Những lá đơn 'xin thoát nghèo'
(Baonghean) - Nhiều hộ ở Nghệ An viết đơn xin rút khỏi diện hộ nghèo. Điều đó thể hiện quyết tâm vươn lên trong cuộc sống, không trông chờ ỷ lại vào chế độ hỗ trợ của Nhà nước của các hộ nghèo.
Các cụ cao tuổi "xin thoát nghèo"
Trong cơn mưa rả rích đầu Đông, chúng tôi về thôn Cẩm Thắng, xã Cẩm Sơn (Anh Sơn), bà con đang xôn xao câu chuyện về những lá đơn xin thoát nghèo của 3 cụ già trong thôn.
“Năm 2018, thôn Cẩm Thắng còn 5 hộ nghèo, tất cả đều là người già và tàn tật. Năm nay trong quá trình rà soát, có 3 hộ tự nguyện xin rút khỏi diện hộ nghèo, trong đó có cụ ông 99 tuổi, sống một mình”, bà Cao Thị Lộc - Bí thư chi bộ cho biết.
Theo chân bà Lộc, chúng tôi ghé thăm ông Phạm Viết Lĩnh (SN 1920) - người đang “nổi tiếng” nhất trong thôn, bởi gần 100 tuổi, lại sống một mình nhưng vẫn xin thoát nghèo. Ngôi nhà nhỏ nằm khuất giữa vườn cây, bên trong chất đầy củi khô, cụ Lĩnh đang nằm nghe chương trình thời sự từ chiếc đài ra-đi-ô cũ kĩ.
Cụ kể về hoàn cảnh của mình: “Vợ tôi đã mất cách đây 63 năm, một mình nuôi 5 con, 4 trai và 1 gái, giờ 2 con trai đã mất, còn lại 3. Con cái ở gần nhưng không muốn làm phiền, vì đang đủ sức lo liệu, chi tiêu đã có tiền trợ cấp cho người già”. Sống một mình, cụ Lĩnh tự túc cơm nước và các sinh hoạt khác, chi phí trang trải trong tháng chủ yếu gói gọn trong số tiền 270.000 đồng tiền trợ cấp cho người cao tuổi. Vì thế, cụ sống tằn tiện, không phung phí bất cứ thứ gì, nấu ăn hoàn toàn bằng củi, điện chỉ dùng thắp sáng, mỗi tháng chỉ mất chừng 20.000 đồng tiền điện.
Hỏi về chuyện làm đơn thoát nghèo, cụ Phạm Viết Lĩnh đáp: “Nghe đài, biết có bà Đỗ Thị Mơ ở Thanh Hóa lên xã xin rút khỏi diện hộ nghèo, cũng vừa lúc cán bộ thôn và xã đến khảo sát, tôi cũng bày tỏ nguyện vọng xin rút. Vì mình già rồi, đã được hưởng trợ cấp của Nhà nước, khi cần thì có sự giúp đỡ của con cháu”.
Người dân các địa phương chăm lo sản xuất, chăn nuôi để thoát nghèo. |
Kém cụ Phạm Viết Lĩnh 9 tuổi, cụ bà Đinh Thị Trí (90 tuổi) cũng vừa làm đơn xin thoát nghèo. Cụ Trí sống với người con gái là Cao Thị Hường (SN 1960), bị bệnh thần kinh từ nhỏ, hai mẹ con hiện không còn đủ sức lao động, cuộc sống hàng ngày nhờ vào số tiền trợ cấp cho người cao tuổi và trợ cấp cho người khuyết tật, tổng số tiền chưa đến 700.000 đồng. “Số tiền này mẹ con phải chi tiêu tiết kiệm, chủ yếu mua thức ăn và thuốc thang. Khi nào quá thiếu thốn hay đau ốm nặng thì gọi đến con cháu ở gần”, cụ Trí nói. Cụ có 7 người con, ngoài chị Hường, còn có 4 con trai và 2 con gái, phần lớn đều ở trong xã. Hiện tại có 25 người cháu, 17 chắt và 1 chít. Vì thế, theo lời cụ, việc viết đơn thoát nghèo là để làm gương cho con cháu vươn lên trong cuộc sống.
Cụ Trần Thị Quý (SN 1932), cùng thôn, hiện sống một mình cũng làm đơn xin thoát nghèo.
Bà Ngô Thị Huyền - Phó trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Anh Sơn cho biết: “Thôn Cẩm Thắng là đơn vị đi đầu trong việc làm đơn xin thoát nghèo, từ Cẩm Thắng đã có thêm 2 hộ khác ở xã Cẩm Sơn cũng đã tự nguyện làm đơn. Bên cạnh đó, xã Tam Sơn cũng có 5 hộ xin thoát nghèo...”.
Lan tỏa tinh thần vượt khó
Lên Thạch Ngàn - một trong những xã khởi xướng phong trào viết đơn rút khỏi hộ nghèo ở huyện Con Cuông, chúng tôi lại nhận được tin vui khi năm nay đã có thêm những lá đơn mới. Mở đầu là lá đơn của anh Kha Văn Tuất (bản Kẻ Gia) được viết vào ngày 16/10, tiếp đến là anh Hà Đại Ngoan (bản Đồng Tâm) viết ngày 23/10.
Anh Kha Văn Tuất ở Thạch Ngàn - Con Cuông xin ra khỏi hộ nghèo. |
Sau anh Tuất và anh Ngoan, ở Thạch Ngàn có thêm 6 hộ đã gửi đơn xin thoát khỏi diện hộ nghèo. Đó là hộ anh Lữ Văn Hoài ở bản Tổng Xan; Vi Văn Tâm ở bản Kẻ Gia; Bùi Đức Minh ở bản Đồng Tâm; Lô Thị Chuyền, Lô Văn Chồng và Nguyễn Hữu Anh ở bản Khe Đóng. Các hộ này đều chung một lý do là kinh tế gia đình đã tạm ổn.
Chị Nguyễn Thị Minh Hằng - cán bộ chính sách xã cho hay, Thạch Ngàn tuy là xã nghèo, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn nhưng người dân luôn có ý thức vươn lên thoát nghèo, từng bước khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Tính từ năm 2012 - 2018, toàn xã có 34 hộ làm đơn xin thoát khỏi diện hộ nghèo, trong đó nhiều nhất là năm 2014 với 15 đơn. Cá biệt, năm 2017 có ông Lương Văn Quang (bản Đồng Thắng) đang điều trị ung thư dạ dày nhưng vẫn làm đơn xin thoát nghèo.
Anh Kha Văn Tuất nỗ lực làm thêm để cải thiện cuộc sống và viết đơn xin thoát khỏi hộ nghèo. |
Có thể nói Con Cuông là địa phương đi đầu trong phong trào người dân viết đơn xin thoát nghèo. Từ năm 2018 trở về trước toàn huyện có tổng số hơn 380 người làm đơn. Năm 2019 này, tính đến hết tháng 10 đã có gần 20 hộ viết đơn, mở đầu ở xã Thạch Ngàn, tiếp đến là các xã Lạng Khê, Châu Khê và Lục Dạ. Từ Con Cuông, phong trào bắt đầu lan tỏa sang huyện Anh Sơn, và theo thông tin chúng tôi vừa nhận được huyện Quỳ Châu đã có đơn xin thoát nghèo của ông Vi Văn Hùng ở bản Na Xén, xã Châu Hạnh.
Ông Lê Văn Thúy - Trưởng phòng Lao động - Tiền lương, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: “Hiện các địa phương đang gấp rút tiến hành rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, những lá đơn xin thoát nghèo ở Con Cuông, Anh Sơn và Quỳ Châu sẽ có tác động tích cực trong việc động viên người dân xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại, khắc phục khó khăn, quyết tâm vươn lên thoát nghèo, từng bước ổn định cuộc sống”.