Mẹt rau của mẹ
3 giờ sáng, khi thành phố vẫn chìm trong giấc ngủ, chị Nguyễn Thị Chung (sinh năm 1982) đã soạn hàng để chuẩn bị cho một ngày mới. Rau của chị được thả ở đầu con ngõ bên hông chợ Cửa Bắc (TP. Vinh). Như đã hẹn từ trước, rau vừa xuống thì một chiếc xích lô cũ kỹ chậm rãi đến, bốc toàn bộ số rau rồi chở vào sâu trong ngõ tầm 40m rồi thả xuống cạnh cổng phụ. Đội một chiếc đèn pin trên đầu, chị Chung lục tục trải bạt, dỡ hàng, tháo các túi ni lông để bày rau ra bán. Ánh sáng từ chiếc đèn pin trước trán đủ sáng để soi rõ gương mặt dãi dầu của chị.
Chị Chung bắt đầu một ngày mới bằng chuyến xe từ Hoàng Mai vào TP. Vinh. Chị thức dậy lúc 0 giờ sáng để soạn hàng ra đường và bắt chuyến xe lúc 1 giờ sáng vào Vinh. “3 giờ sáng có mặt ở Vinh thì tôi mới có đủ thời gian mua thêm rau, soạn hàng và giao hàng một số khách hàng thân thiết lúc 4 - 5 giờ. Bán hàng đến 1 giờ chiều, tôi bắt xe giường nằm về lại Hoàng Mai. 3 giờ về đến nhà thì nghỉ ngơi, soạn sửa để 6 giờ lại đi gom rau trong dân, 7 giờ 30 nấu ăn. Nép dọn xong thì cũng đúng 10 giờ” - chị Chung vừa thoăn thoắt dọn hàng vừa kể. Lịch sinh hoạt như vậy được chị Chung duy trì suốt nhiều năm nay, bất kể mưa hay nắng, mùa Đông hay mùa Hè. Cũng chính vì chị chăm chỉ, thật thà, đi chợ đều, nên nhiều nhà hàng, quán ăn tin tưởng đặt hàng của chị.
Mẹt rau của chị Chung không quá lớn nhưng đa dạng chủng loại. Bên cạnh những loại rau gom trong dân còn có một số được chọn từ chợ đầu mối và một số mặt hàng “đặc sản” được khách quen nhờ mua như nước mắm Quỳnh Dị, gà cỏ thả rông…
So với mẹt rau của chị Chung thì mẹt rau của chị Đinh Thị Hương nhỏ hơn. Nhà ở xã Nghi Phú, TP. Vinh, bán rau ở chợ Quán Bàu, rau của chị Hương chủ yếu được lấy từ chợ đầu mối hoặc mua lại của một số nhà dân tại chợ. Trên tấm bạt tầm 2m2 có dưa chuột, măng, bí, các loại rau, khoai… mỗi thứ chị bày một ít, vừa đủ để bán trong buổi sáng. “Đặc sản” mà chị được khách ủng hộ nhiều nhất là giá đỗ tự ủ. Vừa bán, chị vừa tranh thủ sàng sảy và nhặt giá, chia thành bao để khách dễ lấy.
Dù không phải đi xa như chị Chung nhưng chị Hương vẫn phải dậy khá sớm để đi chợ đầu mối. “Buôn bán nhỏ nên tôi không mua khối lượng nhiều của thương lái. Tôi thường chọn mua lại của những người gom rau trong dân, những loại này thường hái buổi tối bán buổi sáng nên rất tươi. Giống rau ta nên chất lượng cũng ngon hơn. Gặp được nhà nào hái của nhà đi bán thì tôi sẽ mua lại hết, có thể rau không đẹp nhưng sạch hơn, yên tâm hơn. Khách của tôi thích những loại như vậy” - chị Hương vừa nhặt giá vừa giải thích.
Gom đồng lẻ nuôi hy vọng đời con
Dãi nắng dầm mưa, gió sương vất vả, thu nhập từ những mẹt rau lẻ là sự cóp nhặt từng đồng. Càng thiếu thốn, những người phụ nữ bên mẹt rau đơn sơ càng nuôi hy vọng những đứa con của mình sẽ có một cuộc đời sung túc, bình an hơn.
Người dân quanh chợ Quán Bàu (TP. Vinh) không ai không biết hoàn cảnh của chị Hương. Cách đây 5 năm, mẹt rau của chị lúc nào cũng có 2 đứa trẻ con đứng cạnh. Chồng mất sớm, không có trụ cột gia đình, chị Hương gồng mình đứng dậy, quyết bám chợ để lo tiền ăn học cho con. Đứa lớn thì giúp mẹ nhặt rau, phụ tiền cho khách. Đứa nhỏ chưa biết đi, hoặc nằm trong lòng mẹ, đu đeo bên hông mẹ, hoặc ngồi giữa những mớ rau mà chơi. 3 mẹ con gầy nhẳng, 2 đứa trẻ lúc nào cũng lem nhem, ai cho gì ăn nấy. “Ngày nào bán hết thì có khoảng 150 - 200 nghìn đồng tiền lời. Ngày nào ế hàng thì đem rau về nấu. Chiều không đi chợ thì tranh thủ đi mua phế liệu. Khổ lắm, nhưng dù có phải vay mượn, tôi cũng phải cho 2 đứa ăn học đàng hoàng. Có học thì đời nó mới khá hơn đời của mẹ được” - chị Hương trải lòng.
Trong câu chuyện của mình, chị Hương kể về một người phụ nữ tên Hoa, ở gần nhà chị. Chị nói: “Mẹt rau xập xệ của chị Hoa nuôi cả 3 đứa con ăn học đàng hoàng. Bây giờ cả 3 đứa đều có cuộc sống sung túc, đủ đầy, công việc ổn định, lương cao. Tôi chẳng mong con mình giàu có, chỉ mong đời chúng nó không khổ như mẹ là được”. Dường như hiểu được tâm tư của mẹ, đứa con đầu của chị càng lớn càng ngoan ngoãn, tự lập, mẹ bận thì tự chăm em, nấu nướng.
Cũng với tâm nguyện đó, chị Chung có động lực để bám víu với mẹt rau suốt 15 năm qua. “Sau khi trừ chi phí 150 ngàn tiền xe đi lại thì trung bình mỗi ngày tiền lời của tôi từ 200 - 300 nghìn đồng. Hôm nào có mối sỉ đặt nhiều thì cũng lên được 500 nghìn đồng - nhưng hiếm lắm. Nhiều người nói với tôi, vất vả như thế được có 200 nghìn đồng mà cũng làm, rồi thì tội gì phải vào tận Vinh bán cho vất vả ra… Nhưng với những người như chúng tôi, 200 nghìn đồng cũng là quý rồi. So với lương thợ hồ 250 nghìn đồng/ngày thì bán rau chủ động về thời gian, công việc hơn nhiều” - chị Chung tâm sự.
Mặc dù chủ động về thời gian và thoải mái hơn về tinh thần nhưng chị Chung lại gặp vấn đề về sức khoẻ, khi đảo lộn lịch sinh học của cơ thể. Nhiều năm liền mất ngủ khiến sức đề kháng của chị giảm và thường xuyên ốm đau. “Cũng may, nhà 3 đứa con, đứa nào cũng thương mẹ. Hai đứa con đầu của tôi nay đang học đại học ở Hà Nội, đứa sau thành tích học tập cũng tốt. Mẹ đi chợ, mấy chị em cứ thế bảo ban nhau học hành, ăn uống, không để mẹ phải nặng lời bao giờ” - chị Chung cười. Nụ cười đầy hy vọng vào tương lai của những đứa con.