Những bữa ăn ân tình cho trẻ vùng cao Nghệ An

Mỹ Hà 11/12/2023 11:17

(Baonghean.vn) - Để học trò được đi học đều đặn, có những bữa cơm ngon, đủ chất dinh dưỡng, nhiều giáo viên ở Nghệ An nỗ lực huy động kinh phí cho bữa cơm của trò.

“Cháo yêu thương” cho học sinh bị suy dinh dưỡng

Cháu Lành Thị Phương Thảo ở bản Bua Lầu, xã Châu Tiến (Quỳ Châu) đang học lớp mầm non 3 tuổi, nhưng cơ thể chỉ nhỏ như đứa trẻ lên 2. Hoàn cảnh của Thảo thật đáng thương, bởi mới sinh ra 6 tháng thì mẹ qua đời; bố cháu không có việc làm ổn định, đi làm ăn xa, Thảo ở với ông bà nội. Vì điều kiện khó khăn, ông bà đã lớn tuổi nên cô bé cũng khó được chăm sóc chu đáo, đầy đủ.

IMG_2401.JPG
Điều kiện khó khăn nên nhiều học sinh ở xã Châu Tiến bị suy dinh dưỡng. Ảnh: Mỹ Hà

Thảo là một trong những học sinh đầu tiên của Trường Mầm non Châu Tiến được nhà trường hỗ trợ trong Chương trình “Cháo yêu thương”. Toàn trường có gần 300 học sinh, nhưng trước đó, qua khảo sát đầu năm, mỗi năm trường có khoảng 10,5% tỷ lệ trẻ bị suy dinh dưỡng, chủ yếu là thể nhẹ cân, thấp còi. Số trẻ này thường rơi vào những gia đình éo le, hộ nghèo, cận nghèo, bố mẹ đi làm ăn xa và thường ở với ông bà nên kiến thức, kỹ năng chăm sóc trẻ còn nhiều hạn chế.

Từ thực tế này, để giúp trẻ có cơ thể khỏe mạnh, ban giám hiệu nhà trường đã đứng ra vận động toàn bộ giáo viên trong toàn trường, mỗi người góp một ít kinh phí để hàng tuần tổ chức các bữa cháo yêu thương. Thậm chí các giáo viên còn tổ chức nhiều hoạt động như rửa xe để trích kinh phí cho chương trình.

IMG_2438.JPG
Vườn rau xanh cho học sinh ở Trường Mầm non Châu Tiến. Ảnh: Mỹ Hà

Để đảm bảo đủ chất cho học trò, thực đơn của “Cháo yêu thương” cũng được thay đổi thường xuyên, bữa cháo cá thu, bữa cháo canh thịt lợn, có bữa các em lại được ăn cháo trứng, cháo gà. Trong cháo có rau xanh, có củ, quả nên bắt mắt, kích thích bữa ăn cho trẻ. Dù số lượng cháo phát mỗi ngày không nhiều, chỉ hơn 30 suất, nhưng đã góp phần không nhỏ cải thiện dinh dưỡng cho các em.

Cô giáo Trần Thị Cúc – Hiệu trưởng Trường Mầm non Châu Tiến cho biết thêm: “Không chỉ học sinh mà điều kiện giáo viên của trường chúng tôi còn có nhiều người khó khăn. Vì thế, trong nội lực của mình, chúng tôi chỉ mới giúp đỡ được một số lượng nhỏ học sinh trong trường. Giá trị của những suất ăn không lớn, nhưng chúng tôi mong muốn từ những bữa ăn đủ dinh dưỡng sẽ giúp cải thiện được sức khỏe của các cháu. Hơn thế, mong rằng, từ những bữa ăn này, phụ huynh sẽ nâng cao nhận thức, hiểu biết và cùng chung tay với các thầy, cô để chăm sóc trẻ. Tin vui với chúng tôi là sau hơn 1 năm triển khai chương trình, nhiều trẻ đã không còn bị suy dinh dưỡng, chiều cao, cân nặng đã được thay đổi tích cực”.

bna_Giáo viên trường mầm non Châu Tiến chuẩn bị bát cháo dinh dưỡng cho học trò nghèo.jpg
Giáo viên Trường Mầm non Châu Tiến chuẩn bị cháo dinh dưỡng cho học trò nghèo. Ảnh: Mỹ Hà

Từ những bức thư ngỏ

Trường Mầm non Mai Sơn nằm ở xã biên giới, vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn của huyện Tương Dương. Học sinh trong trường đa phần là người Mông, nhiều điểm trường có đến hơn 90% học sinh thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, cuộc sống rất vất vả.

Hiện, 100% học sinh trong trường đang được hưởng chế độ hỗ trợ của Nhà nước, nhưng với mức hỗ trợ chỉ 150.000 đồng/cháu, tiền hỗ trợ lại thường nhận vào cuối kỳ, nên để duy trì bữa ăn bán trú ở trường gặp rất nhiều khó khăn. Những năm trước, nhà trường tổ chức bán trú dân nuôi, hằng ngày phụ huynh đưa cơm, đưa thức ăn cho con đến trường, nhà trường hỗ trợ thêm canh. Nhưng những bữa cơm đạm bạc do phụ huynh tự nấu chưa đủ để bảo đảm dinh dưỡng cho trẻ.

FotoJet (13).jpg
Để có những bữa cơm đủ chất dinh dưỡng cho học trò, nhiều giáo viên ở Nghệ An đã gửi thư ngỏ để xin nhận hỗ trợ. Ảnh: Mỹ Hà

Cô giáo Hoàng Thị Lan - Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Mai Sơn cho biết, những ngày đầu chị về nhận nhiệm vụ tại trường, khi kiểm tra sức khỏe cho các cháu thì có đến 40% bị suy dinh dưỡng - tỉ lệ cao nhất huyện và cao gấp đôi so với các trường ở khu vực ngoài Quốc lộ 7.

Trước thực tế này, chị đã kết nối với nhiều tổ chức, nhà tài trợ để “xin cơm” cho học trò. Trong các bức thư ngỏ kêu gọi hỗ trợ tiền ăn trưa cho học sinh các điểm trường Phá Kháo, Huồi Tố, Piêng Cọc, Chà Lò được đích thân cô giáo Hoàng Thị Lan gửi đến Dự án Nuôi em Nghệ An và các tổ chức từ thiện, với mong muốn đơn giản là có được bữa cơm đủ chất dinh dưỡng cho học trò.

Lớp mẫu giáo Phá Kháo có 22 trẻ trong độ tuổi đến trường, nhưng trường chỉ mới huy động được 14 trẻ. Hoàn cảnh của các cháu rất đáng thương vì bố mẹ đi làm công ty, các cháu ở nhà với ông bà, nguồn thu nhập chủ yếu từ nương rẫy. Là giáo viên ở trường, nhìn những bữa cơm “mang từ nhà đi” của các con, chúng tôi không cầm được nước mắt, chạnh lòng khi thức ăn chính của các con đa phần chỉ có mỳ tôm và bột súp mỳ tôm, vài cháu khá hơn thì có chút trứng xào, mỳ tôm xào trứng, có thịt chuột, thịt nhái…

TRÍCH NỘI DUNG thư của giáo viên trường mầm non Mai sơn - Tương dương

IMG_2662.JPG
Bữa cơm "dân nuôi" của học sinh Trường Mầm non Tri Lễ rất đạm bạc, hôm nào khá hơn mới có chút thịt chuột, thịt nhái... Ảnh: Mỹ Hà

Sau những bức thư ngỏ, niềm vui đã đến với học sinh Trường Mầm non Mai Sơn khi thời gian qua, nhà trường đã nhận được sự hồi đáp từ Dự án Nuôi em và một tổ chức thiện nguyện ở Thành phố Hồ Chí Minh. Nhờ đó, đến nay, 84 học sinh của trường đã được nhận tiền hỗ trợ, với mỗi suất ăn 1 ngày từ 7.000 – 10.000 đồng/cháu. Số tiền này, giáo viên trong trường sẽ dùng để mua thức ăn mặn. Phần còn lại gạo, rau, củ, quả, nhà trường sẽ đi xin thêm các nhà hảo tâm khác hoặc do phụ huynh đóng góp thêm. Hơn 3 tháng sau khi những bữa ăn dinh dưỡng được thực hiện, những chuyển biến đã thấy rõ khi các cháu tăng cân. Thậm chí gần đây, nhiều giáo viên còn đề nghị giảm khẩu phần ăn của trẻ vì có những em đã vượt cân nặng.

“Học sinh mầm non ở vùng sâu, vùng xa khó khăn quá. Vì thế, lúc viết thư, tâm nguyện của chúng tôi là mong muốn có những bữa cơm đủ chất cho trẻ, để các con có thể yên tâm đến trường, không còn sợ bị đói. Ngoài vận động cho các con có bữa cơm no, chúng tôi còn kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ tiền mua sắm dụng cụ nấu ăn, sinh hoạt, sửa sang cơ cở vật chất cho các nhà trường”, cô giáo Hoàng Thị Lan chia sẻ.

Trong những năm qua, đã có hàng trăm lá thư ngỏ của các giáo viên, hiệu trưởng các nhà trường gửi đến các nhà hảo tâm để mong chia sẻ với khó khăn của học trò vùng cao. Cùng với đó, đã có hàng nghìn học sinh nhận được sự giúp đỡ, với mong muốn được chung tay chăm lo cho bữa ăn của học sinh nghèo.

Theo bà Đỗ Thị Nga - Trưởng ban Thường trực mạng lưới tình nguyện Quốc gia khu vực miền Trung – Trung tâm tình nguyện Quốc gia, phụ trách Dự án Nuôi em Nghệ An, sau 5 năm triển khai chương trình, đến nay, hơn 5.000 học sinh tại 80 điểm trường ở Nghệ An đã và đang được hỗ trợ bữa ăn thường xuyên với mức hỗ trợ 150.000 đồng/tháng. “Tất cả những bức thư ngỏ mà các nhà trường gửi đến, chúng tôi đều cố gắng trả lời bằng những việc làm thiết thực và rất vui vì đã góp phần nhỏ bé của mình đem những bữa cơm dinh dưỡng đến với học trò”.

bna_Những bữa ăn được thực hiện từ sự giúp đỡ của dự án Nuôi em Nghệ An tại điểm trường Phá Kháo - Trường mầm non Nga My - Tương Dương. Ảnh - Mỹ Hà.jpg
Những bữa ăn được thực hiện từ sự giúp đỡ của Dự án Nuôi em Nghệ An tại điểm trường Phá Kháo, Trường Mầm non Nga My, huyện Tương Dương. Ảnh: NTCC

Không chỉ đem đến những bữa cơm ngon, sự hỗ trợ của các chương trình thiện nguyện còn góp phần nâng cao chất lượng giáo dục vùng cao, duy trì sự ổn định, chuyên cần ở các nhà trường. Tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Mường Ải (Kỳ Sơn), thầy giáo Nguyễn Sỹ Đông – Hiệu trưởng nhà trường vui mừng nói rằng, sau 1 năm nhận được sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm, đặc biệt là Dự án Nuôi em, học sinh đã được ăn, ngủ tại trường, được hỗ trợ đồ dùng học tập, quần áo và được thưởng thức nhiều món ăn ngon “ngoài trí tưởng tượng”. Nhờ đó, chất lượng dạy học của nhà trường cũng nâng lên, các lớp học duy trì được sĩ số, trẻ chuyên cần và phát triển toàn diện.

Trong khi đó, ở Trường Tiểu học Bảo Nam (Kỳ Sơn), sau những bữa cơm bán trú của các nhà tài trợ, hiệu quả rõ rệt nhất đó là học sinh của trường được cải thiện về chiều cao, cân nặng. “Nhà trường cũng đã tạo được niềm tin đặc biệt giữa phụ huynh khi gửi gắm con em học tại trường, chất lượng giáo dục nâng lên rõ rệt”, thầy giáo Phạm Bá Đường - Hiệu trưởng nhà trường cho biết.

Hơn 8000 học sinh ở các huyện vùng cao Nghệ An được nhận hỗ trợ các suất ăn từ Dự án Nuôi em Nghệ An.jpg
Hơn 8.000 học sinh ở các huyện vùng cao Nghệ An được nhận hỗ trợ các suất ăn từ Dự án Nuôi em Nghệ An. Ảnh: NTCC

Tấm lòng của thầy cô, sự sẻ chia của các nhà thiện nguyện cũng đang góp phần đưa Nghệ An từng bước cải thiện tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng, rút ngắn khoảng cách về chênh lệch chỉ số suy dinh dưỡng giữa các vùng, miền, nhất là ở các huyện miền núi cao.

Mới nhất
x
Những bữa ăn ân tình cho trẻ vùng cao Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO