Những đối tượng nào sẽ được đặc xá?

Phương Thủy 08/04/2018 10:20

Chấp hành án phạt tù bao nhiêu thời gian sẽ được đặc xá? Người bị kết án chung thân thì điều kiện đặc xá như thế nào? Những người phạm tội kinh tế hoặc phải thi hành phần án dân sự (bằng tiền) nhưng chưa nộp có được đặc xá hay không?...

Là những vấn đề mà dư luận đang đặc biệt quan tâm đối với Luật Đặc xá (sửa đổi) lần này.

Hiện các cơ quan chức năng đang lấy ý kiến về dự án Luật Đặc xá (sửa đổi), khẩn trương hoàn thiện dự thảo để trình Quốc hội trong kỳ họp sắp tới. Để đáp ứng nhu cầu của bạn đọc về Luật Đặc xá (sửa đổi), Báo CAND xin giới thiệu những điểm mới, những vấn đề bạn đọc quan tâm trong dự thảo luật này.

Điểm mới được dư luận quan tâm nhất đó là điều kiện, quyền và nghĩa vụ của người được đặc xá.

Phạm nhân nghiên cứu các tiêu chuẩn được đặc xá.

Trong dự thảo luật nêu rõ người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân đã được giảm xuống có thời hạn đang chấp hành hình phạt tù được đặc xá phải có đủ điều kiện sau: phạm tội lần đầu; chấp hành tốt nội quy của trại giam, trại tạm giam; tích cực học tập, lao động; trong quá trình chấp hành hình phạt tù được xếp loại khá trở lên.

Đặc biệt, đó là phải chấp hành hình phạt tù ít nhất ½ thời gian đối với trường hợp bị phạt tù có thời hạn, nếu trước đó đã được giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù thì thời hạn được giảm không được tính vào thời gian để được xét đặc xá (theo luật Đặc xá 2007 là chấp hành ít nhất 1/3 thời gian).

Trường hợp bị phạt tù chung thân thì phải chấp hành ít nhất 15 năm mới được đề nghị đặc xá (theo Luật Đặc xá 2007 là 14 năm). Nếu sau khi đã được giảm xuống tù có thời hạn mà tiếp tục được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù thì thời hạn được giảm sau đó không được tính vào thời gian đã chấp hành án phạt tù.

Người được đề nghị đặc xá phải chấp hành xong hình phạt bổ sung là phạt tiền, bồi thường thiệt hại, án phí hoặc nghĩa vụ dân sự khác. Những người có công lớn trong thời gian chấp hành án phạt tù như: giúp trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan tiến hành tố tụng hình sự phát hiện, bắt, điều tra tội phạm; cứu được tính mạng người khác hoặc tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh hoặc khó khăn đặc biệt của xã hội; có phát minh, sáng kiến có giá trị lớn hoặc thành tích đặc biệt khác được trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện xác nhận thì được Chủ tịch nước quyết định thời gian chấp hành hình phạt tù ngắn hơn so với quy định.

Phạm nhân là thương binh; bệnh binh; người có thành tích trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, xây dựng xã hội được tặng thưởng một trong các danh hiệu: Anh hùng LLVTND, Anh hùng Lao động, Nhà giáo Nhân dân, Thầy thuốc Nhân dân, Nghệ sỹ Nhân dân, Dũng sĩ, được tặng một trong các loại huân chương hoặc Huy chương Kháng chiến; có cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con đẻ, anh, chị, em ruột hoặc bố nuôi, mẹ nuôi, con nuôi hợp pháp của liệt sĩ; con đẻ, con nuôi của Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; con của gia đình được tặng bằng Gia đình có công với nước. Là người đang mắc bệnh hiểm nghèo hoặc một trong các bệnh được hội đồng y khoa, bệnh viện cấp tỉnh hoặc cấp quân khu trở lên xác nhận.

Người từ 60 tuổi trở lên thường xuyên ốm đau phải nằm điều trị tại bệnh xá, bệnh viện liên tục từ 90 ngày trở lên hoặc không liên tục nhưng nhiều lần nằm điều trị tại bệnh viện với mỗi lần từ 30 ngày trở lên, không lao động, không tự phục vụ bản thân được và không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội, có kết luận của hội đồng giám định y khoa hoặc xác nhận bằng văn bản của bệnh viện cấp tỉnh, cấp quân khu trở lên.

Phạm nhân có gia đình đang lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn, tai nạn... mà bản thân là lao động duy nhất trong gia đình có xác nhận của UBND cấp xã hoặc cơ quan có thẩm quyền...; phụ nữ có thai hoặc có con nhỏ dưới 36 tháng tuổi; khi phạm tội dưới 18 tuổi; là người đủ 70 tuổi trở lên cũng được Chủ tịch nước xem xét quyết định thời gian chấp hành hình phạt tù ngắn hơn quy định.

Những trường hợp không được đề nghị đặc xá gồm: phần bản án hoặc quyết định của tòa án đối với người đó đang có kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm theo hướng tăng nặng trách nhiệm hình sự; đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội khác; người bị kết án về một trong các tội quy định tại chương XIII, chương XXVI, từ điều 353 điều 366 và chương XXIII, từ điều 368 đến điều 391 chương XXIV và điều 229 của Bộ luật Hình sự; người bị kết án tử hình được ân giảm hoặc thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 điều 40 của Bộ luật Hình sự.

Chủ tịch nước quyết định các trường hợp khác không được đặc xá căn cứ vào điều kiện, tình hình của đất nước và yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Người được đề nghị đặc xá phải có đơn xin đặc xá; tài liệu chứng minh về cá nhân, hoàn cảnh gia đình của người được đề nghị đặc xá; tài liệu chứng minh đã chấp hành xong hình phạt bổ sung là phạt tiền, bồi thường thiệt hại, án phí hoặc nghĩa vụ dân sự khác; bản cam kết không vi phạm pháp luật, chấp hành đầy đủ hình phạt bổ sung là phạt tiền, bồi thường thiệt hại, án phí hoặc nghĩa vụ dân sự sau khi được đặc xá.

Riêng đối với người nước ngoài, cần có văn bản đồng ý tiếp nhận của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của nước mà người đó là công dân nếu được đặc xá.

Theo cand.com.vn
Copy Link

Mới nhất

x
Những đối tượng nào sẽ được đặc xá?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO