Xây dựng Đảng

Những cuộc gặp cảm động của Bác Hồ với người thân

07/06/2017 07:41

(Baonghean.vn)-Câu chuyện cuộc gặp gỡ giữa Bác Hồ với người chị ruột của mình là bà Nguyễn Thị Thanh và người anh trai Nguyễn Sinh Khiêm diễn ra đúng vào thời điểm chính quyền cách mạng vừa thành lập nhưng đang đứng trước một tình thế vô cùng cam go của nạn thù trong, giặc ngoài làm cho người đọc thêm một lần cảm nhận về những tình cảm và sự hy sinh cao cả của Bác Hồ đối với đất nước, quê hương và những người thân trong gia đình.

Từ cuộc gặp cảm động với bà Nguyễn Thị Thanh...

Chuyện kể rằng, sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, bà Nguyễn Thị Thanh, chị ruột Bác Hồ sau một thời gian hoạt động cách mạng ở nhiều nơi đã chuyển về xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Thời điểm này, bà đã vào độ tuổi ngoài 60. Tại đây, bà được Đảng và chính quyền chăm sóc chu đáo. Khi được biết: Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là Nguyễn Ái Quốc (em trai mình), cuối năm 1946, bà đã ra Hà Nội để thăm Người.

Bà Nguyễn Thị Thanh - chị gái Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bà Nguyễn Thị Thanh - chị gái Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đồng chí Hồ Quang Chính, người chứng kiến cuộc gặp gỡ cảm động ấy, sau này là tác giả cuốn hồi ký “Bác Hồ gặp chị và người anh ruột” đã thuật lại trong cuốn sách như sau: Hôm ấy, vào lúc 11h30’ ngày 27/10/1946 vừa nhìn thấy Bác, bà Thanh vừa gọi, vừa chạy lại ôm lấy Bác: “Cậu, cậu, cậu khoẻ không?” và Bác khóc, nước mắt Bác thấm vào cánh tay áo của bà, mắt Bác chớp chớp, Bác lấy khăn lau mắt mình và nói: “Chị khoẻ không? Em biết chị chờ lâu, nhưng vì em đang bận tiếp các đồng chí Nam Bộ ra, chưa thể dứt việc được”.

Sau phút giây cảm động ấy, Bác và bà Thanh đi lại phía bàn. Bác kéo ghế mời bà Thanh ngồi, bà Thanh hỏi Bác: “Cậu đi lâu thế có nhớ quê hương không? Còn nhớ chị ngồi ru võng cho cậu ngủ, chị hát ru bài non nước không? Thuở đó, gia đình ta khá vất vả”.

Nói đến đây, bà lại khóc khiến nét mặt Bác bùi ngùi cảm động, Bác lấy khăn chấm chấm đôi mắt mình, vừa hút thuốc, vừa nhìn ra cửa sổ, Bác nói: “Chị ơi, quê hương nghĩa nặng ơn sâu, mấy mươi năm ấy biết bao nhiêu tình, những chiến sỹ cách mạng chân chính đều là những người con chí hiếu. Chị ơi, ở nước ngoài, có đôi khi đêm khuya thanh vắng, bỗng chốc nghe một lời ru con của người mình, thì lòng dạ mình lại càng thêm nhớ đất nước, quê hương, bà con”.

Sau đó, Bác hỏi đến quê hương làng Kim Liên, làng Hoàng Trù (quê nội và quê ngoại Bác), người ông nội anh Nguyễn Sinh Thọ (cháu gọi Bác Hồ bằng ông), một số cụ ở quê nhà. Bà Thanh và anh Thọ lần lượt trả lời. Sau khi Bác nói chuyện với bà Thanh, anh Thọ, Bác quay sang để tay lên vai tôi và hỏi: “Thế còn cháu quê ở làng nào?”. Tôi trả lời: “Thưa ông, cháu quê ở làng Thọ Toán cuối huyện Nam Đàn”.

Nói đến đây, tôi sợ Bác không biết làng tôi, tôi thưa tiếp: “Thưa ông, làng cháu ở gần làng Phổ Đông, Phổ Tứ, làng Nam Kim, gần sông Lam, gần cầu sắt Yên Xuân”. Bác nói: “Ờ, ờ, ông nhớ rồi, vùng đó có bãi giữa khá to của sông Lam, có lần ông đã đi đò dọc qua đó để đưa thư cho các cụ hoạt động chống đế quốc Pháp”. Rồi Bác hỏi cha mẹ tôi, hỏi tôi gặp và quen bác Hồ Tùng Mậu từ bao giờ? Tôi lần lượt trả lời Bác Hồ. Bác nói: “Tuy xa quê lâu, nhưng ông vẫn nhớ hàng dâm bụt, dãy chè xanh, đến tương, món cá khô, đến hát dặm Nghệ - Tĩnh”. Bác hỏi chúng tôi có hay đi hát phường vải không? Và Bác mỉm cười.

Bà Thanh sực nhớ và nói: “Chị biếu cậu một chai tương Nam Đàn và hai con gà”. Vừa nói, bà vừa chỉ vào góc tường chỗ để chai tương và hai con gà. Bác vui vẻ đáp: “Cảm ơn chị và hai cháu, tương thì để thỉnh thoảng mời cụ Huỳnh (Huỳnh Thúc Kháng) cùng ăn cho vui, gà để nuôi cho nó đẻ trứng”.

Bà Thanh thân mật hỏi Bác: Khi nào cậu về thăm quê được?. Bác nhìn ra ngoài cửa sổ, một lát sau, Bác trả lời: “Em cũng muốn về thăm quê, nhưng chắc chắn còn lâu, vì việc nước còn nặng nề lắm”. Hai chị em đôi mắt ngấn lệ.

Sau lần đó, bà Thanh trở về sống ở quê hương Kim Liên. Cuộc đời của bà là một tấm gương về lòng yêu nước thương dân, thông minh hiếu học và chí công vô tư. Bà đã hiến dâng cho sự nghiệp cho cách mạng và bà xứng đáng là người chị cả đáng kính của Bác Hồ kính yêu

... Đến cuộc gặp người anh ruột Nguyễn Sinh Khiêm

Cũng theo lời kể của ông Hồ Quang Chính thì sau chuyến thăm của bà Nguyễn Thị Thanh, ít ngày sau, người anh ruột của Bác là ông Nguyễn Sinh Khiêm cũng đã ra thăm Bác. Hôm ấy cũng vào khoảng 11h30’, cánh cửa phòng làm việc của Bác từ từ mở. Bác Hồ vẫn đôi mắt sáng ngời và hiền từ, vẫn trong bộ kaki vàng, bạc màu, đi thẳng về phía ông cháu tôi.

Ông Nguyễn Sinh Khiêm - anh trai Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ông Nguyễn Sinh Khiêm - anh trai Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cũng như khi bà Thanh gặp Bác, ông cả Khiêm chạy lại ôm chầm lấy Bác Hồ: “Chú, chú Cung (tên Bác Hồ hồi nhỏ), chú có khoẻ không? Anh em mình xa nhau lâu quá!”. Chòm râu Bác Hồ rung rung chạm vào má bác Khiêm, nét mặt Bác Hồ cảm động nhưng vui tươi, Bác nói: “Anh mới ra, anh khoẻ không? Quý hoá quá, chị Thanh về trong quê có khoẻ không anh? Hôm chị ra đây, có hai cháu này cùng đến với em, nhưng em bận quá, không tiếp được nhiều. Em có mời chị và hai cháu ở chơi đến chiều, nhưng chị về”.

Ông cả Khiêm trả lời: “Chị Thanh về có nói chuyện lại, bảo chú gầy lắm, công việc bận suốt ngày, bà con ai cũng đến hỏi thăm và lấy làm sung sướng”. Bác Hồ mời ông cả Khiêm ngồi và chỉ ghế cho phép chúng tôi ngồi. Bác Hồ cười vui vẻ làm cho không khí trong phòng vui và đầm ấm thân mật thêm. Bác Hồ rút thuốc lá mời ông cả Khiêm hút, nhưng ông huơ tay không nhận: “Tôi hút thuốc lá Cẩm Lệ quen rồi, thuốc đó nhẹ để chú dùng”. Bác Hồ cười và đọc một câu thơ: “Chốc đà mấy chục năm trời/ Còn non, còn nước, còn người hôm nay”

Nghe vậy, ông cả Khiêm đang cuốn thuốc lá Cẩm Lệ cũng đọc luôn: “Thoả lòng mong ước bấy lâu/ Nước non rợp bóng cờ bay đón Người”

Đọc xong hai câu thơ, ông Khiêm nói: “Hôm nay, ông cháu đến thăm chú. Tôi mang biếu chú ít cam Xã Đoài”. Bác Hồ cảm động, chớp chớp mắt, yên lặng và hỏi ông cả Khiêm về tình hình Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế, huyện Nam Đàn, về các hoạt động của chính quyền, đoàn thể địa phương, của một số người thân và bạn bè thời niên thiếu của Bác.

Bác Hồ về thăm quê ở Kim Liên, Nam Đàn Nghệ An năm 1961. Ảnh: Tư liệu
Bác Hồ về thăm quê ở Kim Liên, Nam Đàn Nghệ An năm 1961. Ảnh: Tư liệu

Ông cả Khiêm trả lời: “Chú đi lâu mà chú tài nhớ thế?”. Bác Hồ lại hỏi ông cả Khiêm: “Anh còn nhớ chuyện “Khơm công” không?”. Bác Hồ lại nói luôn: “Chẳng những mình “Khơm công”, mà hàng chục triệu đồng bào thời đó cũng “Khơm công” (Khơm công nói lái lại là không cơm, ý nói thời niên thiếu của Bác và gia đình cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc túng thiếu).

Ông cả Khiêm hỏi Bác: “Chú có định khi nào về thăm quê”. Bác Hồ thong thả trả lời: “Về đến đây cũng là về đến nhà rồi, tình hình và công việc thế này chưa cho phép em nghĩ tới, chắc việc đó còn lâu”

Đúng như dự đoán của Bác, mãi 11 năm sau, năm 1957 Bác mới về thăm quê lần đầu tiên. Sau lần gặp gỡ với Bác Hồ, ông cả Khiêm vui vẻ trở về sống ở Kim Liên. Ông sống trong tình yêu thương của nhân dân, được chính quyền địa phương chăm sóc chu đáo. Ông từ trần ngày 15 tháng 10 năm 1950 tại làng Kim Liên, hưởng thọ 62 tuổi.

Sau khi nhận được tin, Bác Hồ đang bận công tác xa, không thể về được nên đã chuyển bức điện đến Ủy ban Kháng chiến hành chính Liên khu IV nhờ chuyển cho làng Kim Liên, với nội dung: “Nghe tin anh Cả mất, lòng tôi rất buồn rầu. Vì việc nước nặng nhiều, đường sá xa cách, lúc anh đau yếu tôi không thể trông nom, lúc anh tạ thế tôi không thể lo liệu. Tôi xin chịu tội bất đễ trước linh hồn anh và xin bà con nguyện lượng cho một người đã hy sinh tình nhà vì phải lo cho việc nước”.

Thái Bình

(Tổng hợp)

Những cuộc gặp cảm động của Bác Hồ với người thân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO