Khẳng định và nâng cao vai trò của chi bộ
(Baonghean.vn) - Là người sáng lập, tổ chức và rèn luyện Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn coi trọng vai trò, vị trí của Chi bộ. Người viết "Chi bộ là nền tảng của Đảng, Chi bộ tốt thì mọi việc sẽ tốt".
Tổ chức đảng và đảng viên của ta có trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, lực lượng vũ trang, đối ngoại,... có ở nông thôn, thành thị, có ở Trung ương và địa phương, có ở trong nước và nước ngoài. Mỗi lĩnh vực, mỗi địa bàn có một đặc trưng khác nhau. Trong bài viết nhỏ hẹp này, chúng tôi chỉ đề cập loại hình khá phổ biến: Chi bộ ở nông thôn, trong tỉnh.
Bác Hồ từng nói: Nước ta là nước nông nghiệp, nông dân giàu thì nước ta giàu, nông nghiệp thịnh thì nước ta thịnh, nông thôn yên vui thì đất nước yên vui. Đó cũng chính là chiến lược phát triển, là sự đảm bảo cho tính bền vững, ổn định của quê hương, đất nước.
Chi bộ mạnh thì phong trào mạnh
Chi bộ là nơi thể hiện rõ nhất, sinh động nhất việc cụ thể hóa sự lãnh đạo của Đảng đối với nhân dân để thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Kết quả phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị là tấm gương phản chiếu, kiểm nghiệm chất lượng của các chủ trương, nghị quyết, chương trình, kế hoạch cũng là thước đo năng lực lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền.
Đồng chí Nguyễn Văn Thanh (ngoài cùng bên trái) - Bí thư Chi bộ thôn Đức Xuân, xã Tiến Thủy (Quỳnh Lưu) giới thiệu về các cách làm của chi bộ trong phát huy sức dân. Ảnh: P.V |
Thực tiễn cho thấy, ở đâu Chi bộ đoàn kết, năng động, sáng tạo, tự mình nỗ lực và biết phát động, hướng dẫn nhân dân hoàn thành nhiệm vụ thì ở đó được quần chúng nhân dân tin tưởng, phấn khởi, phong trào mạnh và bền vững và ngược lại.
Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên
Chi bộ là tế bào của Đảng, là gốc rễ của Đảng ở trong quần chúng. Chi bộ tốt thì mọi chính sách của Đảng đều được thi hành tốt. Vai trò lãnh đạo của Chi bộ tốt sẽ bảo đảm giữ vững sức chiến đấu của Chi bộ, ngược lại sức chiến đấu của Chi bộ tốt sẽ là động lực thúc đẩy nâng cao vai trò lãnh đạo của Chi bộ.
Chi bộ, đảng viên trong Chi bộ là nơi gần gũi, tiếp xúc trực tiếp với quần chúng nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân. Chi bộ là nơi đòi hỏi cao nhất sự tự giác, tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Mỗi khi thực hiện hương ước, quy ước, các nhiệm vụ của địa phương, câu nói “đảng viên đi trước, làng nước theo sau” sẽ thể hiện một cách rõ nhất. Việc thực hiện các nghĩa vụ, đóng góp công sức, tiền của, hiến đất mở đường xây dựng nông thôn mới, giữ gìn nếp sống văn hóa, vệ sinh, môi trường,... mà đảng viên, gia đình đảng viên, cán bộ chây ỳ thì dù có tuyên truyền, phát động, kêu gọi, đôn đốc quần chúng đến mấy cũng sẽ rất khó khăn.
Cần quan tâm bồi dưỡng phẩm chất và năng lực cho đội ngũ cán bộ cấp ủy, chi bộ
Độ tuổi đảng viên nông thôn ở ta hiện nay khá cao. Nhiều nơi họp Chi bộ mà như Hội Người cao tuổi, toàn là người “đầu bạc”. Nguồn cán bộ Chi bộ nông thôn hiện nay rất khó khăn, “đầu vào” thì ít, “đầu ra” thì nhiều. Lực lượng thanh niên và đảng viên trẻ thường đi làm ăn xa nên chủ yếu nhìn vào anh em cựu quân nhân, người nghỉ hưu và một số quần chúng ưu tú trong các tổ chức đoàn thể. Mặt mạnh của họ là đã được tiếp cận với môi trường, không gian khác, mở rộng được tầm nhìn nhưng không phải ai cũng đã từng làm cán bộ, làm công tác xây dựng Đảng. Vì vậy, nhiều người chưa quen việc, ít kinh nghiệm. Do đó, có những đồng chí không nắm chắc phương thức lãnh đạo, chức năng, nhiệm vụ; có những đồng chí chỉ biết chung chung, thiếu hiểu sâu về giống, thời vụ, các kiến thức khoa học trong nông nghiệp, nhất là ứng dụng các công nghệ mới, nông nghiệp sạch. Có những đồng chí do hăng hái, xông xáo lại “lấn sân”, bao biện, làm thay, nhiều khi lúng túng.
Ông Lỳ Pà Chò (ngoài cùng bên trái) Bí thư bản Trung Tâm, xã Mường Lống (Kỳ Sơn) trao đổi về xây dựng chi bộ mạnh cùng cán bộ Huyện ủy Kỳ Sơn. Ảnh: H.T |
Chúng ta vừa tổ chức Đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2020-2025. Việc tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ Bí thư Chi bộ đầu nhiệm kỳ là rất cần thiết. Trong tập huấn, không nên “tham lam, ôm đồm”, nội dung nào cũng quan trọng. Vấn đề là xác định cho đúng đối tượng, cho trúng mục đích, yêu cầu. Cần chọn những nội dung cụ thể, thiết thực, cung cấp những “cẩm nang” cơ bản, thiết thực về công tác xây dựng Đảng ở Chi bộ. Thông qua tập huấn, làm cho cán bộ yên tâm, tự tin, nắm chắc chức năng, nhiệm vụ của mình, hiểu và biết giải quyết mối quan hệ giữa cấp ủy, Chi bộ với các tổ chức quần chúng,... để họ có đủ “vốn” trong quá trình công tác. Trong nội dung tập huấn, có thể mời vài ba điển hình, có nhiều kinh nghiệm, có hiệu quả, có tính thuyết phục báo cáo hoặc tham quan, tìm hiểu thực tế. Nên giành đủ thời gian để thảo luận, giải đáp thắc mắc. Tránh tình trạng phổ biến một chiều, nêu lên quá nhiều lý luận, tràng giang đại hải, sẽ kém hiệu quả.
Mỗi nhiệm kỳ, nên tổ chức ít nhất một cuộc thi Bí thư Chi bộ giỏi. Thực tế, nhiều năm, nhiều địa phương đã làm, có tác dụng tốt.
Theo quy định, hiện nay chế độ chính sách đãi ngộ đối với cán bộ Chi bộ nông thôn còn thấp. Đối với những đồng chí có thành tích tốt, có tín nhiệm cao, hàng năm, nửa hoặc cuối nhiệm kỳ, cần ưu tiên tổ chức cho đội ngũ này giao lưu, tham quan, học hỏi các mô hình điển hình tốt, vừa có tác dụng động viên, khuyến khích, vừa mở rộng tầm nhìn, nâng cao năng lực nghiệp vụ.