Những điều phụ huynh cần biết khi cho trẻ đi tiêm vắc-xin phòng Covid-19
(Baonghean.vn) - Hiện nay có rất nhiều thắc mắc liên quan đến công tác tiêm vắc-xin cho trẻ em, kèm theo đó là nhiều thông tin chưa chính xác được chia sẻ trên mạng xã hội khiến phụ huynh dễ hiểu lầm.
Ngày 27/11, các địa phương ở Nghệ An đồng loạt tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 cho các em học sinh. Đây là ngày đầu tiên Nghệ An triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ. Việc tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19 cho trẻ em có ý nghĩa quan trọng, trước tiên để bảo vệ sức khỏe cho trẻ trước bối cảnh đại dịch vẫn diễn biến phức tạp, đồng thời góp phần tăng diện bao phủ vắc-xin phòng Covid-19 trong cộng đồng. Tuy nhiên, hiện nay có khá nhiều thông tin không chính xác liên quan đến công tác tiêm vắc-xin cho trẻ em, kèm theo đó là những thắc mắc cần giải đáp của các bậc phụ huynh.
Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An kiểm tra công tác tiêm vắc-xin cho trẻ. Ảnh: Đức Anh |
Trẻ tự kỷ, tăng động cần lưu ý gì khi đi tiêm vắc-xin?
Theo Hiệp hội tự kỷ Mỹ (ASA), Covid-19 đã và đang tàn phá cộng đồng người tự kỷ và cộng đồng người khuyết tật về trí tuệ. Thực tế cho thấy, những người mắc rối loạn phổ tự kỷ (ASD) có nguy cơ tử vong cao khi nhiễm Covid-19 gấp 3 lần, trong khi đó con số này khoảng 2,7 lần ở những người bị khuyết tật trí tuệ. Nguyên nhân chính là do các đối tượng này thường tự cô lập, không có nhu cầu chia sẻ về triệu chứng hoặc không tuân theo các biện pháp phòng dịch an toàn.
Trẻ mắc bệnh tự kỷ hay tăng động càng cần phải tiêm vắc-xin ngừa Covid-19. Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, sau khi tiêm, người được tiêm, đặc biệt là trẻ em, cần có người giám hộ 24/24h trong vòng 3 ngày đầu tiên và tiếp tục theo dõi chặt chẽ tới 28-42 ngày để kịp thời hỗ trợ phát hiện các triệu chứng bất thường cũng như xử trí khi cần thiết.
Loại vắc-xin nào được sử dụng để tiêm cho trẻ em trên 12 tuổi?
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã cấp phép sử dụng khẩn cấp vắc-xin Pfizer cho trẻ em trên 12 tuổi. Vắc-xin này được tiêm hai mũi cách nhau 21 ngày. Liều thứ hai có thể được tiêm sau 6 tuần tiêm liều đầu tiên. Nghiên cứu cho thấy vắc-xin Pfizer hiệu quả 100% trong việc ngăn ngừa Covid-19 ở trẻ em từ 12 đến 15 tuổi. Nó cũng hiệu quả 91% trong việc ngăn ngừa bệnh nặng với Covid-19 ở những người từ 16 tuổi trở lên, trong đó có biến thể Delta.
Phụ huynh cần làm gì khi đưa trẻ đi tiêm?
Theo các chuyên gia, phụ huynh trước tiêm cần nói chuyện với con về những phản ứng của cơ thể có thể xảy ra khi tiêm vắc-xin. Trao đổi với nhân viên y tế tại cơ sở tiêm chủng về bất kỳ loại dị ứng nào mà con mắc phải. Động viên trẻ trước, trong và sau tiêm chủng.
Tiêm vắc-xin cho học sinh THPT ở TP Vinh sáng 27/11. Ảnh: Đức Anh |
Tác dụng phụ có thể xảy ra sau khi tiêm?
Cánh tay nơi có mũi tiêm có thể đau đớn, đỏ, sưng tấy. Tác dụng phụ trên toàn cơ thể là mệt mỏi, đau đầu, đau cơ, ớn lạnh, sốt, buồn nôn.
Theo các bác sĩ, sau tiêm, trẻ ở lại điểm tiêm theo dõi trong vòng khoảng 30 phút để đội ngũ y tế can thiệp kịp thời nếu xảy ra phản ứng với vắc-xin. Tương tự như người lớn, tác dụng phụ trên trẻ thường kéo dài từ một đến 3 ngày. Những phản ứng này có thể ảnh hưởng đến sinh hoạt, biến mất sau vài ngày. Một số trẻ không gặp tác dụng phụ.
Phụ huynh nên trao đổi với bác sĩ để được tư vấn về việc sử dụng thuốc giảm đau và các bước khác để giảm tác dụng phụ của vắc-xin. Không nên sử dụng thuốc giảm đau trước khi tiêm chủng với mục đích ngăn ngừa phản ứng phụ.
Vắc-xin có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản hoặc kinh nguyệt?
Một nghiên cứu cho thấy một số phụ nữ bị thay đổi kinh nguyệt tạm thời sau khi tiêm. Không rõ liệu tiêm vắc-xin có gây ra những thay đổi này hay không, hiện chưa có nghiên cứu sâu hơn về vấn đề này. Trên thực tế nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt, như nhiễm trùng, căng thẳng, các vấn đề về giấc ngủ, thay đổi trong chế độ ăn uống hoặc tập thể dục.
Cũng theo các bác sĩ, hiện nay chưa có bất cứ bằng chứng nào cho thấy vắc-xin Covid-19 ảnh hưởng đến quá trình dậy thì lẫn khả năng sinh sản của trẻ (bao gồm cả nam và nữ) trong tương lai. Các loại vắc-xin Covid-19 được cấp phép đưa vào sử dụng đều được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kiểm định về độ an toàn và tính sinh miễn dịch tốt, được sử dụng tiêm cho trẻ ở nhiều quốc gia.
Nghiên cứu cho thấy vắc-xin Pfizer hiệu quả 100% trong việc ngăn ngừa Covid-19 ở trẻ em từ 12 đến 15 tuổi. Nó cũng hiệu quả 91% trong việc ngăn ngừa bệnh nặng với Covid-19 ở những người từ 16 tuổi trở lên, trong đó có biến thể Delta. Ảnh: Đức Anh |
Việt Nam đang triển khai tiêm vắc-xin Covid-19 Comirnaty của Pfizer cho trẻ. Đây là vắc-xin sử dụng mRNA (vật liệu di truyền), mRNA chỉ xâm nhập vào tế bào chất, không đi vào nhân tế bào, do vậy không ảnh hưởng đến nhiễm sắc thể, không có nguy cơ gây ra rối loạn biến đổi gen làm ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Viện Hàn lâm Nhi khoa Mỹ cũng bác bỏ về mặt khoa học thông tin vắc-xin Covid-19 có nguy cơ gây vô sinh ở trẻ.
Có nên chườm nóng, chườm đá hoặc lăn trứng gà để giảm sưng vết tiêm
Theo các chuyên gia, sưng tại vết tiêm là phản ứng thông thường của cơ thể cho thấy hệ miễn dịch của trẻ đang đáp ứng với vắc-xin. Việc chườm mát có thể áp dụng khi vết tiêm sưng tấy nhẹ. Tuy nhiên, các bác sĩ khuyến cáo gia đình nên đảm bảo sử dụng nước đá được làm từ nguồn nước sạch, được bọc trong khăn sạch và chườm xung quanh vết tiêm, không di ấn trực tiếp đá lạnh lên vị trí vết tiêm. Tuyệt đối không nên bôi đắp bất cứ vật lạ nào lên vết tiêm.
Bên cạnh đó, phụ huynh có thể áp dụng một số cách đơn giản để giúp con giảm đau tại vết tiêm như:
- Sau khi tiêm, cho trẻ ở lại điểm tiêm chủng theo dõi thêm 30 phút, liên tục theo dõi để đánh giá các phản ứng bất thường ở trẻ nếu có. Báo ngay cho nhân viên y tế gần nhất khi phát hiện bất thường của trẻ.
- Trẻ sốt nhẹ (dưới 38 độ), chưa cần cho uống thuốc hạ sốt mà tiếp tục theo dõi nhiệt độ và tổng trạng của bé. Nếu nhiệt độ của trẻ cao hơn, có thể xem xét dùng thuốc hạ sốt nếu trẻ khó chịu, đau, hoặc trẻ có tiền căn co giật do sốt.
- Dùng khăn ấm chườm hoặc lau người cho trẻ, đặc biệt ở một số vùng như bàn tay, bàn chân, nách...
- Mặc quần áo thông thoáng, thấm hút mồ hôi, không nên đắp chăn sẽ làm thân nhiệt tăng cao hơn.
Tắm gội sau tiêm có thể hạn chế sốt?
Tắm bằng nước nóng giúp cơ thể thoải mái, ngủ ngon hơn. Sau khi tiêm vắc-xin, trẻ thường có một vài triệu chứng phụ như mỏi cơ hay sốt làm cơ thể cảm thấy rất mệt mỏi và khó chịu, tắm bằng nước nóng giúp các cơ thư giãn, sạch sẽ, tinh thần thoải mái hơn. Tuy nhiên, khi tắm rửa, cần tránh chà xát mạnh vùng tiêm để tránh làm đau và tổn thương vùng tiêm. Trẻ cũng không nên ngâm mình quá lâu trong nước, sau khi tắm xong cần lau khô người và sấy khô tóc tránh để nhiễm lạnh nếu đang sốt.
Điều quan trọng cần làm là theo dõi sức khỏe của trẻ sau khi tiêm vắc-xin Covid-19. Nếu trẻ sốt nhẹ (dưới 38 độ) chưa cần cho uống thuốc hạ sốt mà tiếp tục theo dõi nhiệt độ và tổng trạng. Sử dụng nhiệt kế để theo dõi thân nhiệt của trẻ, nếu trẻ sốt trên 38,5 độ có thể sử dụng thuốc hạ sốt và nếu tình trạng này kéo dài không đáp ứng với thuốc thì nên đưa trẻ đến trung tâm y tế gần nhất để theo dõi và xử trí phản ứng sau tiêm. Thiết bị nhiệt kế cần đảm bảo độ chính xác, nếu nghi ngờ độ chính xác của nhiệt kế, hãy thử đo với người xung quanh hoặc sử dụng nhiệt kế khác.
Vẫn phải tuân thủ 5K sau khi tiêm đủ liều
Các cơ quan y tế nhiều lần khuyến cáo, sau khi tiêm vắc-xin Covid-19 đủ liều, phụ huynh có thể an tâm một phần nhưng đã tiêm vắc-xin vẫn có khả năng nhiễm bệnh nếu tiếp xúc với nguồn lây. Vì thế, sau khi tiêm chủng vắc-xin đầy đủ, trẻ vẫn nên tuân thủ 5K và đảm bảo vệ sinh hàng ngày.