Xã hội

Những bàn tay nối dài ký ức Làng Sen

Diệp Thanh 19/05/2025 20:45

Ở Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên (Nam Đàn, Nghệ An), có những con người thầm lặng ngày ngày nâng niu từng mái tranh, chăm chút từng nhành cây, ngọn cỏ, bằng tất cả sự tận tụy và lòng thành kính sâu sắc. Qua đôi tay, tâm huyết và tình cảm chân thành của mình, họ đang góp phần gìn giữ hồn quê và ký ức về Bác mãi vẹn nguyên cho thế hệ mai sau.

Màu xanh từ tình yêu thương và lòng kính trọng

Những năm gần đây, du khách khi trở lại Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên đều dễ dàng cảm nhận rõ sự đổi thay trong không gian nơi đây: Xanh hơn, mát hơn, trong lành hơn và cũng đẹp đẽ hơn nhiều. Để có được khung cảnh ấy, ngoài những nỗ lực cải tạo, tôn tạo về cơ sở vật chất thì còn phải kể đến sự đóng góp thầm lặng của những người công nhân làm công việc chăm sóc cây xanh, vườn tược.

cham-soc-khu-di-tich-kim-lien-anh-diep-thanh00005(1).jpg
Những người chăm sóc cây xanh đóng vai trò quan trọng trong tạo cảnh quan ở Khu Du tích Kim Liên. Ảnh: Diệp Thanh

Ở khu vực quê nội Bác Hồ hiện có 25 công nhân chăm sóc cây, đứng đầu tổ là chị Hoàng Thị Thủy, người đã gắn bó với công việc này suốt 7 năm qua. Kể về công việc của mình, chị Thủy mỉm cười đầy tự hào: “Dù có vất vả thật, nhưng mỗi lần thấy du khách tới đây hài lòng vì cây cối xanh tốt, không gian sạch sẽ, lòng mình cũng vui theo. Chúng tôi luôn cố gắng để tất cả được hoàn hảo nhất”.

Để đạt được "hoàn hảo nhất" ấy là bao nỗ lực âm thầm và nhọc nhằn của những người công nhân chăm cây. Một ngày làm việc bắt đầu từ 6h30 đến 10h30 sáng, rồi từ 13h30 đến 17h30 chiều, bất kể mưa, nắng. Việc của họ không chỉ đơn giản là tưới cây hay quét lá, mà còn phải đảm bảo tuyệt đối an toàn, chỉn chu từng góc nhỏ. Cành khô phải được quét dọn ngay lập tức, nền bê tông phải xịt sạch rêu tránh trơn trượt vào những ngày mưa.

cham-soc-khu-di-tich-kim-lien-anh-diep-thanh00004.jpg
Màu xanh rợp mát trên lối vào quê nội Bác. Ảnh: Diệp Thanh

Chị Thủy kể: “Những ngày cao điểm lễ hội, công việc không ngừng tay, mỗi ngày có tới 40-50 đoàn khách ghé thăm, anh em cứ liên tục vệ sinh, chỉnh trang lại cảnh quan. Có tháng gần như không biết đến ngày nghỉ, nhưng mọi người đều động viên nhau cố gắng vì nhiệm vụ chung, vì hình ảnh quê Bác”.

Khó khăn không chỉ là sự vất vả, đôi khi còn là những lo lắng không tên về từng cây, từng chậu hoa trong khu di tích. Chị Thủy tâm sự: “7 năm làm công việc này, tôi đã coi từng cái cây như con của mình. Mỗi khi cây bị sâu bệnh, trong lòng không yên. Cây đa Bác Trường Chinh trồng, có đợt tưởng như không cứu nổi nữa, chúng tôi lo đến mức ngày nào cũng tưới, bơm thuốc, đào gốc xử lý mà mãi không hồi phục. Nhưng rồi may mắn, chắc Bác thấy chúng tôi tận tâm quá nên phù hộ, cây khỏe trở lại một cách kỳ diệu”.

trồng cây quê Bác Ảnh NVCC00000
Cỏ trong khu di tích sẽ được cắt mỗi tháng một lần. Ảnh: NVCC

Mỗi mùa Hè đến, công việc càng nhân lên khi cây phát triển nhanh, phải cắt tỉa liên tục. Những cây cao 7-8 tầng, tổ cây xanh trèo thang cắt tỉa dưới cái nắng miền Trung gay gắt. Hệ thống tưới nước cũng không thể dùng tự động do lượng chậu quá nhiều, mỗi ngày các chị phải kéo vòi tưới từng chậu. Những ngày cao điểm, khách đông, vòi bị dẫm lên liên tục, kéo cho được cũng... bở hơi tai.

Chăm sóc khu vườn quê Bác là nhiệm vụ nhưng cũng là niềm vinh dự của mỗi người ở đây. Chị Thủy thổ lộ: “Mùa nào thức nấy, khi có quả vải, quả xoài hay nhãn chín, chúng tôi đều thu hoạch để thắp hương cho Bác rồi cùng nhau chia lộc. Sinh nhật Bác, cả tổ đặt một chiếc bánh kem nhỏ để kính dâng lên Người, còn ngày giỗ Bác 23/7 âm lịch thì chúng tôi sửa soạn cỗ xôi gà. Những khoảnh khắc như thế thật sự ấm áp và đặc biệt. Chúng tôi cảm giác như mình chính là người thân của Bác vậy. Có lẽ cũng nhiều người nghĩ thế, nên không ít du khách hỏi chúng tôi, chắc phải gia thế đặc biệt lắm mới được làm công việc ở đây phải không?"

trồng cây quê Bác Ảnh NVCC00002
Những người làm vườn ở Khu Di tích Kim Liên đặt bánh kem chúc mừng sinh nhật Bác sáng ngày 19/5 hàng năm. Ảnh: NVCC

Công việc của những người công nhân ở Khu Di tích Kim Liên không đơn thuần là chăm cây, dọn vườn mà còn là cách họ gửi gắm tình yêu, lòng kính trọng dành cho Bác. Và cũng chính từ công việc lặng thầm ấy, họ thấy mình hạnh phúc và tự hào hơn khi được góp phần gìn giữ nơi Người từng sống, từng đi qua.

“Dù vất vả, nắng mưa, ốm đau, nhưng được ở đây – giữa hồn quê, giữa hơi thở của Bác – tôi thấy mình may mắn lắm”, chị Thủy nói, trong khi tay vẫn thoăn thoắt tỉa tán cây cao chót vót giữa nắng gắt của tháng Năm. Và cũng bởi thế, mỗi mùa sen nở rộ, mỗi đoàn khách đến thăm, đâu đó trong không gian rợp bóng cây xanh ấy, có cả tình yêu, sự hy sinh thầm lặng và niềm kiêu hãnh không lời của những người “giữ hồn xanh” nơi quê Bác.

cham-soc-khu-di-tich-kim-lien-anh-diep-thanh00003.jpg
Không gian Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên ngày càng được đánh giá cao về cảnh quan, không gian. Ảnh: Diệp Thanh

Giữ hồn quê theo tháng năm

Dưới sắc xanh của những tán cây nơi quê Bác còn có một tổ thợ trùng tu thầm lặng ngày ngày nâng niu từng căn nhà cổ, giữ gìn nguyên vẹn từng dấu ấn thời gian nơi đây. Đội thợ gồm 15 người, trong đó ông Đinh Văn Hán (sinh năm 1957, thôn Xuân Lâm) là một trong những người lớn tuổi nhất, cũng là người gắn bó hơn 10 năm với công việc đặc biệt này.

cham-soc-khu-di-tich-kim-lien-anh-diep-thanh00001.png
Mỗi phên, dậu, liếp... ở các công trình tại quê Bác đều được làm theo mẫu cũ. Ảnh: Diệp Thanh

Ông Hán chậm rãi kể về công việc của mình bằng tất cả sự nâng niu và cẩn trọng: “Chúng tôi không làm mới, chỉ sửa sang những gì đã hư hỏng theo mẫu cũ. Mỗi tấm liếp phên rèm đều được làm từ tre, nứa, phải khò than sạch hết xơ. Đá lát sân hay nền giếng là những loại đá tự nhiên đặc trưng của quê hương, được đẽo gọt rồi xếp thành từng lớp, từng hàng, đảm bảo không mất đi nét cổ kính, nguyên sơ”.

Tất cả các hạng mục, từ những tấm liếp che giếng, phên rèm che mưa nắng, cho đến đường đi, nền đất, đều được tổ thợ khéo léo phục hồi y như thuở Bác còn thơ ấu. Đặc biệt, mái nhà lá mía chính là hạng mục khó khăn, thử thách nhất. Ông Hán kể, lá mía ngày càng hiếm, phải đặt mua tận các huyện miền núi, mỗi lần lấy hàng chục tấn. Lá mía sắc, dễ gây xót, ngứa nhưng lại là vật liệu duy nhất có thể sử dụng để giữ đúng nguyên mẫu truyền thống.

Từ mái nhà tranh quê ngoại, quê nội, từ truyền thống gia đình, quê hương đã góp phần hun đúc nên nhân cách đạo đức, tư tưởng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ kiệt xuất, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hoá thế giới. Ảnh: Huy Thư
Nếp nhà tranh giản dị ở quê Bác là điểm nhấn đặc biệt, góp phần tạo nên ký ức, kỷ niệm của nhiều thế hệ người dân khi về thăm nơi đây. Ảnh: Huy Thư

Để lợp xong toàn bộ các mái tranh ở cụm di tích quê nội và quê ngoại Bác, tổ thợ phải mất cả tháng trời làm việc không ngừng nghỉ. Việc thiếu thợ lành nghề càng làm quá trình này thêm khó khăn. Có những lúc trời nắng như đổ lửa hay mưa dầm dề ngày nối ngày, họ vẫn kiên trì từng chút một để giữ gìn cho mái nhà Bác nguyên vẹn và đẹp nhất. Mái tranh rất dễ bị ẩm mốc, mối mọt nên gần như năm nào tổ cũng phải sửa sang, bảo dưỡng thường xuyên để tránh xuống cấp.

Chị Nguyễn Thị Minh Huệ - Trưởng phòng Sưu tầm, Kiểm kê, Trưng bày và Bảo quản của Khu Di tích Kim Liên tâm sự: “Với các bác, các chú trong tổ trùng tu, mỗi chiếc lá mía, mỗi thanh nứa đều được tuyển lựa kỹ lưỡng. Họ không chỉ làm bằng kỹ năng mà làm bằng cả tấm lòng kính yêu và sự trân trọng. Chính sự cẩn trọng ấy đã giúp không gian di tích luôn hiện hữu sống động, gần gũi, gợi nhớ ký ức tuổi thơ Bác bên người thân”.

khu di tích kim liên trùng tu Ảnh Diệp Thanh
Ông Đinh Văn Hán xem xét, kiểm tra các hạng mục đan bằng tre tại quê nội Bác Hồ. Ảnh: Diệp Thanh

Với ông Hán và các đồng nghiệp, công việc không đơn giản chỉ là sửa chữa một ngôi nhà, mà là đang gìn giữ một phần linh hồn của quê hương, là nối dài ký ức đẹp đẽ về Chủ tịch Hồ Chí Minh tới thế hệ mai sau. Và mỗi khi hoàn thành công việc, đứng nhìn căn nhà Bác lại vẹn nguyên giữa màu xanh bạt ngàn của quê hương, ông Hán cảm thấy thật sự hạnh phúc và tự hào vì đã được góp chút công sức nhỏ bé vào một điều ý nghĩa lớn lao như vậy.

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
Những bàn tay nối dài ký ức Làng Sen
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO