Những “bông hoa mai” lên non dạy chữ

Đào Thọ - Hồ Phương 20/11/2018 09:36

(Baonghean.vn) - Màn sương sớm dần tan trên đỉnh Cà Moong, buổi học mới lại bắt đầu bằng những tiếng “ê a” vang lên trong các lớp học. Ánh mặt trời soi lên từng khóm hoa lung linh giữa sân trường. Đâu đó vang lên khúc nhạc “cô giáo đẹp như hoa mai rừng”…

Họ, những người tuổi đời còn rất trẻ nhưng đã tình nguyện vượt rừng, vượt suối đến nơi khó khăn nhất giữa lòng hồ Bản Vẽ để gieo chữ. Bao nỗi vất vả chẳng thể nào kể hết được nhưng trong ánh mắt ấy vẫn ánh lên niềm hạnh phúc khôn tả khi nhìn đám học trò đến trường chuyên cần và chăm chỉ học tập.

Gánh xe vượt núi đến trường

Khi tôi đặt bút viết những dòng chữ này chắc hẳn những người như thầy Tuân, thầy Toàn, cô Vân, thầy Kiều… đang phải vượt qua một chặng đường gian na để vào bản Cà Moong (xã Lượng Minh, huyện Tương Dương). Mới cách đây mấy ngày thôi, khi tôi đặt chân đến bản nghèo nằm giữa lòng hồ của Thủy điện Bản Vẽ ấy cũng là lúc gặp được họ trên con đường từ bản Côi đi vào đến điểm trường. Chiếc dép rọ dưới đôi chân lấm lem bùn đất, quần áo chẳng còn chỗ nào sạch sẽ mà bám dày một lớp bùn đặc quánh. “Bọn em vừa gánh xe qua mấy chỗ nhưng đến đây thì chịu, đành để xe giữa đường rồi cuốc bộ vào trường thôi. Anh nhìn xem, núi lở như thế này ai dám đưa xe xuống” - thầy Hoàng Mạnh Toàn vừa thở vừa nói một cách nhọc nhằn.

Do hôm ấy trời nắng nên các thầy mới đánh liều đi xe máy đến trường, còn những lần trước đây chẳng ai dám mạo hiểm băng rừng mà đi như vậy. Cách duy nhất để đến trường dễ dàng nhất là thuê thuyền từ bến thượng lưu rồi đi bộ thêm hơn 1 giờ đồng hồ nữa. Trong chiếc ba lô mà thầy Toàn mang sau lưng có một vật không bao giờ thiếu được là đôi ủng, dép rọ và vài bộ quần áo. Để hạn chế vất vả, họ chia nhau hàng tuần về nhà mang thêm ít thức ăn dự trữ cho nhiều ngày. Đó là cách để họ có thể tồn tại trên “ốc đảo” nằm tách biệt này.

Ngồi bệt bên vệ đường để nghỉ lấy sức sau 3 giờ vật lộn với cung đường bị bão lũ đánh sập, thầy giáo Hoàng Mạnh Toàn kể: Vừa ra trường, thầy đã xin lên “ốc đảo” này dạy học. Đường đến trường ngày nắng đã vất vả, mưa xuống thì gian nan, cơ cực đủ bề. Để đến được điểm trường, mấy anh em 3-4 người thay phiên nhau gánh từng chiếc xe qua vùng sạt lở. “Ngã xe là chuyện thường như cơm bữa của bọn em. Mới đi dạy được mấy tháng nhưng đến bây giờ em cũng không nhớ nổi mình đã ngã xe bao nhiêu lần. Xe cũng đâu đi vào đến bản mà phải để cách đây hơn cây số giữa mưa giữa nắng rồi cuốc bộ xuống trường. Trời mưa quá thì đành đi thuyền cho chắc ăn. Ấy vậy mà đi nhiều rồi cũng thành quen” - thầy Toàn chia sẻ.

Thầy Lô Văn Tuân là người có thâm niên cắm bản lâu nhất. Tuân vốn gốc ở xã Kim Đa nhưng do ảnh hưởng của việc xây dựng Thủy điện Bản Vẽ nên gia đình di dời về xã Thanh Sơn (Thanh Chương). Khi được cho về dạy gần nhà, Tuân không về mà tình nguyện ở lại “ốc đảo” này. Thời gian thấm thoắt đã 8 năm thầy giáo Tuân luân chuyển từ Xốp Cháo sang Cà Moong, rồi lại từ Cà Moong sang Xốp Cháo. Với thầy giáo Tuân, việc cõng xe qua núi dường như đã trở thành một câu chuyện quen thuộc. Tuân chỉ cho chúng tôi những vết bầm tím còn chưa tan trên người như một minh chứng cho sự vất vả của mình. Lô Văn Tuân bảo rằng: “Tuần nào tranh thủ được em lại vượt rừng hoặc thuê thuyền về nhà thăm vợ con một ngày rồi lại chạy lên ngay. Ở đây mỗi lần đi vào hay đi ra anh em trong trường đều phải đi với nhau để còn giúp nhau. Chứ đi một mình rất nguy hiểm, lỡ có ngã xe hay gặp trời mưa không có người khiêng xe cho là chỉ đành đứng mà khóc. Nhiều hôm mệt quá muốn vứt xe lại giữa đường rồi nằm lăn ra đó mà ngủ nhưng lại sợ”. Những lời tâm sự của thầy giáo Tuân khiến chúng tôi không khỏi mủi lòng.

Ánh đèn trên “ốc đảo”

Tiếng trống đêm vang lên xua tan không khí nơi bản vắng. Phía cổng trường, những đứa trẻ với chiếc đèn pin đội đầu í ới gọi nhau vào lớp học. Phía trong, các thầy, cô giáo đang mang từng chiếc bóng đèn tích điện mắc lên phòng học. Đây là những chiếc bóng được họ vận động phụ huynh góp tiền lại để mua nhằm giúp con em mình kiếm thêm cái chữ vào ban đêm. Cô Vi Thị Hồng Vân, một giáo viên trẻ sinh năm 1993 vượt đường 50 km từ xã Yên Thắng lên đây cắm bản chạy ra tận cổng đón từng em học sinh vào lớp. Như một thói quen hàng ngày, Vân hỏi han từng học sinh việc ăn uống, tắm rửa rồi điểm danh. “Ban đêm không có điện, để các cháu ở nhà sợ bố mẹ không bày dạy được nên đến đây để các cô quản lý và hướng dẫn. Nhờ vậy mà chất lượng học tập được nâng cao hẳn”.

Điểm trường có 5 lớp với 5 giáo viên phụ trách, họ đều là những con người còn rất trẻ, đều ở tuổi 9X, mới ra trường đã xung phong lên đây. Cô giáo Lương Thị Vân, sinh năm 1994, quê ở xã Xá Lượng 2 năm làm nghề gõ đầu trẻ ở Cà Moong, thủ thỉ: Khi biết cô xin lên Cà Moong dạy học, bố mẹ rất lo lắng cho cô con gái “trẻ người non dạ”. Ấy vậy mà bằng mọi cách, cô vẫn nằng nặc đòi đến vùng khó khăn ấy cho bằng được. Đến bây giờ Vân vẫn cảm thấy hài lòng với quyết định của mình khi kết thúc năm học vừa rồi học trò của cô đậu vào trường nội trú huyện với thành tích khá cao. Đó là động lực cho Vân kiên trì bám trụ nơi thâm sơn cùng cốc này.

Theo cô giáo trẻ này, cuộc sống vất vả, xa xôi cách trở nhiều lúc nghĩ cũng buồn nhưng nhìn những gương mặt trẻ thơ các cô càng có thêm nghị lực để cống hiến. “Lúc đầu nhận nhiệm vụ, vượt đường rừng một mình đến trường người cứ run bần bật. Điện không, sóng điện thoại chập chờn, lúc ấy em chỉ muốn bỏ nghề cho rồi nhưng cứ nghĩ nếu ai cũng như mình thì các cháu sẽ ra sao. Vậy là lại tiếp tục công việc” - Vân tươi cười. Nụ cười ấy thật hạnh phúc biết bao.

Chợt có tiếng khóc vang lên cuối lớp, Vân bỏ câu chuyện giữa chừng với chúng tôi chạy lại bế một em học sinh, hớt hơ hớt hải chạy về phòng. Vi Thanh Hải, một học trò nghèo đang lên cơn sốt cao khiến ai nấy đều lo lắng. Các giáo viên khác nhanh chóng lấy khăn lau, mang thuốc cho em uống. Thầy giáo Đào Như Kiều bảo rằng, trong hành trang của giáo viên ở đây bao giờ cũng có thuốc cảm, thuốc hạ sốt, đau bụng cho học sinh. Bởi bố mẹ thường xuyên lên nương rẫy, trạm xá thì ở xa chẳng thể nào khám được nên họ bất đắc dĩ phải trở thành thầy thuốc. “Có những trường hợp, bố mẹ ở xa, ốm nằm cả tuần không có người chăm sóc, bọn em phải đưa học sinh về phòng cho uống thuốc, nấu cháo cho các em ăn. Vất vả và không ít thiệt thòi nhưng nhìn thấy học sinh của mình ngày càng trưởng thành, anh em lại đông viên nhau cùng cố gắng. Và có lẽ, động lực lớn nhất là dân bản, các em ở đây thật thà, coi thầy, cô giáo như người cha, mẹ thứ 2. Đó chính là hạnh phúc. Dẫu rằng hạnh phúc ấy đánh đổi bằng gian nan, cơ cực” - thầy giáo Lô Văn Tuân chia sẻ. Nhìn cách chăm sóc học sinh của những thầy, cô giáo trẻ chúng tôi có cái cảm giác ấm áp lạ lùng.

Màn sương sớm dần tan trên đỉnh Cà Moong, buổi học mới lại bắt đầu bằng những tiếng “ê a” vang lên trong các lớp học. Ánh mặt trời soi lên từng khóm hoa lung linh giữa sân trường. Đâu đó vang lên khúc nhạc gieo sâu vào lòng người “cô giáo đẹp như hoa mai rừng”…

Mới nhất

x
Những “bông hoa mai” lên non dạy chữ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO