Những bất cập trong phụ cấp ưu đãi cho cán bộ dân số theo Nghị định 05

Mỹ Hà 19/06/2023 14:54

(Baonghean.vn) - Nghị định 05/2023/NĐ-CP tăng phụ cấp ưu đãi nghề cho viên chức y tế đã kịp thời động viên, khích lệ đội ngũ nhân viên y tế yên tâm gắn bó với nghề. Nhưng, việc triển khai Nghị định cũng có những bất cập, nhất là đối với đội ngũ cán bộ, viên chức ngành Dân số...

Nỗi niềm sau những ngày chống dịch

Thực hiện Kết luận 25-KL/TW ngày 30/12/2021 của Bộ Chính trị về “điều chỉnh chế độ phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở từ mức 40 - 70% lên 100%”, Chính phủ đã ban hành Nghị định 05/2023/NĐ-CP.

Qua đó, quy định đối tượng hưởng mức phụ cấp ưu đãi là viên chức y tế dự phòng, y tế cơ sở và áp dụng từ 1/1/2022 đến hết 31/12/2023. Cụ thể, mức phụ cấp 100% áp dụng với viên chức thường xuyên, trực tiếp làm chuyên môn y tế dự phòng (gồm cả kiểm dịch y tế biên giới); làm chuyên môn y tế tại trạm y tế cấp xã, phòng khám đa khoa khu vực, nhà hộ sinh, trung tâm y tế cấp huyện và bệnh viện tuyến huyện.

Đây là những đối tượng đã và đang được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề mức từ 40 - 70% quy định tại Nghị định 56/2011/NĐ-CP và Thông tư liên tịch 02/2012/TTLT-BYT-BNV-BTC.

Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Hưng Nguyên tham gia tiêm phòng phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: PV

Tuy nhiên, với các trường hợp không thuộc đối tượng áp dụng của Nghị định 05 thì không được hưởng. Điều này dẫn đến lực lượng làm trong ngành Y tế như truyền thông giáo dục sức khỏe, dân số - kế hoạch hóa gia đình... không được hưởng phụ cấp tăng thêm vì họ không nằm trong nhóm đang được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề mức 40 - 70% quy định tại Nghị định 56.

Đón nhận thông tin này, chị Trần Thị Hồng Nhung - viên chức dân số hiện đang làm việc tại Trạm Y tế xã Hưng Đạo (Hưng Nguyên) nói rằng: “Cảm giác vừa tủi thân, vừa xấu hổ”. Hơn 2 năm trước, khi dịch bệnh vừa xảy ra, cũng như tất cả nhân viên trong trạm y tế, chị đã lên tuyến đầu trong những ngày đầu chống dịch. “Khi đó, mỗi ngày của tôi bắt đầu từ 6 giờ sáng và kéo dài đến 11 giờ đêm. Ngoài công việc hàng ngày là thống kê danh sách, cập nhật thông tin các đối tượng bị dịch bệnh trên địa bàn xã, chúng tôi còn tham gia hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm, điều trị bệnh nhân cách ly ở trạm y tế xã. Thời điểm dịch bùng phát mạnh, có ngày trên địa bàn xã có trên 70 người bị bệnh, tôi cũng đã bị lây nhiễm vì thường xuyên tiếp xúc gần”…

Những ngày chống dịch, chị Nhung chia sẻ rằng: “Chỉ biết làm hết mình, không nghĩ gì về bản thân, không tính gì thua thiệt. Tuy vậy, hiện nay, chị trăn trở: Tôi thấy buồn vì cùng một cơ quan, cùng làm một công việc nhưng nay có người được hưởng trên dưới 100 triệu đồng, có người lại không được hỗ trợ bất cứ khoản tiền nào - chị Nhung nói thêm.

Nghị định 05 nhằm hỗ trợ nhân viên y tế trong thời gian tham gia phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: CSCC

Cách đây gần 3 năm, Hưng Nguyên là địa phương đầu tiên ở Nghệ An được chọn xây dựng bệnh viện dã chiến để điều trị cho bệnh nhân bị Covid-19. Thời điểm đó, ngoài lực lượng chính là bác sĩ, y tá được huy động từ các cơ sở y tế trên toàn tỉnh tham gia chống dịch, thì nhiều bộ phận khác cũng được tăng cường làm công tác hậu cần, hỗ trợ điều trị bệnh nhân, trong đó có cả cán bộ dân số làm ở các trung tâm y tế.

Phòng chúng tôi có 2 người xung phong vào làm việc ở bệnh viện dã chiến với thời gian gần 1 tháng. Bản thân tôi và nhiều anh chị em khác ở vòng ngoài cũng “căng” mình để chống dịch, đó là vừa làm công tác trực tại cầu Bến Thủy để rà soát các đối tượng, vừa làm công tác truyền thông, theo sát các hoạt động của các lãnh đạo địa phương để kịp thời cập nhật thông tin, có nhiều đêm 3, 4 giờ sáng mới về nhà. Ở các trạm y tế xã, tất cả các viên chức dân số cũng làm việc như một cán bộ y tế thực thụ, thậm chí nhiều người sau một thời gian tập huấn khẩn cấp cũng tham gia lấy mẫu, xử lý rác thải, phục vụ các đối tượng cách ly.

Tuy nhiên, điều bất cập hiện nay đó là tất cả chúng tôi không được hưởng chế độ trợ cấp dù Nghị định 05 được ra đời nhằm mục đích động viên cán bộ y tế tham gia công tác phòng, chống dịch Covid-19. Điều đó, vừa không công bằng, vừa thiếu sự khích lệ và khiến cho một bộ phận cán bộ, viên chức ngành Dân số thiếu động lực để phấn đấu và vô tình tạo khoảng cách về nhân viên trong một đơn vị.

Chị Cao Thị Nhung - Trưởng phòng Truyền thông Dân số - Trung tâm Y tế huyện Hưng Nguyên

Đây cũng là vấn đề băn khoăn, trăn trở của tất cả những người đang làm công tác dân số ở các trạm y tế và trung tâm y tế các huyện, thành, thị.

Chị Hoàng Anh - cán bộ dân số ở huyện Quỳ Hợp chia sẻ: Trước đây, lúc bùng phát dịch chúng tôi chỉ biết làm hết trách nhiệm được giao. Anh em trong trạm không phân biệt bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng, nữ hộ sinh, dược sĩ hay cán bộ dân số. Lúc đó chỉ nghĩ ai phù hợp với nhiệm vụ nào thì làm. Ai rảnh lúc nào làm việc đó. Có thời điểm 10 ngày liên tục, cả trạm 7 chị, em, gì cháu phải cách ly ở lại trạm. Đến gần sáng vẫn còn lo lắng, hồi hộp chỉ mong sao không có tiếng điện thoại báo có người bị dương tính với Covid-19. Dù nắng nóng chúng tôi vẫn phải mặc bộ đồ bảo hộ và ngồi tiếp công dân khai báo y tế và làm báo cáo nhanh gần 10 tiếng, không có thời gian ăn uống.

Những ngày chống dịch, sức khỏe ai cũng bị ảnh hưởng, tôi từ 57 kg giảm xuống còn 53 kg, con nhỏ 15 tháng cai sữa mẹ vì mẹ phải cách ly. Nghị định 05 ra đời làm cho cán bộ y tế cơ sở như được tiếp thêm động lực, nhưng lại lấy đi biết bao nhiêu hy vọng và hy sinh cống hiến của đội ngũ viên chức dân số.

Cần được ghi nhận

Từ giữa tháng 8/2020, cùng với cả nước, các trung tâm Dân số - KHHGĐ của tỉnh Nghệ An đã được sáp nhập vào trung tâm y tế và viên chức dân số ở các xã, phường được chuyển về công tác tại các trạm y tế và hoạt động như một cán bộ y tế ở cơ sở. Chính vì thế, khi dịch Covid-19 xảy ra, họ đã cùng với các bộ phận khác trong đơn vị tham gia trong tất cả các hoạt động và xem đây là nhiệm vụ chung của đơn vị. Tuy vậy, khi Nghị định 05 được thực hiện, đây lại là đối tượng không nằm trong danh sách được hưởng hỗ trợ. Trước thực tế này, nhiều trung tâm y tế trong toàn tỉnh đã có văn bản gửi về Sở Y tế với mong muốn ngành có tiếng nói để được điều chỉnh, quan tâm.

Văn bản của Sở Y tế Nghệ An gửi Bộ Y tế về việc thực hiện Nghị định 05.

Trong văn bản của huyện Hưng Nguyên gửi đi ngày 27/3/2023 có viết: Nhiệm vụ dự phòng, phòng chống dịch bệnh là nhiệm vụ chung của toàn đơn vị. Trong thời gian dịch bệnh xảy ra, Trung tâm Y tế huyện Hưng Nguyên đồng thời thực hiện song song hai nhiệm vụ kép. Một nửa cán bộ, y, bác sĩ, nhân viên trung tâm gác lại việc gia đình lên đường nhận nhiệm vụ chăm sóc và điều trị bệnh nhân Covid-19, một nửa còn lại không kể ngày đêm, điều tra dịch lấy máu xét nghiệm. Trong đó, bộ phận viên chức dân số từ trung tâm y tế huyện đến trạm y tế xã tham gia tuyên truyền công tác phòng chống dịch, hỗ trợ chăm sóc điều trị tại nhà cho người nhiễm, tham gia nhập phần mềm, hỗ trợ lấy mẫu, điều tra dịch tế, trực tiếp tham gia vào các đợt tiêm chủng Covid-19.

Liên quan đến nội dung này, mới đây khi Bộ trưởng Bộ Y tế về làm việc tại Nghệ An và thăm một số đơn vị y tế cơ sở, các viên chức dân số cũng đã có đề xuất nguyện vọng. Gần đây nhất, tại Kỳ họp Quốc hội vào tháng 6/2023, vấn đề này cũng đã được nhiều đại biểu Quốc hội kiến nghị và mong muốn sớm được điều chỉnh, sửa đổi, nhằm đảm bảo quyền lợi cho nhân viên y tế và giúp họ yên tâm công tác và tiếp tục cống hiến vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Viên chức dân số hiện đang làm việc tại các trạm y tế xã. Trong ảnh: Viên chức dân số đang làm việc tại Trạm Y tế xã Hưng Đạo. Ảnh: MH

Để đảm bảo quyền lợi và động viên tinh thần cho đội ngũ viên chức, người lao động, Trung tâm Y tế huyện kính đề nghị Sở Y tế kiến nghị với Bộ Y tế trình Chính phủ cho phép đội ngũ này được hưởng phụ cấp ưu đãi như viên chức Y tế dự phòng và Y tế cơ sở.

Đầu tháng 4/2023, trước nhiều ý kiến từ cơ sở, Sở Y tế Nghệ An cũng đã có văn bản gửi Bộ Y tế, Vụ Tổ chức cán bộ về việc thực hiện Nghị định số 05. Trong đó có nội dung đề nghị Bộ Y tế quan tâm xem xét để cán bộ dân số, truyền thông giáo dục sức khỏe, các cán bộ ở bộ phận gián tiếp làm việc ở Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, các đơn vị y tế cơ sở được hưởng phụ cấp ưu đãi theo Nghị định để đảm bảo công bằng giữa các lực lượng. Theo Sở Y tế Nghệ An, đây cũng là lực lượng ở tuyến đầu, thường xuyên, trực tiếp xông pha vào những thời điểm cam go, đã cùng với đội ngũ cán bộ chuyên môn y tế làm việc không kể ngày đêm, không kể ngày nghỉ, không sợ hiểm nguy trong môi trường nguy cơ cao về lây nhiễm để thực hiện nhiệm vụ chống dịch thành công./.

Mới nhất

x
Những bất cập trong phụ cấp ưu đãi cho cán bộ dân số theo Nghị định 05
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO