Những kỷ niệm khó quên với nhà văn Sơn Tùng

Tôi may mắn được nhiều lần gặp và trực tiếp hầu chuyện nhà văn kính quý Sơn Tùng, được nhà văn tặng hầu hết các tác phẩm lớn của anh. Ấy là những tác phẩm về Chủ tịch Hồ Chí Minh như các tiểu thuyết: “Búp Sen Xanh”, “Búp sen vàng”, “Trái tim quả đất”, “Hoa râm bụt”,và các tác phẩm: “Sáng ánh tâm đăng Hồ Chí Minh”,“ Bác ở nơi đây”, “Nguyễn Ái Quốc qua hồi ức bà mẹ Nga”, “Những ngày bên Bác”… Gần đây nhất, tôi được chị Hồng Mai, vợ nhà văn gửi tặng cuốn “Sơn Tùng tuyển tập truyện, ký về Hồ Chí Minh – Quyển I” – Nhà xuất bản Văn học.

Nhà văn Sơn Tùng, tên thật là Bùi Sơn Tùng, sinh ngày 8/8/1928 tại làng Hoa Lũy, xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Ông tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1944 (70 năm tuổi đảng). Cuối năm 1967, ông được cử vào chiến trường miền Nam, để thành lập Báo Thanh niên miền Nam. Ngày 15/4/1971 ông bị thương nặng (hạng 1.4) tại chiến trường miền Đông Nam Bộ, phải ra Bắc điều trị. Ông là Hội Viên Hội nhà văn Việt Nam; được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động năm 2011.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và phu nhân tiếp nhà văn Sơn Tùng và Giáo sư Phan Ngọc tại nhà riêng- năm 1989. Ảnh gia đình cung cấp
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và phu nhân tiếp nhà văn Sơn Tùng và Giáo sư Phan Ngọc tại nhà riêng- năm 1989. Ảnh gia đình cung cấp

Tôi được gặp và tiếp chuyện nhà văn Sơn Tùng nhiều lần, kể cả khi đang công tác và khi đã nghỉ hưu. Hễ có việc ra Hà Nội, thì hầu như lần nào tôi cũng đến nhà riêng thăm anh chị. Về  thăm quê, anh thường nhắn gọi, và tôi lại được ngồi bên anh. Từ năm 2010, khi anh bị đột quỵ, nằm tại chỗ, không nói được; đến thăm anh, anh em chỉ nhìn nhau, mắt anh ứa lệ và tôi không cầm được nước mắt. Qua ánh mắt, tôi biết anh dành cho tôi tình cảm đặc biệt…

Trong số những lần tôi được bên anh, có 3 lần lưu đậm  kỷ niệm khó phai mờ.

Lần thứ nhất: Đó là vào tháng 5 năm 1996, nhà văn Sơn Tùng cùng các nhà văn từ Hà Nội về thăm Làng Sen, quê Bác. Hồi đó tôi đang công tác tại Ủy ban Mặt Trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An, được Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh – anh Hồ Phi Phục giao nhiệm vụ tiếp đón và hướng dẫn đoàn. Mừng và lo xen lẫn. Trong buổi gặp đầu vào chiều tối ngày 11/5, tôi được làm quen với nhà văn Sơn Tùng, nhà văn Siêu Hải và 3 nhà văn khác. Sáng ngày hôm sau, tôi lên xe của đoàn, dẫn đoàn tham quan quê ngoại và quê nội Bác Hồ. Thật xúc động khi bên anh, mới biết anh yếu, chân đi không vững, tay nắm không được – vì những vết thương chiến tranh. Thương tích, ốm yếu, nhưng anh vui vẻ, tự tin, bình thản trước mọi hoàn cảnh. Trong suốt chặng đường, mọi người trên xe đều nín lặng nghe anh kể chuyện. Anh nói về những nét riêng  đáng quý của xứ Nghệ, của người Nghệ với niềm tự hào. Anh đọc bài thơ “Gửi em chiếc nón bài thơ” của anh,  được nhạc sỹ Lê Việt Hòa phổ nhạc thành ca khúc cùng tên nổi tiếng.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho nhà văn Sơn Tùng. Ảnh: Nguyễn Đình Toán
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho nhà văn Sơn Tùng. Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Anh kể, bài thơ anh viết từ năm 1955, mới sau một năm Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, nhưng anh đã mơ đã viết về ngày thống nhất. Ít ai ngờ, đúng 20 năm sau bài thơ được phổ nhạc vào dịp thống nhất non sông. Anh tâm sự, bài thơ cũng làm anh bị kiện bởi tỉnh Thừa Thiên Huế, vì họ cho rằng “Nón bài thơ” chỉ có ở Huế, không nơi nào có được… Cả đoàn người trên xe ồ lên vì thích thú.

Không rõ đây là lần thứ mấy nhà văn thăm quê Bác, chỉ thấy anh giới thiệu như người thuyết minh chuyên nghiệp; nhiều chi tiết, nhiều hiện vật được anh giới thiệu rất sâu sắc như anh từng sống và lớn lên ở đây. Anh nói nhiều về hoa râm bụt – thứ hoa gắn bó với Bác suốt đời. Khi tham quan quê ngoại Bác ở làng Hoàng Trù, anh kể nhiều chuyện không có trong các sách báo, chưa ai nghe bao giờ. Tôi từng nhiều lần về đây cũng chưa bao giờ được biết, như chuyện về Bà Thanh, ông Cả Khiêm. Nghe anh nói, mọi người như nhìn thấy Bà Thanh, chị gái Bác Hồ đang một mình đối thoại bằng tiếng Pháp với cả toán lính Pháp quần áo rằn ri, súng ống dương lê hung dữ… Cuối cùng tên quan Ba chỉ huy đã chào Bà kính cẩn và ra lệnh rút quân, bỏ cuộc truy càn Việt Minh theo kế hoạch.

Đến thăm nhà Bác ở Làng Sen mọi người ai cũng muốn đi sát nhà văn hơn, để nghe rõ hơn, đầy đủ hơn những gì anh nói. Những chiếc phản gỗ, xa kéo sợi dệt vải, cái tủ nhỏ , chiếc giường tre, cái võng,… từng hiện vật đều được nhà văn kể chi tiết lý lịch cùng sự  gắn bó với tuổi thơ của Bác. Đoàn tiếp tục quây quanh nhà văn đến giếng Cốc, thăm lò rèn từng gắn với thời niên thiếu của Bác Hồ. Lắng nghe anh, càng nghe, càng thêm xúc động vì nhớ thương Bác. Lần đầu tôi thấy các nhà văn cao tuổi, từng trải, cũng sụt sịt, nhiều người lau nước mắt.

Du khách về thăm quê ngoại Bác Hồ ở làng Hoàng Trù; Di tích lò rèn Cố Điền - nơi gắn bó với tuổi thơ Bác Hồ.
Du khách về thăm quê ngoại Bác Hồ ở làng Hoàng Trù; Di tích lò rèn Cố Điền - nơi gắn bó với tuổi thơ Bác Hồ.

Có thêm một chi tiết đáng nhớ, ấy là lúc vào nhà thờ dâng hương lên Bác. Sau khi dâng hương với lời khấn thưa của nhà văn Sơn Tùng, cả đoàn cùng vào ghi lưu bút. Lúc ấy, còn lại một mình nhà văn Siêu Hải đang dâng lên bàn thờ Bác một tập sách và thầm khấn. Anh khấn dài, tôi và mọi người không nghe được nội dung. Rồi anh đốt tập bản thảo tại chỗ. Khi ra về anh nói: Tôi mời Bác đọc tập sách nói về tình cảm của các Cựu chiến binh với Tổ quốc và với Bác.

Lần thứ hai: Đó là khoảng năm 2001, tôi và Tổng Biên tập Báo Nghệ An – nhà báo Nguyễn Thế Kỷ cùng ra Hà Nội công tác. Trên đường đi tôi đề nghị là sau khi hoàn tất công việc, ta dành một khoảng thời gian tới thăm nhà văn Sơn Tùng. Nhà báo Nguyễn Thế Kỷ rất vui, hình như đây là lần đầu tiên anh đến thăm nhà một người mà anh từng kính trọng và ngưỡng mộ.

Sáng ngày thứ ba, sau khi đã hoàn tất mọi việc, chúng tôi đến thăm anh chị Sơn Tùng. Tôi giới thiệu TBT Báo Nghệ An với nhà văn Sơn Tùng. Anh pha trà mời anh em chúng tôi. Không hiểu sao tôi cảm giác anh như khỏe hơn mọi lần. Anh kể về những ngày với tư cách phóng viên Báo Tiền Phong thường trú khu vực Nghệ – Tĩnh. Anh đi đến mọi vùng, thấu rõ về đặc điểm từng vùng, về tình người và về đời sống Nhân dân. Biết hai anh em tôi là người Yên Thành, anh nêu những nét riêng của người dân Yên Thành làm chúng tôi ấm lòng. Rồi anh kể chuyện đã đi tìm cô Út Huệ ngay sau khi nước nhà thống nhất. Ngày ấy sức anh đã yếu lắm, và chỉ một mình đi. Anh tìm về xóm Chiếu, hỏi thăm chị Út Huệ nhiều người nói là có biết tên, nhưng không rõ ở đâu, còn sống hay mất… Nhà văn Sơn Tùng còn giới thiệu nơi đây, căn nhà nhỏ ở ngõ Văn chương, Khâm Thiên, Hà Nội đã nhiều năm là “Trụ sở” của “Chiếu văn”.

Nhà văn Sơn Tùng và vợ - bà Phan Hồng Mai.
Nhà văn Sơn Tùng và vợ - bà Phan Hồng Mai.

Chiếu văn là nơi hàn huyên của những nhà văn có chung sự đồng cảm và chí hướng. Lúc đầu nhà văn Sơn Tùng chỉ có ý mời những nhà văn người Nghệ – Tĩnh, và đó cũng là ý kiến của Học giả Phan Ngọc. Nhưng sau đổi thành nơi hội tụ những nhà văn tâm huyết và cùng chí hướng. Nhà văn kể lúc đầu chỉ 4-5 người, sau đó tăng dần lên đến hơn chục người. Tất cả quây quần quanh chiếc chiếu cói trải sàn. Chiếu Văn định kỳ hội tụ hàng tháng. Giáo sư Phan Ngọc là “trợ thủ” đắc lực nhất cùng nhà văn Sơn Tùng. Anh em chỉ có uống trà và trao đổi cùng nhau những tác phẩm mới của mình. Anh kể, nhạc sỹ Văn Cao trong một lần đến Chiếu Văn có dẫn nhà văn Siêu Hải đến và giới thiệu tham gia Chiếu Văn.

Anh nói Siêu Hải từng là chỉ huy pháo binh nổi tiếng trong cuộc chiến trên sông Lô, năm 1947 và được giao chỉ huy đánh mở màn trận Đông Khê, chiến dịch Biên giới năm 1950, từ đó Siêu Hải được coi là “Công thần pháo binh”. Hơn thế, Siêu Hải là “Nhân vật” trung tâm trong “Trường ca Sông Lô” của Văn Cao. Có điều anh không nói mà sau này tôi được biết, chính nhà văn Sơn Tùng đã dành 2 tháng để giúp nhà văn Siêu Hải hoàn thành tiểu thuyết “Sông Lô” sau 24 năm chờ đợi kể từ bản thảo đầu tiên…

Nhiều lần chúng tôi muốn xin phép được cáo lui, vì đã quá muộn, nhưng sức hút kỳ lạ từ câu chuyện, giọng nói, ánh mắt của anh nên chúng tôi cứ nghe, lắng nghe, quên cả  giờ về theo lịch hẹn.

Nhà văn kể chuyện cùng tác giả và vài vị khách, năm 2003. Ảnh: Trần Hồng
Nhà văn kể chuyện cùng tác giả và vài vị khách, năm 2003. Ảnh: Trần Hồng

Lần thứ ba: Mới đây, năm 2018 trong một lần gặp mặt lính Sư đoàn 316 tại nhà khách Quân khu Thủ đô. Xong việc, sáng hôm sau tôi đến thăm anh chị Sơn Tùng. Trước khi đi, tôi gọi nhà báo Hồng Đăng. Hồng Đăng nói ngay: “Thế à, thế anh chờ em đi với”. Trên xe, tôi nói nhà văn và gia đình khao khát mong muốn có Tuyển tập Sơn Tùng, đã hàng chục năm mà chưa thực hiện được. Gặp nhà văn khi anh không nói được. Anh nhận ra tôi, còn nhà báo Hồng Đăng thì cháu Bùi Sơn Định giới thiệu thật rõ, thật chậm để bố nghe. Chúng tôi ngồi bên anh. Hồng Đăng làm mát xa cho anh và nghe cháu Bùi Sơn Định kể về bố, về những mong ước của nhà văn và gia đình. Chúng tôi im lặng lắng nghe. Lúc ra về, xe vừa lăn bánh Hồng Đăng nói với tôi: “Việc này em làm được. Em sẽ bàn với anh Kỷ (Nguyễn Thế Kỷ bấy giờ là Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam), và Vũ (Nguyễn Anh Vũ, Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Văn học) cùng làm”.

Tôi mừng lắm, mừng vì điều mong ước của anh Sơn Tùng và gia đình đã có khả năng thực hiện được, tôi hiểu và tin Hồng Đăng, nói là làm… Chỉ mấy hôm sau đó Hồng Đăng đã tin cho tôi: Em bàn với anh Kỷ và Vũ rồi, tiến hành làm ngay anh nhé.

Vượt qua nhiều khó khăn, đầu năm 2019 tập sách “Sơn Tùng tuyển tập truyện, ký về Hồ Chí Minh – Quyển I” ra đời. Gia đình anh và tôi rất biết ơn Hồng Đăng, Nguyễn Thế Kỷ, Nguyễn Anh Vũ.

Khi ngồi viết những dòng này, nhà văn Sơn Tùng – người anh lớn của tôi đang nằm trong Khoa “Chăm sóc đặc biệt” của Bệnh viện Hữu nghị Việt – Xô. Tôi nhớ, thương và muốn được đến thăm anh dù chỉ ít phút, nhưng  đang  không thể, vì dịch bệnh.

Cầu mong anh vượt qua, như những lần bị thương giữa chiến trường, tưởng như không thể qua, nhưng anh đã vượt lên số mệnh.

Tháng 7 năm 2021

Sen hồng trong Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Kim Liên.
Sen hồng trong Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Kim Liên.