Những cây 'thiêng' trong đời sống người Mông

19/10/2017 13:34

(Baonghean.vn) - Những loại cây tưởng rất đỗi bình thường nhưng trong đời sống của người Mông Nghệ An lại có vai trò đặc biệt quan trọng.

Một điều dễ nhận thấy mỗi khi đến với bản làng người Mông là trước cửa nhà đều có một hình thù kỳ lạ. Năm mới đến hay làm lễ cúng họ thường lấy một loại cây gỗ thân mềm có tên "hua xi" làm thành biểu tượng con dao treo trước cửa để ngăn điều xấu vào nhà. Đồng thời đây cũng là hình ảnh cảnh báo cho người lạ chưa được phép vào nhà khi gia chủ chưa cho phép.

Người Mông làm cây
Người Mông làm cây "hua xi" chuẩn bị cho lễ cúng. Ảnh: Đào Thọ

Theo ông Và Pà Xồng ở bản Thăm Hín, xã Nậm Càn (Kỳ Sơn), trước năm mới hay lễ cúng nhà nào cũng phải tự chuẩn bị cho mình những cây “hua xi” treo trước cửa. Từ thuở cha ông, người Mông đã có phong tục này. Cũng theo ông Pà Xồng, loại cây này được mang về đẽo gọt thành hình dao nhọn và răng cưa rồi vạch than đen lên. Chỉ có làm như vậy thì những con “ma lạ” mới không mang điều xấu vào cho gia chủ.

Những biểu tượng từ cây
Những biểu tượng từ cây "hua xi" để ngăn điều xấu vào nhà của người Mông. Ảnh: Đào Thọ

Mỗi khi lễ cúng diễn ra, tùy theo thầy mo phán, người Mông phải kiêng kỵ 2- 5 ngày. Trong những ngày ấy, họ không được đi xa, không được phép cầm dao, rựa lên nương rẫy. Mọi thức ăn đều phải chuẩn bị sẵn trong nhà để dự trữ cho ngày kiêng. Tuy nhiên, do điều kiện hiện nay, một số người phải đi làm ăn xa nên sự kiêng kỵ này cũng dần dần được loại bỏ.

Ngoài ra, ngay trong lễ cúng, cây
Ngoài ra, ngay trong lễ cúng, cây "hua xi" cũng được kết lại với nhau quấn quanh các thành viên trong gia đình nhằm bảo vệ họ. Ảnh: Đào Thọ

Các già làng người Mông cũng kể rằng, trong quá trình thiên di từ phía Bắc về hàng trăm năm trước, đến núi “Tủa la chùa gua”, khu vực biên giới Việt - Trung, gặp núi cao, khí hậu lạnh và có rất nhiều những con sâu gai. Những người Mông không có dép không thể nào vượt qua được dãy núi này. Họ bèn lấy vỏ cây lanh tước sợi đan thành dép để đi.

Những đôi dép bằng sợi lanh đã giúp người Mông vào sâu trong khu vực Việt Nam, Lào. Kể từ đó, người Mông khi chết đi, dù già hay trẻ, trai hay gái đều lấy vỏ sợi lanh đan dép để linh hồn qua được núi “Tủa la chùa gua” về với tổ tiên họ ở “Tủa sò”.

Những sợi lanh được bán trong các phiên chợ là sợi dây kết nối tâm linh của người Mông. Ảnh: Đào Thọ
Những sợi lanh được bán trong các phiên chợ là sợi dây kết nối tâm linh của người Mông. Ảnh: Đào Thọ

Với đồng bào người Mông, cây lanh có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Nó không chỉ là cây dùng lấy sợi để làm cung nỏ, may quần áo mà còn là sợi dây kết nối với người đã khuất. Trong cách làm giấy thờ của cộng đồng này, người ta thường dùng tro của cây lanh để đun nhừ các thanh giang. Có như vậy khi dùng để cúng lễ giấy mới có ý nghĩa thiêng liêng.

Dù trải qua hàng trăm năm nhưng những phong tục này vẫn được người Mông giữ gìn như một nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình.

Đào Thọ

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Những cây 'thiêng' trong đời sống người Mông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO