‘Những đứa trẻ trong sương’ chạm đến trái tim người xem

Nguyệt Anh 18/04/2023 13:42

(Baonghean.vn) - Tối 15/4, tại Rạp Lotte Cinema Vinh, tác phẩm điện ảnh “Những đứa trẻ trong sương”(Children of the mist) của nữ đạo diễn 9x Hà Lệ Diễm đã thu hút hàng trăm người xem.

Đây là bộ phim thành công vang dội khi nằm Top 15 phim tài liệu Xuất sắc nhất tại giải Oscar 2023, thắng lớn tại hơn 100 Liên hoan phim Quốc tế với 34 giải thưởng và đề cử danh giá trên toàn thế giới. Không dễ để phim có mặt ở Vinh, những khán giả được xem phim tự thấy mình may mắn.

Một bộ phim trong trẻo, chân thực

Ghi lại hành trình trưởng thành của một bé gái người Mông ở huyện miền núi Lào Cai là Di trong 3 năm, từ lúc còn là cô bé 12 tuổi bướng bỉnh, bốc đồng đến thiếu nữ 15 tuổi, nhận thức được số phận của mình, phim gây ấn tượng với khán giả khi kể theo góc nhìn trực diện, khách quan.

Rất đông khán giả đến rạp xem phim "Những đứa trẻ trong sương". Ảnh: Nguyệt Anh

Không khó xem, khô khan như hình dung của nhiều người về dòng phim tài liệu, “Những đứa trẻ trong sương” dễ dàng tạo sự đồng cảm, cuốn hút cho người xem. Hai suất chiếu tại Lotte Vinh kín hết chỗ. Khán giả xem tập trung và say sưa trong 90 phút công chiếu. Lo lắng, hồi hộp đến thắt tim, nhưng cũng nhiều lúc bật cười sảng khoái với những câu nói hồn nhiên của lũ trẻ và người lớn ở đó. Phim có nhiều trường đoạn gay cấn về tục bắt vợ chân thực đến gây ám ảnh. Từ đó, cuộc sống những đứa trẻ vùng cao, đặc biệt là giọt nước mắt, những nụ cười của các nhân vật khiến khán giả lặng người xúc động.

Poster Phim Những đứa trẻ trong sương. Ảnh: Nguyệt Anh

Giảng viên Hồ Vân Anh cho biết, cô và các đồng nghiệp tại khoa Văn học - Đại học Vinh rất đỗi vui mừng khi biết tin bộ phim được chiếu tại Vinh. “Khi các phương tiện thông tin nói đến bộ phim này, những người làm nghề giảng dạy, nghiên cứu văn chương như chúng tôi dĩ nhiên rất quan tâm, háo hức. Thật may là bằng một nỗ lực rất lớn của nhiều người, bộ phim được công chiếu và nhiều giáo viên, sinh viên trong khoa đã cố gắng kiếm cho mình một suất xem”. Cô Vân Anh là người đăng ký 15 ghế cuối cùng trong tổng số 265 suất xem tối 15/4. “Thật không uổng công chờ đợi và kỳ vọng, bộ phim thật tuyệt vời, gây một nỗi xúc động mạnh đối với chúng tôi. Ra khỏi rạp, cô, trò bàn luận rất say sưa. Mỗi người một góc nhìn, một quan điểm. Riêng tôi, phim không hướng tới sự kiện, cũng không phải một kiểu tuyên truyền chống hủ tục cứng nhắc. Mà bằng việc cố gắng miêu tả chân thực nhất có thể, bộ phim cho thấy, hoá ra trong sự giao thoa giữa truyền thống và hiện đại, không phải bao giờ cũng có những đường ranh giới rạch ròi của đúng sai, tốt xấu. Suốt nhiều giờ sau khi ra khỏi rạp, trong đầu tôi vẫn ngập tràn hình ảnh sương trên núi và không thôi nghĩ về những thân phận người Mông nơi ấy”.

Một cảnh trong phim "Những đứa trẻ trong sương". Ảnh: tư liệu

Cô Lê Thanh Quý, giáo viên dạy trẻ tự lập sớm của một ngôi trường Montessori, cũng ngập tràn cảm xúc khi bộ phim kết thúc. “Phim cho tôi thấm thía nhiều hơn tuổi thơ của mỗi đứa trẻ chỉ có một lần trong đời và trôi qua rất nhanh. Nỗi buồn, sự cô đơn của một đứa trẻ khi trưởng thành phải đối diện với những rắc rối của thế giới người lớn, khiến tôi thấy thương vô cùng. Điều đó một lần nữa nhắc nhở tôi về nhiệm vụ của một giáo viên là hãy lưu giữ lại, nâng niu những khoảnh khắc đẹp nhất của mỗi đứa trẻ”.

Một bộ phim được làm từ một đạo diễn còn rất trẻ về tuổi đời, tuổi nghề, nên không bất ngờ khi có rất nhiều khán giả là học sinh, sinh viên đến xem phim. Em Nguyễn Phan Anh Thư (10C7, trường PTTH Chuyên Phan Bội Châu) đi cùng mẹ đến rạp. Thư nói rằng em tìm thấy mình trong cuộc sống của Di có lẽ bởi em và Di cùng trang lứa. “Hình ảnh những bạn học sinh dân tộc thiểu số dùng điện thoại thông minh nhắn tin nhoay nhoáy, biết “thả thính” rồi làm điệu bằng cách tô son, chuốt mascara, hay “cờ rớt” (phải lòng) một ai đó… cũng không khác mấy so với học sinh chúng em ở đây. Nhưng em thực sự “sốc” về diễn biến trong phim, khi chuyến về chơi nhà bạn trai của Di kéo theo nhiều rắc rối cho bạn ấy. Hình ảnh Di giãy dụa, khóc và tìm cách thoát khỏi tay Vàng và người nhà cậu ấy, khiến tim em như bị bóp nghẹt lại. Ám ảnh nhất với em là các bé gái bị “kéo đi” khi mới 15 tuổi như mẹ và chị gái Di, mẹ Vàng và cuộc đời từ đó sang trang mới, sinh con và làm lụng vất vả... Cuối cùng Di đã đưa ra quyết định quan trọng của cuộc đời là từ chối kết hôn để đi học tiếp. Ở đâu, miền núi hay miền xuôi thì giáo dục là con đường sáng cho cuộc đời của bất cứ ai”.

Trong những người xếp hàng chờ qua cửa soát vé có không ít nhà báo, phóng viên “có nghề”. Là đạo diễn của nhiều bộ phim tài liệu về đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số ở Nghệ An, anh Nguyễn Ngọc Dũng cho biết, bộ phim gây nhiều ấn tượng mạnh đối với anh và các đồng nghiệp. “Sau khi xem bộ phim về, dù đã rất khuya, trên nhóm Zalo nghiệp vụ của Đài, chúng tôi vẫn còn bàn luận với nhau mãi, phân tích vì sao bộ phim tài liệu này xứng đáng để người xem bỏ tiền đến rạp và vì sao nó thắng lớn ở các liên hoan phim Quốc tế như vậy. Với tôi, phim quay rất đẹp. Được biết, “Những đứa trẻ trong sương” quay hết hơn 180 giờ băng, dựng ra được 90 phút ấy thì ê-kíp làm phim phải thuộc dạng “cao thủ”. Cái vừa hay, vừa may của đạo diễn là bám theo cuộc đời một nhân vật nhưng không hề biết trước được điều gì. Chắc chắn Hà Lệ Diễm, vừa là đạo diễn, vừa là quay phim, đã phải quay hết và quay rất nhiều, cho đến khi xuất hiện câu chuyện kịch tính, thì cô ấy mới tính toán được sẽ triển khai mạch phim như thế nào. Cảm giác xem phim rất rung động…”. Chị Anh Dũng cũng cho rằng, dưới góc độ chuyên môn, các phóng viên, quay phim, BTV học ở phim của Hà Lệ Diễm được rất nhiều điều về nghiệp vụ.

Nỗ lực đưa phim về xứ Nghệ

Nhân vật chính trong phim. Ảnh tư liệu

Thành công và được đón nhận ở nước ngoài, nhưng trở về Việt Nam, cũng như số phận của nhiều phim tài liệu khác, "Những đứa trẻ trong sương" không dễ dàng nhận được những cái gật đầu từ các nhà phát hành, bởi đơn giản, đây là dòng phim điện ảnh rất “kén” người xem.

Ông Dương Anh Tuân, Quản lý Rạp Lotte Cinema Vinh, cho biết “Những đứa trẻ trong sương” không được bán vé rộng rãi mà chỉ là buổi trải nghiệm ngoại khóa của một trung tâm nghệ thuật trên địa bàn thành phố. Chính sự tâm huyết của những người làm giáo dục muốn tạo cho học sinh, phụ huynh mình cơ hội được thưởng thức một tác phẩm điện ảnh xuất sắc, nên bộ phim mới có cơ duyên để đến với khán giả Vinh. Ông Tuân không ngạc nhiên khi phim “Những đứa trẻ trong phim” được khán giả chào đón nồng nhiệt như vậy trong 2 suất chiếu, bởi theo ông, đó là “tệp khách hàng” đã được chọn lọc. Họ chủ động tìm đến với bộ phim với nhu cầu được thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật xuất sắc đã được thế giới ghi nhận.

Rất đông khán giả là bố mẹ của các bé cũng háo hức với bộ phim này. Ảnh: Nguyệt Anh

Sau 2 suất chiếu ngày 15/4, rất nhiều khán giả chưa có điều kiện xem phim tỏ ra nuối tiếc. Đại diện nhà sản xuất phim và ban tổ chức đã quyết định tổ chức thêm một buổi công chiếu nữa. Đây thực sự là tin vui với những người yêu bộ môn Nghệ thuật thứ bảy. Hiện đã có hơn 200 người đăng ký với BTC để sở hữu cho mình một tấm vé vào cửa ngày 22/4 này.

Việc một bộ phim kén khán giả, chỉ được công chiếu rất “rón rén” ở một vài nơi trên cả nước, lại có mặt tại Vinh thực sự là điểm nhấn về văn hóa của thành phố. Sự đón nhận nồng nghiệt của khán giả Vinh, khiến chúng ta nghĩ nhiều hơn đến những bộ phim tài liệu đã từng rạng danh ở các liên hoan phim quốc tế, nhưng vẫn là “bí ẩn” với khán giả sân nhà. Nó cũng khiến chúng ta phải đặt câu hỏi, đến bao giờ những bộ phim tài liệu xuất sắc được hỗ trợ, quan tâm hơn về mặt phát hành, để tất cả công chúng đều được hưởng lợi và các khán giả ở Vinh không phải vất vả tìm kiếm như hiện nay.

Mới nhất

x
‘Những đứa trẻ trong sương’ chạm đến trái tim người xem
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO