Những câu hỏi thời hậu Aleppo

(Baonghean) - Số phận của trận “Stalingrad của Syria” coi như đã an bài. Giờ thì quân đội Syria đã ngừng các hoạt động quân sự để các tay súng đối lập rời khỏi thành phố này, trước khi mọi việc nằm dưới quyền kiểm soát của Tổng thống Bashar al-Assad. Nhưng một chiến thắng ở Aleppo vẫn chưa giải quyết được những bất định tại chiến trường Trung Đông. 

Trận chiến 5 năm 

Một chiến thắng ở phía Đông thành phố Aleppo đã đến rất gần. Quân đội chính phủ Syria cuối cùng đã có thể tiến vào để tiếp quản thành phố gần như bị tàn phá hoàn toàn sau hàng năm trời “đỏ lửa”. Việc thành phố lớn nhất của Syria không còn nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng đối lập là một kịch bản nằm trong dự báo. Vấn đề chỉ là thời gian bởi các yếu tố chi phối đều nghiêng về phía quân đội Chính phủ Syria.

Sau 5 năm vật lộn với những cuộc nội chiến hao người, tốn của với những nhóm nổi dậy và lực lượng khủng bố Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, Tổng thống Bashar al-Assad có đủ quyết tâm và sự kiên nhẫn để bẻ gãy bất cứ đòn kháng cự nào, đặc biệt tại thành phố lớn nhất Syria, Aleppo, nơi có vị trí chiến lược và là thành trì khó bị công phá nhất của phe đối lập.

Trong suốt hành trình giành giật này, Tổng thống Assad ngày càng nhận được sự hỗ trợ của phía Nga, yếu tố làm thay đổi thực tế chiến trường. Các cuộc không kích của máy bay Nga thực tế là đòn quyết định để ngăn chặn các nguồn tiếp viện của phe đối lập. Các nhóm phiến quân ở Syria hiện đã bị cắt giảm đáng kể các nguồn tài trợ trong khu vực và đang bị suy sụp nghiêm trọng về chất lượng, một phần do sự can thiệp quân sự của Nga.

Dân thường Syria đang sơ tán khỏi khu vực do lực lượng đối lập kiểm soát tại Aleppo. 	Ảnh: The New Yorker
Dân thường Syria đang sơ tán khỏi khu vực do lực lượng đối lập kiểm soát tại Aleppo. Ảnh: The New Yorker

Trước đây, các nhóm phiến quân đã hợp nhất ở Đông Aleppo và tiếp nhận các tay súng đến từ các khu vực khác vào đội ngũ của mình. Đây là nguồn lực quan trọng nhất và có sức chiến đấu mạnh mẽ nhất của phe đối lập vũ trang ở Đông Aleppo. Lực lượng khá hùng hậu này bao gồm các nhóm Ahrar al-Sham, Fateh al-Sham (trước đây là Mặt trận al-Nusra), Jaysh al-Mujahideen và các lữ đoàn có liên hệ với nhóm nổi dậy Quân đội Syria Tự do (FSA). Chính vì vậy, sự sụp đổ của phe đối lập ở Đông Aleppo đã triệt tiêu mối đe dọa quân sự lớn nhất đối với chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad.

Chưa yên tiếng súng

Sẽ là ngây thơ khi cho rằng, cuộc chiến 5 năm ở Syria sớm có lời kết với một bước ngoặt tại Aleppo. Thực tế cho thấy, chiến thắng này làm hao tổn quá nhiều binh lực của chế độ Assad. Việc quân đội của ông phụ thuộc vào các cuộc tấn công của máy bay Nga để giải phóng phần Đông Aleppo đã cho thấy “cái ngưỡng” khó vượt qua.

Ngoài ra, Tổng thống Assad cũng phải sử dụng một lượng lớn các đơn vị bán quân sự Shiite từ Liban, Iran, Iraq và Afghanistan. Nắm được Aleppo, nhưng Tổng thống Assad giờ phải chấp nhận rằng, còn quá nhiều phần lãnh thổ đang bị phân mảnh, nằm dưới sự kiểm soát của nhiều lực lượng khác nhau. Các nhóm nổi dậy Hồi giáo cực đoan, hình thành từ các nhánh cũ của Al-Qaeda như Fatah al-Sham, vẫn chiếm tỉnh Idlib ở phía Tây Bắc. IS vẫn nắm trong tay Raqqa và phần lớn Deir ez-Zor.

Còn lực lượng quân sự người Kurd cũng có lãnh thổ riêng với việc kiểm soát phần lớn biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ và các thị trấn Qamishli và Hasakah. Còn những vùng ngoại ô thủ đô Damascus hiện nay lại không khác gì một bàn cờ với thế đan cài của quân chính phủ và lực lượng đối lập. Bước tiếp theo là huy động lực lượng để thừa thắng tiến tới hay củng cố những vị trí đã nắm được cũng phải cân nhắc rất kỹ.

Một binh sĩ trung thành với Tổng thống al-Assad tại mặt trận Đông Aleppo, nơi đã gần như nằm trong tầm kiểm soát của chính quyền Damascus. 	Ảnh: Middle East Eyes
Một binh sĩ trung thành với Tổng thống al-Assad tại mặt trận Đông Aleppo, nơi đã gần như nằm trong tầm kiểm soát của chính quyền Damascus. Ảnh: Middle East Eyes

Các yếu tố bên ngoài chi phối với cuộc xung đột tại đây cũng đang có những sự chuyển dịch. Cụ thể nhất, trong trường hợp Tổng thống đắc cử Donald Trump làm theo đúng cam kết của mình khi tranh cử. Nước Mỹ sẽ dành ít sự quan tâm hơn cho lực lượng nổi dậy ôn hòa so với thời của ông Obama.

Quân đội Mỹ sẽ không có nhiệm vụ nào khác ngoài việc tiêu diệt IS. Đối với lực lượng nổi dậy, tương lai của họ phần lớn sẽ phụ thuộc vào thái độ của các quốc gia trong khu vực, những nước ủng hộ người Sunni như Qatar, Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như các quốc gia vùng Vịnh giàu có đã đứng sau tài trợ cho các nhóm Hồi giáo vũ trang. 

Kịch bản phức tạp đã diễn ra ngay khi Aleppo chưa về tay chính quyền Assad. IS đã tận dụng cơ hội quân đội Syria đang tập trung ở Aleppo để đánh chiếm thị trấn Palmyra vào cuối tuần qua. Sự kiện này cũng nhắc lại một thực tế khắc nghiệt là cuộc chiến Syria vẫn đang tiếp diễn ở phía Đông Bắc, giáp biên giới Iraq.

Cuộc cạnh tranh chiến lược tại Trung Đông

Cuộc xung đột thực ra không chỉ diễn ra tại biên giới Syria, mà nó chỉ thể hiện ra ở đây bằng vũ khí, súng đạn và thương vong. Nhiều cường quốc khu vực đang trực tiếp dính dáng tới diễn biến tại Syria theo cách này hay cách khác. Đó là bởi họ đang đối đầu về quan điểm chính trị, họ đang tranh đấu vì bè phái.

Trạng thái cân bằng quyền lực tại Trung Đông là sự giằng co giữa hai đối thủ tại khu vực: giữa Saudi Arabia và Iran, nhưng kéo theo một loạt quốc gia khác. Không may là nó bùng nổ tại Syria, nơi có các lợi ích địa chiến lược. Riyadh hỗ trợ cho các nhóm nổi dậy Sunni, trong khi Tehran ủng hộ chính phủ tại Damascus do những người Alawites, một nhóm thiểu số có liên hệ với dòng Hồi giáo Shiite. Họ mâu thuẫn không chỉ về giáo lý của mình, họ đang giành giật lãnh thổ vì quan điểm chính trị và những lợi ích rộng lớn hơn tại Trung Đông. Bởi thế, rất khó để bất cứ bên nào từ bỏ tham vọng, ngay cả khi họ bị suy yếu.

Phan Tùng

tin mới

Bản tin quốc tế: Xung đột đẩy chi tiêu quân sự lên mức 'cao nhất chưa từng có'

Bản tin quốc tế: Xung đột đẩy chi tiêu quân sự lên mức 'cao nhất chưa từng có'

(Baonghean.vn) - Bản tin quốc tế ngày 22/4 gồm những thông tin: Xung đột đẩy chi tiêu quân sự lên mức 'cao nhất chưa từng có'; Tư lệnh quân đội Israel phê duyệt kế hoạch tiếp tục cuộc chiến ở Gaza; Iraq phóng tên lửa vào căn cứ quân sự của Mỹ ở Syria; Iran bác tin đàm phán trực tiếp với Mỹ.

Chuyên gia quân sự Đức kêu gọi NATO bắn hạ tên lửa Nga trên bầu trời Ukraine

Chuyên gia quân sự Đức kêu gọi NATO bắn hạ tên lửa Nga trên bầu trời Ukraine

(Baonghean.vn) - Chuyên gia quân sự Đức Nico Lange - một thành viên cấp cao tại Hội nghị An ninh Munich cho rằng, NATO đã đến lúc phải sửa chữa "sai lầm đắt giá" và thay đổi chiến lược ở Ukraine, NATO nên sử dụng hệ thống phòng không của mình bắn hạ tên lửa Nga ở sườn phía Đông của liên minh.

Nga đẩy nhanh quá trình phi công nghiệp hoá Ukraine

Nga đẩy nhanh quá trình phi công nghiệp hoá Ukraine

(Baonghean.vn) - Trong một thời gian dài, Nga đã chỉ tập trung vào quá trình phi quân sự hoá và phi phát xít hoá Ukraine. Tuy nhiên, các cuộc đối đầu ngày càng gia tăng ác liệt, và quy mô tàn phá đã cho thấy cách Nga tiếp cận với việc phi công nghiệp hoá Ukraine ngày càng rõ nét.

Chuyên gia lý giải vì sao Pháp không đủ khả năng tiến hành chiến tranh khốc liệt ở Ukraine

Chuyên gia lý giải vì sao Pháp không đủ khả năng tiến hành chiến tranh khốc liệt ở Ukraine

Nước Pháp, bất chấp những tuyên bố hung hăng của Tổng thống Emmanuel Macron, không có đủ tiềm lực để tham gia vào cuộc chiến khốc liệt ở Ukraina; thậm chí nước này có thể chỉ có đủ đạn dược trong 2-3 ngày, theo Cyril de Lattre - chuyên gia hàng không, cựu phi công Pháp nói với Sputnik.