Chuyển đổi số

Những mẹo hay để sử dụng hiệu quả ChatGPT và các chatbot AI khác

Phan Văn Hòa 13/07/2025 14:57

Nếu bạn thấy kết quả từ ChatGPT hay bất kỳ chatbot nào khác chưa như kỳ vọng, đừng vội trách các chatbot này. Vấn đề có thể nằm ở cách bạn đặt câu hỏi, chỉ cần tinh chỉnh lời nhắc, bạn sẽ ngạc nhiên với những gì nhận được.

Các chatbot AI tạo sinh như ChatGPT của OpenAI, Gemini của Google hay Claude của Anthropic đang ngày càng phổ biến, len lỏi vào nhiều khía cạnh trong đời sống số của chúng ta, từ làm việc, học tập cho đến giải trí. Chúng là những công cụ mạnh mẽ có khả năng hỗ trợ hàng loạt nhiệm vụ, từ soạn thảo văn bản, phân tích dữ liệu đến viết mã hay lập kế hoạch.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, điều quan trọng mà nhiều người dùng thường bỏ qua là chất lượng phản hồi của chatbot phụ thuộc rất lớn vào cách bạn đặt câu hỏi, tức lời nhắc (prompt). Nói cách khác, đầu vào tốt sẽ cho đầu ra chất lượng. Và bạn hoàn toàn có thể học cách “nói chuyện” hiệu quả hơn với chatbot để khai thác tối đa khả năng của nó.

Dưới đây là một số mẹo đơn giản nhưng hữu ích, được rút ra từ chính những người xây dựng các mô hình AI, giúp bạn cải thiện lời nhắc và nhận được câu trả lời chất lượng hơn từ chatbot.

Hãy cụ thể hóa yêu cầu của bạn, càng rõ, chatbot càng hiểu đúng

ChatGPT không thể đọc được suy nghĩ của bạn. Vì thế, nếu muốn nhận được phản hồi chất lượng, bạn cần đưa ra hướng dẫn rõ ràng và chi tiết về điều mình mong muốn. Không giống như việc tìm kiếm trên Google, nơi chỉ vài từ khóa cũng có thể cho kết quả, chatbot cần nhiều hơn thế vì nó cần ngữ cảnh.

Ví dụ, nếu bạn chỉ gõ “thiết kế một logo”, câu trả lời có thể rất chung chung và khó làm bạn hài lòng. Thay vào đó, hãy cung cấp thêm thông tin như logo dành cho công ty nào, thuộc ngành nghề gì, phong cách thiết kế ra sao với phong cách hiện đại, tối giản hay cổ điển?

Theo khuyến nghị của OpenAI, nhà phát triển ChatGPT, lời nhắc hiệu quả nên “rõ ràng, cụ thể và cung cấp đầy đủ ngữ cảnh để mô hình hiểu chính xác yêu cầu của bạn”. Tránh dùng những câu mơ hồ; càng chi tiết, kết quả càng sát với mong đợi.

Đừng ngại tinh chỉnh lời nhắc, chatbot càng “trao đổi” nhiều, kết quả càng tốt hơn

Tương tác với chatbot giống như trò chuyện với một người bạn hiểu biết, hiếm khi bạn nhận được câu trả lời hoàn hảo ngay từ lần đầu tiên. Thay vì dừng lại sau phản hồi đầu tiên, hãy tiếp tục bằng cách đặt câu hỏi tiếp theo, làm rõ yêu cầu ban đầu hoặc điều chỉnh cách diễn đạt để dẫn dắt chatbot đúng hướng.

OpenAI khuyên rằng bạn nên “điều chỉnh cách diễn đạt, thêm ngữ cảnh hoặc đơn giản hóa yêu cầu nếu cần” để cải thiện chất lượng phản hồi. Việc tinh chỉnh lời nhắc không chỉ giúp chatbot hiểu rõ hơn mà còn mở ra những khả năng sâu sắc hơn từ mô hình.

Google cũng có lời khuyên tương tự dành cho người dùng Gemini, nếu kết quả chưa như mong đợi, hãy thử “một vài cách tiếp cận khác nhau”. Đôi khi, bạn sẽ cần đến một chuỗi trao đổi qua lại, xem xét, điều chỉnh, đặt lại câu hỏi để đi đến câu trả lời thực sự phù hợp.

Nói cách khác, đừng chỉ gửi một câu lệnh rồi bỏ đó. Chatbot làm việc tốt nhất khi bạn coi nó như một quá trình hợp tác, không phải máy tìm kiếm một chiều.

Xác định giọng điệu và đối tượng: Chìa khóa để có phản hồi sát nhu cầu

Khi tương tác với chatbot AI, bạn không chỉ nhập yêu cầu nội dung, mà còn có thể chỉ định phong cách và giọng điệu phản hồi mà bạn mong muốn. Đây là một kỹ thuật quan trọng giúp cá nhân hóa kết quả và khiến phản hồi phù hợp hơn với bối cảnh sử dụng thực tế.

Theo OpenAI, những từ chỉ phong cách như “trang trọng”, “thân thiện”, “hài hước”, “chuyên nghiệp” hay “nghiêm túc” có thể định hình cách mà chatbot trình bày câu trả lời.

Bên cạnh đó, bạn cũng nên xác định rõ đối tượng tiếp nhận thông tin là ai, ví dụ: học sinh cấp hai, nhân viên văn phòng hay chuyên gia kỹ thuật. Những yếu tố này sẽ ảnh hưởng đến ngôn ngữ, mức độ chi tiết và cách tiếp cận nội dung.

Chẳng hạn, bạn có thể yêu cầu ChatGPT giải thích vật lý lượng tử bằng phong cách của một giáo sư đang giảng bài cho lớp cao học. Hoặc với cùng chủ đề đó, bạn có thể yêu cầu giọng điệu giản dị, như một giáo viên đang kể chuyện cho học sinh trung học.

Tuy nhiên, các chuyên gia AI vẫn còn tranh luận về tác động của việc “định hình nhân vật” trong lời nhắc. Một mặt, điều này giúp tạo ra phản hồi tự nhiên, gần gũi và đúng trọng tâm hơn. Nhưng mặt khác, nếu giọng điệu quá đồng cảm hoặc quá quyền uy, nó có thể khiến văn bản mang tính dẫn dắt, gây cảm giác bị thao túng.

Dù vậy, khi được sử dụng hợp lý, việc xác định giọng điệu và đối tượng có thể biến chatbot thành một người trợ lý ngôn ngữ thực sự linh hoạt và hiệu quả.

Bối cảnh và ví dụ cụ thể: “Gia vị” giúp chatbot hiểu đúng ý bạn

Muốn nhận được phản hồi hữu ích và sát nhu cầu hơn từ chatbot? Hãy cung cấp nhiều bối cảnh và ví dụ cụ thể. Đừng chỉ dừng lại ở một yêu cầu chung chung như: “Giúp tôi lên kế hoạch cho chuyến đi một tuần tới Luân Đôn”. Với lời nhắc kiểu đó, bạn sẽ chỉ nhận được danh sách các điểm đến phổ biến như tháp đồng hồ Big Ben, Bảo tàng Anh, công viên Hyde, một vài khu phố nổi tiếng và gợi ý ghé thăm Lâu đài Windsor, những gì mà bất kỳ sách hướng dẫn hay trang web du lịch nào cũng có thể cung cấp.

Thay vào đó, hãy cho chatbot biết rõ bạn là ai, nhu cầu thực tế là gì và điều gì nên được ưu tiên. Ví dụ: “Giúp tôi lên kế hoạch cho chuyến đi kéo dài một tuần tới Luân Đôn vào tháng 8 cho gia đình 4 người. Chúng tôi yêu thích sân khấu, không quan tâm nhiều đến địa điểm lịch sử, không uống rượu, cần chỗ ở tầm trung và quán ăn tối giá rẻ”.

Với bối cảnh như vậy, ChatGPT có thể đề xuất một hành trình sát hơn nhiều như gợi ý khách sạn gần khu West End, lịch xem kịch theo ngày, những hoạt động rẻ mà thú vị cho gia đình, và loạt địa điểm ăn uống thân thiện với ngân sách.

Càng cụ thể, chatbot càng dễ hiểu điều bạn cần và phản hồi nhận lại sẽ không chỉ “chính xác hơn” mà còn “có ích thực sự”.

Đặt giới hạn: Cách đơn giản để có phản hồi súc tích, dễ hiểu hơn

Một trong những cách hiệu quả nhất để cải thiện phản hồi từ chatbot là đặt giới hạn cụ thể cho yêu cầu của bạn. Không phải lúc nào càng dài, càng chi tiết cũng là tốt, đôi khi, càng ngắn gọn càng dễ nắm bắt.

Bạn hoàn toàn có thể yêu cầu ChatGPT hoặc bất kỳ chatbot AI nào trả lời trong một khuôn khổ nhất định như giới hạn số từ, số đoạn hoặc số điểm chính. Ví dụ, thay vì yêu cầu “giải thích vật lý lượng tử”, hãy thử: “Giải thích vật lý lượng tử trong vòng 150 từ, với 3 điểm cốt lõi”. Khi đó, thay vì một bài diễn giải phức tạp ngập tràn thuật ngữ như hàm sóng, qubit hay nguyên lý bất định, bạn sẽ nhận được một bản tóm lược dễ hiểu, tập trung vào những ứng dụng thực tế như laser hay smartphone.

OpenAI và Google đều khuyến nghị sử dụng giới hạn như một công cụ để kiểm soát độ dài và mức độ chi tiết của phản hồi. Đó là cách giúp bạn tránh bị “ngợp” trong thông tin, đặc biệt khi chỉ cần một câu trả lời nhanh, rõ và sát nhu cầu.

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
Những mẹo hay để sử dụng hiệu quả ChatGPT và các chatbot AI khác
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO