Những dấu hiệu nghiện facebook bạn cần đi khám ngay

Hồng Hải 08/01/2018 06:55

Theo TS Nguyễn Doãn Phương, Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần (BV Bạch Mai), nghiện facebook sẽ gây tác động tiêu cực đến đời sống, công việc và học tập; thậm chí gây ảo giác.

Ngày càng nhiều người trẻ nghiện facebook

BS Phương kể về trường hợp bé trai 14 tuổi được gia đình đưa đến khám do có tình trạng co giật khi bị bố mẹ cấm sử dụng facebook. Cậu bé này có tiền sử dùng mạng xã hội 10 tiếng một ngày (khi ăn, ngồi nhà vệ sinh, hay bất cứ lúc nào rảnh rỗi), thu mình, lười giao tiếp và có dấu hiệu hoang tưởng.

Ngày càng nhiều người lệ thuộc vào facebook. Ảnh: Internet.

“Việc bị tịch thu điện thoại đã khiến cháu có phản ứng thu hẹp lại và có những cơn co giật. Khi tôi khám cho cháu bé, phát hiện có hoang tưởng ảo giác. Cháu kể luôn có “tiếng nói” lúc của đàn ông, lúc đàn bà trong đầu kêu “mày phải chơi đi”, TS Phương kể lại.

Tại BV Tâm thần Trung ương 1 mới đây cũng tiếp nhận nữ bệnh nhân N.T.T.H (18 tuổi) được cha mẹ đưa vào khám trong tình huống rất đặc biệt, thấy con nghiện facebook bố mẹ em H. đã cắt internet, ngăn con không vào mạng thì bệnh nhân đã phản ứng dữ dội, đập phá đồ đạc, chống trả bố mẹ, buộc gia đình phải đánh thuốc mê để đưa con vào viện tâm thần.

BS Tô Thanh Phương, Phó Giám đốc BV Tâm thần TƯ 1 cho biết, đây là ca trầm cảm điển hình do nghiện mạng xã hội.

Người nhà bệnh nhân cho biết họ phát hiện những dấu hiệu bất bình thường của con gái từ 4 tháng nay. Con gái họ không còn là học sinh giỏi chăm ngoan, mà thay đổi tính nết bất thường, sống khép mình, không giao lưu với bạn bè, lực học giảm sút.

“Thậm chí ngày 20/11 bạn bè rủ đi thăm thầy cô cũng không đi. Đến bữa ăn thì không xuống ăn, thức đêm đến 2-3h sáng hoặc vào nhà vệ sinh tắt đèn chỉ để lướt mạng.

Đỉnh điểm tôi phát hiện con trốn học ở nhà ôm điện thoại lướt facebook, tôi và vợ đã khuyên bảo nhưng con bé không nghe nên liền cắt mạng internet, nào ngờ con gái phản ứng dữ dội, đập phá đồ đạc trong nhà, cáu bẳn, mắng cả bố mẹ.

Chúng tôi mời bác sĩ tâm lý đến nhà nhưng bất thành vì con không hợp tác, cho rằng mình không bệnh, bất đắc dĩ đành đánh thuốc mê để đưa con gái đến BV”, bố bệnh nhân chia sẻ.

Theo TS Nguyễn Doãn Phương, thực tế, kinh nghiệm điều trị cho thấy nhiều bệnh nhân tâm thần vào viện có liên quan đến sử dụng facebook nhiều tiếng trong ngày. Bệnh nhân được đưa đến vì trầm cảm, phân liệt, ảo giác…khi điều trị xong bệnh nhân không sử dụng facebook nhiều như trước nữa.

Với bệnh nhi trẻ em khi đến khám vì các dấu hiệu tâm thần, khai thác tiền sử nhiều cháu sử dụng facebook từ 4 - 5 tiếng/ngày.

Cần đi khám ngay khi có dấu hiệu sau

TS Nguyễn Doãn Phương khuyến cáo, khi bạn hoặc người nhà thấy con, em mình đã cố gắng cắt giảm việc sử dụng Facebook mà không thành công (cảm thấy 1 sự thúc giục sử dụng ngày càng nhiều; trở nên bồn chồn hoặc gặp rắc rối nếu bị cấm sử dụng Facebook); Bạn sử dụng Facebook rất nhiều đến nỗi mà nó đã có một tác động tiêu cực đến công việc/ học tập của bạn thì hãy nên đến viện khám ngay bởi nghiện facebook gây nên nhiều rối loạn cho cơ thể.

Nhiều người gặp khó khăn trong kiểm soát thời gian sử dụng facebook, xao nhãng tất cả những thú vui trước đây; ảnh hưởng đến các hoạt động trong công việc, học tập, trong việc duy trì mối quan hệ trong gia đình, bạn bè ngoài cuộc đời thật… là những dấu hiệu cho thấy đang bị lệ thuộc vào facebook và gây ra nhiều hệ quả từ việc chỉ quan tâm đến thế giới ảo, nghiện facebook gây rối loạn ăn uống, giấc ngủ… làm trầm trọng thêm các dấu hiệu về tâm thần.

TS Phương khuyến cáo người lớn cần giám sát con trẻ trong việc sử dụng facebook, mạng xã hội. Ngay cả người lớn, việc sử dụng cần hợp lý, nên đặt ra quy định, thời gian biểu chỉ dành những thời điểm nhất định trong ngày để vào facebook.

Đặc biệt với trẻ nhỏ, hãy cho trẻ ra công viên, tạo nhiều hoạt động vui chơi nhiều hơn để bé không đắm mình trong tivi, ipad để nghiện tivi, facebook… gây nhiều hệ lụy cho sức khỏe.

Theo dantri.com.vn
Copy Link

Mới nhất

x
Những dấu hiệu nghiện facebook bạn cần đi khám ngay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO