Những con ngõ 'siêu nhỏ' nơi làng nghề trăm năm tuổi xứ Nghệ

Hoài Thu - 05/01/2024 19:40
(Baonghean.vn) - Nhà cửa, đường sá nơi Làng nghề đóng tàu Trung Kiên hàng trăm năm nay dường như không thay đổi. Đường làng ngõ xóm khá chật hẹp đã trở thành nét quê riêng biệt, gắn bó với bao thế hệ người dân làng nghề vang bóng một thời nơi miệt biển Nghi Thiết.

Nơi nhà chật, đường hẹp

Thông thường, khi đi qua cổng Làng Trung Kiên, xe ô tô 4 chỗ mỗi lần gặp người đi bộ hoặc đi xe máy, xe đạp ngược chiều thường giảm tối đa tốc độ, hoặc dừng hẳn để nhường đường, bởi con đường khá chật hẹp, chiều rộng chỉ khoảng 4m. Hai bên đường nhà cửa san sát.

bna-tranh-xe-7812.jpg
Đoạn đường ngay sau cổng làng Trung Kiên ô tô và xe máy tránh nhau rất khó khăn. Ảnh: Hoài Thu

Đặc biệt có những đoạn đường chỉ rộng chưa đầy 3m, xe đạp, xe máy khi gặp ô tô phải “lánh” vào sân nhà cạnh đường để xe đi qua. Đường giao thông nơi đây ngoài chật hẹp, nếu trời mưa còn ngập một số điểm. Quỹ đất hiếm hoi nên nhiều ngôi nhà nơi đây không có sân, hoặc sân nhà “siêu nhỏ” chỉ vài mét vuông.

Cùng với sân “siêu nhỏ" là những con ngõ cũng “siêu chật”, có đoạn chỉ rộng 1m. Theo chân xóm trưởng xóm Đình, chị Phạm Thị Định đi dọc các con ngõ ở xóm Đình, xóm Rồng, cũng là nơi đóng chân của Hợp tác xã đóng tàu Trung Kiên vang tiếng một thời.

bna-ngo-nghi-thiet-5625.jpg
Một ngõ “siêu nhỏ” ở xóm Đình. Ảnh: Hoài Thu

“Đường sá thế này nhiều nhà muốn sắm ô tô để phục vụ cuộc sống cũng đành “bất lực” vì không có chỗ để xe. Những ngày lễ, Tết, con cháu đi làm ăn xa, con cháu sinh sống ở địa phương khác trở về, có xe ô tô đều phải đậu xe ngoài cổng làng, đậu xe trên các tuyến đường xã và đi bộ về nhà. Dịp cao điểm, có gia đình phải đỗ ô tô cách nhà cả cây số” - chị Định cho biết.

Thiếu quỹ đất, các hộ gia đình thường làm thêm tầng để phục vụ sinh hoạt. Ngay cả một số nhà thờ họ, người dân Nghi Thiết cũng phải xây 2 tầng.

bna-duong-nghi-thiet-3579.jpg
Một đoạn đường nội xóm ở xóm Đình ứ đọng nước sau mấy ngày mưa đầu tháng 1/2024. Ảnh: Hoài Thu

“Đất ở đây đắt hơn đất ở Thành phố Vinh một phần vì chật hẹp, một phần vì không ai muốn bán và cũng ít người mua. Việc xây dựng nông thôn mới, mở rộng đường giao thông theo đúng chuẩn quy định cũng khó khăn, vì người dân dù muốn cũng không có quỹ đất để hiến. Nhiều trục đường xóm các hộ dân nếu hiến khoảng nửa mét thì phải đập nhà, hoặc mất hẳn phần sân, phần hiên nhà” - ông Võ Văn Chiến, Bí thư Chi bộ xóm Đình cho biết

Một số hộ còn duy trì nghề mộc hiện gặp khó khăn về mặt bằng nhà xưởng. Một số gia đình phải sang xã khác, xóm khác thuê địa điểm để làm mặt bằng xưởng mộc. Một số hộ muốn mở rộng quy mô xưởng mộc cũng không thực hiện được.

bna-thieu-quy-dat-nguoi-dan-lang-dong-tau-nghi-thiet-tan-dung-le-duong-lam-noi-tap-ket-vat-lieu-1207.png
Thiếu quỹ đất, người dân Làng đóng tàu Trung Kiên tận dụng lề đường làm nơi tập kết vật liệu. Ảnh: Hoài Thu

Chọn hướng ly hương

Ông Phạm Văn Yết ở xóm Đình, một cựu chiến binh có hơn 50 năm làm nghề đóng tàu, các con của ông đều làm ăn, sinh sống ở xa. Nay ở nhà chỉ còn mình ông, thi thoảng các cháu mới về thăm.

“Cũng vì đất chật, thế hệ trẻ sau này hầu hết đều chọn đi làm ăn xa, rồi định cư, sinh sống ở các địa phương khác. Thậm chí đi xuất khẩu lao động sang các nước Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Đức…Một số cháu lập gia đình ở nước ngoài, vài ba năm mới về thăm quê hương một lần. Xóm Đình có khoảng 300 hộ thì có tới 176 hộ có người đi xuất khẩu lao động” - ông Yết chia sẻ.

bna-dia-diem-rong-rai-nhat-o-xom-dinh-la-noi-cac-gia-dinh-lam-noi-hoi-hop-dam-dinh-khi-le-tet-viec-hieu-viec-hi-2639.jpg
Địa điểm rộng nhất xóm Đình là nơi người dân hội họp, tổ chức hoạt động tập thể khi lễ, Tết, hiếu hỉ. Ảnh: Hoài Thu

Những ngày áp Tết Nguyên đán 2024, cán bộ UBND xã Nghi Thiết cho biết, người dân các xóm cũng như ban cán sự, các đoàn thể cơ sở trong năm đã tích cực vận động, đóng góp để chỉnh trang ngõ xóm, giữ vệ sinh môi trường. Xã cũng đang xúc tiến xây dựng nâng cấp, sửa chữa tuyến đường chính qua xóm Đình và xóm Rồng.

Bí thư Chi bộ xóm Đình cho biết, năm 2023, ban cán sự xóm đã vận động, người dân, con cháu xa quê và các “mạnh thường quân” tài trợ lắp hệ thống đèn năng lượng mặt trời ở tất cả các ngõ của xóm với tổng giá trị hàng trăm triệu đồng. Mỗi đèn năng lượng mặt trời trị giá 1 triệu đồng, lắp cách nhau 20m ở các ngõ, đường nội xóm.

bna-xom-dinh-xom-rong-xa-nghi-thiet-4241.png
Một góc xã Nghi Thiết. Ảnh tư liệu

“Mỗi đoạn đường lắp bóng đèn đều giao cho một tập thể chi bộ, đoàn thể phụ trách, duy tu bảo dưỡng. Riêng Chi bộ xóm Đình phụ trách đoạn đường dài nhất có lắp 25 đèn. Với Hội Cựu chiến binh, Phụ nữ, Nông dân, Đoàn Thanh niên, mỗi chi hội, đoàn thể phụ trách 1 ngõ với số lượng 8 - 10 đèn. Tết này làng quê thêm lung linh" - ông Võ Văn Chiến vui vẻ cho biết.

Clip: Hoài Thu
Chia sẻ ý kiến của bạn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO