Những loài ngoại lai xâm hại khoa học đau đầu tìm cách diệt trừ

vnexpress.net 14/10/2018 15:37

Cây mai dương, bìm bôi hoa vàng... đều có sức sống mãnh liệt, khả năng nhân bản nhanh và hút kiệt dinh dưỡng của cây trồng.

Cây mai dương (tên khoa học Mimosa pigra) hay còn gọi là cây trinh nữ nhọn, mắt mèo, trinh nữ đầm lầy, có nguồn gốc từ trung Mỹ và nam Mỹ. Đây là loài cỏ dại được xếp vào diện nguy hiểm thứ 3 trên thế giới và nằm trong danh sách 100 loài sinh vật gây hại nguy hiểm nhất đối với hầu hết các quốc gia, do khả năng lan rộng nhanh, hạt có thể nảy mầm sau 20 năm, đốt, san lấp vẫn mọc lại.

Du nhập vào Việt Nam từ năm 1960 đến nay, cây mai dương hiện lan khắp trên nhiều địa phương trong cả nước. Cả trên sườn đồi, những vùng đất cát sỏi và khu đất ngập nước cây đều phát triển tốt. Những vùng đất cây mai dương mọc không có cây nào cạnh tranh được.

Người dân diệt trừ cây mai dương.

Khảo sát của PGS Nguyễn Hồng Sơn, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho thấy các vùng bán ngập thuộc đồng bằng sông Cửu Long, lòng hồ thủy điện như Trị An, Thác Bà, Hòa Bình..., cây mai dương mọc dày tạo thành những vành đai rộng lớn.

Ở Lâm Đồng có gần 200 ha mai dương mọc rải rác dọc bờ sông Đa Nhim. Hàng năm địa phương này phải chi hàng trăm triệu đồng từ ngân sách cho việc xử lý cây mai dương.

Khu vực sông La Ngà (Đồng Nai) cây này cũng chiếm nhiều diện tích đất nông nghiệp. Trước mỗi vụ gieo trồng họ phải chi gần 2 triệu đồng cho việc chặt, đốt cây mai dương.

Đến thời điểm này chưa cơ quan nào tìm ra biện pháp trừ tận gốc đối với loài thực vật xâm hại này.

Tiêm thuốc vào thân để diệt bìm bôi hoa vàng

Cây bìm bôi (tên khoa học là Merremia boisiana) thuộc họ Bìm bìm. Cây nhìn giống lá khoai lang nên có người gọi là cây lang rừng hoặc cây lá bạc. Cây thuộc dạng leo bám, thân gỗ có đường kính đến 8cm, leo cao khoảng 10m nên có thể lấy hết ánh sáng, làm chết các cây phía dưới.

Theo PGS Trần Đình Hòe, Hội Bảo vệ thiên nhiên môi trường Việt Nam, loài cây leo này có nguồn gốc ở vùng khí hậu nhiệt đới đảo Hải Nam và khu Tự trị dân tộc Choang (Quảng Tây- Trung Quốc), được gọi là Jinzhongteng hoặc Sát thủ kiều mộc.

Cây phát tán rất nhanh bằng hạt, chồi, rễ và thân. Cây Bìm bôi xâm nhập vào nước ta khoảng mấy chục năm trước đây, mọc ở dưới chân đèo Hải Vân. Đến nay các nhà khoa học đã phát hiện ở Việt Nam chi Bìm bìm có tới 17 loài và 3 thứ.

Cây bìm bôi.

Loài Bìm bôi đã xuất hiện ở Sa Pa (Lào Cai), Lạng Sơn, Quảng Ninh, Vườn quốc gia Bạch Mã, Nam Đông (Thừa Thiên- Huế), các đai cao của khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà và Bà Nà (Đà Nẵng)...

Các địa phương đã tốn nhiều tiền cho việc diệt trừ cây này nhưng không hiệu quả. Mới đây Quảng Bình đã có kế hoạch tiêu diệt thử nghiệm trên 100 ha thuộc phân khu dịch vụ - hành chính.

Viện Môi trường nông nghiệp cũng thực hiện đề tài nghiên cứu cấp nhà nước để tìm giải pháp ngăn chặn sự phát triển của cây bìm bôi bằng cách tiêm thuốc trừ cỏ vào thân cây trưởng thành.

Thuốc bảo vệ thực vật sẽ thâm nhập vào cây trong khoảng 30-40 phút. Sau 20 ngày, cây vàng lá và chết dần. Từ ba đến sáu tháng, cây chết hoàn toàn tùy thuộc vào đường kính thân cây. Biện pháp này đã được thử nghiệm xây dựng mô hình thành công ở Đà Nẵng.

Dân điêu đứng vì ốc bươu vàng

Ốc bươu vàng là một trong những loài gây hại mạnh nhất ở Việt Nam. Loài này đã được nhập vào Việt Nam từ trước năm 1975 với mục đích làm cảnh. Năm 1989, hai trang trại nuôi ốc bươu vàng được thành lập tại Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh để nhân nuôi và xuất khẩu ốc bươu vàng. Đến năm 1990, việc nuôi thử nghiệm ốc bươu vàng được bắt đầu ở miền Bắc Việt Nam.

Sau đó ốc bươu vàng nhanh chóng phát tán dọc theo các thủy vực và hiện đã được ghi nhận ở hầu hết các vùng tại Việt Nam. Chúng có thể đẻ trứng khắp nơi, bám vào cành cây, ngọn cỏ, thậm chí đẻ cả trên các sườn gạch, đá.

Thức ăn của chúng là hầu hết các loài thực vật nên đe dọa nghiêm trọng đối với đa dạng sinh học cũng như sản xuất nông nghiệp.

Ốc bươu vàng.

Nhiều năm qua người dân đã phải dùng các biện pháp như bắt, rải vôi bột, phun thuốc trừ sâu để hạn chế sự xâm hại của ốc bươu vàng nhưng vẫn chưa thực sự hiệu quả.

Bên cạnh đó còn nhiều loài ngoại lai như chuột hải ly, chồn nhung đen, cây ngũ sắc, lục bình... cũng từng làm cả cơ quan quản lý đến người dân điêu đứng vì khó tìm biện pháp ngăn chặn sự phát triển của chúng.

Theo giới chuyên môn, Việt Nam cần áp dụng triệt để và nghiêm ngặt các biện pháp kiểm dịch, chủ động ngăn chặn các con đường lây lan của sinh vật ngoại lai. Đây là những loài đe dọa đến sinh kế của người dân và nền nông nghiệp.

Mới nhất

x
Những loài ngoại lai xâm hại khoa học đau đầu tìm cách diệt trừ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO