Những điều còn tranh cãi trước phiên phúc thẩm vụ án Hoàng Công Lương

Vnexpress.net 11/05/2019 16:32

Cùng với việc Hoàng Công Lương liên tục kêu oan, Bộ Y tế cho rằng kết tội Lương sẽ  tạo tiền lệ "rất xấu" trong ngành y.

Ngày 13/5, TAND tỉnh Hòa Bình dự kiến mở phiên phúc thẩm xét kháng cáo của Hoàng Công Lương (cựu bác sĩ Bệnh viện đa khoa Hòa Bình), Trương Quý Dương (cựu Giám đốc bệnh viện), Hoàng Đình Khiếu (cựu phó giám đốc Bệnh viện), Trần Văn Thắng (cựu trưởng phòng vật tư) và Đỗ Anh Tuấn (Giám đốc Công ty cổ phần dược phẩm Thiên Sơn).

Trước đó, ngày 10/5, Bộ Y tế đã gửi công văn tới Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hòa Bình. Bộ Y tế cho rằng phạt bác sĩ Lương về tội Vô ý làm chết người là chưa phù hợp, không đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Trường hợp tòa phúc thẩm vẫn xác định tội danh này với Lương thì sẽ là "tiền lệ vô cùng nguy hiểm, rất xấu" và tạo ra tâm lý bất an cho các nhân viên y tế trong nước.

Vụ án gây nhiều tranh cãi và kéo dài gần một năm khi phiên sơ thẩm bị hoãn hai lần và một lần trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung. Ngày 30/3, TAND thành phố Hòa Bình tuyên án sơ thẩm với 7 bị cáo. Lương bị phạt 42 tháng tù, Quốc 54 tháng tù do phạm tội Vô ý làm chết người. 5 người còn lại nhận 30-42 tháng tù cùng về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Từ khi bị khởi tố đến lúc đưa ra xét xử sơ thẩm, Hoàng Công Lương liên tục kêu oan cho rằng đã làm tròn trách nhiệm của một "bác sĩ chữa bệnh cứu người chứ không phạm tội như bị truy tố".

Bị cáo ba lần bị thay đổi tội danh, từ Vi phạm quy định về khám chữa bệnh sang Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và giờ là Vô ý làm chết người.

Hoàng Công Lương tại phiên sơ thẩm hồi đầu năm 2019. Ảnh: Phạm Dự.

Giữa năm 2018, tại phiên sơ thẩm lần một, Lương hầu tòa cùng hai bị cáo và có 6 luật sư bào chữa miễn phí. Suốt phiên xử, Lương nhiều lần xin giữ quyền im lặng và nhường quyền "gỡ tội" cho các luật sư.

Đại diện VKS sau đó đề nghị tuyên phạt Lương mức án 30-36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên sau nhiều ngày tranh cãi, HĐXX tuyên trả hồ sơ đề nghị điều tra bổ sung.

Sau 7 tháng điều tra bổ sung, phiên sơ thẩm mở lại hồi đầu năm 2019 số bị cáo tăng thành 7 người. 31 luật sư đăng ký tham gia bào chữa cho các bị cáo, bị đơn dân sự, người làm chứng, bị hại... Lương có 10 luật sư bảo vệ miễn phí.

Tại phiên tòa, Lương vẫn giữ quyền im lặng và là bị cáo nói ít nhất. Lương một mực khẳng định chỉ là bác sĩ điều trị, không phải chịu trách nhiệm về nguồn nước dùng chạy thận cho 9 bệnh nhân tử vong.

Khi bị HĐXX tuyên 42 tháng tù, Lương vẫn khẳng định vô tội. Ba tháng sau, Lương thay đổi, không kêu oan mà chỉ kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Trong thông báo mới nhất trước phiên phúc thẩm, Lương xin từ chối 9 luật sư đã "gỡ tội" cho mình tại phiên sơ thẩm hồi tháng 2 và chỉ mời một luật sư bào chữa.

Ai chịu trách nhiệm về nguồn nước chạy thận?

Theo hồ sơ vụ án, sáng 29/5/2017, 18 bệnh nhân đang điều trị lọc máu ở đơn nguyên thận nhân tạo, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình đồng loạt có biểu hiện nôn, ngứa, chóng mặt. Chín người sau đó lần lượt tử vong, gây sự cố y khoa lớn nhất ở Hòa Bình.

Nguyên nhân được xác định do nguồn nước RO2 cung cấp cho việc lọc, chạy thận nhân tạo không đảm bảo. Các thiết bị sau khi bảo dưỡng đưa vào hoạt động mà không kiểm định đúng quy trình.

Vấn đề này được đưa ra "mổ xẻ" gay gắt ở nhiều phiên xử song vẫn chưa có lời đáp thỏa đáng cho câu hỏi: Ai chịu trách nhiệm về nguồn nước chạy thận?

Buồng chạy thận ở Bệnh viện đa khoa Hòa Bình, nơi xảy ra sự cố y khoa. Ảnh: Phạm Dự.

Lương cho rằng theo quy định bệnh viện, chất lượng nước thuộc trưởng khoa. Nhưng ở khoa không có kỹ sư nên trách nhiệm thuộc về kỹ sư Phòng Vật tư kỹ thuật y tế.

Phủ nhận ngay trước tòa, bị cáo Trần Văn Sơn (cựu cán bộ Phòng Vật tư) cho rằng chỉ được giao nhiệm vụ quản lý, giám sát sửa chữa thiết bị y tế; không được học hay giao nhiệm vụ quản lý chất lượng nước của hệ thống lọc nước RO.

Ngược với hồ sơ vụ án, đại diện VKSND thành phố Hòa Bình khẳng định không cáo buộc Lương phải chịu trách nhiệm nguồn nước. Tuy nhiên, trước khi ra y lệnh chạy thận cho bệnh nhân, Lương đã biết nguồn nước bị can thiệp mà không kiểm tra, bởi vậy đây "là hành vi nguy hiểm" dẫn đến sự cố làm 9 người chết. Hành vi của Lương đủ yếu tố cấu thành tội Vô ý làm chết người.

TAND Hòa Bình cho rằng Lương là bác sĩ điều trị có chứng chỉ hành nghề và được đào tạo về chuyên môn thận nhân tạo. Bị cáo không phải chịu trách nhiệm nguồn nước nhưng buộc phải biết rõ tầm quan trọng của nước trong chạy thận. Lương biết việc sửa chữa hệ thống RO số 2 song khi chưa biết hệ thống nước đã an toàn hay chưa mà chỉ nghe điều dưỡng thông báo Lương đã đưa hệ thống vào chạy thận. HĐXX kết luận Lương "cẩu thả, làm việc theo thói quen và tự tin vào kinh nghiệm của bản thân".

Mới nhất

x
Những điều còn tranh cãi trước phiên phúc thẩm vụ án Hoàng Công Lương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO