Những lễ cúng tiêu tốn hàng chục triệu đồng của người nghèo vùng cao Nghệ An

30/09/2017 17:20

(Baonghean.vn) - Mỗi dân tộc vùng cao đều có nét văn hóa riêng trong đời sống tâm linh, tuy nhiên nhiều lễ cúng của họ còn mang nặng hủ tục, tiêu tốn hàng chục triệu đồng.

Kỳ Sơn là địa bàn sinh sống của nhiều dân tộc thiểu số như: Mông, Thái, Khơ mú. Mỗi dân tộc hầu như đều được phân bố trong một khu vực nhất định theo bản, xã và dòng họ. Việc sinh sống tập trung này đã bảo tồn được những nét văn hóa đáng quý mang đậm bản sắc của các dân tộc. Tuy nhiên, trong một năm diễn ra quá nhiều lễ cúng lớn nhỏ đã khiến nhiều hộ gia đình phải bỏ ra một khoản chi phí không nhỏ.

Theo già làng Lầu Xái Phia trú ở bản Nậm Khiên 2 (xã Nậm Càn) thì trong cộng đồng dân tộc Mông của ông mỗi năm có nhà tổ chức từ 4-5 lễ cúng lớn nhỏ. Ấy là chưa kể các lễ cúng phát sinh khác như làm vía, đặt tên cho con, đặt tên cho chàng rể...

Lễ cúng đặt tên cho chàng rể của người Mông. Ảnh: Đào Thọ
Lễ cúng đặt tên cho chàng rể của người Mông. Ảnh: Đào Thọ

Chỉ tính đơn giản như lễ đặt tên cho chàng rể, nhiều người vừa chân ướt chân ráo lấy vợ về cũng đã phải bỏ ra hàng chục triệu để làm lễ. Anh Xồng Bá Thái trú ở bản Thăm Hón (xã Na Ngoi - Kỳ Sơn) vừa được bên ngoại làm lễ đặt tên cho xong tỏ vẻ rất háo hức.

Thấy chúng tôi tỏ ra tò mò, anh giải thích: “Người Mông là vậy, lúc sinh ra được bố mẹ mình đặt tên rồi nhưng lấy vợ xong còn phải mời bố mẹ vợ đặt lại tên cho một lần nữa. Cái tên này sẽ đi theo người Mông đến hết cuộc đời”. Ai lấy vợ rồi mà chưa làm lễ này coi như còn mang tiếng nợ bên ngoại. Nhà có nghèo đến mấy nhưng họ cũng phải kiếm cho được một con lợn chừng 150 kg cùng các loại thức ăn khác nữa và mời thầy mo, bà con làng bản đến dự.

Một lễ làm vía của người Mông với đồ cúng là lợn, dê. Ảnh: Đào Thọ
Một lễ làm vía của người Mông với đồ cúng là lợn, dê. Ảnh: Đào Thọ

Mới sáng sớm, mọi người trong bản đã tập trung rất đông đến dự lễ đặt tên cho Xồng Bá Thái. Thanh niên trai tráng làm thịt lợn, phụ nữ chuẩn bị rau cỏ…nhộn nhịp vô cùng. Giữa nhà, một già làng đang làm lễ cúng để xin cho con cháu mình được đổi sang tên khác. Sau một hồi, cái tên Xồng Bá Thái được đổi sang Xồng Rua Thái, mọi người vui mừng ăn uống chúc mừng cho anh mãi đến tận canh khuya mới tan cuộc.

Những thức ăn này một phần được chia cho thầy cúng, một phần gia chủ mời bà con làng bản đến dự. Ảnh: Đào Thọ
Những thức ăn này một phần được chia cho thầy cúng, một phần gia chủ mời bà con làng bản đến dự. Ảnh: Đào Thọ

Theo Thái cho biết, nhà anh rất nghèo nên phải tằn tiện chắt bóp mãi, 3 năm sau mới mời bên ngoại làm lễ đặt tên được. Chi phí lần này tính ra cũng đến cả chục triệu đồng. “Không biết năm nay có phải làm lễ nào nữa không, bây giờ nhà cũng sạch tiền rồi” - chàng rể ngậm ngùi.

Còn tại những bản làng người Khơ Mú, việc cúng tế cũng diễn ra thường xuyên và lãng phí không kém. Một trong những lễ gây lãng phí lớn nhất là lễ “ăn trâu”.

Ông Xeo Phò Mạnh trú ở bản Cha Ca 1 (xã Bảo Thắng) kể: Trong cuộc đời một người đàn ông khi đã trưởng thành phải phải có một lần làm lễ này cho tổ tiên. Ai chưa làm coi như chưa hoàn thành nghĩa vụ với tổ tiên. Những ai chưa làm lễ “ăn trâu”, tổ tiên có thể “nhắc nhở” bằng cách tạo ra một điều kỳ lạ nào đó khiến chính người trụ cột trong gia đình gặp phải. Chẳng hạn như anh ta có thể nhìn thấy một con rắn hoặc con tê tê bò đi trong đám cháy đốt nương. Lửa đang cháy rừng rực mà nó vẫn sống bình thường. Người Khơ mú ở đây cho rằng đó là tổ tiên về báo điềm gở, liền tìm đến một thầy mo nhờ “xem” giúp. Nếu thầy mo bảo rằng: “cha mẹ về đòi ăn trâu” thì nhất thiết nhà đó phải tổ chức lễ tế trâu trong một thời gian sớm nhất. Đây là một nghi lễ tốn kém nên không phải nhà nào cũng làm được. Bởi thế cần có thời gian dài để chuẩn bị.

Chiếc Then dùng trong lễ
Chiếc Then dùng trong lễ "ăn trâu" của người Khơ Mú. Ảnh: Đào Thọ

Dù phải chuẩn bị trong vòng một hay vài năm thì cuối cùng lễ tế trâu vẫn phải diễn ra. Người ta cho rằng làm lễ “ăn trâu” là để tạ ơn ông bà, cha mẹ, những người đã trực tiếp nuôi ta khôn lớn. Ngoài tổ tiên ra thì những vị thần linh, là các Then ở trên trời cũng có phần trong lễ ăn trâu. Theo ông Xeo Phò Mạnh, các Then cũng là những đấng sinh thành, nuôi dưỡng và bảo vệ chúng ta từ khi chào đời cho đến lúc chết đi. Đó là khi người đã xong nhiệm vụ ở mường người và các Then gọi về mường Trời.

Chiếc đầu trâu được giữ lại sau lễ
Chiếc đầu trâu được giữ lại sau lễ "ăn trâu". Ảnh: Đào Thọ

Lễ “ăn trâu” nhất thiết phải được tổ chức vào ngày giỗ của người đã khuất từng là trụ cột của gia đình, bố hoặc ông nội của gia chủ chặng hạn. Đối với người Khơ mú ở Bảo Thắng, ngày giỗ cũng là một ngày kiêng. Trong ngày hôm đó người ta nghỉ việc lên rẫy, vào rừng và các hoạt động kinh tế khác. Nếu đi ra khỏi nhà cũng không được đóng cửa chính vì cho rằng nếu đóng cửa ma nhà về ăn giỗ sẽ không vào được trong nhà. Lẽ đương nhiên thì ngày làm lễ “ăn trâu” cũng là một ngày thiêng.

Để chuẩn bị cho lễ “ăn trâu” quả là một kỳ công. Trước tiên một con trâu để hiến tế đã được chủ nhà nuôi chờ sẵn. Ai không có trâu thì phải đi mua. Riêng đối với dòng họ Cụt ở bản Ca Da (Bảo Thắng - Kỳ Sơn) thì lại hiến tế bò thay cho trâu.

Biểu tượng kiêng kỵ của người Khơ Mú khi trong nhà có lễ cúng. Ảnh: Đào Thọ
Biểu tượng kiêng kỵ của người Khơ Mú khi trong nhà có lễ cúng. Ảnh: Đào Thọ

Ông Xeo Phò Mạnh chia sẻ rằng: Để làm được một lễ ăn trâu là rất tốn kém, nhất là trong điều kiện kinh tế hiện nay, 1 con trâu làm lễ có giá khoảng 20 triệu đồng. Thế nhưng, vì “trách nhiệm” với tổ tiên và các Then nên người đàn ông Khơ mú khi trưởng thành cho đến về già ít nhất phải tổ chức một lần. Chính vì thế có nhà đã trở nên nghèo hơn sau lễ “ăn trâu”.

Rõ ràng cuộc sống đang ngày càng hiện đại nhưng những nghi lễ tốn kém mang nhiều yếu tố mê tín dị đoan vẫn còn tồn tại trên các bản nghèo vùng cao. Thiết nghĩ cần sớm khắc phục được những yếu tố này để nền văn hóa được “sạch” hơn./.

Đào Thọ

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Những lễ cúng tiêu tốn hàng chục triệu đồng của người nghèo vùng cao Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO