Những câu hỏi xoay quanh phiên tòa xử bà Yingluck ngày mai

26/09/2017 19:51

Việc tòa án Thái Lan ngày 27/9 có ra phán quyết vắng mặt về cựu thủ tướng Yingluck hay không vẫn còn là điều chưa chắc chắn.

Cựu thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra. Ảnh: AFP.

Cựu thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra. Ảnh: AFP.

Tòa án tối cao Thái Lan ngày mai dự kiến ra phán quyết về cựu thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra, người bị cáo buộc lơ là trách nhiệm, liên quan đến chương trình trợ giá gạo làm thua lỗ ít nhất 8 tỷ USD. Yingluck lẽ ra phải trình diện trước tòa ngày 25/8 nhưng bà đã chạy trốn ra nước ngoài nên phiên tòa được dời đến ngày 27/9. Nếu bị xác định có tội, Yingluck có thể phải chịu án tối đa 10 năm tù và bị cấm tham gia chính trị suốt đời, theo Nation.

Tòa có ra phán quyết không?

Nhiều người đặt câu hỏi liệu tòa ngày mai có tuyên án hay không. Điều 32 trong luật hình sự Thái Lan nói rằng trong trường hợp liên quan các chính trị gia, tòa có thể tuyên án vắng mặt. Nếu một bị đơn không xuất hiện để nghe phán quyết, tòa án sẽ trì hoãn tuyên án trong một tháng và phát lệnh bắt. Nếu bị đơn không ra trình diện trước thời hạn lệnh bắt, tòa có thể ra phán quyết vắng mặt.

Tuy nhiên, có những diễn giải khác nhau về luật. Lãnh đạo đảng Dân chủ Thái Lan Abhisit Vejjajiva cho rằng tòa có toàn quyền tự do trì hoãn việc ra phán quyết khi bị cáo vắng mặt. Theo ông, tòa có thể chọn không tuyên án vào ngày mai.

Phó Thủ tướng Thái Lan Wissanu Krea-ngam, chuyên gia pháp luật của chính phủ, hồi tháng trước cũng nói rằng tòa có thể trì hoãn quyết định.

Trong khi đó, một chuyên gia pháp luật và một cựu thẩm phán giấu tên lại cho rằng phán quyết vẫn sẽ được công bố như dự kiến, ngay cả khi cả bị cáo và nguyên đơn vắng mặt.

Kịch bản nào có lợi cho Yingluck?

Nếu tòa ra phán quyết vào ngày mai, Yingluck sẽ dễ quyết định bước đi tiếp theo của mình, theo một quan chức cấp cao của đảng Pheu Thai (đảng của bà Yingluck). Ông nói thêm rằng bà có thể xuất hiện trở lại trước công chúng để giải thích về vụ việc trước người ủng hộ. Trong khi đó, nếu tòa trì hoãn, tình hình sẽ mơ hồ, ông nhận xét.

Nếu bị xác định có tội, Yingluck nhiều khả năng lĩnh hình phạt nặng vì bộ trưởng thương mại dưới thời bà là Boonsong Teriyapirom đã bị kết án 42 năm tù. "Điều này sẽ đưa Yingluck vào tình thế khó khăn vì tình trạng pháp lý của bà sẽ thay đổi từ bị đơn sang người bị kết án", ông đánh giá.

Tuy nhiên, ông nói thêm rằng: "Theo tôi, sẽ tốt hơn cho Yingluck nếu phán quyết được ra vào ngày mai, vì bà ấy có cơ sở rõ ràng để quyết định tương lai của mình, bao gồm việc xin tị nạn".

Abhisit cũng đánh giá việc trì hoãn có thể tác động đến khả năng Yingluck kháng cáo, nếu phán quyết được đưa ra sau khi luật mới về thủ tục tố tụng hình sự đối với các quan chức chính trị được ban hành.

Luật mới quy định rằng bị đơn phải xuất hiện trước tòa để kháng cáo và các vụ án tham nhũng không có thời hạn giải quyết, có nghĩa là người bị kết án phải chịu trách nhiệm vĩnh viễn.

Abhisit cũng đồng ý với nhiều nhà bình luận rằng Yingluck sẽ không xuất hiện trước tòa vào ngày mai để nghe bản án. Trong khi đó, Phumtham Wechayachai, tổng thư ký đảng Pheu Thai, nói rằng bà Yingluck nỗ lực hết sức mình để đấu tranh trong vụ án. "Bà ấy đã cố gắng chiến đấu như một con sư tử", ông nói.

Nguồn tin tình báo của chính phủ Thái ước tính 300 - 400 người sẽ đến trước tòa vào ngày mai để thể hiện sự ủng hộ với bà Yingluck.

"Chúng tôi đã trải qua nhiều cơn bão và mất đi những người quan trọng nhưng chúng tôi vẫn có thể đứng vững nhờ sự đoàn kết của các thành viên và sự ủng hộ của công chúng", tổng thư ký đảng Pheu Thai nói.

Theo VNE

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Những câu hỏi xoay quanh phiên tòa xử bà Yingluck ngày mai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO