Những cảnh báo về nhân lực Việt Nam
Liên tiếp trong tháng 11 vừa qua, một số tổ chức đã đưa ra những cảnh báo đáng lo ngại về chất lượng nhân lực của Việt Nam.
Khó tìm được người có khả năng phù hợp
Trong báo cáo “Phát triển kỹ năng: Xây dựng lực lượng lao động cho một nền kinh tế thị trường hiện đại ở VN” công bố ngày 29.11, Ngân hàng Thế giới nhấn mạnh hệ thống phát triển kỹ năng kỹ thuật của VN chưa hoàn thiện do thiếu sự kết nối giữa các trường ĐH, dạy nghề với các doanh nghiệp, người lao động và sinh viên.
Ảnh có tính chất minh họa |
Báo cáo đưa ra phân tích cho thấy tiến trình hiện đại hóa nền kinh tế sẽ dẫn tới sự dịch chuyển của cầu đối với lao động, chuyển từ các công việc chủ yếu là thủ công và đơn giản ngày nay sang các công việc phi thủ công và đòi hỏi nhiều kỹ năng hơn; chuyển từ các công việc chủ yếu là các thao tác, nhiệm vụ thường quy sang các nhiệm vụ không thường quy.
Và những công việc mới đó luôn đòi hỏi những kỹ năng mới. “Nhiều công ty vẫn không tìm được đủ số lượng người lao động có kỹ năng phù hợp. Sự thiếu hụt kỹ năng thể hiện đặc biệt rõ ràng ở các ứng viên tìm việc làm trong các vị trí kỹ thuật, chuyên môn và quản lý” - báo cáo viết.
Theo ông Christian Bodewig, tác giả chính của báo cáo, “Những công việc mới này hiện đã có mặt trên thị trường lao động, tuy nhiên người sử dụng lao động ở Việt Nam vẫn đang vất vả tìm kiếm những người lao động phù hợp với mình. Do đó, việc trang bị cho người lao động những kỹ năng cần thiết sẽ là một phần quan trọng trong những nỗ lực của Việt Nam để gia tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế và tiếp tục tiến trình hiện đại hóa nền kinh tế trong thập kỷ tới và xa hơn nữa”.
Đào tạo lại quá nửa
Theo Sách Trắng 2014 của Phòng Thương mại châu Âu tại VN (EuroCham) - tổng hợp quan điểm của các doanh nghiệp thành viên EuroCham về các vấn đề cụ thể trong môi trường kinh doanh tại VN trong năm 2013 - công bố ngày 11.11, các doanh nghiệp ngành CNTT ở VN hiện phải đầu tư rất lớn cho đào tạo kỹ năng nghề, tiếng Anh và kỹ năng mềm khi tuyển dụng sinh viên mới tốt nghiệp.
Một nghiên cứu gần đây của Viện Thông tin - Truyền thông quốc gia cho biết 70% sinh viên tốt nghiệp ngành này cần phải qua đào tạo lại mới có thể đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp.
Ngành du lịch hiện vẫn thiếu nguồn nhân lực được đào tạo bài bản. Phần lớn hoạt động đào tạo hiện nay đều do các trung tâm đào tạo triển khai…
Bà Nicola Connolly, Phó chủ tịch EuroCham phụ trách lĩnh vực nguồn nhân lực và đào tạo, trích dẫn các nghiên cứu gần đây cho thấy tỷ lệ các công ty nước ngoài khẳng định phải đào tạo lại đội ngũ nguồn nhân lực nội địa luôn ở mức từ 40% đến 50%. Các doanh nghiệp này cho biết chính việc thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao là lý do lớn nhất họ không thể đầu tư tối đa ở VN hay tệ hơn nữa là chọn một thị trường khác trong khu vực.
Trong Sách Trắng 2014 cũng chỉ rõ: “Trong khối ASEAN, VN nằm ở nửa cuối của bảng xếp hạng đánh giá về phát triển nguồn nhân lực. Vì vậy, phát triển và nâng cao kỹ năng của lực lượng lao động là một trong những nhiệm vụ trọng yếu của VN nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động đang thay đổi nhanh chóng”.
Không đổi mới mạnh mẽ sẽ tụt hậu xa
Trước đó, phát biểu trước các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận tổ ngày 24/10, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh cảnh báo nếu VN không đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt và khẩn trương, đặc biệt là đổi mới thể chế kinh tế, sẽ tụt hậu xa so với khu vực, thậm chí tụt hậu so với Campuchia, Lào.
“Tôi cho rằng tài nguyên lớn nhất của VN là con người. Nhưng chúng ta đã khai thác tài nguyên này thế nào? Tôi là bộ trưởng, muốn nhận một cháu học tiến sĩ giỏi đang làm bên ngoài 50 triệu đồng/tháng, tôi nghĩ về bộ cậu ấy sẽ làm thay được việc của nhiều người khác.
Nhưng tôi không nhận được vì không trả lương như vậy được, và nếu tôi cho nghỉ việc mấy người kém để tuyển cậu ấy vào thì tôi sẽbị kiện ngay. Bộ máy nhà nước xây dựng chính sách mà cán bộ dốt, không thu hút được người tài thì làm sao có chính sách tốt được” – ông Bùi Quang Vinh nhấn mạnh.
Theo Vietnamnet.vn