Những kỷ vật ở quê chung

Từ năm 1956 đến nay, việc giới thiệu, trưng bày các kỷ vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được triển khai thường xuyên tại Khu Di tích Kim Liên. Những kỷ vật chứa đựng nhiều thông điệp ý nghĩa, giúp chúng ta hiểu rõ hơn về cuộc đời của Bác và trân trọng hơn những giá trị nhân văn cao đẹp mà Người truyền lại.

Ở Khu Di tích Kim Liên còn lưu lại rất nhiều dòng lưu bút của các vị lãnh đạo Nhà nước qua các thời kỳ, của các đoàn khách quốc tế và cả của những người con đất Việt, thể hiện sự trân trọng, yêu quý tới Người – vị cha già kính yêu của dân tộc. Về thăm Kim Liên năm 1990, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã viết: “Xúc động được đến thăm quê hương và nơi sinh của Bác Hồ kính yêu. Được nghe kể về tuổi thơ của Bác, của các vị thân sinh ra Bác, tôi càng hiểu rõ Bác Hồ của chúng ta rõ ràng là có cái gốc yêu nước, thương dân và là một nhân sỹ…”.

Từ quê hương thứ 2 của Bác, đoàn cán bộ tỉnh Cao Bằng cũng không giấu được tình cảm “xúc động nghẹn ngào khi chúng con được tận mắt chiêm ngưỡng một thời ấu thơ giản dị mà phong phú của Bác. Lại nhớ ngày Bác về Cao Bằng với “cháo bẹ rau măng” mà gắn bó chúng con với Người, với cách mạng…”.

Từ những năm 1956, ngay sau khi kháng chiến chống Pháp thắng lợi, Đảng và Chính phủ đã có chủ trương khôi phục Di tích Làng Sen và Hoàng Trù và Khu Di tích Kim Liên được thành lập với tên gọi “Ban Xây dựng quê hương”. Để lưu giữ được nguyên vẹn di tích, trong những năm đầu tiên, người bảo vệ, trông coi nhà Bác chính là hàng xóm của Người, đó là các cụ Nguyễn Sinh Thoán, Nguyễn Sinh Vinh, Nguyễn Sinh Hảo…

Đến năm 1970, sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, nơi đây có thêm Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong gần 20 năm đầu Khu Di tích đi vào hoạt động, công tác sưu tầm các hiện vật, kỷ vật liên quan đến cuộc đời và thân thế, sự nghiệp của Bác Hồ và gia đình Bác được thực hiện hết sức khẩn trương và công phu. Trong những năm tháng chiến tranh, do sự phá hoại của bom đạn, để bảo vệ an toàn di tích, có thời điểm, di tích đã phải tháo dỡ, sơ tán, đưa các tài liệu, hiện vật về nơi an toàn.

Thời điểm này, đến Hoàng Trù, Làng Sen thăm quê ngoại, quê nội Bác Hồ, các di tích cũ được phục dựng gần như nguyên vẹn. Đến với quê hương Bác Hồ, người dân ở khắp mọi miền quê hương, đất nước và cả du khách nước ngoài đều ấn tượng với những hình ảnh rất đỗi chân phương, bình dị của gia đình Bác và những câu chuyện xung quanh cuộc đời của Người. Ở đây, nơi quê nội Bác Hồ vẫn còn đó ngôi nhà của ông Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc – món quà mà nhân dân Làng Sen đã tặng cho ông sau khi đậu phó ở Khoa thi hội Tân Sửu (1901).

Năm 1957, ngày về thăm nhà lần đầu tiên sau bao nhiêu năm xa cách, Bác Hồ đã đứng lặng trước bàn thờ, thắp nén hương thơm cho người thân. Ở nhà cụ Phó bảng cũng đang còn chiếc rương gỗ để đựng lương thực, chiếc mâm gỗ dùng để tiếp khách quý, có vườn hoa màu quanh năm xanh tốt mà khi về thăm quê, Bác còn nhớ rất rõ…

Trở lại thăm quê Bác sau 10 năm, chị Lê Xuân Minh ở Tân Trào (Tuyên Quang) tâm sự: “Tôi thực sự cảm động bởi dù đã trải qua rất nhiều năm nhưng các di tích, kỷ vật ở quê Bác đều được giữ nguyên vẹn. Nghe các câu chuyện về Bác, tôi cảm nhận được tình nghĩa của Bác và những người dân nơi đây, mọi thứ đều sâu lắng. Cuộc đời Bác, giản đơn, dung dị nhưng lại làm nên những điều kỳ vĩ”.

Trong Khu Di tích Kim Liên, khu nhà trưng bày các kỷ vật của Bác Hồ gắn với chủ đề “Quê hương, gia đình, thời niên thiếu” và “Bác Hồ đối với quê hương, quê hương đối với Bác Hồ” cũng để lại nhiều xúc động. Ở đây, hiện cũng đang trưng bày 1 chiếc xe ô tô Gát 69 – từng chở Bác Hồ trong lần Người về thăm quê năm 1957.

Lần giở lại các hồ sơ cũ, cũng được biết, chiếc xe vốn trước kia là do Ủy ban hành chính tỉnh quản lý, sau đó chuyển sang cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, sang Sở Tài chính và đến năm 1979 thì chuyển cho Trường Trung học Tài chính quản lý và sử dụng trưng bày. Năm 1997, nhân Kỷ niệm 40 năm Bác Hồ về thăm quê lần thứ nhất, Ban Giám hiệu Trường Trung học Tài chính đã quyết định bàn giao chiếc xe này cho Ban Quản lý Khu Di tích Kim Liên để bảo quản và

Phát biểu tại buổi lễ bàn giao, Hiệu trưởng nhà trường đã xúc động phát biểu: Chiếc xe ô tô Gát này đã gắn liền với cả quá trình chịu đựng gian khổ, quyết tâm phấn đấu để trưởng thành của nhà trường và cũng là bảo vật truyền thống rất đáng tự hào của nhà trường”. Dẫu vậy, “đây là chiếc xe tốt nhất của tỉnh để đón Bác” nên nhà trường “tự hào và sung sướng được bàn giao” cho Khu Di tích Kim Liên để có điều kiện phát huy tốt nhất giá trị quý báu của nó, phục vụ nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu về Bác Hồ vĩ đại của du khách trong và ngoài nước”.

Hiện ở Khu Di tích Kim Liên có khoảng 4.000 hiện vật liên quan đến cuộc đời của Bác Hồ. Tuy nhiên, theo ông Lân Đình Hùng – Trưởng phòng Sưu tầm kiểm kê bảo quản và trưng bày, Khu Di tích Kim Liên thì số hiện vật trưng bày chỉ chiếm một số lượng khá nhỏ, khoảng 500 hiện vật. Điều đáng trân trọng, trong số những hiện vật đang được cất giữ, ngoài một số hiện vật có được nhờ công tác sưu tầm thì còn rất nhiều hiện vật do các cơ quan, tổ chức và chính người dân trao tặng. Đó là chiếc áo lụa Bác Hồ tặng cho cụ Mạc Văn Tuân ở xã Chiêu Lưu (Kỳ Sơn), bộ quần áo kaki Bác Hồ tặng Anh hùng Lao động Nguyễn Trung Thiếp ở Nông trường Đông Hiếu…

Nhiều năm qua, những hiện vật được trưng bày tại Khu Di tích Kim Liên đã trở thành cầu nối, chứa đựng nhiều thông điệp ý nghĩa. Để qua đó, chúng ta hiểu hơn về cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lưu giữ những kỷ vật về Người cũng là lưu giữ một miền nhớ, miền thương để khi về với “Quê chung”, mỗi người con đất Việt thấy gắn bó, yêu thương hơn với mảnh đất này và trân trọng hơn những giá trị nhân văn, cao đẹp mà Người để lại cho chúng ta hôm nay…