Những con số biết nói

27/11/2016 21:35

(Baonghean) - Thế giới tuần qua xoay quanh những con số gây nhiều tranh cãi. Từ những con số ảnh hưởng đến cả thế giới trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ cho đến những tờ tiền mệnh giá thấp ở Ấn Độ, đều có ảnh hưởng không nhỏ đến chính trị - kinh tế.

Bà Jill Stein trong chiến dịch vận động tại bang Illinois hồi tháng 9. Ảnh: Reuters
Bà Jill Stein trong chiến dịch vận động tại bang Illinois hồi tháng 9. Ảnh: Reuters

Mỹ sẽ đếm lại phiếu ở 3 bang chiến trường?

Ngày 25/11, cựu ứng viên tranh cử vào Nhà Trắng Jill Stein đã chính thức yêu cầu kiểm đếm lại số phiếu bầu cử Tổng thống ở bang Wisconsin và tuyên bố sẽ yêu cầu quy trình tương tự với bang Pennsylvania và Michigan - cả 2 bang này đều cho kết quả nghiêng về ông Donald Trump.

Trên trang Twitter của mình, bà Stein khẳng định, việc kiểm đếm lại sẽ được thực hiện ngay trong tuần tới đây. Thông tin được xác nhận bởi ủy ban bầu cử bang Wisconsin và dự kiến sẽ hoàn thành muộn nhất ngày 13/12 tới. Bà Stein cũng cho biết, đã kêu gọi được 4,8 triệu USD trên tổng số 7 triệu USD cần có để chi trả cho việc đếm lại phiếu tại 3 bang nói trên.

Nhiều công nghệ khác nhau được sử dụng trong cuộc bỏ phiếu Tổng thống ở Mỹ.  Ảnh: Reuters
Nhiều công nghệ khác nhau được sử dụng trong cuộc bỏ phiếu Tổng thống ở Mỹ. Ảnh: Reuters

Theo bà, các chuyên gia bầu cử nhận định có “sự bất thường về thống kê” dẫn đến những nghi ngại về tính bảo mật của hệ thống bầu cử. Bà cũng giải thích mục đích của chiến dịch kiểm đếm phiếu không nhằm để công kích hay phủ nhận chiến thắng của ông Trump mà hướng đến việc kiểm tra toàn bộ quy trình kiểm đếm phiếu. Ví dụ, một số máy móc thiết bị sử dụng ở bang Wisconsin lại bị cấm ở bang California vì rủi ro bị tin tặc đánh cắp dữ liệu hoặc cài đặt lại phần mềm.

Trả lời phỏng vấn trên CNN, bà Stein khẳng định: “Cuộc bầu cử này là cái đích của nhiều cuộc tấn công tin tặc” và rằng hành động của bà không nhằm để phản đối Donald Trump hay ủng hộ Hillary Clinton.

Trong khi đó, các đảng viên Đảng Dân chủ cũng đang hoài nghi về một kết quả cho rằng, bà Hillary Clinton đã vượt ông Donald Trump tận 2 triệu phiếu bầu nhưng kết quả chung cuộc lại bị đảo ngược bởi thiếu số đại cử tri cần thiết.

Cụ thể, ông Trump đã giành được 290 đại cử tri so với con số 232 đại cử tri của bà Clinton. 3 bang Wisconsin, Pennsylvania và Michigan mà bà Stein kêu gọi kiếm đếm lại phiếu cũng chính là 3 bang chiến trường quan trọng dẫn đến sự chênh lệch giữa 2 ứng viên. Như vậy, liệu việc kiểm đếm lại phiếu ở 3 bang này có thể “đảo ngược” tình thế cho bầu cử Tổng thống Mỹ hay không?

Đến thời điểm này, những con số chính thức của lượt kiểm phiếu đầu tiên vẫn chưa được công bố. Các đại cử tri sẽ họp mặt vào ngày 19/12 tới đây và nếu không có gì thay đổi thì ông Donald Trump sẽ chuyển vào Nhà Trắng ngày 20/1/2017.

Kinh tế Ấn Độ lao đao vì huỷ bỏ 2 mệnh giá tiền

Nền kinh tế Ấn Độ đang lâm vào tình trạng “dở khóc dở cười” khi Thủ tướng nước này ra quyết định bỏ 2 tờ tiền 500 và 1.000 rupee (tương đương với 172.500 đồng và 350.000 đồng). Điều này tương ứng với việc giảm bớt 80% tiền mặt đang lưu hành trên thị trường.

Những ngày này, các cửa hàng kinh doanh ở Ấn Độ đều trong tình trạng ảm đạm. Người dân xếp hàng dài ở các máy rút tiền tự động để lấy những tờ 2.000 rupee (tương đương với 700.000 đồng). Những tờ tiền mới cóng nhưng hầu như không sử dụng được - đơn giản bởi không ai có tiền để thối lại một tờ 2.000 rupee. Kết quả: vụ đông đã đến nhưng nông dân không thể mua giống, phân bón và chi trả cho việc canh tác của mình.

Người dân Ấn Độ xếp hàng để nhận tờ tiền mệnh giá 2.000 rupee - hầu như không sử dụng được trong chi tiêu cho sinh hoạt hàng ngày. Ảnh: AFP
Người dân Ấn Độ xếp hàng để nhận tờ tiền mệnh giá 2.000 rupee - hầu như không sử dụng được trong chi tiêu cho sinh hoạt hàng ngày. Ảnh: AFP

Theo các chuyên gia, việc huỷ 2 tờ tiền mệnh giá 500 và 1.000 rupee sẽ ảnh hưởng nặng nề đến kết quả tăng trưởng của nền kinh tế Ấn Độ năm 2016 này.

Nếu như đầu năm, con số tăng trưởng GDP được dự đoán sẽ đạt mức 7,9% thì nay các nhà phân tích chỉ dám đưa ra con số khiêm tốn 6,8% - giảm sút tới hơn 1% và chắc chắn sẽ khiến Ấn Độ bị tụt lại trên đường đua với Trung Quốc.

Đáng nói là việc huỷ mệnh giá 2 tờ tiền được sử dụng phổ biến nhất này sẽ không có bất kỳ ảnh hưởng nào đến thị trường tiền bẩn và tiền giả, Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ khẳng định. Ngay cả cựu Thủ tướng Manmohan Singh (2004 - 2014) cũng cho rằng tình thế cấp bách đến mức phải đích thân lên tiếng: “Cách mà biện pháp này được triển khai hoàn toàn là một sai lầm, một sai lầm khổng lồ về mặt quản lý”.

Ông cũng dự đoán hậu quả của hành động này sẽ là sự sụt giảm đến 2% đối với tình hình tăng trưởng của Ấn Độ - nhận định được đồng tình bởi đa số Thượng viện nơi phe đối lập chiếm ưu thế.

Tuy nhiên, hoàn toàn mâu thuẫn với các quan chức sở tại, Quỹ tiền tệ thế giới lại hoan nghênh quyết định của ông Modi và cho rằng, đây là hành động cần thiết để chống lại “tham nhũng và các luồng tiền phi pháp”.

Hải Triều

(Theo Le Monde)

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Những con số biết nói
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO