Những góc nhỏ quen thân

Những góc phố, những góc quán, góc bàn…, đó là nơi hội tụ, giao thoa, là nơi hội duyên. Như thể trong vô vàn đường thẳng tưởng như song song của những cuộc đời, chúng tôi đã gặp nhau tại nơi ấy và tạo thành những góc giao điểm…

Đó là một căn phòng nhỏ với nhiều ô cửa kính nhìn ra phía đường Lục Niên. Con đường mà chỉ giống như một con ngõ nhỏ. Chúng tôi thường rủ nhau mỗi khi vui buồn: “Này, đến “hang ổ” của Lưu đi”. Ở nơi đó, có một chàng trai 27 tuổi, yêu một vài mối tình để bây giờ vẫn độc thân, mở một hiệu dạy đàn và bán đàn ghi ta nho nhỏ, sẵn sàng mở cửa tiếp chúng tôi cả những giờ khuya khoắt. Và dưới ánh sáng của ngọn đèn vàng ấm, trong ngổn ngang những cây đàn đang im lìm cất giấu những thanh âm, chúng tôi ngồi bệt dưới tấm thảm trải nhà, cùng nhau uống một ly vang và gỡ xuống bất cứ cây đàn nào, cất lên tiếng hát. Lưu, sẽ kiên nhẫn ngồi đệm đàn với một vẻ trầm tĩnh, nhìn chẳng hề giống một 9X thường thấy.

“Hang ổ của Lưu” rồi dần trở thành nơi quần tụ của những kẻ “lạc loài, đi rong”, những kẻ lang thang, cô độc, hay những kẻ vốn quá nhiều phấn khích. Là một nhà báo của tờ báo lớn tại Hà Nội (mà anh làm trưởng đại diện tại Vinh), một cán bộ ngân hàng, một kiến trúc sư, một nhiếp ảnh gia, một giảng viên chính trị, một cô gái bán sách… Tất cả đã tạo nên một “quần thể ấm áp và tự do”. Và ai cũng có thể tìm thấy ở đây một “chỗ dựa”. Cái quán nhỏ, góc phòng nhỏ nhiều ô kính nhìn ra đường trở thành một chốn quen thân đến nỗi không đến, không gặp là nhớ. Nhiều người trong nhóm mỗi khi có công việc về đêm trên phố, lúc nào cũng mang ý muốn “ghé Lưu”, mà đôi khi đến chỉ để ngắm nhìn những cây đàn, đến để thấy cậu chủ với mái tóc xoăn đang nghiêng nghiêng cúi xuống bên những dây đồng và dưới đôi bàn tay nhỏ nhắn kia, những thanh âm êm đềm hay dữ dội sẽ cuốn chính mình đi…

“Con hẻm buồn như một tiếng thở dài”- Không hiểu Lưu lấy ở đâu đó cái ý ví von so sánh ấy, lúc chỉ cho tôi đường Lục Niên về khuya. “Chị nhìn xem, cả một con đường dài mà dường như chỉ có một cột đèn sáng về đêm”. “Thế mà em vẫn chọn nó để thuê nhà ở đó thôi”- tôi nói và Lưu cười: “Buồn- vui thì cũng là chốn quen thân chị ạ! Mà có thể em yêu nỗi buồn, yêu cái góc nhỏ nằm bên hẻm của em. Đó đã từng là giấc mơ của mình. Một giấc mơ đơn giản mà cũng từng vời xa…”

Lưu là cậu trai quê Yên Thành, học xong Đại học Kinh tế ở Huế, rồi vào T.P Hồ Chí Minh lập nghiệp. Từ ngày sinh viên, Lưu đã kết nối và cùng tạo nên phong trào Du ca tại cố đô Huế. “Du ca” theo Lưu vào TP Hồ Chí Minh và về Vinh, chỉ bởi khao khát mãnh liệt của Lưu là đến với, sống cùng và mang theo âm nhạc. Từ bỏ công việc ngân hàng mà gia đình định sẵn, Lưu bắt đầu với đam mê từ thơ trẻ của mình. Cuối cùng, Lưu chọn Vinh, bởi Vinh như một chốn thân quen quá đỗi của mình dù đấy không là nơi cậu sinh ra, lớn lên. “Có thể bởi Vinh thật bé nhỏ, là thành phố quê hương. Cũng có thể bởi Vinh luôn mang cái vẻ quen thân ấm áp, dễ chịu, vừa vặn ấy chăng?”- Lưu nói thế. Để rồi, cái góc nhỏ của Lưu đã trở thành điểm hẹn, thành nơi gặp gỡ, thành chốn mà mọi buồn vui, chúng tôi có thể đến và bày tỏ, thành nơi nhớ về khi đi xa…

Thế đấy, phố của tôi, có những cái góc, mà nếu không bắt đầu từ nó, ta sẽ loay hoay không biết sẽ yêu cả thành phố này như thế nào. Trong một cuộc phỏng vấn với Thảo Vân – em gái Hiệp sỹ công nghệ thông tin Nguyễn Công Hùng, tôi đã vô cùng thú vị với suy nghĩ của cô ấy về một góc nhỏ quen thuộc mà cô ấy vẫn đến ngồi hàng ngày, gặp gỡ mọi người và làm việc: “Nhiều người bảo sao em có thể ngồi hàng giờ ở đúng góc này, bàn này. Đơn giản vì em ngồi ở đây em thấy dễ chịu, thấy mình an toàn nhất, vui vẻ nhất. Em từ bỏ tiệc 5 sao,  ngày nghỉ ở khách sạn 5 sao đắt tiền và không mất tiền chỉ cần ngồi ở đây, uống ly cà phê này, bởi ở đây là nơi mình cảm thấy vui nhất, ở bên người vui nhất.”

Hơn ai hết, tôi hiểu điều ấy. Và tôi nghĩ, điều ấy thật quan trọng trong cuộc sống của mình!

Tôi đã quen với Vinh bắt đầu bằng một góc chân cầu thang của nhà C1 (chung cư Quang Trung xưa), nơi tôi vẫn thường đứng đó đợi cô bạn thân duy nhất ở thành phố này. Chân cầu thang với những vết loang của nước đọng, với màu xỉn của gạch, vữa, với những nham nhở tróc lở thời gian. Nơi ấy, có một cây bàng xanh cao, thân vỏ xù xì. Cứ ngỡ nó khô gầy, chết lặng giữa mùa giá rét, thế mà một sáng kia nó lại bật lên màu lộc nõn biêng biếc, dâng tặng cho tôi niềm thích thú, ngỡ ngàng. Tôi cũng quen với góc bàn nhỏ bên ô cửa. Nơi ấy, khi mở ra, tôi có thể nhìn thấy phố ầm ào dưới kia, thấy sương, thấy nắng, thấy cả cây vông xanh cọ bóng vào tường vôi cũ. Tôi cũng quen với những ngã tư buồn vui, quen với những buổi sáng cà phê trên phố Đinh Bạt Tụy, phố Trần Quang Diệu để ngắm nắng lên trên những mái nhà phong rêu, trên những tán bồ kết tây hay lấp lóa nơi những ô kính cao ốc.

Cô bạn mê sách của tôi thì luôn chọn một góc ngồi yên tĩnh nơi công viên Nguyễn Tất Thành để ngồi đọc khi muốn tận hưởng khí trời như cách cô vẫn nói. Đó là một cái ghế đá cũ, dưới bóng si với những mành rễ buông rủ lòa xòa trong gió. Cô nói, cô thích cái cảm giác, sau khi gấp sách lại, như thấy gió đang dịu dàng thổi lên từ lòng hồ Goong, như thấy cả bầu trời xanh đu đưa trên đầu, như thấy những bông hoa giấy, râm bụt tây vì mình mà bừng nở.

2 người bạn khác của tôi, đã quen nhau nơi góc quán cà phê mà mỗi sáng họ thường đến đó trước giờ tới cơ quan làm việc. Cả 2 người đều đã đi qua một cuộc hôn nhân không suôn sẻ. Họ đã tưởng rằng lòng mình đã cạn tin yêu. Nhưng rồi, góc bàn trong cùng, nơi ô cửa vẫn thường đóng kín vào mùa đông, một ngày kia đã được mở ra với một nụ cười rạng rỡ của người đàn bà đa cảm và kiêu hãnh. Phút giây ấy, người đàn ông nhiều khổ đau kia chợt nhận ra, mình vẫn có thể nắm giữ được những điều kỳ diệu tốt đẹp, không thì chí ít những điều như vậy nó vẫn hiện hữu giữa cuộc đời. Họ không nói gì với nhau, cho đến ngày họ thấy nhớ những góc trống ở bàn bên cạnh mỗi sáng. Những góc ngồi mà vắng một người, cả thành phố bỗng trở nên hoang phế. Họ lại bắt đầu nhen lại những tin yêu…

Tôi vẫn thường chọn cho mình những giờ ngắm phố, nhìn thật sâu vào mỗi góc nhỏ. Có thể, bạn đi qua đó thật hờ hững, nhưng nó đã từng là kỷ niệm, là những vô chừng nhớ thương của một ai đó sống trong phố này.

Thật kỳ lạ cái cảm giác được trôi trên phố, giữa dòng người xa lạ mà thân quen. Những gương mặt không kịp nhìn nhau, nhưng tôi cảm giác như ngày nào cũng đi ngang qua họ. Chúng tôi trở nên thân thuộc trong sự xa lạ, gắn bó trong mối quan hệ lỏng lẻo, nhạt nhòa. Và thật ấm áp khi bất chợt ta dừng lại một ngã tư quen, hát lại câu hát mỗi lần qua đó đều bất chợt nghêu ngao như thể nó của riêng ta vậy.

Ngã tư này, gần như ngày nào khi tôi phóng xe đến cũng gặp phải đèn đỏ. Lâu dần thành quen, có khi đèn xanh mà tôi theo thói quen cứ dừng xe lại, khiến cho anh chàng thiếu kiên nhẫn nào đấy phía sau phải bấm vài hồi còi, lúc ấy tôi như chợt tỉnh, ngơ ngác nhìn những giây đèn xanh cuối cùng, mỉm cười rồi nhấn ga. Có những lần lơ đễnh đuổi theo một điệu hát cũ, quên phải rẽ hướng nào, để rồi cuối cùng lại vòng về con phố vừa đi qua, ngẩn ngơ hít ngửi mùi hoa sữa nồng lên trong tiết trời se lạnh. Cũng có khi, nhớ về một mùa đông xưa cũ, thèm ánh đèn thắp lên trong buổi hoàng hôn muộn màng năm nào bên góc quán cà phê xưa, lòng vòng xe quay trở lại nơi đó, dù biết rằng quán đã dỡ từ lâu, người chủ quán ngoài Bắc vào làm ăn giờ đã chu du lên miền Tây xứ Nghệ. Tôi đã từng nhiều lần ngồi quán đó hàng vài giờ đồng hồ, khi thành phố lên đèn. Cái bàn gỗ cũ kĩ nếu giờ này còn đâu đó thì chắc hẳn vẫn còn chữ ký của tôi trên đó, tôi đã vạch bút kí lên trong một buổi chiều buồn.

Cuộc sống không ngừng là những mối quan hệ đan quyện, ở đó giữa sự xa lạ và thân quen, giữa cô đơn và hòa nhập, giữa hạnh phúc và buồn bã, lý trí và tình cảm, đôi khi có sự hoán đổi bất ngờ. Nhưng tôi luôn tin rằng mọi thứ xảy ra trong cuộc đời mình nằm trọn trong một chữ “duyên”. Bởi tôi và những con phố ban đầu vốn xa lạ này, tôi và những người bạn ban đầu vốn không quen biết này, tôi và âm nhạc nữa, với những giai điệu ngày càng trở nên khăng khít trong tâm hồn, sẽ có thể tuột khỏi nhau nếu chẳng có những góc quen. Những góc phố, những góc quán, góc bàn…, đó là nơi hội tụ, giao thoa, là nơi hội duyên. Như thể trong vô vàn đường thẳng tưởng như song song của những cuộc đời, chúng tôi đã gặp nhau tại nơi ấy và tạo thành những góc giao điểm.