Những 'hạt nhân' đoàn kết bản làng
(Baonghean) - Trên đồi núi, triền dốc đầy nắng gió, có những người con của bản làng ngày đêm cần mẫn, chăm chỉ lao động sản xuất, sáng tạo tìm ra những hướng đi mới. Những tấm gương tiêu biểu đó không chỉ là những viên gạch hồng, góp sức làm khởi sắc diện mạo quê hương, mà còn trở thành những hạt nhân quy tụ đoàn kết bản làng.
XỒNG BÁ DÊNH:
“Hạt giống đỏ” miền rẻo cao
“Xồng Bá Dênh là niềm tự hào của người dân xã ta đấy”, đó là tình cảm của người dân xã biên giới Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn khi có ai đó hỏi đến chàng trai trẻ Xồng Bá Dênh - Bí thư Chi đoàn xã, như một tấm gương tích cực trong lao động sản xuất và tham gia công tác xã hội.
Là con em đồng bào dân tộc Mông, Xồng Bá Dênh sinh ra và lớn lên ở bản Buộc Mú 1, cách trung tâm huyện hơn 75 km, đường đồi núi đi lại hiểm trở, khó khăn. Hơn ai hết, Bá Dênh hiểu thấu những vất vả thiếu thốn mà gia đình và người dân nơi đây phải trải qua, nay rau rừng, mai cá suối, cuộc sống phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên. Thanh niên vì cái đói cái nghèo nên cũng “ly bản” đi làm ăn xa. Thế nên, chàng trai sinh năm 1985 này luôn đau đáu nỗi niềm phải làm việc gì đó có ích để vừa giữ chân thanh niên, vừa giúp đỡ bản nghèo.
Năm 2012, nhận thấy gừng là loại cây có giá thị trường thu mua cao, lại dễ trồng, với sự nhạy bén, Bá Dênh đã phát động triển khai thí điểm phong trào mô hình trồng gừng tập thể trong chi đoàn các thôn bản. Tiền thu hoạch từ gừng sẽ dùng để gây quỹ hoạt động đoàn ngay tại cơ sở. Để minh chứng cho hướng đi của mình là đúng, Bá Dênh đã làm gương trồng hơn 1,6 ha gừng.
Anh tâm sự: “Mình là thủ lĩnh đoàn, lại là đảng viên, muốn vận động thanh niên trong bản, trong xã xóa đói giảm nghèo thì bản thân phải làm kinh tế cho giỏi đã. Mình làm giỏi thì người ta ưng con mắt, từ đó mới ưng cái bụng, mới tin, nghe và làm theo”.
Những ngày đầu chỉ có 3 chi đoàn hưởng ứng, đến nay trong xã đã có 13/19 chi đoàn thôn bản có mô hình kinh tế tập thể. Đặc biệt, từ chỗ trồng gừng kết nối thanh niên, xóm làng, nay đã có 121 gia đình thanh niên xây dựng mô hình kinh tế tư nhân như trồng doong, riềng, chăn nuôi trâu, bò, lợn đen..., mang lại thu nhập ổn định.
Sinh ra trong một gia đình người Mông một lòng theo Đảng, nên đối với Xồng Bá Dênh, làm tốt công việc mỗi ngày, sống có trách nhiệm với xã hội, đó là cách thiết thực để báo đáp công ơn của Đảng, Nhà nước, góp một phần công sức dựng xây bản làng, quê hương thanh bình, giàu đẹp.
VI VĂN HẢI:
Khi "con cá không còn mắc cạn"
Là người dân tộc Thái, sinh ra ở bản Kẻ Bọn, xã Châu Hạnh (Quỳ Châu), anh Vi Văn Hải tốt nghiệp trung cấp chuyên ngành quản lý đất đai, có thời gian gần 10 năm làm việc tại các doanh nghiệp tại huyện Quỳ Hợp. Những tưởng công việc “bàn giấy” sẽ mang lại sự ổn định, nhưng chàng thanh niên Vi Văn Hải dường như vẫn chưa tìm được nguồn cảm hứng, đam mê đích thực.
“Lúc nào trong người mình cũng cảm thấy như con cá mắc cạn!” - anh Hải bộc bạch.
Đứng trước nhiều sự lựa chọn, anh Hải trở về quê hương khởi nghiệp như để tìm lại chính mình.
“Lúc đầu lên kế hoạch làm trang trại, ai cũng lo ngại rủi ro vì chưa có kinh nghiệm. Nhưng tôi nghĩ mình có ý chí, quyết tâm thì không có gì phải sợ. Tôi tin mình sẽ làm được!” - anh Hải bày tỏ.
Những ngày đầu, nhìn diện tích đất ngổn ngang cỏ dại, đất đá, không biết phải bắt tay thực hiện từ đâu. Cả nhà phải hợp lực, vừa thuê máy xúc, vừa tận dụng sức lao động của các thành viên trong gia đình để cải tạo đất. Sau 3 tháng làm quần quật ngày đêm, hơn 1ha đất đồi đã được cải tạo, anh mạnh dạn nuôi lứa gà đầu tiên với 1.000 con giống gà ri thả đồi, đào thêm 1.000m2 ao thả cá.
Hành trình nào cũng phải trải qua những đoạn đường đầy gian nan, thử thách. Ban đầu khi mới đầu tư mô hình chăn nuôi tổng hợp, anh Hải gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là về kỹ thuật chăn nuôi, phương pháp phòng chống các loại dịch bệnh cho vật nuôi, cũng như tìm nguồn ra cho sản phẩm. Thua lỗ là điều không tránh khỏi, ấy nhưng qua mỗi lần thất bại, anh Hải lại càng rắn rỏi, quyết tâm hơn.
Bằng bàn tay lao động không ngừng nghỉ, những vùng đất hoang hóa, khô cằn giờ đây đã trở nên xanh tươi, trù phú. Dẫu chặng đường phía trước vẫn còn nhiều thử thách, nhưng như “con cá” được trở về với dòng sông mênh mông, anh Hải vẫn kiên định với sự lựa chọn của mình, tiếp tục thỏa sức vẫy vùng với niềm đam mê làm giàu trên mảnh đất quê hương.
HOÀNG CÔNG LÀNH:
12 năm "vác tù và"
Từng là một người lính, ở độ tuổi lục tuần, người đàn ông dân tộc Thổ Hoàng Công Lành (làng Dừa, xã Nghĩa Yên, huyện Nghĩa Đàn) vẫn rất nhanh nhẹn, hoạt bát. Giọng trầm ấm, người xóm trưởng của làng Dừa kể cho chúng tôi nghe câu chuyện vận động bản làng chung sức xây dựng công trình nông thôn mới. Những ngày đầu, ông Lành cùng cán bộ thôn đi vận động, có người đồng tình, nhưng cũng không ít người chưa thông. Kiên trì, nhẫn nại, ông đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà để tuyên truyền. Mưa dầm thấm lâu, chủ trương đúng, bà con cũng thuận lòng nghe theo, tự nguyện hiến tường rào, cây rừng làm hơn 1,4km đường bê tông liên xóm. Diện mạo làng Dừa từ đấy được khoác lên mình chiếc áo mới khang trang, sạch đẹp.
12 năm “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”, biết bao kỷ niệm buồn, vui, mà những vui, buồn ấy đều gắn liền với người dân. Từ việc cùng người dân thay đổi phương thức canh tác, phát triển kinh tế, nhất là kinh tế rừng, trồng cây có múi, cây ngắn ngày; đến việc cả làng Dừa cùng nhau đi tìm kiếm các chiến sỹ trên chiếc máy bay quân sự Su-22U đã bị rơi trong lúc bay huấn luyện.
“Đấy là kỷ niệm đáng nhớ nhất, buồn nhất của làng Dừa. Trưa hôm đấy, sau tiếng nổ lớn, những vệt khói đen vụt bốc lên. Biết là có vụ tai nạn máy bay, tôi vừa chạy lên đồi, vừa gọi điện cho chính quyền báo cáo tình hình, huy động bà con tìm kiếm máy bay và các chiến sĩ. Trời mưa tầm tã, nhưng quân dân, ai ai cũng một lòng đoàn kết, nhanh chóng tiếp cận hiện trường, khẩn trương tìm kiếm.” – ông nhớ lại.
Gánh vác việc “hàng tổng” cùng tấm lòng vô tư trong sáng, với ông Lành, bí quyết làm tốt công việc của mình đơn giản chỉ là “cứ gương mẫu đi đầu rồi người dân sẽ đi theo. Mình thành công, cuộc sống của gia đình mình thay đổi thì người dân mới tin tưởng” - xóm trưởng Hoàng Công Lành chia sẻ.