Những chiêu moi tiền khách Việt khi mua ôtô
Ép khách mua phụ kiện, thu tiền đặt cọc không qua kế toán, xe giao muộn hơn thỏa thuận... là những chiêu mà nhân viên bán xe có thể khiến khách mất thêm tiền.
Những khách hàng mua ôtô lần đầu thường rất ít thông tin, không lường trước những ngón nghề mà dân kinh doanh sử dụng để moi tiền. Dưới đây là những trường hợp như vậy, tổng hợp thông tin từ nhiều nhân viên bán xe có kinh nghiệm.
Giá thay đổi từ khi ký đến khi nhận xe
Khi khách mua xe, ký kết với nhân viên bán hàng giá X và đặt cọc. Đến khi nhận hàng, giá đã thay đổi thành một con số khác, có thể cao hơn hoặc thấp hơn giá X, nhưng thường là cao hơn và khách hàng bị thiệt.
Trong trường hợp này, khách nên có điều khoản ràng buộc rõ ràng trong hợp đồng khi ký kết về mức giá sẽ thanh toán vào thời điểm nhận xe.
Xe giao muộn hơn thỏa thuận
Đây là trường hợp điển hình mà nhiều người mua gặp phải. Đến ngày giao xe theo thỏa thuận nhưng đại lý lại có đủ lý do như nhà máy không kịp sản xuất, xe về muộn để chậm giao. Tuy vậy, nhấn viên bán hàng sẽ gợi ý khách mua thêm phụ kiện cho xe thì sẽ được giao nhanh.
Khi gặp vấn đề này, khách nên yêu cầu nhân viên cho xem xe để kiểm tra đã có trong kho hay chưa, đồng thời ghi chú số khung xe vào hợp đồng để được giao đúng lúc.
Đại lý giao xe đã lăn bánh
Tất cả những xe mới thực tế đều đã lăn bánh một vài km ở nhà máy nhưng điều đó không đáng bàn. Nhiều khách hàng gặp trường hợp bị giao xe mà đại lý từng dùng cho khách thử, quãng đường chạy khá dài. Vì vậy, khách nên kiểm tra công-tơ-mét cũng như độ mòn các chi tiết có thể nhìn bằng mắt như lốp, lớp da bọc ghế, các chi tiết nhựa.
Mua phải phụ kiện không cần thiết
Không nên để cuốn theo những lời chào "đường mật" của nhân viên bán hàng, bởi bạn dễ "sa lưới" của họ, mua phải những món phụ kiện không cần thiết hoặc không chính hãng, bị đội giá gấp 5-6 lần so với chính hãng. Người mới dùng xe nên sử dụng khoảng 3.000-5.000 km sau đó mới quyết định mua phụ kiện nào hữu ích cho mình.
Ngoài ra, cần kiểm tra những dụng cụ mặc định kèm theo xe mà bất cứ xe nào cũng có để không bị nhân viên kinh doanh lợi dụng chiếm đoạt hoặc bán cho người khác. Ví dụ: bộ kích lốp hay thanh thể thao trên các xe bán tải, tam giác cảnh báo nguy hiểm trên một số xe.
Bỏ qua các chương trình khuyến mãi
Nhiều nhân viên bán hàng gặp khách "mù mờ" sẽ lấp liếm, không đưa ra các chương trình khuyến mãi từ chính hãng. Những thông tin này có thể tìm thấy trên website chính hãng hoặc các kênh truyền thông hay tham khảo giá chéo từ các đại lý khác.
Ngoài ra, các phần chi phí trong việc đăng ký xe cũng cần kiểm tra kỹ, tránh bị lợi dụng để trục lợi, thu phí không cần thiết.
Chuyển tiền trực tiếp cho nhân viên kinh doanh
Các khoản chi phí như tiền đặt cọc, phí đăng ký xe nên được nộp qua kế toán, lấy phiếu thu chứ không nên đưa trực tiếp cho nhân viên kinh doanh. Trước đây, từng có trường hợp khách giao tiền cho nhân viên nhưng nhân viên không giao lại cho đại lý. Vì thế, đại lý không có căn cứ giao xe cho khách, dẫn tới tranh chấp.
Vậy khách hàng nên chuẩn bị những gì trước khi mua xe?
- Trước tiên, hãy khảo giá từ nhiều nguồn như website chính hãng, các kênh online... sau đó gọi điện trực tiếp đến đại lý, các nhân viên kinh doanh. Nên gọi các nhiều nơi càng tốt để có được mức giá ưu đãi nhất.
- Tham khảo thông tin trên mạng, kinh nghiệm của người thân, bạn bè đã mua dòng xe tương tự để biết nên mua đại lý nào có dịch vụ ổn nhất.
- Sau khi khoanh vùng, đến trực tiếp đại lý xem xe và xác nhận lại giá.
- Kiểm tra các gói khuyến mại được hưởng, so sánh giữa các ưu đãi hiện vật với giảm giá trực tiếp để thấy gói nào có lợi hơn, phù hợp hơn với nhu cầu.
- Kiểm tra tính xác thực của xe tại đại lý như xe có màu bạn chọn hay không, kịp giao không.
- Nộp tiền cọc cho kế toán, đọc kỹ và giữ đầy đủ các giấy tờ cần thiết như hợp đồng, phiếu thu.