Những lưu ý chủ xe cần làm trước khi đi đăng kiểm ô tô để tránh bị trả về
Để tránh mất thời gian đi lại nhiều lần, chủ xe nên kiểm tra sơ bộ chiếc xe của mình trước mang đi đến trung tâm đăng kiểm ô tô.
Những người mua xe lần đầu mua xe hay mới mua xe cũ, có xe sắp hết thời hạn đăng kiểm sẽ thường khá lo lắng và không biết mình cần phải làm gì trước khi mang đến trung tâm đăng kiểm xe cơ giới.
Theo chia sẻ của các chuyên gia trong lĩnh vực sửa chữa và bảo dưỡng ô tô, có những bộ phận mà chủ xe có thể tự kiểm tra và xử lý được. Trong khi đó, một số thứ khác sẽ cần phải có sự can thiệp bằng các thiết bị sửa chữa chuyên biệt để xe có thể đăng kiểm xe một cách thuận lợi.
Kiểm tra tổng quát bằng mắt thường
Ở công đoạn này, chủ xe lưu ý kiểm tra trước một số hạng mục như sau:
- Màu sơn: Nếu mua xe cũ, chủ xe cần kiểm tra màu sơn của xe cần phải trùng với màu sắc được ghi trong đăng ký. Ngoài ra, Thông tư 30/2024 của Bộ GTVT có hiệu lực từ ngày 1/10/2024 sẽ từ chối đăng kiểm nếu trên 50% diện tích xe có màu sơn khác đăng ký.
- Hệ thống đèn: Gồm có đèn chiếu sáng và đèn tín hiệu. Chủ xe có thể kiểm tra xem các đèn pha/cos, đèn sương mù (nếu có), đèn xi nhan, đèn báo lùi, đèn phanh, đèn soi biển số có hoạt động tốt hay không. Riêng đèn chiếu sáng trước có thể kiểm tra bằng cách đỗ xe vuông góc với tường ở khoảng cách 5m, nếu hai bên không cân bằng thì có thể tự điều chỉnh sao cho chiều cao của luồng sáng sẽ vào khoảng 1-1,1m.
- Hệ thống phanh: Chủ xe nên tháo bánh xe để vệ sinh bộ phận phanh, cần vệ sinh kỹ hơn đối với xe có trang bị phanh tang trống. Ngoài ra, chủ xe có thể kiểm tra phanh bằng cách đi thử và phanh. Nếu khi phanh phát ra tiếng kêu, chân phanh nặng hoặc xe bị rung lắc thì cần phải mang xe đến các gara để kiểm tra.
- Lốp xe: Kiểm tra lốp xe xem có đúng với kích cỡ ghi trong giấy chứng nhận đăng kiểm hay không. Nếu lốp xe đã bị mòn tới dấu chỉ báo độ mòn của nhà sản xuất thì bạn cần thay lốp mới để đảm bảo an toàn và yên tâm khi đi đăng kiểm ô tô.
- Kính chắn gió: Kiểm tra xem có vị trí nào bị rạn nứt hay không.
- Gạt mưa, phun nước rửa kính: Cần hoạt động bình thường.
- Ghế ngồi: Không bị lung lay, tựa đầu không bị hỏng.
- Dây an toàn: Hoạt động bình thường tại các vị trí, không bị hỏng, rách.
Kiểm tra bằng thiết bị chuyên dụng tại gara sửa chữa
- Kiểm tra hệ thống kim phun, cảm biến khí thải: Các vấn đề về khí thải là một trong những nguyên nhân khiến nhiều xe trượt đăng kiểm, chủ yếu là xe đời sâu, trên 10 năm, với xe mới từ 3-7 năm ít xảy ra. Để tránh điều này, chủ xe nên thường xuyên vệ sinh các chi tiết như bugi, kim phun, họng hút gió, đồng thời thay thế các cảm biến oxy, lọc gió theo đúng khuyến cáo của nhà sản xuất.
- Kiểm tra và thay dầu, thay lọc: Khi mang xe đến gara, chủ xe nên yêu cầu phía gara kiểm tra dầu động cơ, dầu phanh, dầu hộp số, đồng thời các loại lọc dầu, lọc nhiên liệu và lọc gió. Điều này sẽ giúp xe có thể vượt qua các bài kiểm tra liên quan đến khí thải và tiếng ồn.
- Kiểm tra độ chụm của bánh xe: Do mắt thường khó có thể nhận ra sự sai lệch độ chụm bánh xe nên yếu tố kỹ thuật này cần phải được đo bằng các máy móc chuyên dụng.
- Kiểm tra các moay ơ và phanh: Má phanh mòn nên thay mới, kiểm tra các moay ơ nếu thấy bánh xe phát ra tiếng ồn hoặc rung lắc khi di chuyển.
- Kiểm tra cường độ ánh sáng và độ lệch của đèn pha: Để thực hiện bước kiểm tra này, chủ xe sẽ phải tìm đến các gara sửa chữa có thiết bị máy đo chuyên dụng.
Ngoài ra, những phụ kiện như giá nóc, cản trước/sau, cánh lướt gió, mặt ca-lăng,... cũng là những chi tiết cần kiểm tra kỹ trước khi đưa xe đi đăng kiểm. Nếu lắp những phụ kiện này trái phép, chủ xe không chỉ bị từ chối đăng kiểm mà còn có thể bị lực lượng chức năng như CSGT xử phạt.