Những “dự bị tin cậy” của Đảng
Ở huyện nghèo vùng cao Quế Phong, mấy năm qua xuất hiện nhiều gương thanh niên tiêu biểu trên các “mặt trận”. Họ đang phát huy tính sáng tạo, nhiệt huyết của tuổi trẻ xây dựng quê hương giàu đẹp. Nhiều người trong số đó đã được tổ chức đoàn cơ sở phát hiện, bồi dưỡng và vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng khi tuổi đời còn rất trẻ.
(Baonghean) Ở huyện nghèo vùng cao Quế Phong, mấy năm qua xuất hiện nhiều gương thanh niên tiêu biểu trên các “mặt trận”. Họ đang phát huy tính sáng tạo, nhiệt huyết của tuổi trẻ xây dựng quê hương giàu đẹp. Nhiều người trong số đó đã được tổ chức đoàn cơ sở phát hiện, bồi dưỡng và vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng khi tuổi đời còn rất trẻ.
Cắm Muộn vẫn là xã nghèo của huyện vùng cao Quế Phong. Nhận được sự đầu tư của Nhà nước, nhiều hộ đang dần thoát nghèo bền vững. Xã cũng đã có nhiều gương điển hình sản xuất kinh doanh giỏi nhưng khó ai có thể sánh được chàng trai trẻ Vi Văn Nam. Mới đầu năm mà cơ sở đóng táp lô của anh đã nhộn nhịp. Bốn nhân công, mỗi người một khâu trong “dây chuyền” nhịp nhàng cho ra từng mẻ sản phẩm đúng quy chuẩn. Phía góc sân, “ông chủ trẻ” – Vi Văn Nam đang phụ bác tài xế bốc gạch lên xe giao cho khách hàng. Thấy tôi, Nam lau vội mồ hôi trên trán và nói: “Khách người ta cần gấp quá nên anh em làm ngày làm đêm để kịp giao hàng cho họ”.
Ấn tượng ban đầu của tôi về Nam, đó là chàng trai năng động, hoạt bát nhưng khi nói về “thành tích” của bản thân lại ngập ngừng, ấp úng. Giữa núi rừng hoang hoải, miếng ăn, cái mặc vẫn là một bài toán đánh đố người dân tìm ra lời giải. Nam cũng vậy, anh nhớ như in quãng đời tuổi thơ nhọc nhằn trên mảnh đất có danh xưng rất mỹ miều: “đất vàng vui”. Bạn bè và cả những người lớn tuổi hơn nếu có cơ hội đều chọn con đường thoát ly lập nghiệp mong thay đổi cuộc đời. Học xong chương trình trung cấp thú y, sau bao đêm trằn trọc suy nghĩ, anh quyết chí trở về xây dựng sự nghiệp ngay trên quê hương. “Mình chọn ở lại quê hương lập nghiệp. Bởi nếu biết khai thác tiềm năng sẵn có vẫn có thể xây dựng cuộc sống ổn định”, anh chia sẻ.
Đó là vào năm 2005, Vi Văn Nam được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi đoàn xã Cắm Muộn. Năng động, hăng say công tác đoàn, anh thực sự trở thành thủ lĩnh của đoàn viên, thanh niên xã vào thời điểm bấy giờ. Năm 2005, anh vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Đến cuối năm 2006, Nam chuyển sang làm công tác thú y của xã, đến năm 2011 thì làm cán bộ chương trình 30a.
“Lúc đầu cũng gặp chút khó khăn về đầu ra. Nhưng nhu cầu gạch không nung phục vụ xây dựng ngày càng tăng cao nên cơ sở làm ăn cũng khá dần lên”, Nam cho biết. Cho đến hôm nay, giữa miền quê nghèo, khi mà thu nhập của phần đông nhân dân còn thấp thì Nam đã có thu nhập ổn định khoảng hơn 40 triệu đồng một năm. Đó là lãi ròng, chưa tính tiền lương trả đều đặn 3 triệu đồng/tháng cho bốn công nhân vào làm công.
Còn ở xã Châu Kim, tôi cũng được gặp 2 gương đoàn viên tiêu biểu trong công cuộc phát triển kinh tế đang chuẩn bị được kết nạp vào Đảng. Người thứ nhất là Vi Văn Sinh. Chàng trai trẻ năng động này cũng đã đầu tư 30 triệu đồng mua máy đóng táp lô có quy mô hơn 20 ngàn viên một tháng. Hiện, cơ sở đang tạo việc làm cho 3 lao động với lương trung bình 4 triệu đồng/tháng và mang về lợi nhuận cho “ông chủ trẻ” tầm 30 triệu đồng/năm. Nhu cầu thị trường với gạch không nung tăng cao, cộng với lợi thế địa điểm sản xuất gần Thị trấn Kim Sơn - thị trường tiêu thụ lớn nhất huyện, Sinh đang có ý định đầu tư mở rộng cơ sở sản xuất. Bên cạnh kết quả sản xuất kinh doanh hiệu quả, anh còn là đoàn viên tiêu biểu của Chi đoàn xã Châu Kim trong nhiều năm liền và đã được chọn đi học lớp đối tượng đảng. “Mình đang phấn đấu để được kết nạp vào Đảng. Đó là mục tiêu và cũng là vinh dự của bản thân”, Sinh chia sẻ.
Sản xuất gạch không nung ở cơ sở của anh Vi Văn Sinh.
Đoàn viên tiêu biểu thứ 2 đó là Vi Văn Hiền – người “nổi tiếng” với mô hình trang trại. Sinh năm 1983, sau khi tốt nghiệp ngành Chăn nuôi thú y của Trường CĐ KTKT Nghệ An, Hiền trở về làm cán bộ 30a ở xã Châu Kim để đưa kiến thức của mình vào giúp đỡ bà con dân bản phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Không chỉ dừng lại ở đó, cách đây gần 4 năm, anh lên núi khai hoang lập trang trại theo mô hình VACR mở ra hướng sản xuất nông nghiệp hàng hóa cho địa phương. “Lúc đó, rừng núi còn hoang vu, rậm rịt vô cùng. Mình là một trong 3 người đầu tiên vào lập trang trại ở khu vực này”, Hiền nhớ lại. Nhưng, đại ngàn hoang vu vẫn có thể chinh phục bằng ý chí, tinh thần và sức trẻ, cái khó nhất lúc khởi nghiệp đó chính là vốn. Anh phải chọn hướng phát triển trang trại theo hướng lấy ngắn nuôi dài.
Ở độ tuổi 30, Vi Văn Hiền đã có thu nhập đáng mơ ước với nhiều người, xấp xỉ 50 triệu đồng/năm. Một ngày với Hiền bắt đầu từ rất sớm với bộn bề công việc ở trang trại phải hoàn thành trước khi lao vào công việc chuyên môn của một cán bộ 30a ở xã. Giờ đây, trên đỉnh Thăm Quáng đã có thêm nhiều hộ khác lên lập trang trại theo mô hình VACR. Hiền được những người láng giềng cùng chung chí hướng khai sơn lập nghiệp tín nhiệm cậy nhờ kinh nghiệm chăn nuôi, học hỏi kiến thức phòng, chữa bệnh. Trải qua bao khó nhọc, giờ đây kinh tế ổn định, Hiền càng thêm phấn khởi vì sau khi được chi đoàn xã giới thiệu học đối tượng đảng.
Nam, Sinh, Hiền là 3 trong số rất nhiều mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi của huyện Quế Phong, xứng đáng là thanh niên trong đội dự bị tin cậy của đảng, thanh niên, năng động đi đầu trong xoá đói, giảm nghèo, làm giàu chính đáng. Huyện đoàn Quế Phong, hiện có 127 mô hình thanh niên tham gia phát triển kinh tế cho thu nhập khá, đặc biệt có 45 mô hình cho thu nhập 30 triệu đồng/năm trở lên đang tạo sức lan toả trong giới trẻ, tạo động lực, góp phần xoá đói giảm nghèo trên địa bàn. Năm 2012, trên cơ sở đó, các cơ sở đoàn đã giới thiệu 150 đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét, kết nạp, trong đó đã có 112 đồng chí đã được kết nạp vào Đảng và thực hiện chỉ tiêu năm 2013 tuổi trẻ Quế Phong phấn đấu giới thiệu 160 đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét, kết nạp.
Chị Sầm Thị Thanh – Bí thư Huyện đoàn cho biết: “Qua tất cả các hoạt động do các cấp bộ đoàn phát động đã xuất hiện nhiều đoàn viên tiêu biểu, xuất sắc, trên mọi lĩnh vực, đặc biệt trong công tác xoá đói, giảm nghèo, làm giàu chính đáng. Đây là những nhân tố tích cực để các tổ chức đoàn tạo nguồn giới thiệu kết nạp vào Đảng, từ đó góp phần thực hiện tốt Đề án phát triển thanh niên trước yêu cầu, nhiệm vụ mới”.
Thành Duy