Những câu chuyện với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ở Tạp chí Cộng sản
Mười ba năm công tác ở Tạp chí Cộng sản, tôi có 9 năm làm việc dưới quyền Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, được ông chỉ bảo, uốn nắn nhiều điều, dù cũng chỉ học được ông rất ít.
Còn nhớ, vào khoảng cuối năm 1986, tôi vừa tốt nghiệp Khoa Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội, đang thử việc tại Trung tâm Thực nghiệm giáo dục của GS. Hồ Ngọc Đại, thì được thầy Nguyễn Hùng Vĩ nhắn vào gặp.
Vừa gặp tôi, thầy Vĩ hỏi luôn: "Em có muốn về Tạp chí Cộng sản không?". Tôi còn chưa hết ngạc nhiên vì cái tên Tạp chí Cộng sản quá lớn so với một sinh viên mới ra trường thì thầy nói tiếp: "Anh Nguyễn Phú Trọng trước cũng học Khoa Văn mình, hiện là cán bộ lãnh đạo ở Tạp chí Cộng sản, được bọn mình mời vào dạy chuyên đề về báo chí cho sinh viên Khoa Văn. Anh Trọng có nhờ mình tìm một sinh viên vừa tốt nghiệp giỏi để anh xem xét, đưa về Tạp chí làm, mình nghĩ ngay đến Thiên".
Lúc đó, tôi cũng đã nghĩ đến việc rời Trung tâm Thực nghiệm giáo dục để tìm cơ hội khác vì thấy không hợp, nên nghe vậy không suy nghĩ nhiều mà nhanh chóng gật đầu.
Hôm sau, hai thầy trò đạp xe ra Tạp chí Cộng sản ở số 1 Nguyễn Thượng Hiền, vào phòng khách ngồi đợi. Lát sau, một người đàn ông tầm thước, tóc hoa râm, mặc chiếc áo bay Liên Xô, đeo kính trắng tươi cười bước vào. Đó là lần gặp đầu tiên của tôi với ông Nguyễn Phú Trọng. Không hiểu sao, vừa gặp ông, tôi lại chào ông bằng chú, dù tuổi ông hơn tôi không quá nhiều. Có thể vì mái tóc hoa râm, thái độ tiếp xúc điềm đạm, tạo cho người đối diện cảm giác gần gũi nhưng không suồng sã của ông.
Cuộc gặp hôm ấy khá ngắn gọn. Ông hỏi han tôi một số điều về hoàn cảnh gia đình, về việc học hành ở Khoa Văn, những mong muốn, dự định tương lai, giới thiệu sơ qua cho tôi về Tạp chí Cộng sản và công việc ở đây, bảo tôi về suy nghĩ và tìm hiểu thêm.
Biết ông cũng vừa mới bắt đầu dạy chuyên đề báo chí ở Khoa Văn, tôi xin phép được vào dự thính vì kiến thức về báo chí của tôi lúc đó là con số không, cả ông và thầy Vĩ đều vui vẻ đồng ý và khuyến khích tôi vào học.
Sau hôm đó, tôi rủ thêm Đặng Nam, bạn cùng lớp Khoa Văn đang tập sự nghề báo ở chương trình Phát thanh Thanh, thiếu niên của Trung ương Đoàn (nay là Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cùng vào học.
Tôi nhớ đó là chuyên đề báo chí ông Trọng giảng cho Khóa 30 Khoa Văn (khóa của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn và nhà báo, nhà thơ Nguyễn Tiến Thanh - Chủ tịch, Tổng Giám đốc Nhà Xuất bản giáo dục hiện nay). Ở đây, tôi được học những khái niệm nhập môn cơ bản về báo chí: tin tức, phóng sự, điều tra, xã luận, chuyên luận, bình luận, cách thức tác nghiệp, xử lý tin, bài... cùng với những nội dung về đường lối, chính sách về báo chí của Đảng và Nhà nước.
Sau mỗi buổi học, từ Thượng Đình, tôi thường đạp xe cùng ông Trọng về. Đường Hà Nội thời đó còn vắng nên hai chú cháu vừa đạp xe song song nói chuyện vui vẻ. Lúc đó, tôi hỏi ông: "Cô nhà chú công tác ở đâu ạ?", ông đáp: "Bà xã mình làm ở Công an quận Hai Bà Trưng", và mỉm cười nói thêm: "Nhà mình luôn nắm vững chuyên chính vô sản".
Sau đó, qua nhiều thủ tục, đầu năm 1987, tôi đã được nhận vào Tạp chí Cộng sản với công việc đầu tiên là biên tập viên ở Ban Thư ký. Nói biên tập viên cho oai chứ thực ra, công việc là đọc bông, soát lỗi, chữa morat.
Đó là công việc tôi làm trong 2 năm như một cách đào tạo cán bộ của Tạp chí Cộng sản (từ những công việc bếp núc sơ đẳng, đơn giản nhất của nghề báo) trước khi được chuyển sang ban chuyên môn. Tôi nhập tâm công việc này đến mức cho đến nay, nhắn tin điện thoại vẫn phải viết hoa, viết thường, chấm, phẩy đầy đủ, nếu không sẽ thấy khó chịu.
Khi đó, Tạp chí Cộng sản là cơ quan lý luận chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, ngang cấp bộ nhưng cả tòa soạn có chưa đến 60 người, và tất cả đều nghèo như nhau nên luôn có một không khí gia đình gắn kết, đầm ấm, chan hòa.
Những năm còn bao cấp (trước năm 1990), trong khuôn viên Tạp chí, giữa 2 ngôi nhà cao tầng là 1 căn nhà cấp 4 - gọi là nhà câu lạc bộ - trong đó có 1 bàn bóng bàn cũ. Ban ngày, bàn bóng này được dựng lên cho mọi người để xe đạp. Chiều chiều, lại được lắp vào để mấy anh em, chú cháu chơi bóng bàn. Ông Trọng cũng thường tham gia chơi hoặc cổ vũ với mọi người.
Ngày Tết, để giúp anh, chị em cải thiện đời sống, cơ quan từ đầu năm đã nhờ một cán bộ quê Nam Định về quê đặt nuôi 1 con lợn, gần Tết chở lên để nấu cho mọi người cùng được ăn xì xụp, ngon và vui không để đâu cho hết.
Thêm chuyện khác, hồi mới vào Tạp chí, nhập hộ khẩu là mối quan tâm hàng đầu của tôi, vì có hộ khẩu mới làm được sổ mua gạo. Một buổi sáng, gặp tôi ở dưới sân, ông Trọng đưa cho tôi một cuốn sổ màu xanh và nói: "Hộ khẩu của Thiên, cô Mận đã làm xong cho rồi này, cô gửi cho Thiên đây!". Tôi nhận cuốn sổ hộ khẩu từ tay ông mà lòng cảm động không nói nên lời.
Bà Ngô Thị Mận - phu nhân của ông là Trung tá công an, phụ trách đội hộ khẩu của Công an quận Hai Bà Trưng. Không chỉ tôi mà nhiều anh vào cơ quan trước tôi cũng được bà giúp đỡ giải quyết thủ tục hộ khẩu (một công việc hết sức khó khăn, rắc rối thời ấy) một cách thuận lợi, nhanh chóng.
Tạp chí Cộng sản có trụ sở khá đắc địa, hai mặt phố Nguyễn Thượng Hiền và Trần Bình Trọng, và có 2 nhà tập thể lớn (thực ra là 2 căn biệt thự cũ từ thời Pháp thuộc) cho các thế hệ cán bộ trước tôi ở là nhà 61 Nguyễn Du và 16 Nguyễn Thượng Hiền. Gia đình ông Trọng ở số 16 Nguyễn Thượng Hiền, trong căn phòng 20m2 ở tầng 3. Còn tầng 2 dưới nhà ông là gia đình của 2 cán bộ lãnh đạo của Tạp chí, thuộc lớp đàn anh của ông Trọng là ông Nguyễn Trọng Thụ - Trưởng Ban Quốc tế và ông Vũ Xuân Kiều - Trưởng Ban Kinh tế.
Tôi và anh Hồ Bất Khuất lúc đó còn độc thân, được cơ quan bố trí 1 phòng tập thể ở tầng 1 trụ sở. Ngày Chủ nhật, tôi vẫn thường sang 16 Nguyễn Thượng Hiền, lên nhà các cô, chú chơi, thân tình, vui vẻ.
Tôi về Tạp chí Cộng sản năm 1987 là thời điểm sau Đại hội VI của Đảng, Tổng Biên tập mới của Tạp chí là nhà lý luận, phê bình văn học Hà Xuân Trường, người cùng quê Hà Tĩnh với tôi, là Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Văn hóa, Văn nghệ Trung ương. Ông Trường về thay ông Hồng Chương, một nhà báo kỳ cựu, đã chuyển sang làm Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam.
Ông Trọng từ Phó trưởng Ban Xây dựng Đảng được đề bạt Trưởng Ban (năm 1987), Phó Bí thư Đảng ủy cơ quan. Ngay thời điểm ấy, ông đã là một ngôi sao ở Tạp chí. Tất cả mọi người trong tòa soạn đều mặc nhiên coi ông là Tổng Biên tập tương lai, không phải bàn cãi. Bên cạnh sự uyên bác, vững vàng về chuyên môn, ở ông luôn bộc lộ tố chất lãnh đạo.
Có thể đó là cái uy của người lãnh đạo toát ra từ ông, dù ông luôn điềm đạm, nhỏ nhẹ khi tiếp xúc, hầu như không to tiếng, quát tháo ai, kể cả khi đứng trước những tình huống gay cấn, căng thẳng trong cơ quan. Có thể đó là phong độ khoan thai, đĩnh đạc, khả năng phát biểu, chỉ đạo với tư duy mạch lạc, khúc chiết, rõ ràng, là sự mềm dẻo, chừng mực. Tuy nhiên, làm việc mới hiểu, ông cũng là người rất nguyên tắc và nhất quán trong xử lý công việc. Cái gì thuộc về nguyên tắc, ông luôn có thái độ nghiêm khắc, không nhượng bộ.
Còn nhớ, lúc tôi về Tạp chí Cộng sản và cả trước đó, Tạp chí thường rất ít bổ sung cán bộ, mấy năm mới lấy 1 người. Sau khi tôi về khoảng 4, 5 năm, đứng trước yêu cầu phát triển Tạp chí, ông Trọng chủ trương tuyển một đợt cán bộ trẻ, khoảng gần chục người về đào tạo. Sau đó, ông cho mở một lớp bồi dưỡng kiến thức cho lứa cán bộ này, mời các nhà lý luận, nhà báo kỳ cựu, các giảng viên về giảng.
Tôi lúc đó nghĩ mình về cơ quan cũng lâu rồi, đã đi học mấy lớp của Hội Nhà báo rồi nên tỏ ý không cần học lớp này nữa. Chuyện đến tai ông, lập tức bị ông gọi lên phòng mắng luôn rằng: “Mới làm việc được mấy năm, kiến thức hiểu biết đã hơn ai mà kiêu ngạo, không cần học nữa là thế nào. Mình là lớp đàn anh (tôi đang là Bí thư Chi đoàn), phải làm gương cho lớp sau chứ. Không học là chú sẽ cho kỷ luật luôn đấy!”. Nghe xong, tôi toát mồ hôi, xin lỗi ông và tham gia lớp học nghiêm chỉnh.
Có nhiều chuyện tôi được các bậc đàn anh trong Tạp chí kể cho nghe về ông. Chẳng hạn, chuyện sau Đại hội IV của Đảng, ông Lê Đức Thọ - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương yêu cầu Tạp chí chuẩn bị cho ông một bài viết mang tính chỉ đạo về công tác cán bộ của Đảng. Nhiệm vụ được truyền từ Tổng Biên tập, Phó Tổng Biên tập xuống Trưởng Ban và cuối cùng được giao cho ông Trọng. Bài viết được ông Trọng chấp bút xong, trình lên các cấp ở Tạp chí, sau đó là Văn phòng ông Lê Đức Thọ. Ông Thọ xem và “chỉ sửa đúng 2 chữ” (lời người kể cho tôi) và duyệt đăng. Sau đó, trong buổi tiếp lãnh đạo Tạp chí, nói về bài viết, ông Thọ khen chất lượng tốt và hỏi: “Người chấp bút bài này chắc cũng phải cỡ Trưởng Ban ở Tạp chí chứ?”. Lúc đó, ông Trọng mới là một Biên tập viên trẻ ở Ban Xây dựng Đảng.
Các tiền bối ở Tạp chí cũng kể lại, người được coi là có tác động và ảnh hưởng lớn nhất đến sự nghiệp chính trị của ông Nguyễn Phú Trọng là ông Đào Duy Tùng, vị Tổng Biên tập tại vị lâu nhất của Tạp chí Cộng sản (kiêm Phó trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương từ năm 1965 – 1982), trước khi làm Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương và Thường trực Ban Bí thư (khóa VII). Chính ông Đào Duy Tùng, một nhà lãnh đạo chủ chốt về tư tưởng và lý luận của Đảng thời kỳ đó đã phát hiện, bồi dưỡng “nhân tố Nguyễn Phú Trọng” từ một cán bộ trẻ trở thành một cán bộ lãnh đạo đầy tiềm năng của Tạp chí và của Đảng sau này.
Năm 1989, từ vị trí Trưởng Ban, ông Trọng được đề bạt Ủy viên Ban Biên tập, rồi Phó Tổng Biên tập (năm 1990) và Tổng Biên tập (năm 1991). Năm 1994, ông được bầu bổ sung Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và năm 1997, ông được bầu bổ sung vào Bộ Chính trị. Một điều khá đặc biệt, trong cuộc đời chính trị của ông Trọng là khi vào Trung ương hay vào Bộ Chính trị đều theo con đường bổ sung giữa nhiệm kỳ.
Năm 1996, ông rời Tạp chí Cộng sản để sang làm Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, kết thúc chặng đường tròn 30 năm cống hiến cho tạp chí lý luận và chính trị của Đảng. 30 năm vừa làm báo, vừa làm nghiên cứu lý luận đã chuẩn bị cho ông một hành trang khá vững vàng để bước vào một chặng đường mới, chặng đường của một chính khách, một nhà lãnh đạo tầm cỡ, người đã tạo nên những thay đổi, những dấu ấn không thể phai mờ trong lịch sử Đảng và đất nước.
Nói đến ông Trọng không thể không nhắc đến gia đình ông, bà Ngô Thị Mận, phu nhân của ông và hai người con, gồm 1 trai và 1 gái.
Những năm tôi ở Tạp chí, mọi người trong cơ quan, nhất là chị em phụ nữ đều có tình cảm đặc biệt quý trọng và yêu mến đối với bà Mận, một người phụ nữ chân chất, hiền lành, phúc hậu, luôn sẵn sàng giúp đỡ mọi người.
Bà Mận là hình mẫu của người phụ nữ khiêm nhường đứng sau lo hậu phương, giúp chồng thành công. Phong cách sống khiêm cung, giản dị, chân thành của hai ông bà cũng ảnh hưởng đến hai người con. Dù khi ông Trọng còn ở Tạp chí hay khi ông đã lên đến những vị trí lãnh đạo cao nhất của Đảng và đất nước thì có dịp gặp bà Mận và hai người con, tôi vẫn nhận được một thái độ tiếp xúc như vậy: khiêm nhường, chân thành, vui vẻ, không kiểu cách, màu mè, không cố tình tạo khoảng cách.
Trong những ngày này, từ khi bắt đầu nghe được thông tin không chính thức về sức khỏe của ông cho đến khi có thông báo chính thức ông đã từ trần, trong tôi thực sự là cảm giác mất mát, buồn đau như mất người thân. 13 năm công tác ở Tạp chí, tôi có 9 năm làm việc dưới quyền ông, được ông chỉ bảo, uốn nắn nhiều điều, dù cũng chỉ học được ông rất ít.
Tràn ngập trên mạng xã hội những ngày này là những dòng tiếc thương, buồn đau trước tin ông mất. Đó là lòng dân (điều không dễ có) đối với một nhà lãnh đạo mà mọi người tin yêu không chỉ ở sự trong sạch, liêm khiết, phong cách sống giản dị, gần dân, trọng dân, mà còn ở sự kiên định, tâm huyết cống hiến hết mình cho đất nước của ông. Dẫu còn nhiều việc dang dở, nhiều mong muốn (của dân) ông chưa kịp thực hiện, nhưng cuộc đời của một con người là hữu hạn.
Người xưa nói: “Cái quan định luận”, hay như một câu của nhà thơ Khương Hữu Dụng trong bài thơ viết về Nguyễn Ái Quốc và Phan Bội Châu: “Đậy nắp quan tài mở sử ra”. Với một sự nghiệp đáng tự hào, với những dấu ấn mạnh mẽ không thể phai mờ, với những chủ trương, quyết sách “kinh thiên, động địa”, có thể thay đổi cả lịch sử của ông thì sử sách hậu thế sẽ còn viết nhiều, rất nhiều về ông.
Trong thời khắc đau buồn này, tôi xin được gửi đến gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lời chia buồn sâu sắc và chân thành nhất. Cầu mong Tổng Bí thư sau khi cất được gánh nặng giang sơn sẽ thanh thản nhẹ gót vào miền mây trắng.