Những cánh đồng lúa 'nói không' với hoá chất độc hại ở Nghệ An
Những cánh đồng “lúa hữu cơ” hoàn toàn nói không với các hóa chất độc hại như thuốc bảo vệ thực vật hoá học, thuốc trừ cỏ… chưa nhiều, nhưng đang dần trở thành xu hướng được quan tâm.

Những cánh đồng "lúa sạch"
Bắt đầu sản xuất lúa sạch từ năm 2022 trên diện tích 1 ha lúa, nhưng vụ Hè Thu 2024 là vụ đầu tiên anh Nguyễn Phúc Hưng - chủ trang trại H2 Farm ở xóm Thạch Sơn (xã Văn Thành, huyện Yên Thành) sản xuất theo phương thức trong suốt vụ chỉ bón phân 1 lần duy nhất. “Trước đây cũng đã hoàn toàn dùng phân bón hữu cơ rồi, nhưng mỗi vụ vẫn bón 3-4 lần. Bây giờ chuyển sang bón 1 lần theo quy trình hướng dẫn của ngành nông nghiệp, tôi đỡ được nhiều chi phí trong khi năng suất và chất lượng lúa vẫn ổn định thậm chí cao hơn”, anh Hưng cho biết.
Theo anh Hưng, sản xuất theo hướng hữu cơ ban đầu nhiều khó khăn, năng suất kém hơn, không tiện lợi như sản xuất thông thường, nhiều việc phải làm thủ công nên phải thật sự tâm huyết, quyết tâm, bỏ hẳn tư duy sản xuất chú trọng sản lượng mà đi vào chất lượng. Vụ đầu tiên, 1 ha lúa của gia đình anh cho năng suất thấp hơn sản xuất thông thường, nhưng từ vụ thứ hai đã ngang bằng, cao hơn. Và cái được lớn hơn, đó là đảm bảo sức khỏe trước hết cho chính bản thân mình và sau đó là người tiêu dùng cũng như bảo vệ môi trường sống.

Nhiều năm qua, trên 1 sào ruộng “lúa rươi” của gia đình, cũng như những hộ dân khác trong xóm, chị Trịnh Thị Lài ở xã Châu Nhân (Hưng Nguyên) không hề phun thuốc bảo vệ thực vật hoá học cho cây lúa để giữ rươi, thế nhưng lúa vẫn phát triển rất tốt, ít sâu bệnh và cho năng suất cao, giá bán cũng cao hơn thị trường 2- 3 giá mà không đủ để bán. Từ lợi thế về những cánh đồng “lúa rươi” đó, bắt đầu từ vụ Xuân 2024, Sở Khoa học và Công nghệ bắt đầu thực hiện Dự án Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, xây dựng mô hình nuôi rươi kết hợp trồng lúa theo hướng hữu cơ tại huyện Hưng Nguyên. Trên diện tích 3 ha tại xóm 8, xã Châu Nhân, 11 hộ dân tham gia được hỗ trợ 50% giống lúa, phân bón hữu cơ, tập huấn kỹ thuật.
Theo trao đổi của ông Nguyễn Quang Huy - Chủ nhiệm dự án nói trên, thì mặc dù không phun thuốc bảo vệ thực vật hóa học, nhưng trước đây người dân vẫn dùng các loại phân hóa học. Điểm khác biệt quan trọng khi thực hiện và nhân rộng mô hình này, đó là bà con sẽ hoàn toàn chỉ dùng phân bón hữu cơ và thuốc bảo vệ thực vật sinh học có nguồn gốc thảo dược, đúng theo quy trình sản xuất lúa hữu cơ.

Bà Phan Thị Giang - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hưng Nguyên chia sẻ: Trên địa bàn, ngoài hơn 100 ha đất lúa có rươi ở xã Châu Nhân rất thuận lợi để phát triển sản xuất lúa hữu cơ, thì tại các xã khác, trồng lúa theo hướng hữu cơ sẽ là hướng đi mới được huyện quan tâm. Vụ Xuân năm nay, huyện Hưng Nguyên tiếp tục nhân rộng mô hình tại một số xã khác, từ đó dần tạo ra xu hướng mới trong sản xuất lúa trên địa bàn.
Xu hướng mới trong sản xuất lúa gạo
Những năm gần đây, xu hướng sản xuất lúa gạo theo hướng hữu cơ đã bắt đầu xuất hiện ở một số địa phương. Không chỉ nâng cao được giá trị sản xuất lúa gạo, mà quan trọng hơn, phương thức sản xuất này còn góp phần làm thay đổi thói quen canh tác, bảo vệ môi trường cũng như sức khỏe người.
Ông Nguyễn Văn Dương - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành cho biết: Từ năm 2021, Yên Thành đã triển khai mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ với diện tích gần 20 ha ở các xã Văn Thành, Liên Thành và Minh Thành. Đồng ruộng giảm được ô nhiễm do không sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học, sản phẩm bảo đảm an toàn thực phẩm, năng suất cơ bản đạt được như sản xuất đại trà, truyền thống. Đặc biệt, lúa sản xuất theo hướng hữu cơ được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện thu mua toàn bộ với mức giá cao hơn lúa sản xuất bình thường, từ đó xây dựng thương hiệu, nhãn mác gạo Yên Thành nhằm tạo đầu ra tiêu thụ ổn định và giá trị.
“Yên Thành là huyện duy nhất đến thời điểm này được tỉnh phê duyệt thực hiện đề án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; và phát triển, mở rộng diện tích sản xuất lúa hữu cơ, xây dựng thương hiệu gạo an toàn Yên Thành là mục tiêu chúng tôi đang tập trung thực hiện; đặc biệt thuận lợi khi trên địa bàn có Nhà máy chế biến gạo của Tập đoàn TH”, ông Dương chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Tiến Đức - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh: Sản xuất lúa theo hướng hữu cơ chỉ sử dụng phân hữu cơ vi sinh, hữu cơ khoáng và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, tuyệt đối không sử dụng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu hóa học.
Quy trình quản lý dịch hại cũng được thực hiện theo tiêu chuẩn hữu cơ, thiết lập sự cân bằng sinh thái giữa dịch hại và thiên địch, đồng thời áp dụng các phương pháp phòng ngừa như lựa chọn thời vụ gieo phù hợp, cải thiện chất lượng đất và khuyến khích tác nhân sinh học tự nhiên, Phương thức sản xuất này không chỉ đòi hỏi kỹ thuật cao mà còn yêu cầu thay đổi thói quen canh tác từ phía nông dân- từ sử dụng phân hóa học và thuốc trừ sâu truyền thống sang canh tác hữu cơ.
Vụ Xuân năm nay, ngoài Yên Thành và Hưng Nguyên, Nghệ An tiếp tục mở rộng xây dựng mô hình sản xuất lúa hữu cơ tại các huyện Nam Đàn, Diễn Châu và Quỳnh Lưu.
Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, hiện cả nước có 62 địa phương đang chuyển đổi sang canh tác hữu cơ. Tổng diện tích đất nông nghiệp hữu cơ hơn 175.000 ha, trong đó trồng trọt 63.536 ha, nuôi trồng thủy sản hữu cơ 100.000 ha...