Vừa khai mạc thượng đỉnh, G7 công bố lệnh cấm nhập khẩu vàng từ Nga

Hoàng Bách 26/06/2022 17:31

(Baonghean.vn) -  Ngày 26/6, theo hãng tin Reuters, các thành viên nhóm 7 quốc gia có nền kinh tế phát triển (G7) đã công bố lệnh cấm nhập khẩu vàng của Nga. Đồng thời, hội nghị thượng đỉnh G7 cũng chính thức khai mạc trong bối cảnh bị phủ bóng bởi chiến sự tại Ukraine, tình trạng thiếu năng lượng và khủng hoảng lương thực.

Tổng thống Mỹ tới Đức dự thượng đỉnh G7 khai mạc ngày 25/6. Ảnh: Reuters

Động thái trên do Anh, Mỹ, Nhật Bản và Canada tiến hành, là một phần trong nỗ lực thắt chặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Moskva và cắt các nguồn lực tài trợ cho chiến dịch quân sự đặc biệt mà Tổng thống Nga Vladimir Putin triển khai tại Ukraine hơn 4 tháng qua.

Thủ tướng Anh Boris Johnson trong một tuyên bố cho biết: "Các biện pháp mà chúng tôi công bố hôm nay sẽ đánh thẳng vào giới tài phiệt Nga... Chúng tôi cần cắt nguồn tài chính của chính quyền Putin. Anh và các đồng minh đang làm việc đó".

Một đại diện cấp cao của chính quyền Mỹ cho biết, G7 sẽ đưa ra thông báo chính thức về lệnh cấm nhập khẩu vàng vào thứ Ba tới.

Quan chức này phát biểu: “Đây là mặt hàng xuất khẩu chủ lực, là nguồn thu chính của Nga về khả năng giao dịch với hệ thống tài chính toàn cầu”.

Năm ngoái, xuất khẩu vàng của Nga trị giá 12,6 tỷ bảng Anh (15,45 tỷ USD) và theo chính phủ Anh, những người Nga giàu có đã mua vàng miếng để giảm tác động tài chính từ các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Cùng với lệnh cấm nhập khẩu vàng, một nguồn tin từ chính phủ Đức cho biết, các lãnh đạo G7 cũng đã có các cuộc đàm phán "thực sự mang tính xây dựng" về khả năng đặt giá trần với dầu nhập khẩu từ Nga.

Thông điệp đoàn kết

Cũng theo Reuters, hội nghị thượng đỉnh kéo dài ba ngày hiện diễn ra trong bối cảnh thậm chí còn u ám hơn năm ngoái, thời điểm các nhà lãnh đạo Anh, Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản và Mỹ lần đầu tái ngộ kể từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện.

Giá năng lượng và lương thực toàn cầu tăng vọt đang tác động đến tăng trưởng kinh tế sau cuộc xung đột ở Ukraine, và Liên hợp quốc đã cảnh báo về một "cuộc khủng hoảng đói toàn cầu chưa từng có".

Các nội dung khác như biến đổi khí hậu, Trung Quốc ngày càng quả quyết và sự trỗi dậy của chủ nghĩa độc tài dự kiến cũng sẽ nằm trong chương trình nghị sự của thượng đỉnh G7.

Các lãnh đạo G7 có thể ​​sẽ thể hiện đoàn kết trên mặt trận ủng hộ Ukraine và gây áp lực đối với Điện Kremlin, tuy vậy họ sẽ muốn tránh các lệnh trừng phạt có thể gây ra lạm phát và làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng về mức sống, vốn đang ảnh hưởng đến người dân của mình.

Một quan chức EU cho biết: "Thông điệp chính từ G7 sẽ là sự đoàn kết và phối hợp hành động".

Các lãnh đạo G7 dự kiến ​​cũng sẽ thảo luận về các phương án ứng phó với giá năng lượng gia tăng và thay thế các mặt hàng dầu và khí đốt nhập khẩu từ Nga.

Hội nghị thượng đỉnh còn là cơ hội cho Thủ tướng Đức Olaf Scholz thể hiện vai trò lãnh đạo quyết đoán hơn đối với cuộc khủng hoảng Ukraine.

Ông Scholz đã cam kết sẽ tiến hành một cuộc cách mạng về chính sách đối ngoại và quốc phòng của Đức sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt hồi tháng 2, hứa sẽ tăng cường quân và gửi vũ khí tới Ukraine. Tuy nhiên, những tiếng nói chỉ trích đã cáo buộc ông trì trệ và phát đi những thông điệp lộn xộn.

Các đối tác toàn cầu

Năm nay, ông Scholz đã mời Senegal, Argentina, Indonesia, Ấn Độ và Nam Phi là các quốc gia đối tác tham dự hội nghị thượng đỉnh.

Nhiều quốc gia ở Nam bán cầu đang lo ngại các lệnh trừng phạt của phương Tây sẽ gây ra thêm những thiệt hại gián tiếp.

Một quan chức EU cho biết các nước G7 sẽ nhấn mạnh với các nước đối tác rằng, giá lương thực tăng đột biến là hệ quả từ những hành động của Nga chứ không có lệnh trừng phạt nào nhắm vào thực phẩm.

Quan chức này nói rằng, không nên xem cuộc chiến Ukraine là vấn đề cục bộ, mà hơn thế, nó đang đặt dấu hỏi đối với trật tự thế giới hậu Thế chiến II.

Theo Reuters
Copy Link
Mới nhất
x
Vừa khai mạc thượng đỉnh, G7 công bố lệnh cấm nhập khẩu vàng từ Nga
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO