Những câu chuyện giản dị về quản trị doanh nghiệp, quản trị cuộc đời

Bảo Nguyên 20/10/2022 10:44

(Baonghean.vn) - “Một đời quản trị” của doanh nhân, Giáo sư Phan Văn Trường là cuốn sách được đông đảo bạn đọc yêu thích. Ông có bộ 3 tác phẩm gây tiếng vang lớn, là “Một đời thương thuyết”, “Một đời quản trị” và “Một đời như kẻ tìm đường”. “Một đời quản trị” - trước hết là những câu chuyện giản dị về quản trị doanh nghiệp, nhưng hơn cả, đó còn là những chiêm nghiệm về quản trị cuộc đời.

Phan Văn Trường sinh năm 1946, tại tỉnh Hải Dương. Năm 1967, ông đậu Trường Quốc gia Cầu đường của Pháp, sau đó định cư tại đây. Ông là chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đàm phán quốc tế, là cố vấn của Chính phủ Pháp về thương mại quốc tế. Với những công lao to lớn đóng góp cho sự phát triển của nước Pháp, Phan Văn Trường được Chính phủ Pháp phong tặng Bảo quốc Huân chương và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Phan Văn Trường là một tài năng hiếm có, ông vừa là một kĩ sư, vừa là một nhà kinh tế, một lãnh đạo quản trị doanh nghiệp đứng đầu nhiều tập đoàn lớn trên thế giới với hàng nghìn nhân viên ở nhiều quốc gia. Và với những đầu sách được đông đảo bạn đọc mến mộ, ông còn là người viết tinh tế và tài hoa qua những trang văn lôi cuốn, thu hút. “Một đời quản trị” là những trải nghiệm từ chính cuộc đời ông. Thực tế và chân thành, giản dị mà không kém phần sống động, chính Phan Văn Trường đã tự thôi thúc bản thân rằng, phải viết, phải chia sẻ: “Đúng là không có gì thay thế được cuộc đời thật. Sự mong đợi của các bạn độc giả đã làm cho tôi ý thức được điều cơ bản của giáo dục: giá trị của sự trải nghiệm là cao hơn hết, không lý thuyết giáo điều nào thay thế được kinh nghiệm, không bài học nào đáng giá hơn những vết thương mà chính tác giả đã cảm nhận và rút tỉa. Sách bạn đang cầm trên tay sẽ giữ nguyên tinh thần đó. Tôi may mắn đã được trải qua mọi vị trí từ con tốt lên tới nguyên soái trong suốt 40 năm nghề nghiệp, trên mọi chiến trường quốc tế và quốc nội, trong hầu hết các lĩnh vực cơ bản của nền kinh tế. Còn đợi gì mà không chia sẻ, tôi tự nhủ như vậy”. Cả cuốn sách, quả thực, là những chia sẻ của một con người tài năng và tâm huyết, muốn lan tỏa một lối sống, lối ứng xử, rộng hơn, là văn hóa quản trị, đến với các doanh nghiệp Việt Nam.

Tác giả Phan Văn Trường tại buổi ra mắt sách “Một đời quản trị”. Ảnh: Zing.vn

“Một đời quản trị” gồm 22 chương, tên chương đã cho thấy tác giả - doanh nhân đã dành cả một đời quản trị, đối mặt với khó khăn và thử thách chồng chất, hiểu rõ những xấu - đẹp, sai - đúng trong lãnh đạo, trong môi trường kinh doanh, đưa ra những giải pháp khả thi, sáng rõ, nhắm tới chiến lược đa dạng hóa, quốc tế hóa, sáp nhập và khai phóng óc sáng tạo.

Nhiều người tâm đắc trước cách lí giải về quản lí và quản trị của Phan Văn Trường: “Quản trị, ngắn gọn, là nghệ thuật chọn việc, chọn mục tiêu rồi chọn người, chọn lộ trình, chọn thời điểm để đi tới và sắp xếp để đạt được mục tiêu chung. Dùng người ở đây có nghĩa rõ ràng là tận dụng được cá tính, khả năng, nghị lực của nhân sự làm việc với mình, phóng thích được óc sáng tạo hữu dụng của họ, động viên tối đa được động lực và tâm trí của họ, và cuối cùng đạt mục tiêu được chọn ngay từ thuở ban đầu. Nhưng hơn thế nữa! Làm xong việc mà nhân sự cảm nhận được hạnh phúc chân chính trong việc làm thì mới gọi là quản trị. Cái khó trong quản trị là gắn kết người với người, và gây động lực cùng với sự sáng tạo tối đa”. Cách hiểu về quản trị như thế sát đúng và thực chất, cụ thể, rõ ràng, dễ soi chiếu. Thậm chí nó còn được mở rộng phạm vi, không chỉ trong văn hóa doanh nghiệp, mà với bất kì một đơn vị nào khác, kể cả phạm vi rộng lớn là cuộc đời.

Nhiều vấn đề khác cũng được Phan Văn Trường đặt ra và giải quyết thấu đáo như: Làm thế nào để doanh nghiệp trường tồn? Quản trị con người thế nào là hiệu quả? Khởi nghiệp ra sao để thành công? Và để gói lại gần 500 trang sách, chương cuối có tên “Một ngàn lí do để lạc quan” thể hiện niềm tin tưởng vào tương lai doanh nghiệp và thế hệ trẻ Việt Nam: “Chúng ta nên đặt kì vọng vào các nhóm khởi nghiệp Việt Nam, những người trẻ đầy nhiệt huyết, can đảm. Họ thiếu tất cả, nhưng họ lại sở hữu một tài sản quý báu nhất là óc sáng tạo. Họ cần sự hỗ trợ, và số đông sẽ thành công, sau này có khả năng nhấc hẳn nền kinh tế nước nhà lên vài bậc thang, bứt khỏi vòng luẩn quẩn địa ốc cố hữu. Tuổi trẻ Việt có sẵn một bộ óc sáng tạo tuyệt vời mà tất cả cộng đồng cần và nên khai triển”.

“Một đời quản trị” của Phan Văn Trường, NXB Trẻ, 2017. Ảnh: Bảo Nguyên

Phan Văn Trường đã đồng hành cùng người đọc trong cuốn sách dày dặn, ăm ắp thông tin với giọng văn gần gũi, chân thành, đầy sự khích lệ. Ông viết từ những trải nghiệm của người trong cuộc, đã kinh qua khó khăn, thậm chí cả thất bại, và đã tự tin, dũng cảm, khẳng định thành công của chính mình. Là một doanh nhân tầm cỡ quốc tế, nhưng hồn cốt của người Việt vẫn thấm đẫm trong cách nghĩ, cách ứng xử, trong sự thấu hiểu và đồng cảm văn hóa doanh nghiệp ở “Một đời quản trị”. Những người làm kinh doanh chắc chắn sẽ tìm thấy nhiều điều thú vị từ cuốn sách. Và nhiều người không làm kinh doanh cũng yêu thích những câu chuyện giản dị được kể ở đây, bởi họ có thể tìm thấy những hướng đi để quản trị đời mình...

Mới nhất
x
Những câu chuyện giản dị về quản trị doanh nghiệp, quản trị cuộc đời
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO