Bóng đá trẻ và bài học đắt giá không của riêng ai

Phú Châu 16/07/2022 10:37

(Baonghean.vn) - Bóng đá trẻ có ưu điểm ở sự cống hiến, cháy hết mình của từng cá nhân và tập thể trong bất cứ thời khắc nào, nhưng đi theo đó là tính không ổn định, dễ sụp đổ. Điều này không chỉ xảy ra ở một đội bóng hay một cá nhân nào đó, mà gần như là hầu hết các đội bóng trẻ, kể cả những đội được coi là xuất sắc nhất so cùng trang lứa.

Câu chuyện mới nhất xảy ra gần như cùng lúc, đồng thời ở 2 đội bóng trẻ được coi là mạnh nhất ở giải U19 Đông Nam Á 2022 đang diễn ra tại Indonesia. Đó là U19 Việt Nam và U19 Thái Lan, giành ngôi nhất và nhì bảng A, loại hẳn chủ nhà U19 Indonesia ra khỏi bán kết sau vòng bảng. Vậy nhưng U19 Việt Nam đã thất thủ 0-3 trước U19 Malaysia, một đội không được đánh giá cao trước đó. Tương tự là U19 Thái bất ngờ "ngã ngựa" 0-2 trước U19 Lào.

U19 Việt Nam đã thất thủ 0-3 trước U19 Malaysia.

Cả hai trận thua bất ngờ nói trên đều diễn ra theo cùng một kịch bản: đội tấn công nhiều hơn, áp đảo hơn, cơ hội nhiều hơn nhưng không thể ghi nổi một bàn thắng đã mắc bẫy phản công của đối phương và để thủng lưới. Càng dâng cao càng nôn nóng, càng chịu gánh nặng tâm lý, đánh mất chính mình và đối phương hễ cứ lên được bóng là ăn bàn. Điều này không mới, cũng không bất ngờ trong bóng đá đỉnh cao. Vấn đề là bóng đá trẻ chưa thể gọi là đỉnh cao nên tấn công dồn dập mà cứ như va vào tường, rồi thua trận lúc nào không hay, là lần đầu vấp phải mà không thể tìm được đường thoát, nên bất ngờ nối tiếp… bất thần và mọi thứ dần tuột khỏi tay.

U19 Việt Nam bất ngờ thủng lưới ở cuối hiệp 1, đầu hiệp 2 chơi rất khởi sắc, cơ hội đến liên tục nhưng không thể chọc thủng lưới đối phương. Đang loay hoay thì đối phương lên bóng rất nhanh khi toàn đội dâng cao mà một pha phối hợp đơn giản bên cánh là đủ để tiền đạo băng cắt đệm bóng vào góc chết của thủ môn Văn Bình. Bàn thắng thứ 3 như một hệ quả tất yếu khi đội thua dâng lên và chăm chăm lao vào con đường chật chội ở trước mặt. Chỉ một thoáng sơ hở là cơ hội mở ra đối với đội bóng được coi là yếu hơn nhưng chơi lỳ đòn hơn, mạch lạc hơn, tâm lý thoải mái và hưng phấn hơn.

U19 Thái Lan cũng sa vào mê cung tấn công không thành và bất ngờ thua trận ấy. Người ta có thể tìm ra đầy đủ các nguyên nhân khách quan và chủ quan, dồn trách nhiệm hết lên vai huấn luyện viên trưởng, lên các cá nhân mắc sai sót, sai lầm. Nhưng không thể quên một quy luật bất thành văn trong bóng đá: tấn công nhiều mà không ghi được bàn thắng thì thua trận là chuyện không mới và bóng đá trẻ được đánh giá cao mà thi đấu bế tắc thì thua trận cũng là điều không hề xa lạ.

HLV Đinh Thế Nam của U19 Việt Nam “buồn mà không giận” học trò sau trận thua nặng đã khẳng định tâm lý yếu khiến đội bóng thi đấu không đạt kết quả mong muốn. Điều đó hoàn toàn đúng nhưng có lẽ cần phải nói thêm rằng, chính HLV đã không giải quyết tốt bài toán tâm lý ở trận đấu knock-out, nên dù trong trận khi gặp bất lợi, bị dẫn bàn, anh em liên tiếp bảo ban, động viên nhau nhưng mọi việc vẫn không đi theo chiều hướng tích cực.

Không chỉ U19 Việt Nam mà cả U19 Thái Lan, vốn được đánh giá cao hơn đối thủ, năng lực chuyên môn không hề thua kém nhưng không đủ bản lĩnh, đủ sức đột biến để vượt qua các bức tường phòng ngự nhiều tầng lớp mà đối thủ chủ động giăng ra và đón lõng.

Nhân đây, không thể không nhắc lại thất bại của U19 Việt Nam lứa Công Phượng-Xuân Trường-Tuấn Anh cũng trên đất Indonesia tại giải U19 Đông Nam Á 2014. Rõ ràng đây là một lứa tài năng nổi trội của bóng đá trẻ Việt Nam từ trước tới nay. Ở vòng bảng U19 Việt Nam thắng 1-0 trước chủ nhà U19 Indonesia và nhiều đối thủ sừng sỏ khác, để rồi gặp lại chính đội chủ nhà ở trận chung kết. Lối chơi quyết liệt trên mức cần thiết của U19 Indonesia với sự nương tay của trọng tài khiến cho U19 Việt Nam bay biến lối chơi thêu hoa dệt gấm và đành chịu thất bại cay đắng.

Ở đây, nói rằng U19 Việt Nam không chịu được “nhiệt”, tức bị phá sản khi gặp đối thủ rắn cũng đúng, mà nói rằng bóng đá trẻ không ổn định, thắng đó rồi thua đó cũng không sai. Điều quan trọng là cả U19 thời Công Phượng và U19 thời Văn Trường hôm nay đều có chung một điểm: tài năng sớm nở, thi đấu tốt trước các đối thủ cùng trang lứa, thắng nhiều trận oanh liệt nhưng cũng thua những trận không đáng thua, nhất là ở những thời khắc quyết định.

Tất nhiên, không có đội bóng nào, dù tài năng kiệt xuất, lúc nào cũng chiến thắng mà không hề chiến bại. Trong bóng đá có câu chuyện kỵ “jeux”, chuyện bắt bài nhau, phá lối chơi của nhau và bóng đá trẻ tất yếu cũng phải trải qua những cung đường quanh co, hiểm hóc đó để tiến tới. Thất bại của U19 Việt Nam và U19 Thái Lan vừa nói ở trên vì vậy là bài học tốt, là kinh nghiệm không của riêng ai. Hy vọng sau thất bại cay đắng này, các tuyển thủ U19 Việt Nam hay Thái Lan sẽ biết cách đứng lên, trở lại là chính mình, để ít nhất không để thất bại kiểu tương tự xảy ra, để biết cách vượt lên một cách đơn giản, gọn ghẽ trước bất cứ đối thủ nào?

Mới nhất
x
Bóng đá trẻ và bài học đắt giá không của riêng ai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO