Những bước chân không mỏi

(Baonghean) - Chị có gương mặt đầy đặn, "ăn to nói lớn" và "thẳng tuột" kể cả khi nói đến những chuyện rất tế nhị. Đó là tính cách của một con người, nhưng cũng là phẩm chất cần cho công việc chị đang làm. "Nếu cứ ăn nói quá tử tế và hiền lành, thì còn lâu mới tiếp cận được với khách hàng của chúng tôi". Chị Nguyễn Thị Trà Mi (SN 1974), tổ trưởng tổ 4, nhóm nhân viên tiếp cận cộng đồng của dự án Life Gap tại TP. Vinh chia sẻ...
 
Chị đến với công việc này là một sự tình cờ, giống như cái duyên trong cuộc đời. Trước đó, chị làm công tác Đoàn của khối Xuân Bắc, phường Hưng Dũng, TP. Vinh. Một lần, chị trưởng trạm y tế hỏi chị có muốn làm việc với Life Gap không? Lúc đó, chị chưa hình dung được công việc mình phải làm là như thế nào nhưng cứ "thử" xem sao. Chị được đi học 10 ngày, sau đó thi xét tuyển. Trong số 65 người thi, chỉ 10 người được chọn, và thật không ngờ chị lại trúng, không những thế còn đạt điểm cao thứ 2.

"Nhiệm vụ của chúng tôi là can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV tại cộng đồng. Đối tượng là người mua dâm, bán dâm, người nghiện ma túy, nhiễm HIV, có quan hệ tình dục đồng giới, thuộc nhóm đối tượng di biến động, và người có quan hệ tình dục với tất cả những đối tượng trên ", - chị Trà Mi nói. Nhóm gồm có 24 người, chia làm 6 tổ, mỗi tổ lại chia làm 2 cặp, mỗi cặp 2 người đi làm việc cùng với nhau. Vì là nữ, nên đối tượng tiếp cận chủ yếu của chị là gái mại dâm và phụ nữ có H.

Chị Nguyễn Thị Trà Mi đang trò chuyện với "khách hàng" của mình

Bắt tay vào làm chị mới hiểu thấu, công việc không hề đơn giản chút nào. Nếu muốn tiếp cận với khách hàng của mình, chị phải đến tận nơi họ làm việc, đó là quán cà phê trá hình, là quán gội đầu, mát xa, quán karaoke, nhà nghỉ, là những "khu phố đèn đỏ"... Thế là, các chị cũng đi uống cà phê, đi cắt tóc, gội đầu như bao khách hàng bình thường khác. Khi đã trở thành thân quen, chị mới lân la hỏi chuyện, giới thiệu bản thân và để tài liệu tuyên truyền lại. Chị kể: "Khi biết chúng tôi là ai, họ không chịu tiếp xúc nữa, họ giấu giếm, chối bay chối biến đi chứ, đối với họ, chúng tôi chỉ là những người cản đường làm ăn, ảnh hưởng đến việc kiếm cơm của họ mà thôi".

"Chị có làm như em đâu mà chị tỏ ra biết như thế, chị có cho tiền em được không mà em phải nghe chị"? - Đó là những câu hỏi thường xuyên chị gặp phải. Bao nhiêu lần, bị bọn bảo kê dọa đánh, rượt đuổi, "dằn mặt" thế nhưng hôm sau chị lại quay trở lại đó. Các chị mang theo tài liệu đưa cho khách hàng của mình đọc, đưa BCS đến phát, đưa mô hình và dạy cho họ cách sử dụng BCS đúng cách. Nói với họ những điều rất thật: Nếu quan hệ tình dục (QHTD) mà không sử dụng BCS, họ có thể bị bệnh, không làm việc được, hoặc lỡ có thai, sẽ bị bà chủ đuổi đi...Thời gian làm quen ấy bao giờ cũng phải mất hàng tháng trời. Nhiều khi, vừa mới kịp quen, họ bị công an truy quét, chạy toán loạn, các chị lại phải đi tìm lại từ đầu.

Cho đến khi những cô gái bắt đầu quen với sự hiện diện của chị, lời nói của chị, nhận ra những cái đúng, cái cần thiết cho sức khỏe của mình, họ bắt đầu chia sẻ, từng chút, từng chút một. Họ nói với chị về một ngày phải tiếp bao nhiêu khách, khách không bao giờ chịu sử dụng BCS, sau mỗi ngày như thế họ cảm thấy gì, lo sợ điều gì... Lúc này, chị phải dùng cả tình cảm và kiến thức của mình để chỉ bảo những điều cần thiết cho những cô gái tưởng chừng đã quá từng trải trong cuộc sống. Nhiều khách hàng của chị có trình độ hiểu biết thấp, thậm chí có người không biết chữ. Hôm nay nói, ngày mai quay lại hỏi họ lại quên. Chị lại kiên nhẫn nói lại từ đầu, liên tục, từ ngày này qua ngày khác, cho đến khi người ta hiểu thì thôi. "Nói chuyện với họ, mình phải sử dụng cả tiếng lóng, tiếng "trong nghề" để họ thoải mái, thân mật, chứ nói chuyện lịch sự, tử tế có khi lại hỏng chuyện. Mình phải như họ, giống họ, bằng với họ, chỉ cần tỏ một chút thái độ khác thôi, thì tuyệt đối sau này không bao giờ có thể trò chuyện lại được". - Chị Trà Mi thổ lộ.

Cũng không ít lần chị gặp những chuyện cười ra nước mắt. Lần chị với người trong tổ mình đến đoạn "tam giác quỷ" của TP. Vinh để tuyên truyền cho những cô gái hoạt động tại đây. Vừa đến đứng cùng cô gái nọ, thì khách tới, nhìn một lượt rồi hất hàm hỏi chị: "200 đi không em, anh mở hàng cho". Những đợt công an truy quyét gái mại dâm, bọn chị cũng bị "lùa" hết về đồn công an, khi về tới trụ sở rồi, giải thích, đưa thẻ ra lại được về.   
         
Nhiều lúc, nghĩ thấy mệt mỏi vô cùng. Cái giờ người ta trở về sum vầy với gia đình, để nhắc nhở con cái học bài, thì chị cùng với người bạn đồng hành của mình rong ruổi trên các con đường tối tăm, nhập nhoạng. Thế mà chị vẫn không sao từ bỏ được. Chị nghĩ đến những con người không ai quan tâm, không ai chia sẻ, sau một đêm dài đi khách, nghĩ đến việc họ cần biết bao nhiêu sự giúp đỡ của chị, của cộng đồng xã hội, nghĩ đến việc nếu chị không chủ động đưa tay ra nắm lấy bàn tay của họ, thì ai sẽ kéo họ lên khỏi vũng lầy tuyệt vọng, buông xuôi... Chị lại đi, bền bỉ, liên tục cả đêm lẫn ngày. Kiên trì đợi chờ ánh mắt chấp nhận của họ, đợi họ dè dặt từ từ kể ra những điều khó nói nhất.

Mỗi tuần, một cặp như chị tiếp cận được ít nhất 12 khách hàng, mỗi tháng đưa được 7 khách hàng đến VCT khám thành công. Chị gắn bó với công việc này đến giờ đã 5 năm, không nhớ nổi đã có bao nhiêu khách hàng và đã làm thay đổi cuộc sống của bao nhiêu con người. Nhiều cô gái đã coi chị như người thân của mình, họ còn giới thiệu cả "khách" của mình đến để chị tư vấn, hướng dẫn cho, là điều mà không phải ai cũng làm được. Thành công lớn nhất của chị là những cô gái ấy thay đổi thái độ, hành vi, từ bỏ con đường mại dâm, quay về với cuộc sống lương thiện, là những người phụ nữ số phận không may có H, biết vững tin, tìm lại được động lực để tiếp tục cuộc đời, sống có ích.

Chị kể trường hợp cô gái quê Thanh Hóa: "Con bé trẻ lắm, lúc mới đầu nhất quyết không cho tôi tiếp xúc. Sau 2 tuần liên tục đến gặp, nói chuyện mới chịu chia sẻ trước khi vào đây đã có chồng, có con, nhưng chồng nghiện ma túy rồi chết, đành để con cho bà ngoại rồi vào đây... "Em giờ bèo dạt mây trôi, nước nổi bèo nổi, mặc kệ đến đâu thì đến thôi". Tôi mới bảo: "Nghề ni không lâu dài được, không có tương lai, mai sau già, ốm đau bệnh tật biết làm gì, em phải quay về, kiếm cái nghề chi khác làm mà nuôi con nữa". Hai chị em liên lạc với nhau suốt hơn 1 năm trời, năm ngoái nó đến gặp tôi nói: "Em thương các chị lắm, em thấy những lời các chị nói đúng quá, giờ em có ít vốn rồi, em phải hoàn lương thôi, các chị đưa em đi khám được không?". Chúng tôi đưa em đi khám, thật may là con bé vẫn chưa nhiễm HIV".

Về quê, cô gái vẫn giữ liên lạc thường xuyên với chị Trà Mi, cô thông báo tin mừng đã tìm được một người chồng thật sự thương yêu, thông cảm cho mình, 2 người mở một quán ăn sáng để làm ăn. Trước khi cưới, cô vào tận Vinh mời chị Mi và nhờ chị đưa đi khám lần nữa cho chắc chắn.

Nhưng không phải ai cũng có được sự may mắn như cô gái đó, mà nhiều hoàn cảnh rất thương tâm. Trường hợp 2 vợ chồng ở Vinh, có một cửa hàng buôn bán nhỏ. Chị vợ mỗi lần ra chợ thường nghe mọi người bàn tán về một đôi vợ chồng nhiễm HIV mà không biết là ai. Cho đến khi bỗng dưng chồng đổ bệnh, thuốc thang mãi không khỏi, người gầy đi nhanh chóng, không lâu sau thì mất. Lúc đó chị mới ngỡ ngàng, cái gia đình lâu này người ta vẫn bàn tán ngoài chợ chính là gia đình mình mà chị không hề hay biết. Đau đớn, tuyệt vọng hoàn toàn, người vợ trẻ chỉ nghĩ đến cái chết. Cho đến khi chị Trà Mi tìm đến, động viên, khuyên nhủ và đưa cả 2 mẹ con đi khám VCT. Thật may, đứa con không bị lây bệnh từ bố mẹ, chị đã gợi niềm hi vọng, động lực sống cho người vợ đau khổ ấy từ đứa con đang lành lặn, mạnh khỏe, vô tư của mình. Chị Trà Mi chia sẻ: "Giai đoạn này, bệnh của cô ấy chuyển sang não rồi, nhưng vẫn đang điều trị ARV và có kết quả tốt. Cô ấy tâm sự: "Nếu em gặp chị sớm hơn thì không đến nông nỗi này, nhưng cũng chưa quá muộn chị à. Chị giúp, em cảm thấy vững tin lên nhiều lắm, không có chị, không biết em trở thành con người như răng nữa".

Đồng lương trợ cấp ít ỏi chỉ từ 1,2 - 1,7 triệu đồng/tháng, chẳng đủ tiền xăng để các chị đi lại, đưa khách hàng đi khám bệnh. Nhưng cả nhóm 24 người ai cũng gắn bó, yêu quý và không hề nghĩ đến việc từ bỏ công việc này. Thậm chí, khi có cơ hội chuyển sang dự án khác để làm với mức lương cao hơn, nhưng nhóm vẫn quyết tâm ở lại với "tiếp cận cộng đồng của dự án Life Gap". Các chị coi đây không phải là nghề kiếm tiền, mà là làm từ thiện cho xã hội. Chị Trà Mi tâm sự: "Tôi chia tay chồng đã 7 năm nay. Bố mẹ không muốn cho đi làm vì vất vả, lại đang nuôi con nhỏ, nhưng sau đó cả gia đinh đã đồng ý và ủng hộ, em trai tôi cũng tham gia dự án. Giờ thì trót yêu nghề mất rồi, có muốn bỏ cũng không bỏ được!".

Hồ Lài

tin mới

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

(Baonghean.vn) - Quốc Lộ 48A như dải lụa mềm vắt qua thị trấn Tân Lạc, huyện miền núi Quỳ Châu có hai con dốc khá nổi tiếng là Kẻ Lè và Bù Bài. Để tạo mỹ quan cho cửa ngõ thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu từ đầu năm nay đã tổ chức thành công đường hoa trên dốc Kẻ Lè.

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

(Baonghean.vn) - Lễ hội Môn Sơn - Lục Dạ là một trong những lễ hội độc đáo và mang đậm bản sắc văn hóa của người dân tộc Thái ở huyện Con Cuông. Bên cạnh cảnh đẹp thiên nhiên, Môn Sơn còn níu chân du khách bởi bản sắc văn hóa độc đáo của người dân nơi đây.

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

(Baonghean.vn) - Cứ mỗi độ tháng 4 về, những bông cúc biển lại tỏa sắc rực rỡ. Vẻ đẹp riêng của loại hoa được xem là biểu tượng du lịch Cửa Lò khiến cho các thiếu nữ không thể bỏ lỡ với mong muốn lưu lại những tấm hình làm kỷ niệm.

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

(Baonghean.vn) - Ngày 15/4, tại thành phố Hạ Long, Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phối hợp với tỉnh Quảng Ninh khai mạc lớp bồi dưỡng “Văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam: Vai trò của sáng tạo, lý luận, phê bình và quảng bá”.

Bệnh tan máu bẩm sinh

Sàng lọc, phòng ngừa bệnh tan máu bẩm sinh

(Baonghean.vn) - Bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) là bệnh di truyền và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của người bệnh và cả chất lượng dân số. Tại Nghệ An, dù đã được tuyên truyền thường xuyên nhưng số người mắc bệnh vẫn còn khá cao, nhất là ở các huyện miền núi.