang dây rốn giúp chữa lành các vết thương về da do bỏng, tiểu đường, loét do phóng xạ, thậm chí là chăm sóc sắc đẹp.

Bên cạnh đó, tế bào gốc màng dây rốn phù hợp cho ghép tế bào gốc đồng loại mà không phải sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch do có tính kháng nguyên và miễn dịch thấp nên khả năng thải ghép thấp.

Có thể nói công nghệ bóc tách tế bào gốc từ màng dây rốn và dây rốn do GS - BS Phan Toàn Thắng phát hiện có ý nghĩa rất lớn trong sử dụng tế bào gốc vào nghiên cứu và điều trị, bởi vì nó gần như là câu trả lời cho tất cả những khó khăn và trở ngại của công nghệ tế bào gốc hiện hành.

Tiến sĩ Y học Phan Minh Liêm, người chuyên nghiên cứu ung thư

Chàng trai quê Khánh Hòa sinh năm 1983 là người Việt đầu tiên được 4 lần vinh danh trên bức tường danh dự của Viện Anderson, viện ung thư hàng đầu của Mỹ.

Phan Minh Liêm chọn nghiên cứu về ung thư khi còn là sinh viên tại khoa Công nghệ Sinh học, Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM. Tốt nghiệp đại học năm 2005, Phan Minh Liêm giành suất học bổng đến Mỹ với hành trang là ước mong được tìm cách giúp bệnh nhân chiến thắng căn bệnh hiểm nghèo.

Tiến sĩ  Y học Phan Minh Liêm
Tiến sĩ Y học Phan Minh Liêm. Ảnh: Internet

Nhóm nghiên cứu do tiến sĩ Liêm dẫn đầu đã phát hiện một gene có khả năng ức chế, triệt tiêu hiệu quả quá trình tạo năng lượng của khối u. Khi gene này được kích hoạt, các tế bào ung thư sẽ không lấy được dinh dưỡng hoặc sẽ lấy được dinh dưỡng nhưng không thể chuyển hóa thành năng lượng. Điều này khiến tế bào ung thư bị tiêu diệt hoặc ngưng tăng trưởng, không di căn được.

Theo các kết quả thử nghiệm ban đầu, phương pháp này hữu hiệu đối với nhiều loại ung thư, đặc biệt là các loại tế bào ung thư ác tính và di căn. Phương pháp này mở ra hướng đi mới cho điều trị trong tương lai với hy vọng có thể tấn công các tế bào ung thư một cách hiệu quả, chính xác mà không làm ảnh hưởng nhiều đến tế bào khỏe mạnh.

Từ năm 2012, Phan Minh Liêm là cầu nối góp phần đưa các giáo sư hàng đầu tại Viện Anderson-Mỹ sang Việt Nam tham gia các buổi nói chuyện, các khóa đào tạo cung cấp kiến thức mới về ung thư cho các nhà khoa học, bác sĩ, dược sĩ, sinh viên Việt, mở ra nhiều cơ hội hợp tác và đào tạo giữa hai nước.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thục Quyên

Giáo sư Nguyễn Thục Quyên là nữ giáo sư-tiến sĩ, bác sĩ người Mỹ gốc Việt. Bà nổi tiếng trong giới khoa học nhờ những đóng góp trong phương pháp phẫu thuật mã hóa màu. Phương pháp tác động để tế bào ung thư phát sáng do bà nghiên cứu đã giúp cho bác sĩ dễ dàng giải phẫu tách bỏ tế bào ung thư ra khỏi cơ thể. Bà cũng nghiên cứu về pin năng lượng Mặt trời bằng chất liệu nhựa dẫn điện.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thục Quyên
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thục Quyên. Ảnh: Internet

Hiện bà đang tham gia giảng dạy và nghiên cứu tại Đại học California tại Santa Barbara (University of California, Santa Barbara- UCSB).

Bà là một trong bốn nhà khoa học gốc Việt có tên trong danh sách những nhà khoa học ảnh hưởng nhất thế giới do Thomson Reuters (một tổ chức theo dõi và công bố thông tin tri thức về chuyên gia nghề nghiệp toàn cầu) công bố năm 2015.

Giáo sư Nguyễn Thục Quyên sinh năm 1973 tại Buôn Mê Thuột và cùng gia đình sang Mỹ năm 1991. Năm 1997, sau khi tốt nghiệp đại học, bà nộp đơn xin học cao học. Chỉ trong vòng một năm sau, bà đã có bằng cao học (thạc sĩ) ngành hóa học vật lý (1998).

Không dừng tại đó, bà quyết định học tiếp để lấy bằng Tiến sĩ. Năm cuối của chương trình Tiến sĩ, Nguyễn Thục Quyên là một trong 7 nghiên cứu sinh xuất sắc nhất được trao học bổng. Tháng 6 năm 2001, Nguyễn Thục Quyên nhận bằng Tiến sĩ cùng giải thưởng xuất sắc của phân ngành Lý- Hóa.

Năm 2004, bà là Phó Giáo sư khoa Hóa - Sinh của trường Đại học California tại Santa Barbara ở California. Năm 2011, bà được phong hàm Giáo sư khoa học.

Giáo sư Nguyễn Thục Quyên thường xuyên về nước tham gia các hoạt động khoa học và góp phần gắn kết các nhà chuyên môn Việt-Mỹ trong nghiên cứu phục vụ cuộc sống con người.

Theo Tổng hợp
Copy Link

Mới nhất

x
Những bác sĩ - nhà khoa học Việt Nam rạng danh trên thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO