Những cơn 'ác mộng' trên chính trường

12/12/2016 09:03

(Baonghean) - Tuần vừa qua có thể xem là một cơn ác mộng với Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye khi bị bãi nhiệm chức Tổng thống, đồng thời cũng là “sinh nhật” 25 tuổi chẳng mấy dễ chịu với Liên minh châu Âu với muôn vàn khó khăn đang bủa vây.

Tổng thống Hàn Quốc bị đình chỉ chức vụ

Thứ Sáu ngày 9/12, Quốc hội Hàn Quốc bỏ phiếu thông qua kiến nghị bãi nhiệm Tổng thống Park Geun-hye. Kết quả chung cuộc, 234/300 nghị sỹ bỏ phiếu đồng tình với kiến nghị, đồng nghĩa với việc bà Park sẽ bị đình chỉ chức vụ trước khi Tòa án hiến pháp tiến hành xem xét việc bãi nhiệm chính thức. Hàng nghìn người dân tập trung trước tòanhà Quốc hội Hàn Quốc ăn mừng kết quả này.

Một ngày trước khi bỏ phiếu, đảng đối lập đã đưa ra một văn bản dày hơn 40 trang giấy, trong đó cáo buộc bà Park tham nhũng, lạm dụng quyền lực và tất nhiên, không thể không nhắc đến vụ bê bối gần đây nhất liên quan đến người bạn thân của Tổng thống.

Theo đảng đối lập, trong suốt 40 năm quan hệ gần gũi của bà Park và người bạn thân Choi Soon-sil, nữ Tổng thống đã cung cấp cho bà Choi nhiều tài liệu mật, cho phép bà Choi đọc trước nhiều bài phát biểu và can dự vào nhiều mối quan hệ ở phạm vi toàn cầu.

Bà Park Geun-hye tạm thời bị đình chỉ chức  Tổng thống trong lúc chờ quyết định chính thức  của Tòa án hiến pháp. Ảnh: Reuters
Bà Park Geun-hye tạm thời bị đình chỉ chức Tổng thống trong lúc chờ quyết định chính thức của Tòa án hiến pháp. Ảnh: Reuters

Tất cả những điều này đều nhằm trục lợi về cho các quỹ mà 2 người điều hành. Éo le ở chỗ, nguồn phát tán những thông tin đầu tiên về vụ bê bối lại là một người bạn từng thân thiết với bà Choi, sau đó giữa hai bên xảy ra tranh cãi chỉ vì việc trông coi một con chó cảnh.

Ngày 24/10, cơn ác mộng kinh khủng nhất trong sự nghiệp chính trị của Tổng thống Park Geun-hye bắt đầu và kể từ đó đến nay, không một ngày nào thông tin mới về vụ bê bối không xuất hiện trên sóng truyền hình. Tỷ lệ người ủng hộ bà Park liên tục giảm xuống mức kỷ lục, người dân Hàn Quốc biểu tình đòi bà từ chức, đảng đối lập ra sức công kích và cuối cùng, điều gì đến cũng phải đến.

Trong số 234 nghị sỹ bỏ phiếu thông qua kiến nghị bãi nhiệm bà Park, 171 người đến từ đảng đối lập, số còn lại đến từ chính đảng của bà. Một quyết định khó khăn nhưng không thể tránh khỏi bởi nếu kiến nghị bãi nhiệm không được thông qua thì công luận sẽ không nguôi cơn phẫn nộ, thậm chí đòi giải tán đảng cầm quyền.

Kịch bản lần này có nhiều phần tương tự với lần bãi nhiệm Tổng thống Roh Moo-hyung vào năm 2004. Có lẽ đây là một sự châm biếm của lịch sử bởi khi đó, chính bà Park đang đứng đầu đảng đối lập, lãnh đạo chiến dịch kêu gọi bãi nhiệm ông Roh.

Quyết định cuối cùng phụ thuộc vào Tòa án hiến pháp và kết quả sẽ được công bố sau 180 ngày. Từ bây giờ cho đến lúc đó, Thủ tướng Hwang Kyo-ah sẽ tạm thời nắm quyền điều hành đất nước. Cuộc bầu cử Tổng thống đáng lẽ diễn ra cuối năm 2017 nhiều khả năng sẽ được tổ chức sớm, ngay từ quý I của năm.

Kết quả khảo sát cho thấy, ông Moon Jae-in, cựu Chủ tịch đảng Minjoo và cựu đối thủ của bà Park trong cuộc bầu cử năm 2012 đang là ứng viên hàng đầu cho chiếc ghế Tổng thống.

EU kỷ niệm 25 năm thành lập với muôn vàn nỗi lo

Ngày 9/12, Liên minh châu Âu (EU) kỷ niệm 25 năm ngày thành lập với Hiệp ước Maastricht, hiệp ước được đánh giá là đỉnh cao về sự đồng thuận của châu Âu. Với 12 nước thành viên ban đầu mà nay con số đã lên đến 28 nước, sức ảnh hưởng của EU ngày càng lớn nhưng hiện tại liên minh cũng đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng chưa từng thấy.

Một trong những khó khăn đầu tiên là về cuộc khủng hoảng tài chính diễn ở châu Âu. Năm 1999, việc cho ra đời đồng tiền chung euro được đánh giá là mạnh hơn bất kỳ loại tiền nào nó từng thay thế. Dưới sự quản lý của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), đồng euro đã trở thành đồng tiền dự trữ cạnh tranh với USD.

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng ở khu vực đồng euro năm 2009 khiến cho một số nước, trong đó có Hy Lạp và Tây Ban Nha phải xin gói cứu trợ, nhiều thành viên khác cũng gặp khó khăn trong việc đáp ứng quy định về ngân sách của liên minh.

Liên minh châu Âu vừa kỷ niệm 25 năm thành lập khối hôm 9/12. Ảnh: Internet
Liên minh châu Âu vừa kỷ niệm 25 năm thành lập khối hôm 9/12. Ảnh: Internet

Thêm vào đó, cách xử lý cứng rắn của các cường quốc châu lục khi xảy ra cuộc khủng hoảng cũng làm cho nhiều quốc gia từng mong muốn gia nhập khối như Ba Lan, Hungary, Bulgaria… trở nên ít mặn mà. Nhiều người dân và chính khách các nước trên đánh giá, việc gia nhập khu vực đồng euro hiện “đầy rủi ro và tốn kém”.

Một nhà phân tích chính trị còn cho rằng, EU đã có chút tự mãn khi nhận định không có nguy cơ đồng tiền chung sụp đổ nên không cảm thấy việc cần thiết phải tiếp tục cải cách đồng tiền này.

Vấn đề cuộc khủng hoảng người di cư từ Trung Đông và châu Phi tiếp tục khiến cho các nhà lãnh đạo EU đau đầu. Theo Tổ chức Di trú quốc tế (IMO), số người di cư vào châu Âu qua đường biển thời gian qua tăng 60% so với cùng kỳ năm ngoái bất chấp những nỗ lực của các nhà lãnh đạo khối.

Khi mà vấn đề về người di cư vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm, EU tiếp tục phải đối mặt với sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy mà cụ thể là có thể ảnh hưởng đến cuộc bầu cử sắp tới ở Đức và Pháp, hay như cú sốc Anh rời khỏi liên minh và mới đây nhất là việc cử tri Italia từ chối sửa đổi Hiến pháp.

Theo các chuyên gia, cuộc trưng cầu dân ý ở Italia có thể xem là rất quan trọng với EU. Bởi Thủ tướng Matteo Renzi là nhà lãnh đạo duy nhất còn lại ở châu Âu đồng thuận với lãnh đạo khối về tầm nhìn tương lai của EU khi mà Đức và Pháp đều bận rộn cho cuộc tranh cử trước mắt.

Thế nhưng, việc ông Matteo Renzi thất bại và tuyên bố từ chức vào đêm 4/12 theo giờ địa phương một lần nữa làm dấy lên những lo ngại EU sẽ bước vào giai đoạn bất trắc mới. Những lo ngại này hoàn toàn có thể xảy ra khi các nhân vật đối lập tuyên bố sẽ trưng cầu về việc Italia rút khỏi khu vực đồng tiền chung.

Nếu điều này thành hiện thực thì đây sẽ là một cú giáng mạnh với EU sau sự kiện Brexit. Thậm chí, có chính trị gia còn cho rằng, nếu không cẩn thận, EU sẽ vỡ ra thành từng mảnh. Và quả thật, nếu trường hợp này xảy ra thì đó chẳng khác gì một cơn ác mộng cho tất cả các nước.

Chu Thanh

(Theo Le Monde, Le Figaro)

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Những cơn 'ác mộng' trên chính trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO