Những điều chưa từng biết về khu trại 'rừng rú' Calais

25/10/2016 15:21

(Baonghean.vn) - Cuộc sống của hàng ngàn người di cư tại khu trại New Junglelại một lần nữa rơi vào tình trạng hỗn loạn khi chính quyền Pháp bắt đầu dọn dẹp trại tị nạn này vào ngày 24/10.

Khu trại "rừng rú"

Trại tị nạn New Jungle (khu trại "rừng rú") là một khu định cư cho những người di cư thuộc thành phố cảng Calais. Nơi đây được xem là chốn nương thân cho những người muốn vượt 50km qua đường hầm eo biển Manche để đi từ Pháp sang Anh.

Lực lượng cảnh sát Pháp cùng các sĩ quan biên giới Anh và hàng rào được dựng lên để ngăn cản những cuộc di cư đến Dover. Bên cạnh đó, những cuộc đụng độ giữa người tị nạn và chính quyền địa phương thường xuyên diễn ra.

Khu trại “Jungle” ở Calais tháng 10/2016. Ảnh Getty
Khu trại New Jungle ở Calais tháng 10/2016. Ảnh Getty

Hành trình nguy hiểm

Rất nhiều người di cư đã mạo hiểm mạng sống bằng cách đi lậu vé trên một chiếc xe tải hoặc tàu Channel Tunnel.

Năm 2015, Ban điều hành đường hầm Eurotunnel đã chặn 37.000 người di cư bất hợp pháp đến Anh. Theo Tổ chức di cư quốc tế, 31 người đã chết trên đường đi, trong đó nhiều thanh thiếu niên.

Dân số luôn thay đổi

Không được coi là trại tị nạn theo luật pháp quốc tế, New Jungle tồn tại trong một khu vực pháp lý không rõ ràng, thiếu cơ sở hạ tầng và thẩm quyền, người dân liên tục đến và đi, gây khó khăn cho việc điều tra dân số chính xác.

Tuy nhiên, hồi đầu tuần, chính phủ Pháp tính toán có khoảng 5.684 đến 6.486 người sống ở khu trại. Ngoài ra, theo các tổ chức từ thiện cho biết, dân số tại trại đạt gần 10.000 người.

Chiến tranh, nạn đói và bạo lực khiến những người di cư đến Calais

Đa số người sống ở Jungle đến từ những nước có chiến tranh hay hỗn loạn chính trị như: Afghanistan, Eritrea, Sudan, Iraq, Syria, Somalia, châu Phi,...

Phần lớn người dân ở Calais là đàn ông, phụ nữ chiếm khoảng 10-15% và thường sống trong những khu riêng biệt. Người dân tại trại được chia thành 4 nhóm: người lớn, trẻ vị thành niên, gia đình và những người dễ bị tổn thương (phụ nữ có thai, người bệnh và tàn tật).

Những người nhập cư ở Calais trên đường ray hướng về phía Eurotunnel. Ảnh Getty
Những người nhập cư ở Calais trên đường ray hướng về phía Eurotunnel. Ảnh Getty

Trẻ em không có người đi kèm đang là mối lo ngại

Theo tổ chức viện trợ Pháp Terre D’Asile, có 1.291 trẻ em vị thành niên hiện đang ở trong trại. Một số là nạn nhân của bọn buôn người, lạm dụng tình dục. Suy dinh dưỡng và bệnh tật là điều phổ biến tại trại New Jungle.

Trước đó vào ngày 21/10, Anh đã bắt đầu chấp nhận một lượng nhỏ những trẻ em "đủ điều kiện" theo luật pháp của Liên minh châu Âu và Anh.

Trong tháng 3/2016, chính phủ Anh đã tuyên bố sẽ cho phép 3.000 trẻ tị nạn không có người đi kèm được quyền đi vào nước này. Tuy nhiên đến nay, mới chỉ có 80 trẻ được chấp nhận.

Đây không phải lần đầu tiên New Jungle bị dỡ bỏ

Năm 2001, lần đầu tiên trại bị đóng cửa, gây ra một vòng tròn phá hủy và xây lại giữa những người nhập cư và cơ quan chính quyền.

Tháng 3/2016, nửa phía nam của trại bị phá bỏ. Nhưng đến tháng 8/2016, dân số tại trại đã gia tăng 53% chỉ trong vòng 2 tháng.

Ảnh chụp từ trên cao cho thấy hàng trăm lều tạm nằm san sát tại khu trại Jungle. (Ảnh: Reuters)
Ảnh chụp từ trên cao cho thấy hàng trăm lều tạm nằm san sát tại khu trại Jungle. (Ảnh: Reuters)

Nguyên nhân của đợt dỡ bỏ mới

Vì là một trại không chính thức, khu trại "rừng rú" không đủ tiêu chuẩn để nhận hỗ trợ quốc tế, dẫn đến chính phủ Pháp không thể kiểm soát vệ sinh môi trường và an ninh tại đây.

Ngoài ra, việc đóng cửa diễn ra vào thời điểm khủng hoảng nhập cư, nỗi sợ khủng bố và sự lây lan của các phong trào chống di cư ở châu Âu tăng vọt.

Bộ Nội vụ Pháp cho biết, kế hoạch tháo dỡ trại sẽ hoàn thành vào tháng 12 tới đây.

Liệu một New Jungle nữa sẽ mọc lên?

Chức trách Pháp cho biết những người nhập cư và tị nạn sẽ được trao 2 lựa chọn: xin tị nạn ở Pháp và được dời đến nơi mới ở Pháp hoặc trở về quê hương của họ.

Tuy nhiên, một số tổ chức từ thiện hoạt động trong các trại cho rằng giải pháp này không khả thi cho những người có lý do mạnh mẽ vẫn muốn đến định cư ở Anh.

Thanh Hiền

(Theo CNN)

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Những điều chưa từng biết về khu trại 'rừng rú' Calais
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO